Công đoàn cơ sở là gì? Chức năng nhiệm vụ của Công đoàn cơ sở?

Công đoàn cơ sở là gì? Công đoàn cơ sở tiếng Anh là gì? Chức năng nhiệm vụ của Công đoàn cơ sở? Quy định về chức năng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn cấp cơ sở mới nhất?

Công đoàn cơ sở là đơn vị công đoàn cốt lõi trực tiếp tiếp cận người lao động và tương tác với người sử dụng lao động để cải thiện tiền lương và điều kiện lao động, cũng như bảo vệ quyền của người lao động. Vậy cụ thể Công đoàn cơ sở là gì? Chức năng nhiệm vụ của Công đoàn cơ sở ra sao?

*Cơ sở pháp lý:

– Luật Công đoàn 2012;

– Nghị định số 43/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật Công đoàn về quyền, trách nhiệm của Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

1. Công đoàn cơ sở là gì?

Để hiểu rõ về Công đoàn cơ sở thì trước hết chúng ta cần hiểu được Công đoàn là gì?

Theo Điều 1 của Luật Công đoàn được ban hành năm 2012 theo luật số 12/2012/QH13, Công Đoàn được định nghĩa như sau:

“Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ”. (Điều 1 Luật Công đoàn 2012).

Từ đó, chúng ta tìm hiểu về định nghĩa của Công đoàn cơ sở.

“Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam ”.(Theo điều 4 của Luật Công đoàn 2012).

Công đoàn cơ sở được thành lập tại các doanh nghiệp thuộc những thành phần kinh tế, những đơn vị sự nghiệp và các cơ quan Nhà nước, những tổ chức Chính trị – xã hội, những tổ chức chính trị – xã hội, những tổ chức xã hội có từ 5 đoàn viên trở lên, được công đoàn cấp trên các quyết định được công nhận.

Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của công đoàn, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặt một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều lệ Công đoàn Việt Nam (Điều 4 Luật Công đoàn 2012).

Công đoàn cơ sở tiếng Anh là: Union base

2. Chức năng nhiệm vụ của Công đoàn cơ sở:

Vai trò và chức năng của Công đoàn có mối liên hệ khăng khít với nhau. Từ tính chất, vị trí, vai trò sẽ xác định chức năng Công đoàn và khi thực hiện tốt chức năng sẽ làm cho vai trò Công đoàn ngày càng củng cố và nâng cao.

Chức năng Công đoàn mang tính khách quan, nó tồn tại không phụ thuộc vào ư chí, nguyện vọng của mỗi đoàn viên, nó được xác định bởi tính chất, vị trí và vai trò của tổ chức Công đoàn. Không ai có thể tuỳ tiện gắn cho Công đoàn những chức năng không phù hợp với bản chất.

Song, cũng không nên cố định một cách cứng nhắc chức năng Công đoàn. Cùng với sự phát triển của xã hội, chức năng Công đoàn cũng phát triển, ở mỗi một điều kiện lịch sử – xã hội khác nhau, Công đoàn thực hiện những chức năng khác nhau và nó luôn luôn được bổ sung những nội dung mới, ý nghĩa mới. Đồng thời sự phát triển chức năng không có nghĩa là phủ định, rũ bỏ các chức năng đã có của Công đoàn. VÌ vậy, cần hiểu đúng để tránh sự trì trệ, bảo thủ, đồng thời tránh sa vào tư tưởng nóng vội, phủ định một cách vô căn cứ những chức năng của Công đoàn.

Các chức năng của Công đoàn gắn chặt với các mặt hoạt động của đời sống xã hội: Sản xuất – kinh doanh, quản lý, kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá – xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

Chức năng của Công đoàn trong chủ nghĩa xã hội khác hẳn về chất so với chức năng của Công đoàn trong chủ nghĩa tư bản, có sự khác nhau đó là do sự thay đổi vị trí, vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong xã hội quyết định.

Công đoàn Việt Nam có tính chất quần chúng và tính chất giai cấp của giai cấp công nhân và có 3 chức năng sau:

– Chức năng thứ nhất, đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-LĐ.

Một trong những chức năng của Công đoàn Việt Nam hiện nay là bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức và lao động.

