Cổng TTĐT Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM Ngày 24/12/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh ký ban hành Nghị định số 106/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Theo đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao theo quy định của pháp luật. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là: Vietnam Academy of Science and Technology, viết tắt là VAST.

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

1. Về chiến lược, chương trình, kế hoạch:

a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược phát triển, các chương trình, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm, các dự án, đề án quan trọng của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
b) Tham gia thẩm định trình độ công nghệ, xét duyệt luận chứng kinh tế – kỹ thuật các công trình trọng điểm, quan trọng của Nhà nước và của các địa phương theo sự phân công của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam theo quy định của pháp luật.

2. Về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ:

a) Nghiên cứu cơ bản về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực như: Toán học; vật lý; hóa học; sinh học; công nghệ sinh học; công nghệ thông tin; điện tử, tự động hóa; công nghệ vũ trụ; khoa học vật liệu; đa dạng sinh học và các chất có hoạt tính sinh học; khoa học trái đất; khoa học và công nghệ biển; môi trường và năng lượng; dự báo, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai;
b) Nghiên cứu tổng hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên và môi trường;
c) Triển khai, ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ;
d) Đề xuất và chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia theo phân công của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường khoa học, công nghệ.

3. Về thực hiện dịch vụ công:

a) Tổ chức triển khai thực hiện các dịch vụ công được Chính phủ giao theo quy định của pháp luật;
b) Kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện dịch vụ công đối với các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.

4. Quyết định và chỉ đạo việc thực hiện chương trình cải cách hành chính theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

5. Đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao; tổ chức đào tạo đại học và sai đại học về khoa học tự nhiên và công nghệ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.

6. Tư vấn các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chương trình và dự án phát triển khoa học và công nghệ quan trọng trong phạm vi chức năng được giao theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

7. Về hợp tác quốc tế:

a) Thực hiện hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật;
b) Đề xuất việc ký, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế, tạm đình chỉ việc thực hiện điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật;
c) Tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ;
d)  Ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam theo quy định của pháp luật;
đ) Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án quốc tế tài trợ theo quy định của pháp luật;
e) Tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo, chương trình, kế hoạch hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật;
g) Tổ chức hợp tác nghiên cứu và liên kết đào tạo về khoa học và công nghệ với các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu và trường đại học nước ngoài theo quy định của pháp luật.

8. Về chế độ thông tin, báo cáo:

a) Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ chính trị, chính sách, chế độ và pháp luật của Nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực được giao;
b) Thực hiện chế độ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật;
c) Báo cáo và cung cấp thông tin động đất, cảnh báo sóng thần với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

9. Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về các lĩnh vực khoa học tự nhiên phục vụ ứng dụng và đổi mới sáng tạo theo quy định.

10. Về tổ chức bộ máy:

a) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ quyết định thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, đổi tên các tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt nam theo quy định của pháp luật;
b) Quản lý về tổ chức, bộ máy, số lượng viên chức và người lao động, vị trí việc làm, quyết định luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức, cách chức, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu, chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ đối với viên chức và người lao động thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam quản lý theo quy định;
c) Thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định của pháp luật.

11. Về quản lý tài chính, tài sản:

a) Xây dựng dự toán ngân sách hàng năm, kế hoạch tài chính – ngân sách 03 năm trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
b) Quản lý tài chính, tài sản được giao của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam theo quy định của pháp luật.

12. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

CƠ CẤU TỔ CHỨC

Viện Hàn lâm KHCNVN có 38 đơn vị trực thuộc bao gồm: 05 đơn vị chuyên môn giúp việc cho Chủ tịch Viện Hàn lâm; 25 tổ chức khoa học và công nghệ công lập và 07 đơn vị sự nghiệp công lập khác.

