Công ty “đuổi khéo” khi đang mang thai, xử lý ra sao?
Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi (Ảnh: X.H).
Bạn đọc Nguyễn Thị Lan (37 tuổi, ngụ tại thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận) thắc mắc: “Tôi đang mang thai con thứ 3 được 25 tuần. Do sức khỏe yếu nên tôi thường phải xin về sớm hoặc nghỉ giữa giờ. Gần đây, công ty ít việc, quản lý liên tục nhắc khéo tôi nên tự nguyện xin nghỉ việc để ở nhà chăm sóc thai nhi. Tôi cảm thấy bị tổn thương nhưng không biết xử lý ra sao?”.
Nữ công nhân may ở TPHCM, Trần Lan Anh (29 tuổi) cũng có cùng câu hỏi: “Khi đang mang thai, công ty có quyền đuổi việc hay không? Một số công ty yêu cầu nhân viên trong năm đầu tiên làm việc không được mang thai có đúng quy định?”
Thông tin về những thắc mắc trên, luật sư Nguyễn Anh Dũng – Đoàn luật sư TPHCM cho hay, Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 nghiêm cấm người sử dụng lao động sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
“Do đó, dù doanh nghiệp và người lao động có thỏa thuận miệng hay bằng văn bản về việc sa thải nữ nhân viên khi đang mang thai cũng đều trái pháp luật. Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới”, ông Dũng nhấn mạnh.
Tiếp đó, Điều 138 Bộ luật Lao động 2019 cho phép lao động nữ mang thai mà có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi, được quyền tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Khi tạm hoãn hợp đồng, lao động nữ mang thai phải thông báo cho người sử dụng kèm theo xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh.
Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Theo khoản 1 Điều 78 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng của lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động; các chế độ về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ốm đau, thai sản, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần.
“Khi quản lý muốn đuổi việc vì lý do đang mang thai, lao động nữ cần kiến nghị lên các cấp cao hơn để yêu cầu được đảm bảo quyền lợi. Nếu lãnh đạo cấp cao vẫn không thể đáp ứng yêu cầu thì người lao động có thể kiến nghị công đoàn, phòng LĐ-TB&XH vào cuộc xử lý”, Luật sư Dũng khẳng định.
Ngoài ra, theo Luật sư Dũng, Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày. Trường hợp ở xa cơ sở khám, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.
Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng nhấn mạnh, khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tối đa 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.