Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ngày 30/06/2022-14:31:00 PM
Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022
I. Các yếu tố tác động đến tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022
Tình hình kinh tế nước ta trong nửa đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc. Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp dẫn đến 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay[1].
Theo bản tin Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6 năm 2022 của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế nước ta đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc.
Trang DW (Đức) mới đây cũng đánh giá Việt Nam là một trong số ít các quốc gia châu Á không rơi vào tình trạng suy giảm kinh tế mạnh trong đại dịch COVID-19 năm 2020 và 2021, qua đó, trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư[2].
Đây là những thông tin tác động tích cực đến tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022.
Mặc dù vậy, rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng gây áp lực lớn lên cộng đồng doanh nghiệp, có thể tác động đến quyết định duy trì hoạt động hay tạm thời rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp trong thời gian tới.
II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2022
1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2022 tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm lần đầu tiên vượt mốc 100.000 (116.900 doanh nghiệp), tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
1.1. Doanh nghiệp thành lập mới
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 là 76.233 doanh nghiệp, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021[3], gấp 1,2 lần so với mức trung bình giai đoạn 2017-2021 (64.379 doanh nghiệp). Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm vượt mốc 70.000 doanh nghiệp và cũng là mức kỷ lục trong giai đoạn này.
Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 882.122 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn gấp 1,2 lần so với trung bình giai đoạn 2017-2021 (749.019 tỷ đồng).
So với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp thành lập mới tại 2 đầu tàu kinh tế của cả nước đều có sự gia tăng: Hà Nội có 14.628 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2021; thành phố Hồ Chí Minh có 22.469 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng số vốn doanh nghiệp đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2022 là 2.730.033 tỷ đồng (tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 882.122 tỷ đồng (giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2021). Số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 1.847.910 tỷ đồng (tăng 60,3% so với cùng kỳ năm 2021), với 26.956 lượt doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn (tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 11,6 tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 là 514.820 lao động, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021.
– Phân theo lĩnh vực hoạt động:
Có 14/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, các ngành nghề có liên quan đến lĩnh vực du lịch đều có sự gia tăng ấn tượng: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 27,7%; Dịch vụ việc làm; du lịch tăng 23,4%.
Các ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm tỷ lệ lớn nhất, gồm: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 26.887 doanh nghiệp (chiếm 35,3%); Công nghiệp chế biến, chế tạo có 9.845 doanh nghiệp (chiếm 12,9%); Xây dựng có 8.510 doanh nghiệp (chiếm 11,2%).
Có 03/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2021: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 25,3%); Giáo dục và đào tạo (giảm 5,9%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (giảm 1,6%).
– Phân theo địa bàn hoạt động:
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tất cả các khu vực đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021: Đồng bằng Sông Cửu Long (6.185 doanh nghiệp, tăng 20,6%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (10.727 doanh nghiệp, tăng 19,1%); Tây Nguyên (2.379 doanh nghiệp, tăng 16,7%); Trung du và miền núi phía Bắc (3.577 doanh nghiệp, tăng 15,5%); Đồng bằng Sông Hồng (22.812 doanh nghiệp, tăng 11,8%) và Đông Nam Bộ (30.553 doanh nghiệp, tăng 11,5%).
– Phân theo quy mô vốn:
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở 03/05 quy mô vốn so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng là 68.209 doanh nghiệp (chiếm 89,5%, tăng 15,5%); từ 20 – 50 tỷ đồng là 2.416 doanh nghiệp (chiếm 3,2%, tăng 9,1%) và ở quy mô từ 50 – 100 tỷ đồng là 1.118 doanh nghiệp (chiếm 1,5%, tăng 7,8%). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô vốn từ 10 – 20 tỷ đồng là 3.521 doanh nghiệp (chiếm 4,6%, giảm 5,4%) và trên 100 tỷ đồng là 969 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, giảm 10,0%).
1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 là 40.667 doanh nghiệp, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,9 lần so với trung bình giai đoạn 2017-2021 (20.949 doanh nghiệp).
Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (15.381 doanh nghiệp, chiếm 37,8%); Xây dựng (5.015 doanh nghiệp, chiếm 12,3%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.493 doanh nghiệp, chiếm 11,0%).
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 17/17 lĩnh vực, mức tăng cao nhất ghi nhận ở một số lĩnh vực sau: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (652 doanh nghiệp, tăng 222,8%); Hoạt động dịch vụ khác (1.124 doanh nghiệp, tăng 202,2%); Kinh doanh bất động sản (1.409 doanh nghiệp, tăng 69,6%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (15.381 doanh nghiệp, tăng 68,2%); Giáo dục và đào tạo (977 doanh nghiệp, tăng 67,6%) và Dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.362 doanh nghiệp, tăng 63,5%)…
2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 83.570 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,0% so với cùng kỳ năm 2021 (thấp hơn mức tăng 24,9% của 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (50.909 doanh nghiệp, chiếm 60,9%). Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và đã giải thể có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
2.1. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2022 là 50.909 doanh nghiệp, tăng 43,0% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, có đến 57,5% trong số này là các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong tháng 01/2022 (29.255 doanh nghiệp).