Các đơn vị chuyên môn giúp việc cho Chủ tịch Viện Hàn lâm

Các tổ chức khoa học và công nghệ công lập

Các đơn vị sự nghiệp công lập khác

1. Ban Tổ chức – Cán bộ và Kiểm tra

6. Viện Toán học

32. Trung tâm Thông tin – Tư liệu

2. Ban Kế hoạch – Tài chính

7. Viện Vật lý

33. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

3. Ban Hợp tác quốc tế

8. Viện Hóa học

34. Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ

4. Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ

9. Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên

35. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao

5. Văn phòng

10. Viện Cơ học

36. Trung tâm Tin học và Tính toán

 

11. Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật

37. Học viện Khoa học và Công nghệ

 

12. Viện Địa lý

38. Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội

 

13. Viện Địa chất

 

 

14. Viện Vật lý địa cầu

 

 

15. Viện Hải dương học

 

 

16. Viện Tài nguyên và Môi trường biển

 

 

17. Viện Địa chất và Địa vật lý biển

 

 

18. Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường

 

 

19. Viện Khoa học vật liệu

 

 

20. Viện Công nghệ thông tin

 

 

21. Viện Công nghệ sinh học

 

 

22. Viện Công nghệ hóa học

 

 

23. Viện Công nghệ vũ trụ

 

 

24. Viện Cơ học và Tin học ứng dụng

 

 

25. Viện Sinh học nhiệt đới

 

 

26. Viện Kỹ thuật nhiệt đỡi

 

 

27. Viện Khoa học vật liệu ứng dụng

 

 

28. Viện Hóa sinh biển

 

 

29. Trung tâm Vũ trụ Việt Nam

 

 

30. Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên

 

 

31. Viện Nghiên cứu hệ gen

 

 

CƠ SỞ VẬT CHẤT

Trong nhiều năm qua Viện Hàn lâm KHCNVN được Nhà nước từng bước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ trong đó có 4 phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia (PTNTĐ) về Công nghệ Gen; Công nghệ mạng; Vật liệu và linh kiện điện tử; Công nghệ tế bào thực vật, cùng nhiều phòng thí nghiệm nghiên cứu cấp viện khác. Nhiều Phòng thí nghiệm của Viện được trang bị các thiết bị nghiên cứu hiện đại đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Viện.

Viện có các khu sản xuất thử nghiệm nhằm trực tiếp phục vụ công tác phát triển công nghệ, đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế. Viện đang tích cực trình Chính phủ xây dựng Khu Công nghệ cao của Viện tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

NHÂN LỰC KHOA HỌC

Nhìn chung, cơ cấu tổ chức của Viện là khá ổn định, hoàn chỉnh và đồng bộ; lực lượng cán bộ có trình độ cao khá đông và đều trên hầu hết các lĩnh vực của khoa học tự nhiên. Lực lượng cán bộ trình độ cao luôn là thế mạnh của Viện trong thời gian qua (so với các đơn vị nghiên cứu và triển khai cũng như các trường đại học trong cả nước).

Trong những năm gần đây, Viện luôn luôn quan tâm đến việc đào tạo cán bộ có trình độ cao (Tiến sỹ, Thạc sỹ) cho các đơn vị của mình cũng như phục vụ chung cho đất nước. Hàng năm có hàng chục tiến sỹ mới bảo vệ và đào tạo hàng trăm thạc sỹ thuộc các chuyên môn khác nhau trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Các đơn vị trong Viện còn cử nhiều cán bộ trẻ của mình đi đào tạo tại nước ngoài nhằm bổ sung lực lượng cán bộ trình độ cao.

CÁC HOẠT ĐỘNG THƯỜNG XUYÊN

Viện Hàn lâm KHCNVN đang tập trung thực hiện kế hoạch khoa học công nghệ theo Quy hoạch phát triển Viện Hàn lâm KHCNVN đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 với mục tiêu tổng quát là xây dựng Viện trở thành một trung tâm khoa học và công nghệ hàng đầu của cả nước, nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, với đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ chuyên môn cao, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, có quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng với nhiều nước có nền khoa học và công nghệ phát triển, đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ và sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của đất nước.

