Công ty của thiếu gia Minh Nhựa kinh doanh gì?
Công ty của thiếu gia Minh Nhựa kinh doanh gì?
Minh Nhựa tên thật là Phạm Trần Nhật Minh, được biết đến là một thiếu gia nổi tiếng tại TP HCM với việc sở hữu nhiều siêu xe trị giá hàng chục tỷ đồng khiến cho giới chơi xe tại Việt Nam kiêng dè. Tuy nhiên, ngoài vỏ bọc là một tay chơi xe hàng đầu, ít ai biết anh trải qua nhiều vị trí khác nhau, trước khi lên làm quản lý tại Công ty TNHH Nhựa Long Thành.
Nhật Minh sinh năm 1983, tốt nghiệp Đại học Hùng Vương. Hiện tại, anh đang là một trong hai phó tổng giám đốc công ty nhựa. Anh chịu trách nhiệm điều hành các mảng cung ứng sản phẩm, marketing, nhân sự, sản xuất… Đây là những mảng kinh doanh gần như chủ chốt của doanh nghiệp này.
Minh là con trai duy nhất của ông Phạm Văn Mười – Tổng giám đốc Công ty Nhựa Long Thành, cũng là người kế thừa để phát triển doanh nghiệp này.
Quy mô Nhựa Long Thành tăng 90 lần
Thiếu gia Minh Nhựa đang điều hành công ty có doanh thu nghìn tỉ đồng.
Nhựa Long Thành thành lập năm 1996, trên cơ sở chuyển đổi cơ sở sản xuất nhỏ của gia đình do ông Phạm Văn Mười thành lập từ những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ XX.
Với số vốn đầu tư 2 tỉ đồng ban đầu, nay quy mô công ty đã tăng gấp 90 lần. Từ 7.157 m2 nhà xưởng sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, hiện công ty này đã tăng lên tới 100.000 m2 và showroom hoành tráng tại TP HCM cùng các chi nhánh tại một số tỉnh, thành trong cả nước.
Lĩnh vực kinh doanh chính của Nhựa Long Thành là nhựa công nghiệp. Công ty có một số sản phẩm khá nổi tiếng trên thị trường như thùng giữ lạnh, két nhựa, bao bì nhựa, pallet nhựa… Sản phẩm chính của hãng cũng đã có mặt tại một số thị trường khó tính như Mỹ, Canada,…
Hiện tại, doanh nghiệp chưa niêm yết trên sàn chứng khoán nên các thông tin về tài chính khá ít ỏi. Năm 2013, công ty đạt doanh thu 908 tỉ đồng và nộp ngân sách nhà nước 20 tỉ đồng. Năm 2014, đơn vị này đạt doanh thu hơn 1.000 tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 cán bộ công nhân viên.
Cũng trong năm 2014, công ty ghi nhận 24,5 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Tính tới cuối năm 2014, tổng tài sản của hãng đạt 513 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 471 tỉ đồng.
Hiện doanh nghiệp này có vốn điều lệ 90 tỉ đồng. Cơ cấu sở hữu của công ty bao gồm, Tổng giám đốc Phạm Văn Mười sở hữu 43,67% cổ phần, bà Trần Thị Bạch (vợ ông Mười) nắm giữ 33,89% cổ phần, ông Phạm Trần Nhật Minh (Minh Nhựa) nắm giữ 19% cổ phần và bà Nguyễn Thị Phương Thúy (vợ thiếu gia Minh Nhựa) nắm giữ 3,44% cổ phần.
“Vốn là lợi thế của Long Thành”
Năm 2007, khi còn là quản lý kiêm trợ lý giám đốc của công ty do cha mình là chủ sở hữu, Phạm Trần Nhật Minh chia sẻ trăn trở về chăm sóc khách hàng và chăm lo đời sống công nhân viên.
“Người công nhân vất vả, lại thua thiệt về mặt kiến thức, là nhà quản lý tôi sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kiến thức để anh em trong ngôi nhà chung Long Thành tin yêu nhau hơn” – anh nói.
Doanh nhân quản lý Nhựa Long Thành gây chú ý khi mang cả dàn xe sang ra sân bay đón vợ từ nước ngoài trở về. Ảnh: Thạch Lam
Sau đó, những chương trình chăm lo đời sống công nhân được áp dụng là tổ chức sinh nhật chung vào cuối mỗi tháng, tặng quà chị em phụ nữ vào các ngày kỷ niệm, hoặc ăn cơm ngày 2 buổi tại công ty với cả những người không trực tiếp sản xuất…
Khi lên làm quản lý doanh nghiệp, trong một chia sẻ về Nhựa Long Thành, doanh nhân Nhật Minh cho biết đối tác của đơn vị này là nhiều tập đoàn đa quốc gia. Và mặc dù là một công ty gia đình nhưng doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trong bất kỳ cuộc chiến nào.
Thiếu gia Minh Nhựa cũng không ngại khoe rằng, vốn là lợi thế của Long Thành. Đến bây giờ công ty không vay một đồng bạc nào của ai cả.
“Xét cho cùng, nhựa vẫn chỉ là nhựa, vì vậy chúng tôi luôn khao khát tìm kiếm những ý tưởng mới nhằm cải tiến sản phẩm và dịch vụ cũng như bộ máy vận hành doanh nghiệp. Công ty chúng tôi đã, đang và luôn là một tổ chức học hỏi, sáng tạo không ngừng” – Minh Nhựa từng tuyên bố khi nói về đường hướng kinh doanh.
Theo tâm niệm của anh, trong kinh doanh, có 3 chữ cần phải nằm lòng, đó là Tín làm nền, Định là nguyên tắc và Tuệ là kim chỉ nam. Trong những lần trả lời phỏng vấn báo chí, Minh Nhựa cũng không giấu tham vọng: làm cho ngành nhựa Việt Nam bay cao và bay xa. Anh đánh giá nhựa là nhu cầu rất thật, song ở Việt Nam, sự phát triển của ngành này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.