công tác bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh nghệ an

Trong thời gian vừa qua, các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng đa dạng, phức tạp, gia tăng về số lượng. Trẻ em bị xâm hại không chỉ là trẻ em nữ mà còn có cả các em nam. Phương thức, thủ đoạn các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi phạm phạm tội rất đa dạng. Đa số các đối tượng lợi dụng thời điểm các em ở nhà một mình, không có cha mẹ ruột, người thân bên cạnh để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Những trẻ em bị bạo lực, xâm hại thường là những em có nhược điểm về thể chất, ít có khả năng tự bảo vệ bản thân; trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt, thiếu cha, thiếu mẹ hoặc cha mẹ thiếu quan tâm chăm sóc hoặc trẻ em sống trong những gia đình không hạnh phúc, cha mẹ là người rơi vào các tệ nạn xã hội…

Năm 2021, toàn tỉnh phát hiện 24 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 25 đối tượng bị xử lý hình sự do thực hiện hành vi phạm tội. 09 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh phát hiện 09 vụ với 11 trẻ em bị xâm hại. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em phần lớn đều có quan hệ nhất định với người thân hoặc chính trẻ em bị xâm hại như: Bố, mẹ, bạn bè, hàng xóm, giáo viên, người có trách nhiệm chăm sóc, người quen của trẻ em. Những người này có nhiều cơ hội tiếp xúc, tiếp cận với nạn nhân, có nhiều thời cơ thuận lợi để thực hiện hành vi phạm tội, nhất là các vụ xâm hại tình dục và mua bán trẻ em. Những đối tượng bạo hành, xâm hại trẻ em phần nhiều là do lệch lạc về nhân cách, đạo đức, lối sống hoặc do hạn chế về năng lực hành vi dẫn việc thực hiện hành vi phạm tội.

Các vụ việc xâm hại trẻ em ngày càng nguy hiểm, có những trường hợp trẻ em bị xâm hại khi tuổi còn quá nhỏ. Những trẻ em bị bạo lực, xâm hại thường bị tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe, tâm lý, thậm chí là cả sinh mạng. Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội rất dễ dẫn đến khả năng sát hại nạn nhân để bịt đầu mối hoặc đe dọa uy hiếp, khủng bố tinh thần nạn nhân để che giấu hành vi phạm tội. Nhiều trẻ em do bị bạo lực, xâm hại dẫn đến nhiễm bệnh, trầm cảm thậm chí tự sát gây đau đớn không chỉ đối với nạn nhân mà cả gia đình nạn nhân, để lại hậu quả rất lâu dài. Bạo lực trong trường học vẫn tồn tại phần lớn do bạn bè gây ra. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên môi trường mạng có xu hướng tăng nhanh. Hành vi xâm hại trẻ em xảy ra nhiều ở các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi có trình độ dân trí thấp, cha mẹ của các nạn nhân chủ quan ít để ý đến con em mình.

Để tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em, trong thời gian qua, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em. Đặc biệt, ngày 11/6/2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 840/QĐ-UBND ngày 1/4/2021 phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 2338/QĐ-UBND ngày 7/7/2021 phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025…Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ngành dọc tại các địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ và phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn. Các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đồng thời hướng dẫn xã, phường, thị trấn triển khai có hiệu quả chính sách, pháp luật về trẻ em phù hợp với tình hình cụ thể tại mỗi địa phương.

Các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kỹ năng nhận diện tội phạm, tự bảo vệ mình; kỹ năng nhận biết các nguy cơ dẫn đến xâm hại trẻ em; giáo dục giới, giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho trẻ em vị thành niên thường xuyên được tổ chức cho học sinh và các thầy, cô giáo ở các cấp học, bậc học; đến các cán bộ cấp huyện, xã, phường, thị trấn, ban cán sự, ban quản lý thôn, xóm, bản làng bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như: Tuyên truyền trên Đài phát thanh – truyền hình huyện, phát trên đài FM và hệ thống loa truyền thanh cơ sở; nói chuyện chuyên đề; sân khấu hóa; nhắc nhở, khuyến cáo các em học sinh trong giờ chào cờ, sinh hoạt lớp; phối hợp với Hội phụ huynh tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục, hướng dẫn các em học sinh biết cách tự bảo vệ bản thân. Một số huyện sử dụng Cổng thông tin điện tử, ứng dụng zalo, facebook để chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn, cập nhật thông tin về phòng chống xâm hại trẻ em; lồng ghép tuyên truyền vào các cuộc họp của xã, phường, thị trấn, khối, xóm, bản và trong sinh hoạt hè cho các em học sinh. Đáng chú ý là tuyên truyền, quảng bá Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và đường dây nóng bảo vệ trẻ em của tỉnh (1800.599.963) tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh nhằm hướng dẫn quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại nhằm thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ emTổ chức xét xử lưu động một số vụ án điểm về mua bán trẻ em để phục vụ công tác phòng ngừa, răn đe tội phạm. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị xã hội phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở tổ chức các hoạt động tuyên truyền miệng theo chuyên đề hoặc lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống các hành vi xâm hại trẻ em trong các buổi sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, tổ dân phố, khu dân cư. Toàn tỉnh đã tổ chức 200 lớp tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường cho 16.141 lượt học sinh, giáo viên và cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, cộng tác viên trẻ em khối, xóm, thôn, bản.

