Công nghệ sạc nhanh phổ biến hiện nay là gì ?
Trước khi có sự phổ biến của USB PD, các dòng pin dự phòng hỗ trợ sạc nhanh cũng hỗ trợ tiêu chuẩn Quick Charge 2.0 và 3.0 cho cả sạc ra thiết bị và nạp vào pin. Việc Google đề xuất quy chuẩn sạc nhanh USB Power Delivery đối với các thiết bị có giao tiếp USB-C đã khiến Qualcomm Quick Charge trở nên lép vé vào thời điểm này. Đặc biệt khi Qualcomm không phải là hãng cung ứng một nền tảng di động duy nhất mà thị trường còn có rất nhiều SoC khá như Samsung Exynos, Huawei Kirin, Mediatek, Unisoc… Vì vậy nếu có những dòng máy vẫn dùng cổng microUSB thì bạn đã hiểu câu chuyện rồi đấy: không thì công nghệ sạc nhanh như Quick Charge sẽ không xuất hiện.
Lợi thế của Quick Charge từ phiên bản 3.0 chính là việc nó có thể sử dụng giao thức USB-C trên củ sạc. Trong khi đó các công nghệ sạc riêng biệt đến từ các nhà sản xuất khác hầu hết vẫn sử dụng giao tiếp USB-A. Vì vậy các công ty phát hành củ sạc hoàn toàn có thể tích hợp hai công nghệ sạc nhanh vào trong một cổng một cách dễ dàng.
Với thế hệ Quick Charge 4.0+, Qualcomm đã kết hợp thêm công nghệ USB PD giúp nó có thể hoạt động một cách thích ứng với thông số 5 / 9V, tối đa 3A nhưng vẫn hạn chế ở mức công suất 18W. Tuy vậy, những thông số này không có ý nghĩa nhiều nếu áp dụng lên một chiếc Samsung Galaxy S20 Ultra khi USB PD PPS có thể đạt đến công suất tối đa 45W.
Nội Dung Chính
OPPO VOOC
Công nghệ sạc đến từ thương hiệu của tập đoàn BBK Electronic đã là niềm tự hào của hãng ngay từ thế hệ flagship Find 7. Ngay từ phiên bản đầu tiên, một chiếc máy OPPO Find 7 đã có thể sạc 51% pin trong vòng 30 phút. Và cho đến phiên bản VOOC 3.0 hay 4.0, OPPO vẫn duy trì con số ổn định này dù dung lượng pin trên những điện thoại của họ có tăng lên.
Cốt lõi của VOOC nằm ở việc kiểm soát hiệu điện thế ở mức 5V rồi đẩy cường độ dòng điện lên cao. Oppo lý giải nguyên do họ vẫn giữ mức hiệu điện thế như vậy nhằm đảm bảo tính ổn định cũng như duy trì nhiệt độ ở ngưỡng an toàn trong quá trình sạc thiết bị.
OPPO đã từng giới thiệu công nghệ sạc nhanh nhất của họ là SuperVOOC 2.0 công suất 65W sẽ cho phép sạc pin 4000 mAh từ 1% lên 100% trong 27 phút và sẽ hoàn toàn đầy sau 30 phút. Hiện tại, phiên bản SuperVOOC 50W trên OPPO Find X Lamborghini Edition vẫn đem đến tốc độ sạc đầy ấn tượng chỉ trong 35 phút với dung lượng pin 3.400 mAh. Với SuperVOOC, hiệu điện thế được đẩy lên 10V mới có thể đem đến công suất 50W.
Chính vì hiệu điện thế 5V nên sạc VOOC hay điện thoại OPPO khó có thể sạc nhanh từ những thiết bị sử dụng chuẩn USB PD. Lúc này profile 5V trên những bộ sạc VOOC chỉ hỗ trợ công suất tối đa khoảng 10W. Rõ ràng người dùng OPPO bị phụ thuộc vào công nghệ sạc này nên nhà sản xuất phải phát hành những phiên bản pin dự phòng dành riêng để phục vụ smartphone của họ. Tất nhiên cả sợi dây sạc dành riêng cho VOOC cũng phải được mua từ OPPO để đảm bảo tính tương thích tốt nhất.
Huawei SuperCharge
Huawei từng phát triển tính năng sạc nhanh 9V-2A trên Mate 8 nhưng đã sớm nâng cấp lên phiên bản mới trên Mate 9 với thông số sạc khá tương đồng với OPPO khi sử dụng cùng hiệu điện thế 4.5V – 5V và đẩy cường độ dòng điện lên cao 4.5A – 5A. Cho đến nay, đây cũng là chuẩn sạc nhanh phổ biến nhất trên các dòng điện thoại Huawei.
Chuyển sang thế hệ SuperCharge 2.0 mới từ Mate 20 Pro, Huawei sử dụng công suất lên đến 40W với thông số 10V-4A nhằm tăng cường sạc cho những mẫu điện thoại đầu bảng sau này, bao gồm P30 Pro hay Mate 30 Pro.
Dù có chung cách sử dụng giao tiếp USB-A cho củ sạc nhưng việc lựa chọn dây sạc cho Huawei lại dễ chịu hơn. Điển hình là bạn hoàn toàn có thể mua dây sạc bên thứ ba là ZMI (thương hiệu làm cáp sạc của Xiaomi) để sử dụng dễ dàng cho củ sạc của Huawei với dòng chịu tải tối đa là 5A. Củ sạc Huawei SuperCharge 2.0 tương thích với tiêu chuẩn 9V-2A cũng giúp củ sạc của thương hiệu này tương thích tốt với các mẫu điện thoại giao tiếp USB-C dùng chuẩn USB PD.
vivo FlashCharge
Cũng tương tự như Huawei, thương hiệu cùng mẹ với OPPO phát triển nhiều công nghệ sạc nhanh, bao gồm cả tiêu chuẩn chưa có trên sản phẩm thương mại lên đến 120W. Công nghệ sạc nhanh của vivo phổ biến ở tiêu chuẩn FlashCharge 2.0 với hỗ trợ cả mức công suất 9V-2A, tối đa 11V-3A. Các flagship tới đây của vivo dưới tên gọi iQOO có thể sử dụng bộ sạc lên đến 55W.
