Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em – VỤ GIA ĐÌNH

Kết quả đạt được
Các chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được phổ biến đến: đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch các cấp của ngành; các cơ quan, tổ chức, cá nhân làm việc trong cơ sở du dịch, lữ hành, lưu trú khách sạn; trong hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; các đơn vị, cá nhân tổ chức các sự kiện về văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch và các gia đình.
Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tập trung vào trách nhiệm của toàn ngành trong việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em; phòng chống bạo lực gia đình, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và giáo dục đời sống gia đình; các nội dung của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, thực hiện nếp sống văn minh… Trong đó tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của công tác gia đình và đây cũng là giải pháp quan trọng để phòng, chống xâm hại trẻ em.
Việc phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được tổ chức theo nhiều hình thức đa dạng, phong phú và đã đạt được những kết quả nhất định, cụ thể: Lồng ghép các nội dung, quy định của pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong các hoạt động truyền thông về gia đình và công tác gia đình nhân các ngày kỷ niệm về gia đình: Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 với chủ đề “Yêu thương, chia sẻ”, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 với chủ đề “Bữa cơm gia đình, ấm áp yêu thương”, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình với chủ đề “Gia đình – Nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình”. Cùng với những thông điệp truyền thông như “Bảo vệ trẻ em an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình”, “Bạo lực gia đình làm suy giảm khả năng học tập và sự phát triển toàn diện của trẻ em”, “Bảo vệ trẻ em trong gia đình bằng hạnh phúc, bình yên”… được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống băng rôn áp phích ở 63/63 tỉnh, thành. Cũng nhân các dịp này, nhiều tỉnh, thành đã tổ chức gặp mặt tôn vinh gia đình văn hóa tiêu biểu; tuyên dương những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên nuôi con tốt, dạy con ngoan; tọa đàm trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng gia đình hạnh phúc, không bạo lực; Tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch các cấp để cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật về những quy định mới, văn bản mới liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành, trong đó có nội dung về phòng, chống xâm hại trẻ em. Một số tỉnh như Phú Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Đồng Tháp… đã tổ chức tập huấn tại các thôn, xóm; Xây dựng, in và phát hành các tài liệu để nâng cao, hoàn thiện trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp (theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 25/01/2014) để cung cấp cho các thành viên gia đình những kiến thức kỹ năng xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và hình thành nhân cách, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong gia đình, cụ thể: 02 cuốn Tài liệu tập huấn công tác gia đình và đã triển khai tại các lớp tập huấn năm 2017-2018; Tài liệu về giáo dục đời sống gia đình, triển khai đến 63 tỉnh, thành và các cơ quan liên quan. Trong đó có nội dung cung cấp cho các thành viên trong gia đình các kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em; những việc cần làm khi phát hiện trẻ em bị xâm hại, bạo lực; cung cấp cho trẻ em kỹ năng để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại, bạo lực.
Năm 2018, xây dựng Bộ tài liệu thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” với tiêu chí ứng xử chung là: tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Tiêu chí ứng xử của cha, mẹ với con; ông, bà với cháu: Gương mẫu, Yêu thương. Chính tình yêu thương của ông bà, cha mẹ dành cho con cháu sẽ là yếu tố đầu tiên để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại trong gia đình và ngoài xã hội.
Nội dung các tài liệu trên đã được phổ biến, tiếp cận với người dân bằng nhiều hình thức khác nhau như trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh, tài liệu tại các hệ thống thư viện, qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, Phòng, chống bạo lực gia đình, trong các buổi họp tổ/thôn/xóm… ở cơ sở.
Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, Hội thi Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu, viết về tấm gương điển hình trong phòng, chống bạo lực gia đình, cuộc thi sáng tác tranh cổ động về phòng, chống xâm hại trẻ em…
Tổ chức, chỉ đạo các địa phương phát huy những thế mạnh của ngành là phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua hình thức sân khấu hóa, qua các tác phẩm âm nhạc, văn học, nghệ thuật, kịch nói, hội họa, điện ảnh…
Tồn tại, hạn chế; khó khăn, vướng mắc
Do thiếu nguồn lực nên nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em chủ yếu được lồng ghép với các nhiệm vụ khác của Bộ. Vì thế hiệu quả của công tác này bị hạn chế.
Khả năng tiếp cận thông tin về pháp luật của trẻ em và gia đình, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; quyền được thông tin về pháp luật của trẻ em chưa được bảo đảm thực hiện đầy đủ.
Công tác truyền thông về quyền của trẻ em thuộc trách nhiệm của ngành, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được thực hiện đồng đều ở các địa phương, có nơi chưa thực sự hiệu quả, nội dung chưa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi nên nhiều trẻ em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật cần thiết để bảo vệ các quyền lợi của mình. Công tác phối hợp thông tin, truyền thông về pháp luật để phòng, chống xâm hại trẻ em ở cơ sở còn chưa thường xuyên, chặt chẽ.
Nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật ở một số địa phương còn nghèo nàn, chưa phong phú, chậm đổi mới để phù hợp với đối tượng, địa bàn; chưa phát huy được thế mạnh, ưu điểm của hình thức tuyên truyền thông qua sân khấu hóa, âm nhạc, phim ảnh, hoạt động nghệ thuật; nguồn lực bảo đảm cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, về xâm hại trẻ em nói riêng chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn.
Hiểu biết về pháp luật, kỹ năng phòng ngừa, kỹ năng chăm sóc và phục hồi cho trẻ bị xâm hại tình dục về thể chất và tâm lý của nhiều cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em trong gia đình còn hạn chế.

Đánh giá của độc giả post