Ban điều hành công tác trẻ em cấp tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông về bảo vệ trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa vi phạm, xâm hại trẻ em cho các tổ chức, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và bản thân trẻ em; tăng cường phối hợp xây dựng các chuyên trang, phóng sự về bảo vệ trẻ em trên các phương tiện truyền thông của tỉnh và địa phương; mở rộng các hình thức truyền thông, giáo dục về bảo vệ trẻ em phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn dân cư, đặc biệt là kỹ năng phòng ngừa, phát hiện sớm trẻ em bị xâm hại, bạo lực, nhất là tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông…). Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực học đường, tệ nạn xã hội trong học đường… cho học sinh và giáo viên nhà trường.       Ban điều hành công tác trẻ em cấp huyện, xã đã tăng cường công tác phòng ngừa nhằm ngăn chặn nguy cơ trẻ em bị xâm hại; nắm tình hình liên quan đến việc thực hiện quyền trẻ em của các tổ chức, cá nhân, kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; thực hiện công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng nhất là những đối tượng có tiền án, tiền sự về tội phạm xâm hại trẻ em; giúp đỡ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và số trẻ em vi phạm pháp luật… Tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục cộng đồng, giáo dục cá biệt đối với trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phòng ngừa nguy cơ trẻ em tái vi phạm hoặc bị lợi dụng, lôi kéo tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh có điều kiện như: Cửa hàng dịch vụ Internet, nhà hàng, quán karaoke, khách sạn, quán trọ…; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi vi phạm liên quan đến trẻ em và người chưa thành niên; phát hiện, tiếp nhận, xử lý các hành vi vi phạm và tội phạm xâm hại trẻ em.

Các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã có sự phối hợp để kịp thời nắm bắt và xử lý các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, nhất là các vụ án phạm tội có tính chất nghiêm trọng, người bị hại nhỏ tuổi, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức cảnh giác và đấu tranh phòng chống tội phạm của người dân.Viện kiểm sát nhân dân phối hợp với Tòa án nhân dân hai cấp tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động đối với tội “Mua bán trẻ em”. Thường xuyên tăng cường kiểm sát hoạt động tư pháp, làm rõ trách nhiệm và khắc phục tình trạng vi phạm thời hạn tố tụng, xử lý kịp thời không để xảy ra oan, sai; nâng cao ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao theo yêu cầu cải cách tư pháp.

Có thể nói, thời gian qua các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến ở cơ sở đã quan tâm tổ chức triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình, văn bản hướng dẫn về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em được thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị được tiến hành đồng bộ trên cơ sở phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Công tác hỗ trợ các gia đình trong việc phòng ngừa, can thiệp, giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt hoặc trẻ em bị tổn hại đã được quan tâm hơn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em, đó là tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục và các vụ bạo lực học đường còn xảy ra ở nhiều nơi; một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em kịp thời và hiệu quả; công tác tuyên truyền, PBGDPL có nơi, có lúc còn thiếu thường xuyên, liên tục, nhất là các địa phương ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; một số gia đình, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ em, học sinh thiếu kiến thức, kỹ năng, còn có tính lơ là, chủ quan, thiếu ý thức chấp hành pháp luật và tuân thủ các quy định về bảo vệ trẻ em; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, giữa gia đình, nhà trường và xã hội ở một số nơi có lúc chưa chặt chẽ; kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Để thực hiện có hiểu quả công tác bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, xây dựng cơ chế phối hợp, có sự phân công, phân nhiệm, gắn trách nhiệm giữa các cơ quan tổ chức bảo vệ trẻ em; tổ chức các hoạt động hỗ trợ, can thiệp phòng ngừa sớm trước khi sự việc có thể xảy ra; giao cho các cán bộ chuyên trách trong việc phát hiện, phối hợp xử lý với cơ quan chức năng; tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho những cán bộ chuyên trách bảo vệ trẻ em; lựa chọn cán bộ có đạo đức, trách nhiệm để thực hiện công việc có hiệu quả…