USB Power Delivery
Đây là tiêu chuẩn sạc phổ biến nhất hiện nay bởi nó được phát triển mạnh từ khi chuẩn USB-C được phổ cấp. USB Power Delivery lúc đầu là hình thức cung cấp điện ‘ngược’ từ máy tính đến các thiết bị cần cung cấp điện, bao gồm việc cung cấp đủ điện năng cho ổ cứng 2.5 inch, cũng như tính năng sạc pin cho điện thoại hay các thiết bị ngoại vi bên ngoài khi laptop được gập máy.
Phiên bản USB Power Delivery đầu tiên phổ biến trên điện thoại xuất hiện trên các thế hệ máy Lumia 950 / 950 XL hay Google Pixel. Củ sạc đi kèm của máy là loại 5V-3A dễ dàng cung cấp năng lượng tối đa khoảng 15W.
USB PD 2.0 bắt đầu gia tăng tầm ảnh hưởng của mình từ các mẫu điện thoại như Google Pixel 2, Sony Xperia XZ2. Những sản phẩm này còn cho thấy tính ưu việt của USB-C khi có thể xuất tín hiệu màn hình ngoài ra những giao thức HDMI, DisplayPort, cũng như hỗ trợ truyền dữ liệu tốc độ cao USB 3.1. Tất nhiên phải nhắc đến profile sạc 9V-2A làm cơ sở để Apple có thể tích hợp công nghệ sạc nhanh lên những chiếc iPhone từ phiên bản 2017 (iPhone 8, iPhone X).
Phiên bản USB PD 3.0 có thể hỗ trợ rất nhiều profile sạc khác nhau: từ 5V-3A, 9V-2A, 12V-2.xA, 15V-2A / 15-3A, hay tối đa là 20V-5A để sạc cho laptop công suất tối đa 100W. Rõ ràng với thế mạnh của USB PD, nó đang dần thay thế cho những công nghệ sạc vốn bị phụ thuộc vào SoC như Quick Charge của Qualcomm hay PumpExpress của Mediatek.
USB-IF còn phát triển thêm một chuẩn con của USB PD là PPS giúp chuẩn USB PD có thể cạnh tranh cùng những công nghệ sạc di động siêu nhanh đến từ các thương hiệu Trung Quốc. Kết quả là Samsung Galaxy S20 Ultra có thể đạt dung lượng đến 2.500 mAh sau khi sạc đầy 30 phút nhờ bộ sạc Super Fast Charging 45W. USB PD nguyên bản có hạn chế là khó thay đổi cường độ dòng điện ở một hiệu điện thế nhất định. Trong khi PPS lại liên tục điều chỉnh hiệu điện thế và cường độ dòng điện mặc định của USB-PD (vốn cố định) theo hướng dần giảm A và tăng V trong lúc sạc từ cạn lên 100% pin. Vì thế việc sạc nhanh của PPS không gây nóng máy khi mà công suất tương đương với những mẫu laptop sử dụng chip Intel dòng U (Dell XPS 13, Lenovo ThinkPad T4x0).
Có vẻ như các nhà sản xuất smartphone như Google, Sony chọn giải pháp an toàn khi vẫn sử dụng USB PD tiêu chuẩn mà không ngó ngàng gì đến PPS. Hay có thể PPS lại chính là sự đầu tư âm thầm của Samsung cho USB-IF?
Xiaomi Charge Turbo 50W
Xiaomi có hẳn một hệ sinh thái sạc USB PD từ lâu nên họ không chạy theo các hãng đối thủ đồng hương để nghiên cứu và phát triển chuẩn sạc riêng. Mãi đến thế hệ Mi 10 Pro, Xiaomi mới phát hành tiêu chuẩn sạc 50W cho dòng flagship mới có dòng điện 10V-5A. Củ sạc nhanh cho Mi 10 Pro có công suất 65W có thể cung cấp nguồn điện cho Mi 10 Pro ở mức 50W, thử nghiệm thực tế khoảng 60% pin cho 30 phút sạc.
Với lợi thế từ những công ty thành viên, Xiaomi đã phát hành một củ sạc 65W công nghệ GaN sử dụng giao tiếp USB-C tích hợp USB PD và cả profile sạc nhanh của Mi 10 Pro 10V-5A. Rõ ràng người dùng hoàn toàn có thể sử dụng bộ sạc này để sử dụng cho các thiết bị USB PD khác ngoài việc sạc nhanh cho Mi 10 Pro.
Kết luận
Không có gì ngạc nhiên khi USB Power Delivery đang là chuẩn sạc nhanh phổ biến dành cho các nhà sản xuất smartphone, đặc biệt là việc hỗ trợ iPhone / iPad. Tất nhiên chúng ta vẫn dành sự ngưỡng mộ dành cho các thương hiệu tự phát triển công nghệ để khẳng định mình. Mình nghĩ rằng OPPO hay vivo hoàn toàn có thể bổ sung thêm USB PD để phục vụ việc sạc nhanh tiêu chuẩn mà hầu hết các điện thoại còn lại đang hỗ trợ thì sẽ trọn vẹn. Cũng như PPS hiện có trên Samsung biết đâu có thể xuất hiện trên những dòng điện thoại khác như Google, Nokia, Sony, LG?