Chuyên ngành Kỹ thuật vật liệu – Đại Học Bách Khoa Hà Nội
Đánh giá
Review ngành Kỹ thuật vật liệu đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST): Ngành học thú vị!
Từ cổ chí kim, vật liệu luôn gắn liền với sự phát triển của nhân loại. Chẳng hạn như xã hội nguyên thủy có thời kỳ đồ đá, đồ đồng, rồi đến các loại vật liệu như đất sét, sắt,…và thời đại 4.0 như ngày hôm nay chúng ta lại có vật liệu thông minh, siêu hợp kim với tính năng đặc biệt. Hôm nay hãy cùng Hocmai.vn tìm hiểu chi tiết ngành Kỹ thuật vật liệu của Đại học Bách Khoa Hà Nội để xem ngành này thú vị thế nào nhé!
1. Ngành Kỹ thuật vật liệu là gì?
Kỹ thuật vật liệu là ngành chuyên nghiên cứu và triển khai các phương pháp xử lý, chế tạo vật liệu, để thu được vật liệu mới có nhiều đặc tính ưu việt hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người.
Khi theo học ngành Kỹ thuật vật liệu, bạn sẽ được trang bị các kiến thức cơ sở để hiểu được về các nhóm vật liệu chính như: Kim loại, Polyme, Silicat, Vật liệu năng lượng và các vật liệu tiên tiến như vật liệu Siêu dẫn, vật liệu Bán dẫn, vật liệu Y sinh,… từ đó hiểu được mối quan hệ giữa tính chất và cấu trúc của vật liệu.
Khi hoàn thành chương trình học, bạn sẽ có năng lực sử dụng hợp lý, lựa chọn và kiểm soát chất lượng vật liệu để tăng tính hiệu quả cho công việc. Bên cạnh đó, bạn còn được trang bị các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, phân tích, tổng hợp thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng nghiên cứu, đánh giá các loại vật liệu,…giúp bạn thích nghi nhanh hơn với môi trường làm việc thực tế.
2. Ngành Kỹ thuật vật liệu của Đại học Bách Khoa Hà Nội có gì đặc biệt?
Tại đại học Bách Khoa Hà Nội, ngành Kỹ thuật vật liệu được đào tạo theo hướng ngành rộng. Chương trình học được xây dựng với các môn có tính tổng hợp đa lĩnh vực, đa ngành và cập nhật nhanh với các loại công nghệ vật liệu mới, hướng đến việc phát triển và vận dụng các loại công nghệ chế tạo phù hợp với tính chất và cấu trúc.
Các định hướng đào tạo chính của trường là: Vật liệu kim loại màu và compozit; Kỹ thuật gang thép; Cơ học vật liệu và công nghệ tạo hình; Vật liệu và công nghệ đúc; Vật liệu tiên tiến và cấu trúc nano; Vật liệu học, Xử lý nhiệt và bề mặt.
Một lợi thế cực lớn của sinh viên Kỹ thuật vật liệu của Hust đó là chương trình đào tạo rất quan tâm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động thông qua các môn tự chọn chuyên ngành. Nói đơn giản thế này, vì vật liệu là ngành đổi mới liên tục, mỗi giai đoạn sẽ có vật liệu hay công nghệ “được yêu thích” hơn nên sinh viên cần được cập nhật kiến thức nhanh chóng. Trong một thời điểm nào đó, nếu ngành nào đó có nhu cầu lớn về nhân lực thì ĐHBK HN sẽ ưu tiên chọn các môn học tích hợp cho ngành để khi sinh viên ra trường có đủ kiến thức đáp ứng ngay nhu cầu sản xuất.
Để sinh viên có đủ năng lực làm việc đáp ứng nhu cầu thực tế, một khối lượng lớn các kiến thức chuyên ngành kỹ thuật sẽ bắt đầu được đào tạo từ học kỳ thứ 3. Đó có thể là các môn công nghệ, đồ án môn học, các bài thí nghiệm, thực tập kỹ thuật, thực tập tốt nghiệp và đồ án, luận văn tốt nghiệp. Tỷ lệ thời gian dành cho phòng thí nghiệm của sinh viên cũng rất cao, vì thế bạn không lo bỡ ngỡ khi ra trường đi làm đâu nhé!
Hiện nay, Khoa Kỹ thuật vật liệu có các chương trình đào tạo: Hệ cử nhân 4 năm học, hệ kỹ sư 5 năm, hệ thạc sĩ 5,5 năm và hệ tiến sĩ 8,5 năm. Bạn có thể đăng ký xét tuyển tài năng, xét tuyển dựa theo kết quả thi THPT hoặc xét tuyển tích hợp đều được.
Bên cạnh ngành Kỹ thuật vật liệu (Mã tuyển sinh MS1), Đại học Bách Khoa Hà Nội còn có chương trình tiên tiến Khoa học Kỹ thuật vật liệu (MS-E3) đang rất được quan tâm. Đây là chương trình được xây dựng dựa trên cơ sở ngành Khoa học và Kỹ thuật vật liệu của trường Đại học University of Illinois at Urbana Champaign (UIUC) – một trong những trường đào tạo Kỹ thuật vật liệu hàng đầu của Mỹ. Khi học chương trình này bạn sẽ được đào tạo bởi những giáo sư có nhiều kinh nghiệm, từng dạy và học tại các nước nói tiếng Anh. Một số môn học còn được các giáo sư của trường UIUC trực tiếp giảng dạy.
Về cơ bản thì chương trình này được giảng dạy theo học chế tín chỉ. Năm thứ nhất bạn sẽ học theo kế hoạch chuẩn, chủ yếu là những môn khoa học xã hội và nhân văn, một số học phần toán cao cấp và học bổ sung thêm tiếng Anh. Còn từ năm 2 trở đi, chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh nhé!
3. Điểm chuẩn ngành Kỹ thuật vật liệu Đại học Bách Khoa Hà Nội
4. Học Kỹ thuật vật liệu ra trường làm gì?
Vật liệu luôn gắn liền với sự phát triển của nhân loại, vì thế đây là ngành quan trọng đối với xã hội với nhiều cơ hội rộng mở. Vị trí điển hình là bạn có thể làm kỹ sư thiết kế. Công việc chủ yếu là nghiên cứu về vận hành, tại các công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực vật liệu điện tử, vật liệu điện, kỹ thuật vật liệu. Hiện nay công việc này đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn và mức lương cũng rất hấp dẫn.
Quản lý giám sát cũng là công việc được nhiều bạn lựa chọn. Công việc của bạn sẽ là kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng ở các dự án và công trình. Các công ty xây dựng và các dự án trong và ngoài nước thường xuyên cần tuyển quản lý giám sát.
Nếu bạn là người thích ổn định thì có thể ứng tuyển các vị trí ở cơ quan nhà nước về vật liệu xây dựng. Đây cũng là hướng đi khá hay đúng không nào!
Nếu bạn yêu thích “gõ đầu trẻ” thì có thể tham gia giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng, phụ trách các môn liên quan đến ngành kỹ thuật vật liệu.
Kỹ sư chế tạo: ngoài những vị trí công việc trên bạn có thể làm kỹ sư chế tạo thiết bị công nghiệp, điện dân dụng với mức lương khá cao nhé!
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn có hiểu hơn về ngành Kỹ thuật vật liệu của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Chúc các bạn học tốt và chạm đến ước mơ!