Công đoàn Việt Nam phải thực hiện chức năng bảo vệ quyền, lợi ích công nhân lao động vì: trình độ và kinh nghiệm quản lý của chính quyền các cấp còn non kém, bộ máy Nhà nước còn quan liêu, hành chính dẫn đến một số người, một số bộ phận thờ ơ trước quyền lợi của công nhân, viên chức và lao động, tình trạng tham ô, lãng phí, móc ngoặc, hối lộ, tham nhũng, vi phạm đến lợi ích, đời sống người lao động vẫn còn tồn tại không thể ngay một lúc xoá bỏ hết được. Vì vậy, Công đoàn phải là người bảo vệ lợi ích công nhân, viên chức và lao động chống lại tệ nạn quan liêu, chống lại các biểu hiện tiêu cực. Đó là sự bảo vệ đặc biệt khác hẳn với sự bảo vệ trong chủ nghĩa tư bản.

Công đoàn Việt Nam thực hiện chức năng bảo vệ quyền, lợi ích người lao động không bằng cách đấu tranh chống lại Nhà nước làm suy yếu Nhà nước, không mang tính đối kháng giai cấp, không phải là đấu tranh giai cấp. Ngược lại Công đoàn còn vận động, tổ chức cho công nhân viên chức lao động tham gia xây dựng Nhà nước trong sạch vững mạnh.

Đồng thời Công đoàn cũng bảo vệ chính lợi ích của Nhà nước – Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đấu tranh chống lại các thói hư tật xấu của một số người, nhóm người lạc hậu bị tha hoá, đấu tranh chống lại những hành vi vi phạm pháp luật Nhà nước, bảo vệ chính quyền Nhà nước.

Thực tế hiện nay của nước ta, trong điều kiện hàng hoá nhiều thành phần, các xí nghiệp tư nhân, liên doanh, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công nhân, lao động làm việc trong sự quản lý của chủ xí nghiệp (không phải xí nghiệp quốc doanh), đã xuất hiện quan hệ chủ thợ, tình trạng vi phạm đến quyền, lợi ích công nhân lao động có xu hướng phát triển. VÌ vậy, chức năng bảo vệ lợi ích công nhân, viên chức và lao động của Công đoàn có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Để thực hiện chức năng bảo vệ lợi ích, Công đoàn chủ động tham gia cùng chính quyền tìm việc làm và tạo điều kiện làm việc cho công nhân, lao động; Công đoàn tham gia trong lĩnh vực tiền lương, tiền thưởng, nhà ở, trong việc ký kết hợp đồng lao động của công nhân, lao động; đại diện công nhân, lao động ký kết thoả ước lao động tập thể; trong vấn đề thương lượng, giải quyết tranh chấp lao động; tổ chức đình công theo Bộ luật lao động. Quản lý và sử dụng quĩ phúc lợi tập thể và sự nghiệp phúc lợi tập thể; bảo hiểm xã hội; bảo hộ lao động; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công nhân, viên chức và lao động; phát huy dân chủ, bình đẳng, công bằng xã hội; phát triển các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch, thăm quan nghỉ mát.

Trong quá trình thực hiện các nội dung hoạt động nhằm thực hiện chức năng bảo vệ lợi ích cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc các vấn đề cơ bản như:

Lợi ích người lao động gắn liền với lợi ích của Nhà nước, của tập thể, sự tồn tại của Nhà nước chính là sự đảm bảo lợi ích cho người lao động. Lợi ích của người lao động không chỉ thuần tựu ở cơm ăn, áo mặc mà cao hơn là lợi ích chính trị (đại diện là Nhà nước), lợi ích kinh tế, lợi ích văn hoá, tinh thần, lợi ích trước mắt, hàng ngày, lâu dài, lợi ích cá nhân, tập thể, Nhà nước.

+ Nhà nước là người bảo đảm, Công đoàn là người bảo vệ lợi ích công nhân, viên chức và lao động. Đây là vấn đề quan trọng nói lên mối quan hệ khăng khít, biện chứng giữa nghĩa vụ và quyền lợi. Đồng thời, nó là cơ sở nhận thức về lợi ích công nhân, viên chức và lao động trong điều kiện mới, thể hiện đúng bản chất cách mạng của Công đoàn Việt Nam.