Trọng tâm công tác của Viện hàng năm bao gồm:

  • Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai khoa học và công nghệ do Chính phủ giao trực tiếp, các chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước, các chương trình KHCN cấp nhà nước do Viện Hàn lâm KHCNVN chủ trì, chương trình nghiên cứu cơ bản do Quỹ NAFOSTED quản lý, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Viện Hàn lâm KHCNVN.
  • Thực hiện các đề tài, nhiệm vụ, dự án thuộc các chương trình Chương trình Biển Đông – Hải Đảo, Chương trình MTQG về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, sự nghiệp môi trường, các dự án điều tra cơ bản, biến đổi khí hậu, …
  • Đẩy mạnh triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào phục vụ thực tiễn sản xuất và đời sống, các dự án sản xuất thử nghiệm, các hợp đồng sản xuất và dịch vụ khoa học và công nghệ của các đơn vị và các doanh nghiệp nhà nước.
  • Thực hiện các nhiệm vụ đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng nghiên cứu khoa học và công nghệ, đặc biệt là các dự án xây dựng cơ sở làm việc, tăng cường trang thiết bị nghiên cứu và xây dựng các phòng thí nghiệm, các khu sản xuất và thử nghiệm, các trạm trại về tài nguyên và môi trường.
  • Tích cực triển khai chương trình thu hút nhân tài, hỗ trợ các cán bộ trẻ.
  • Thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của Viện, quản lý, sử dụng đúng và hiệu quả ngân sách nhà nước,‎ mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, thông tin xuất bản, đẩy mạnh kết hợp nghiên cứu với đào tạo đại học và sau đại học.

Hiện tại, Viện đang chủ trì triển khai và tham gia tích cực vào một số dự án quan trọng sau đây:

  • Thực hiện Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 bao gồm một số dự án lớn như: các dự án Vệ tinh nhỏ Việt Nam quan sát Tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (VNREDSAT-1và VNREDSat-1B), dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và Chương trình KHCN vũ trụ.
  • Đề án “Quy hoạch hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam”: Nâng cấp hệ thống các bảo tàng thuộc Viện KHCNVN, triển khai dự án “Bộ mẫu vật quốc gia của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam”.
  • Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển, điều tra khảo sát trên Biển Đông, hợp tác quốc tế trong điều tra khảo sát Biển Đông.
  • Dự án “Tăng cường mạng lưới trạm quan sát động đất phục vụ công tác báo tin động đất và cảnh báo sóng thần”: Xây dựng hệ thống trạm địa chấn và Trung tâm xử lý số liệu động đất có khả năng ghi nhận đầy đủ và nhanh chóng xác định các thông số động đất cường độ dưới 3,5 độ Richter xảy ra trên đất liền và vùng biển gần bờ, các trận động đất cường độ dưới 6,5 độ Richter treen toàn vùng biển Đông Việt Nam.
  • Chủ trì thực hiện Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên môi trường và KT – XH nhằm đề xuất chiến lược KH&CN phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn 2030” (Chương trình Tây Nguyên III).
  • Chủ trì thực hiện Chương trình khoa học công nghệ vũ trụ.

Các hướng KHCN trọng điểm của Viện đã được Chính phủ phê duyệt:

  • Công nghệ thông tin, điện tử, tự động hoá và công nghệ vũ trụ
  • Công nghệ sinh học
  • Khoa học vật liệu
  • Đa dạng sinh học và các chất có hoạt tính sinh học
  • Khoa học trái đất
  • Khoa học và công nghệ biển
  • Môi trường và năng lượng

Trong những năm qua, 4 nhà khoa học lớn của Viện đã được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, nhiều tập thể và cá nhân đã được tặng giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ và các giải thưởng khoa học khác. Nhiều viện nghiên cứu chuyên ngành đã được tặng thưởng Huân chương cao quý của Nhà nước.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2000), Cờ Thi đua của Chính phủ (năm 2008, 2009) và Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2010).