Cơ bản về thử nghiệm lâm sàng – Đối tượng Đặc biệt – Cẩm nang MSD – Phiên bản dành cho chuyên gia
Các thử nghiệm lâm sàng so sánh can thiệp đang được nghiên cứu với một phương pháp điều trị khác, giả dược hoặc thuốc thật so sánh. Giả dược là một chế phẩm trơ (hoặc quy trình giả). Trong một nghiên cứu được làm mù với một loại thuốc uống, giả dược được tạo ra để trông giống hệt với loại thuốc đang được nghiên cứu. Nếu điều đó là không thể, cả thuốc nghiên cứu và giả dược có thể cho vào trong viên nang giống hệt nhau. Ngay cả những bệnh nhân dùng giả dược cũng có thể có tác dụng có lợi (được gọi là hiệu ứng giả dược) hoặc báo cáo tác dụng bất lợi (được gọi là hiệu ứng gây hại). Nếu không có thuốc so sánh là giả dược, cả tác dụng tích cực và tiêu cực đều có thể được quy cho thuốc nghiên cứu. Một loại thuốc thực so sánh thường là một loại thuốc điều trị thường được kê đơn có hiệu quả và độ an toàn đã được thiết lập hoàn chỉnh. Các loại thuốc thực so sánh cũng được sử dụng để so sánh hiệu quả tương đối đối với tiêu chí đánh giá đã xác định, độ an toàn (tức là tác dụng bất lợi) và dễ sử dụng (ví dụ: thuốc viên so với thuốc tiêm, số lần tiêm ít hơn).
Các thử nghiệm lâm sàng thường được làm mù đôi, có nghĩa là cả bệnh nhân và nghiên cứu viên (và mọi người tham gia thử nghiệm tiếp xúc với bệnh nhân) đều không biết bệnh nhân đang dùng thuốc nghiên cứu hay giả dược. Thử nghiệm được kết thúc bằng phương pháp mù đôi để loại bỏ những sai lệch có thể có khi phân tích thử nghiệm. Nếu không có thiết kế mù đôi, sai lệch có thể xảy ra. Sự sai lệch có thể có ý thức nhưng cũng có thể là vô thức và không thể tránh khỏi; do đó, mù đôi là cách tốt nhất để đánh giá một thuốc can thiệp mới.
Một thử nghiệm chọn ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng giả dược là thiết kế nghiên cứu phổ biến nhất được sử dụng để chứng minh hiệu quả và độ an toàn của một thuốc can thiệp. Trong các thử nghiệm này, bệnh nhân được phân ngẫu nhiên vào một trong 2 hoặc nhiều nhóm, nhóm sẽ dùng giả dược và nhóm sẽ dùng thuốc can thiệp đang được nghiên cứu. Đôi khi nghiên cứu nhiều hơn một can thiệp, chẳng hạn như các liều lượng khác nhau của một loại thuốc hoặc nhiều loại thủ thuật can thiệp. Kết quả của các nhóm được so sánh với tiêu chí đánh giá chính. Nếu nhóm can thiệp ưu việt hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm dùng giả dược, thì sự khác biệt được giả định là sự khác biệt theo quần thể thực sự (ví dụ: nó không phải do biến động ngẫu nhiên). Nếu sự khác biệt dẫn đến cải thiện có ý nghĩa về mặt lâm sàng, thì can thiệp đó được coi là có hiệu quả. (Đặc biệt là trong các nghiên cứu lớn, có thể có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm can thiệp và nhóm giả dược mà có thể không có ý nghĩa lâm sàng lớn). Thường thì cần phải có 2 thử nghiệm lớn, chọn ngẫu nhiên, có đối chứng để cho thấy hiệu quả trước khi nó được cơ quan quản lý (chẳng hạn như FDA) chấp nhận. Kết hợp các kết quả thử nghiệm cũng góp phần đánh giá mức độ an toàn của can thiệp, vì dữ liệu an toàn quan trọng, chẳng hạn như các biến cố bất lợi hiếm gặp, có thể chỉ xảy ra không thường xuyên. Do đó, việc thiết lập độ an toàn đòi hỏi phải có dữ liệu với số lượng bệnh nhân lớn hơn nhiều. Các thử nghiệm này thường được thực hiện như một thiết kế song song để 2 nhóm dùng can thiệp nghiên cứu hoặc điều trị bằng giả dược, và kết quả của 2 nhóm này được so sánh khi kết thúc thử nghiệm về hiệu quả và độ an toàn. Thông thường, mức cải thiện so với lần khám ban đầu là tiêu chí đánh giá được so sánh giữa 2 nhóm và sự khác biệt giữa những thay đổi đó cũng được so sánh.
