Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ngày 17/02/2022-08:00:00 AM
Xác định doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14
(MPI) – Câu hỏi của bạn đọc Đồng Thị Thanh Ngân, email: [email protected].
Công ty cổ phần A và công ty cổ phần B đều là Công ty con của Công ty cổ phần C (công ty cổ phần C sở hữu cổ phần/vốn điều lệ Công ty A và Công ty B lần lượt là 55% và 49%. Công ty cổ phần C có 88% vốn nhà nước).
Xin hỏi Quý Bộ, Công ty cổ phần A sở hữu 10% cổ phần B, vậy Công ty A có phải đang sở hữu chéo Công ty B không hay mối quan hệ giữa 3 công ty này có phải là quan hệ sở hữu chéo không? Công ty cổ phần A có phải là doanh nghiệp có vốn nhà nước không và có phải thực hiện theo Luật đấu thầu, Luật đầu tư không?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
1. Đối với việc xác định doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020:
– Khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 quy định: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết”.
– Khoản 3 Điều 88 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 quy định:
“3. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết bao gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết”.
– Điều 7 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp quy định Doanh nghiệp nhà nước và xác định tỷ lệ vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp như sau:
“1. Công ty mẹ quy định tạiđiểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 88 Luật Doanh nghiệpkhông là công ty con trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty và nhóm công ty mẹ – công ty con khác.
2. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp là tổng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, cổ phần có quyền biểu quyết của các cơ quan đại diện chủ sở hữu nắm giữ tại doanh nghiệp đó.
3. Công ty độc lập quy định tạiĐiều 88 Luật Doanh nghiệplà công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước sở hữu vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và không thuộc nhóm công ty mẹ – công ty con”.
– Khoản 8 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 quy định: “Vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”.
– Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định: “Vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật”.
Theo các quy định nêu trên, trường hợp tại thời điểm hiện nay Công ty cổ phần C có vốn nhà nước theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 thì Công ty cổ phần C là doanh nghiệp nhà nước, do Nhà nước nắm giữ 88% vốn điều lệ.
Theo câu hỏi của Quý bạn đọc, Công ty cổ phần A và Công ty cổ phần là doanh nghiệp do Công ty cổ phần C góp lần lượt là 55% và 49% vốn điều lệ. Do vậy, phần vốn do Công ty cổ phần C góp (55% vốn điều lệ) vào Công ty A là vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, Công ty A là doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần; Công ty A không phải là doanh nghiệp nhà nước theo quy định pháp luật nêu trên.
2. Về việc Công ty A có sở hữu chéo Công ty B không hay mối quan hệ giữa 3 Công ty có là quan hệ sở hữu chéo không:
Khoản 2 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Công ty con không được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được đồng thời cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau”. Căn cứ quy định nêu trên, 2 công ty con của cùng một công ty mẹ được xem là sở hữu chéo khi 2 công ty đó đồng thời góp vốn, mua cổ phần của nhau.
3. Về việc tuân thủ Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 của Công ty A:
Trong trường hợp này, Công ty A không phải là doanh nghiệp nhà nước, do đó, việc xác định gói thầu thuộc hay không thuộc phạm vi điều chỉnh căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu. Theo đó, trường hợp dự án đầu tư phát triển không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.
4. Về việc tuân thủ Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 của Công ty A:
– Khoản 18 Điều 3 Luật Đầu tư quy định: “Nhà đầu tưlà tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”. Như vậy, Luật Đầu tư áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước.
– Việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (điểm a khoản 3 Điều 4 Luật Đầu tư)./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tổng số lượt xem: 9992