Hai là, cần xác định rõ những đối tượng có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại trên từng địa bàn để đưa vào diện theo dõi, phát hiện nhằm hỗ trợ, can thiệp và xử lý kịp thời. Giao cho các địa phương phân loại trẻ em tại địa bàn để xác định nhóm trẻ em có nguy cơ bị bạo lực xâm hại. Nhóm những trẻ em khuyết tật, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, những trẻ em bị bỏ rơi lang thang cơ nhỡ, những em sống trong những gia đình không có hạnh phúc, những gia đình phức tạp, cha mẹ nghiện ngập, nghèo khó cần phải được quan tâm, can thiệp, giúp đỡ kịp thời tránh nguy cơ có thể xảy ra bạo lực, xâm hại đối với nhóm trẻ em yếu thế này.

Ba là, nâng cao trách nhiệm, vai trò của cán bộ cơ sở cũng như chính quyền địa phương trong việc can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại. Chính quyền địa phương cần có những giải pháp can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, éo le có trẻ em để đảm bảo điều kiện về vật chất, tinh thần cho các bậc cha, mẹ, người giám hộ, những người đang có trọng trách bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nhận thức của họ đối với vấn đề bảo vệ trẻ em, khơi gợi trong họ tình yêu thương, đạo đức con người và cách giáo dục con một cách khoa học, tôn trọng, đúng pháp luật để giảm nguy cơ bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em trong nhóm những đối tượng này. Kịp thời phát hiện, can thiệp đối với những trường hợp cha mẹ, người giám hộ, thầy cô giáo có biểu hiện bệnh lý bất thường dẫn đến nguy cơ bạo lực, xâm hại đối với trẻ em cao. Kịp thời can thiệp, các trẻ em khỏi những đối tượng có nguy cơ cao về bạo lực, xâm hại để tránh tình trạng các em phải sống trong môi trường, tình huống nguy hiểm.

Bốn là, xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc bảo vệ cho em. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với việc bảo vệ trẻ em. Khi phát hiện các hành vi bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em, mọi người cần ngăn chặn kịp thời và nhanh chóng thông báo cho cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi gần nhất. Cần phải nêu cao trách nhiệm, vai trò của cha, mẹ, người thân, cán bộ cơ sở trong việc phát hiện, can thiệp, xử lý, bảo vệ trẻ em. Kịp thời phát hiện những hiện tượng có nguy cơ bạo hành, xâm hại trẻ em để có những giải pháp kịp thời tránh trường hợp vụ việc xảy ra nhiều lần, thậm chí nhiều năm mới bị phát hiện xử lý, hậu quả đối với trẻ em trở nên nghiêm trọng, khó có thể khắc phục được.

Đối với các bậc phụ huynh, cha mẹ cần quan tâm thường xuyên, để ý đến con em, tuyệt đối không có hành vi đánh đập, xúc phạm về cảm xúc, tinh thần của các em…Trường hợp gửi con cho người khác trông coi, gửi nhà trẻ nên thường xuyên quan tâm đến tâm trạng, cảm xúc của con em như lo sợ kéo dài, không muốn đến nhà trẻ. Phụ huynh cần quan sát, lưu ý đến thân thể của các em có đặc điểm gì lạ trên người không; trường hợp thuê người trông coi tại nhà, nên lắp đặt camera quan sát từ xa, nhằm bảo vệ con em tránh khỏi nguy cơ bị xâm hại, bạo hành. Mặt khác, gia đình cần thường xuyên giáo dục các em gái về sức khỏe giới tính, nhất là đối với các em ở tuổi dậy thì, nhận thức được tác hại của việc quan hệ tình dục sớm. Hướng dẫn con em các kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa hành vi xâm hại trước các đối tượng xấu. Luôn quan tâm đến các mối quan hệ của con em, tránh buông lỏng, để con em giao du, kết bạn với đối tượng xấu. Trường hợp đi làm, vắng nhà, không nên để trẻ em gái ở nhà, phòng trọ một mình; không giao con cho những người không thân thích quản lý, trông coi; cần quan tâm đến cả trẻ em xung quanh nơi mình sinh sống, làm việc để kịp thời phát hiện, bảo vệ các cháu khỏi hành vi xâm hại tình dục.

