Chuyện ít biết về bữa ăn của vua triều Nguyễn
Vua ngày xưa ăn uống như thế nào, thức ăn gồm những món gì, việc nấu nướng ra sao là câu chuyện nhiều người muốn tìm hiểu.
Theo sách Lễ Tết ăn chơi trong cung Nguyễn, vua và gia đình, các buổi yến tiệc trong cung, các buổi cúng tế được phục vụ ẩm thực chu đáo.
Hàng ngày, vua có ba bữa ăn chính gồm ăn sáng lúc 6h30, ăn trưa vào 11h, ăn tối 17h cùng nhiều bữa ăn phụ khác. Yến tiệc trong cung tùy vào quy mô, nhìn chung có nhiều món. Tiệc cúng tế được tổ chức quanh năm.
Hai sở lo chuyện ẩm thực
Ẩm thực trong hoàng cung là vấn đề hệ trọng. Triều Nguyễn tổ chức hai sở chuyên lo việc này. Đó là sở Lý Thiện (đông nhất đến 350 người) và Thượng Thiện được đặt ra từ thời vua Minh Mạng, có ít nhất 50 người chuyên lo việc đi chợ, nấu ăn cho vua và các bà hoàng trong tam cung, lục viện.
Vua Khải Định dùng cơm. Ảnh: Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân
.
Mỗi bữa ăn của vua có 35 món thực phẩm, với đủ các loại của ngon vật lạ. Gạo phải thơm ngon, mềm, trồng ở phía Nam kinh thành Huế, phải chọn những hạt nguyên.
Cơm được nấu trong loại nồi đất đặc biệt, được nghệ nhân vùng Phong Điền làm riêng cho hoàng cung. Mỗi nồi nấu cơm chỉ dùng đúng một lần duy nhất, sau đó đập vỡ. Nước dùng nấu cơm hoặc pha trà cho vua phải lấy từ giếng Hàm Long dưới chân chùa Báo Quốc, hoặc thượng nguồn sông Hương.
Việc nấu các món ngự thiện phải sạch sẽ. Chỉ cần phát hiện trong thức ăn một sợi tóc hay bất cứ thứ gì khác, sở Thượng Thiện sẽ bị phạt rất nặng. Ngoài ra, chén bát dùng trong hoàng cung cũng phải đặc biệt, có ký hiệu riêng, quan lại và dân thường tuyệt đối không được sử dụng. Trong các bữa ăn, vua dùng đũa cật tre và tăm bông do thợ lành nghề vót.
Mỗi món ăn được để trong một cái vịm buộc lạt, bên ngoài có dán nhãn. Vua muốn ăn món nào thì chỉ cho thị vệ mở ra, nếu thức ăn bị lạnh thì hâm nóng lại. Ngoài ra, các bà hoàng trong cung, vì muốn được vua sủng ái, nên cũng đua nhau làm những món của ngon vật lạ để dâng lên trong các bữa ăn.
Vua ngồi ăn một mình được gọi là “ngài ngự thiện”. Trong bữa ăn, vua sẽ uống rượu do các ngự y ngâm thuốc Bắc. Đây là những loại rượu có tác dụng giúp bồi bổ sức khỏe và tăng cường sinh lực. Thức ăn tráng miệng của vua gồm các loại chè, mứt, trái cây do địa phương tiến dâng…
Mỗi bữa ăn của vua có tới 35 món khác nhau, không thể ăn hết. Vua sẽ ban một số món ăn cho các bà hoàng trong cung và cho đại thần để bày tỏ lòng quý mến. Những người được vua “ban thiện”, khi quân lính mang thức ăn tới, sẽ hướng về phía nơi vua ở, quỳ vái năm lần để thể hiện sự biết ơn.
Những vị vua có sở thích ăn uống ngoại lệ
Đa phần vua trong cung triều Nguyễn đều ăn uống rất xa hoa, tốn kém. Tuy nhiên, vẫn có những người ăn uống giản dị, không khác dân thường.
Gia Long – vị vua đầu tiên của triều Nguyễn – có sở thích ăn uống rất đơn giản. Buổi sáng, có khi, ông chỉ ăn bát cháo trắng. Những hôm ra khỏi hoàng cung, đến công trường xây dựng, hay các xưởng đóng tàu, vua sẽ ăn cơm trong thuyền ngự gồm cơm với một số thịt, cá, rau, quả giống như các quan dưới quyền mình. Vua Gia Long không dùng rượu.
Duy Tân cũng là vị vua có chế độ ăn uống đạm bạc. Lúc nhỏ, ông phải sống với mẹ ngoài hoàng cung rất cực khổ. Sau này, khi làm vua, ông bảo thị vệ: “Trước kia, tôi thường dùng hai bát cơm úp lại với nhau và một vài con cá bống kho mặn. Cứ việc cho tôi ăn như rứa (như thế) là đủ rồi”.
Sau nhiều lần khuyên vua nên ăn uống theo các món do Thượng Thiện nấu không có hiệu quả, hoàng cung buộc phải chiều theo ý của ông.
Vua Duy Tân thường rất ít khi ngồi ăn một mình. Ông thường mời thầy của mình là Mai Khắc Đôn ăn cùng và nghe Nhã nhạc. Sau này, khi có vợ (con thầy Mai Khắc Đôn), hai vợ chồng vua Duy Tân thường xuyên ngồi ăn cơm với nhau.
Vua Bảo Đại có hai giai đoạn sống trái ngược nhau. Lúc nhỏ, Bảo Đại rất thích ăn những món bình dân của xứ Huế như ruốc kho, các loại mắm, canh cá bống… Sau thời gian du học ở Pháp, ông có lối sống phương Tây. Vua ngồi ăn cơm với vợ là Nam Phương hoàng hậu cùng các con. Các vật dụng trong bữa ăn cũng theo kiểu phương Tây, ông uống rượu Tây.
Món ngon tiến vua ở xứ Huế Trong các món ăn được làm từ tôm chua Huế, bánh ướt cuốn tôm chua được cho là có hương vị ngon nhất.