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (18.417 doanh nghiệp, chiếm 36,2%); Xây dựng (7.206 doanh nghiệp, chiếm 14,2%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo (5.948 doanh nghiệp, chiếm 11,7%). Đây cũng là những ngành nghề có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất.
Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 45.821 doanh nghiệp (chiếm 90,0%, tăng 42,1% so với cùng kỳ năm 2021). Ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng có 2.739 doanh nghiệp (chiếm 5,4%, tăng 49,9% so với cùng kỳ năm 2021); từ 20 – 50 tỷ đồng có 1.537 doanh nghiệp (chiếm 3,0%, tăng 53,1% so với cùng kỳ năm 2021); từ 50 – 100 tỷ đồng có 492 doanh nghiệp (chiếm 1,0%, tăng 55,7% so với cùng kỳ năm 2021) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 320 doanh nghiệp (chiếm 0,6%, tăng 53,1% so với cùng kỳ năm 2021).
Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2022 có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm với 25.296 doanh nghiệp (chiếm 49,7%); 14.304 doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 28,1%) và 11.309 doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm (chiếm 22,2%).
2.2. Doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể
Trong 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 24.073 doanh nghiệp, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2021.
So với cùng kỳ năm 2021, số lượng các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 8/17 lĩnh vực. Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (8.698 doanh nghiệp, chiếm 36,1%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (2.983 doanh nghiệp, chiếm 12,4%); Xây dựng (2.873 doanh nghiệp, chiếm 11,9%).
Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 4/5 quy mô vốn: quy mô vốn từ 10 – 20 tỷ đồng có 1.352 doanh nghiệp (chiếm 5,6%, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021); từ 20 – 50 tỷ đồng có 755 doanh nghiệp (chiếm 3,1%, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021); từ 50 – 100 tỷ đồng có 322 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021) và trên 100 tỷ đồng có 316 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2021). Quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng có 21.328 doanh nghiệp (chiếm 88,6%, giảm 4,0% so với cùng kỳ năm 2021).
2.3. Doanh nghiệp đã giải thể
Số doanh nghiệp đã giải thể trong 6 tháng đầu năm 2022 là 8.588 doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021.
4/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp đã giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2021 là: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas; Kinh doanh bất động sản; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; Giáo dục và đào tạo với tỷ lệ tăng lần lượt là 10,9%; 8,2%; 5,4% và 3,3%
Trong 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đã giải thể có thời gian hoạt động từ 0-5 năm là 6.218 doanh nghiệp (chiếm 72,4%); 1.533 doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 17,9%) và 837 doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 10 năm (chiếm 9,7%).
Phân theo quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp đã giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 7.500 doanh nghiệp (chiếm 87,3%, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2021). Quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng có 506 doanh nghiệp (chiếm 5,9%, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2021); từ 20 – 50 tỷ đồng có 314 doanh nghiệp (chiếm 3,7%, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021); từ 50 – 100 tỷ đồng có 134 doanh nghiệp (chiếm 1,6%, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 134 doanh nghiệp (chiếm 1,6%, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2021).
III. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 6/2022
1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6/2022 là 13.272 doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức doanh nghiệp thành lập mới cao thứ hai trong tháng 6 từ trước đến nay (chỉ đứng sau tháng 6/2020).
Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6/2022 là 121.087 tỷ đồng giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 6/2022, cả 6 khu vực trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021: Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (1.843 doanh nghiệp, tăng 32,6%); Trung du và miền núi phía Bắc (595 doanh nghiệp, tăng 24,7%); Đồng bằng Sông Cửu Long (965 doanh nghiệp, tăng 19,6%); Đồng bằng Sông Hồng (4.062 doanh nghiệp, tăng 19,2%); Đông Nam Bộ (5.454 doanh nghiệp, tăng 11,6%) và Tây Nguyên (353 doanh nghiệp, tăng 2,6%).
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6/2022 là 77.131 người, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 6/2022 ghi nhận có 2.253 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 53,7% so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn thời điểm tháng 6/2019, giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu (tháng 6/2019 có 2.137 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động).
2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong tháng 6/2022, cả nước có 11.964 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có: 5.129 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2021; 5.148 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2021; 1.687 doanh nghiệp đã giải thể giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2021.
[1]https://vnexpress.net/s-amp-p-nang-xep-hang-tin-nhiem-cua-viet-nam-4468540.html
[2]https://baochinhphu.vn/kinh-te-viet-nam-phuc-hoi-manh-sau-dai-dich-covid-19-102220616125740532.htm
[3]Tính đến năm 2021 thì số doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng là mức cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tổng số lượt xem: 1928