Chức năng thứ hai, tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế.

Trong điều kiện giai cấp công nhân giành được chính quyền người lao động trở thành người chủ, họ có quyền và có trách nhiệm tham gia quản lý kinh tế, xã hội. VÌ vậy, vấn đề tham gia quản lý đã trở thành chức năng của Công đoàn. Tuy nhiên cần nhận thức rằng, Công đoàn tham gia quản lý chứ không làm thay, không cản trở, không can thiệp thô bạo vào công việc quản lý của Nhà nước. Công đoàn tham gia quản lý thực chất là để thực hiện quyền của Công đoàn, quyền của công nhân, viên chức, lao động, và để bảo vệ đầy đủ các quyền lợi ích của người lao động.

Ngày nay, trong điều kiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khi thực hiện chức năng tham gia quản lý Công đoàn Việt Nam cần quan tâm đến việc phát triển tiềm năng lao động, phát huy sáng kiến, cùng giám đốc, thủ trưởng đơn vị tìm nguồn vốn, thị trường để mở rộng sản xuất – kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động. Kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền, chống quan liêu tham nhũng.

Những nội dung Công đoàn Việt Nam tham gia quản lý:

* Tổ chức phong trào thi đua lao động giỏi trong công nhân, viên chức và lao động là biện pháp tổng hợp để họ trực tiếp tham gia quản lý.

* Tham gia xây dựng chiến lược tạo việc làm và điều kiện làm việc cho công nhân lao động.

* Tham gia xây dựng, hoàn thiện các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động như; tiền lương, tiền thưởng, nhà ở…

* Tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của công nhân, viên chức và LĐ.

* Tham gia xây dựng, hoàn thiện các chính sách xã hội: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình, phong trào đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ xã hội.

* Vận động và tổ chức tốt Đại hội công nhân viên chức, Hội nghị cán bộ công chức (đơn vị hành chính sự nghiệp) ở đơn vị.

* Công đoàn tham gia vào việc hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh và đầu tư, đồng thời kiểm tra, giám sát các công việc đã được hoạch định.

* Tham gia xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan đến quyền, lợi và nghĩa vụ của người lao động. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách của đơn vị.

Chức năng thứ ba, giáo dục, động viên CNVCLĐ phát huy quyền làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Chức năng giáo dục của Công đoàn Việt Nam ngày càng mở rộng và phát triển thông qua hoạt động thực tiễn trong lao động sản xuất và tham gia các phong trào thi đua…góp phần cho công nhân, viên chức và lao động nhận thức và hiểu được lợi ích của họ gắn với lợi ích tập thể, lợi ích của xã hội. Muốn có lợi ích và muốn lợi ích của ḿnh được bảo vệ trước hết, phải thực hiện tốt nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ của người công dân đối với cơ quan, xí nghiệp và xã hội. Trên cơ sở đó xây dựng ư thức lao động mới, lao động có kỷ luật và có tác phong công nghiệp. Nâng cao tinh thần tự giác học tập văn hoá, chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện tay nghề để đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

+ Công đoàn tuyên truyền, giáo dục cho công nhân, viên chức và lao động vững tin vào đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế – xã hội mà Đảng ta đã lựa chọn. Giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc, của địa phương (nhất là đối với công nhân lao động trẻ).

+ Tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, xây dựng lối sống văn hoá lành mạnh, sống và làm việc theo pháp luật góp phần xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh. Với tinh thần thường xuyên cảnh giác và đấu tranh chống lại những âm mưu thù địch.

Chức năng của Công đoàn là một chính thể, một hệ thống đồng bộ, trong đó chức năng bảo vệ lợi ích hết sức được coi trọng, mang ý nghĩa trung tâm, là mục tiêu hoạt động của Công đoàn Việt Nam; chức năng tham gia quản lý mang ý nghĩa phương tiện; chức năng giáo dục mang ý nghĩa tạo động lực tinh thần để đạt được mục tiêu.

Do vậy, Công đoàn Việt Nam đồng thời quan tâm tới cả 3 chức năng không coi nhẹ chức năng này, xem nặng chức năng kia.