Đối với chủ cơ sở nhà trọ, nhà nghỉ, cần nâng cao tránh nhiệm trong quản lý người ở trọ, người thuê lưu trú, kiểm tra giấy tờ tùy thân, ghi lại thông tin những người thuê trọ, nhà nghỉ và đăng ký các trường hợp lưu trú tại công an địa phương theo đúng quy định. Khi phát hiện trường hợp trẻ em gái dưới 16 tuổi đi cùng đối tượng khác giới (không có mối quan hệ ruột thịt) vào đăng ký nhà trọ, nhà nghỉ có biểu hiện nghi vấn, chủ cơ sở cần trình báo cơ quan Công an.

Năm là, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, khả năng nhận biết và tự bảo vệ của trẻ em qua các chương trình giáo dục phổ thông. Ngành giáo dục bổ sung, hoàn thiện chương trình giáo dục về kỹ năng sống trong nhà trường đặc biệt là kỹ năng thoát hiểm trong các tình huống bị bạo lực, xâm hại trẻ em. Tạo ra những cơ chế, giải pháp để cho trẻ em có cơ hội bày tỏ, tìm kiếm cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ trẻ em để can thiệp, hỗ trợ kịp thời. Cần tăng cường công tác giáo dục kiến thức về quyền trẻ em, các kỹ năng, kiến thức về bảo vệ trẻ em, giáo dục kỹ năng sống và có sự can thiệp hỗ trợ kịp thời đối với những trẻ em yếu thế có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại cao trong xã hội. Nâng cao trách nhiệm cũng như vai trò của giáo viên trong việc phát hiện tâm lý bất thường, nguy cơ bị bạo lực, xâm hại trẻ em cho học sinh để kịp thời can thiệp, hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan chức năng để sớm giải quyết.

Sáu là, củng cố, tăng cường lực lượng cán bộ bảo vệ trẻ em có chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ tốt, có đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cần bổ sung các cán bộ chuyên trách, có chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức kỹ năng tốt trong việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm xâm hại tình dục trẻ em để đảm bảo việc phát hiện, xử lý kịp thời, đúng pháp luật, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra đối với trẻ em.

Bảy là, quản lý tốt những đối tượng có nguy cơ cao về bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em. Những nguy cơ tấn công xâm hại tình dục trẻ em từ những đối tượng suy đồi về đạo đức cũng như có bệnh lý về tình dục. Cần sàng lọc, phát hiện ra những đối tượng có bệnh lý, có biểu hiện tâm lý bất thường, có nguy cơ mất kiểm soát về hành vi dẫn đến khả năng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em để có những can thiệp kịp thời. Những đối tượng tâm thần, nghiện ngập, không có khả năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em hoặc có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của trẻ em thì cần phải có can thiệp kịp thời, giao cho em cho những người khác, cơ quan tổ chức khác tốt hơn để đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Kiểm soát tốt các vật phẩm, ấn phẩm đồi trụy để tránh việc trẻ em bị dụ dỗ, tiếp cận với văn hóa phẩm đồi trụy dẫn đến lệch lạc trong việc phát triển và hình thành nhân cách, không nhận thức được việc mình đang bị lợi dụng, xâm hại tình dục cũng như kiểm soát được những đối tượng có biểu hiện bất thường về tâm lý, nhân cách hoặc quản lý, thường xuyên tiếp cận với những văn hóa phẩm đồi trụy dẫn đến sa đọa về nhân cách, lệch lạc về lối sống. Cần tạo điều kiện công ăn việc làm, thu nhập cho các bậc cha mẹ trong những gia đình nghèo khó mà đang phải nuôi con nhỏ; xử lý, can thiệp kịp thời đối với những người nghiện ma túy, nghiện rượu có biểu hiện bạo lực, xâm hại trẻ em.

Thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp từ cơ chế, chính sách, pháp luật, nhân lực, nhận thức, kỹ năng và các giải pháp về kĩ thuật thì mới tạo ra một cơ chế đồng bộ, tạo môi trường lành mạnh, bảo vệ tốt cho trẻ em, giảm bớt nguy cơ trẻ em bị xâm hại, xử lý kịp thời đối với các đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em./.