Cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu lý giải về đám mây hình thù kỳ lạ trên núi Bà Đen
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy – cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng đám mây tạo hình thù kỳ lạ trên núi Bà Đen là mây dạng thấu kính, được hình thành ở tầng đối lưu và cực kỳ đặc biệt.
Hình thù kỳ lạ của đám mây trên núi Bà Đen được một người dân chụp được vào sáng 24/11.
Sáng 24/11, trên mạng xã hội lan truyền clip, bức ảnh một đám mây khổng lồ hình đĩa bay xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh). Sự kiện thiên nhiên hiếm gặp này gây sự chú ý và được lan truyền rộng rãi.
Lý giải về hiện tượng này, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy cho rằng đây là một dạng mây thấu kính được tạo ra từ rìa của những tầng sóng không khí hoặc giữa các lớp gió với nhau. Điều đặc biệt của nó là dù gió mạnh cỡ vừa nó cũng không bị vỡ cấu trúc hoặc bị tan. Nó chỉ tan khi có đám mây khác lớn hơn xâm lấn đến hoặc hơi ẩm tại chỗ ngưng bốc hơi, ngưng cấp năng lượng cho nó.
“Điều kiện để hình thành mây thấu kính là có một dòng không khí khô mà lạnh di chuyển theo phương ngang, song song mặt đất, đi vào một khu vực có dòng không khí nóng ẩm đang bốc hơi ổn định từ một quả núi hay đồi.
Khi lớp không khí ẩm tại quả núi bị đẩy lên cao gặp khối không khí khô và lạnh đi vào từ gió ngang thì nó ngưng tụ lại thành những đĩa mây chồng lên nhau. Núi Bà Đen tròn như một giá thể để hai khối không khí tương tác và xoáy quanh nó, tạo thành đĩa mây thấu kính”, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy giải thích.
Cùng chung nhận định trên, Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) cho rằng đám mây có hình kỳ lạ trên núi Bà Đen thực chất là mây dạng thấu kính (Lenticular clouds). Đây là những đám mây đứng yên, có hình dạng tương tự thấu kính và hình thành ở những dãy núi cao.
Thông thường, mây thấu kính hình thành theo hướng song song với hướng gió, tách thành ba loại gồm Altocumulus, Stratocumulus và Cirrocumulus (lần lượt là mây trung tích, tầng tích và ti tích) tùy vào điều kiện thời tiết, địa hình.
Đại diện HAS cho biết, mây “thấu kính” là loại mây hiếm gặp, được hình thành ở tầng đối lưu và cực kỳ đặc biệt. Hiện tượng này thường xuất hiện nhiều ở núi Phú Sĩ (Nhật Bản) hay một số nơi ở Mỹ, thường là vùng núi cao. Điểm đặc biệt của các đám mây thấu kính là luôn bất động, hiếm có cơn gió nào lay chuyển được. Hình dạng đặc trưng của mây thấu kính giống với các đĩa bay nên nhiều khi chúng bị hiểu nhầm là các UFO (đĩa bay của người ngoài hành tinh).
Ông Lê Đình Quyết – phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ – cho biết hình ảnh ghi nhận đám mây hình “đĩa bay” trên núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) sáng 24/11, thực sự độc lạ, hiếm khi xảy ra.
Theo ông Quyết, những ai sống ở gần núi này (núi Bà Đen) hoặc một số núi khác cũng sẽ có cơ hội bắt gặp đôi lần mây xuất hiện trên đỉnh núi, với những hình dạng độc đáo. Tuy nhiên hình dạng “đĩa bay” sẽ khó lặp lại.
Những đám mây tầng thấp (mây tích) có cấu trúc thành những khối, lơ lửng ở độ cao chân mây khoảng 700 – 1.000m, nhìn từ dưới lên có những lúc hình dạng như bắp cải do cấu trúc không bền vững, dưới tác động của gió, và vận chuyển bên trong khối mây, nên khối mây luôn “động”, cấu trúc luôn thay đổi nên hình thái rất đa dạng.