Đôi khi một thiết kế bắt chéo được sử dụng. Trong những thử nghiệm này, mỗi nhóm được điều trị ngẫu nhiên trước bằng một can thiệp nghiên cứu hoặc giả dược theo kiểu làm mù. Tuy nhiên, trong thiết kế bắt chéo, sau khi tiêu chí đánh giá được đánh giá, mỗi nhóm sẽ dùng phương pháp điều trị khác trong cùng một khoảng thời gian, một lần nữa theo kiểu làm mù. Các tiêu chí đánh giá được đánh giá bằng cách chỉ định điều trị (cho dù điều trị được đưa ra trong giai đoạn đầu tiên hay giai đoạn thứ hai). Thiết kế này có ưu điểm là cho phép mỗi người tham gia được điều trị bằng thuốc thật và giả dược, cho phép so sánh tác dụng của chúng trên cùng một cá nhân và loại bỏ sự khác biệt giữa các đối tượng (nguồn biến thiên ngẫu nhiên lớn nhất trong các thử nghiệm lâm sàng). Do đó, thiết kế bắt chéo cho phép thử nghiệm thu nhận ít bệnh nhân hơn. Tuy nhiên, thiết kế bắt chéo đưa ra một biến mới có khả năng gây ra vấn đề, trình tự mà các can thiệp được dùng và tác dụng của một phương pháp điều trị đối với phương pháp điều trị khác. Nếu một phương pháp điều trị trong giai đoạn đầu tiên có hiệu quả có thể chứng minh được, thì các giá trị ở lần khám ban đầu trong giai đoạn thứ hai sẽ khác đối với một số người tham gia. Những khác biệt này có thể được giải quyết bằng các phương pháp thống kê thích hợp. Để giảm thiểu kéo dài tác dụng từ giai đoạn đầu tiên, một số thử nghiệm bắt chéo có khoảng thời gian “thải thuốc” xen kẽ giữa các lần điều trị. Giai đoạn thải thuốc cũng giúp đảm bảo rằng các giá trị ở lần khám ban đầu trong giai đoạn điều trị thứ hai tương tự như giai đoạn đầu tiên.
Một thử nghiệm chọn ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng thuốc thực so sánh so sánh thuốc can thiệp thử nghiệm với một thuốc so sánh là một phương pháp điều trị đã biết cho tình trạng rối loạn. Thử nghiệm thuốc thực so sánh được thực hiện trong một số tình huống, chẳng hạn như:
-
Khi rối loạn nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng và sẽ là phi đạo đức nếu điều trị một số bệnh nhân bằng giả dược trong khi có một phương pháp điều trị đã thiết lập hiệu quả
-
Khi một loại thuốc thử nghiệm có thể có hiệu quả tốt hơn một loại thuốc hiện có (cả hai đều được thêm vào điều trị tiêu chuẩn hiện tại)
-
Khi chứng minh rằng một loại thuốc mới có hiệu quả “không thua kém hơn” thuốc cùng nhóm (phổ biến trong các thử nghiệm dược phẩm trong đó các thuốc cùng nhóm của các công ty khác nhau có thể được so sánh; dữ liệu thường được sử dụng trong lâm sàng, người trả tiền và thảo luận về công thức bào chế). Thuốc mới có thể có lợi thế hơn thuốc khác ngoài hiệu quả (ví dụ, dễ sử dụng), do đó nếu hiệu quả ngang nhau, thuốc mới có thể được ưu tiên hơn.
Các thử nghiệm thuốc thức so sánh có thể bị mù đôi. Khi các thử nghiệm thuốc thực so sánh bị mù đôi, các thuốc này đôi khi được gọi là “giả dược kép” và mỗi người tham gia được sử dụng thuốc thực A và giả dược cho B hoặc thuốc thực B và giả dược cho A. Một số phương pháp thống kê được sử dụng trong mỗi trường hợp trong 3 tình huống phổ biến. Những cách tiếp cận này có thể bao gồm cơ hội để thể hiện mức độ không thua kém trước tiên và sau đó kiểm tra mức độ ưu việt hơn. Một kế hoạch phân tích thống kê phải được xác định trước khi bắt đầu nghiên cứu.