Ông Quyết cho biết thêm, rất có thể trước đó đám mây ở khu vực núi Bà Đen rộng hơn, nhưng càng về sau khi mặt trời sắp chiếu sáng, năng lượng bức xạ mặt trời và nhiệt độ không khí bắt đầu tăng, thì những đám mây ngoài rìa tan thành những mây khác được đẩy ra xa hoặc lên tầng cao.
Dần dần, những biến đổi tự nhiên vô tình tạo thành hình dạng đặc biệt. Thêm nữa, không khí có xu hướng chuyển động đi lên nhưng yếu, cũng tạo ra mây có hướng chuyển động đi lên, sau đó tạo nên các lớp trong cùng khiến đám mây giống như chiếc “đĩa bay” hay những chiếc nón xếp chồng lên nhau.
Hình dạng của đám mây khiến nhiều người hiểu nhầm là các UFO (đĩa bay của người ngoài hành tinh).
Lý giải về nguyên nhân mây thường hình thành trên đỉnh núi, ông Quyết cho biết các ngọn núi thường hình thành những đám mây tầng thấp nhưng tan nhanh, nhất là những núi đứng độc lập (xung quanh là địa hình thấp, bằng phẳng).
Càng lên cao nhiệt độ càng giảm, độ ẩm không khí cao. Do đó nhiệt độ của phần đỉnh núi và chân núi sẽ chênh lệch nhau dẫn đến việc dễ hình thành mây trên đỉnh núi, đặc biệt với các núi có độ cao từ 700 – 1.000m.
“Hiện tượng này sẽ còn gặp lại, nhất là vào khoảng tháng 11. Đây chỉ là hình dạng của một đám mây, xuất hiện theo điều kiện khí tượng bình thường, chỉ có hình thái đám mây rất đặc biệt”, ông Quyết cho hay.
Theo phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, nhiệt độ lúc 7h sáng ngày 24/11, tại thành phố Tây Ninh khoảng 24 độ C thì trên đỉnh núi Bà Đen khoảng 17 độ C. Mấy hôm trước đó, ban đêm và sáng sớm nhiều nơi thuộc Nam Bộ có mưa, độ ẩm không khí cao, đây là điều kiện tốt để hình thành mây.
“Hiện tượng mây vờn đỉnh núi vẫn còn có thể xảy ra, nhất là vào tháng 11 vì thời điểm thường có nhiệt độ không khí thấp, có mưa, độ ẩm không khí cao. Tuy nhiên, hình dạng đám mây sẽ khó lặp lại như chùm mây vờn trên đỉnh núi Bà Đen sáng 24/11”, đại diện phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết.
Núi Bà Đen nằm ở phía Đông bắc thành phố Tây Ninh, thuộc địa phận xã Thạnh Tân và cách trung tâm thành phố 11 km, là một ngọn núi nằm trong quần thể di tích văn hóa lịch sử núi Bà Đen, được biết đến bởi phong cảnh hữu tình và nhiều huyền thoại tại Tây Ninh. Theo Gia Định thành thông chí, tên gốc của núi Bà Đen là Bà Dinh. Những bậc kỳ lão địa phương thì cho rằng tên gốc là núi Một. Đến khoảng nửa thế kỷ XVIII mới xuất hiện tên gọi núi Bà Đênh, sau gọi trại dần thành núi Bà Đen. Cũng có người gọi là núi Điện Bà.
Núi Bà Đen có diện tích 24 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: Núi Heo – Núi Phụng – Núi Bà Đen. Hệ thống chùa ở núi bà có: chùa Trung, chùa Bà, chùa Hang.
Núi Bà Đen thu hút khách thập phương vì cảnh núi non hùng vĩ cùng với thảm thực vật phong phú. Với độ cao 986m cao nhất Nam Bộ nên nhiệt độ tại đỉnh núi Bà Đen thường thấp hơn dưới chân núi khoảng 6 – 7 độ C.