Chuyện hoa ngày tết ở Huế
Hoa xuân – Ảnh: Nguyễn Nhạn
Trà Mi (hay Đồ Mi) cùng loại với Hải Đường, lại thêm bị thành kiến bởi câu thơ của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh (Tiếc thay một đóa trà mi. Con ong đã tỏ đường đi lối về), vì thế cả hai loại hoa này chỉ nên chơi, không nên “cúng”. Đó có thể chỉ là quan niệm riêng của mẹ tôi và của một số gia đình tạm gọi là có nề nếp gia phong, không thấy ai cắm hoa Hải Đường, Trà Mi lên bàn thờ tổ tiên cả, dĩ nhiên cả ba ngày tết cũng không. Nhưng vẫn có nhiều gia đình người Huế khác cũng nề nếp gia phong không kém mà vẫn cứ cắm vài bông Hải Đường trên bàn thờ ngày tết hay kỵ giỗ ông bà. Vì vậy, chuyện người Bắc chọn hoa Hải Đường là một trong những loại hoa yêu thích để cắm lên bàn thờ ngày tết âu cũng là chuyện bình thường. Tựa như người miền Nam ưa chưng mâm quả “Cầu Dừa Đủ Xài” vậy!
Ở Huế và có lẽ cả miền Trung trở vào cực nam nước ta rất ít thấy hoa Mai trắng (Bạch mai) mà thường có Hoàng mai (Mai vàng) phân biệt theo màu hoa. Xin nói thêm một chút về tên gọi Hoa Mai. Có nhiều nhà nghiên cứu sinh vật học, nghiên cứu về hoa cho rằng loại hoa mà ta quen gọi là Mai thực ra không phải là Mai của người Trung Hoa trong thơ của Khấu Chuẩn (Tễ tướng nhà Tống) và của Hồ Chí Minh (Đối ngạn nhất chi mai), của Nguyễn Du (Mai cốt cách, tuyết tinh thần), của Cao Bá Quát (Nhất sinh đê thủ bái mai hoa). Cũng có người cho rằng, Mai (còn gọi là Mơ), thường thấy ở xứ Bắc, nhất là ở Chùa Hương và còn in dấu trong thơ Nguyễn Bính (Cô gái hái mơ), quả và hạt được chế biến thành Ô mai, một loại quà vặt rất được các thiếu nữ tuổi “ô mai” ưa thích vì có vị mằn mặn, ngọt ngọt lại chua chua và có tác dụng chữa ho. Chuyện đúng sai xin nhường cho các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về hoa và Y học. Dù chưa tường minh sự vật, nhưng thực tế từ miền Trung trở vào luôn có một loại hoa Mai tỏa ánh vàng rực rỡ trong những ngày xuân và được hầu như mọi nhà trân trọng lựa chọn vài cành thật ưng ý cắm lên bình hoa đặt trên bàn thờ ngày tết nên có lần báo Lao Động cuối năm có tít bài rất náo nức: Rực rỡ mai vàng ra xứ Bắc. Người Huế xưa trân trọng chưng hoa Mai trên bàn thờ tổ tiên vào dịp tết vừa để tỏ lòng tôn kính tiền nhân vừa làm sáng bàn thờ bởi màu vàng tươi là màu của hành Thổ (hành trung tâm, tương ứng với đất đế đô), màu tươi sáng rực rỡ (huy hoàng) tượng trưng cho sự sang quý, thanh cao, may mắn và hạnh phúc, mơ ước tương lai.
Người Huế xưa (thu gọn trong một số người thích thưởng hoa mà tôi biết) có thói quen bói hoa mai (xin đừng nhầm với bói Mai Hoa Dịch của Thiệu Khang Tiết đời nhà Tống bên Trung Hoa) bằng cách đếm số cánh hoa trên một bông hoa mai đã nở rộ: 5 cánh: bình thường, 6 cánh: báo hiệu đắc tài đắc lộc, 7 cánh: đại hỷ, 8 cánh: muôn sự trôi chảy, cầu được ước thấy, 9 cánh: hạnh phúc vững bền, 10 cánh: thập toàn. Người Huế còn rất kiêng kỵ cành mai gãy cụt, gập khúc kỳ dị hoặc không có thế vững chắc. Đạt nhất là thế Tam Tài (Thiên-Địa-Nhân), vui vẻ nhất là thế Song long hay Song phụng triều dương có hai cành từ một gốc cân đối chĩa ra hai bên, tạo cho toàn bộ cành hoa lớn một hình quạt hoặc hình tháp tròn. Cũng có người thích thế Giao long quá hải, tức có một cành chủ vươn ra xa và lên trên, dáng hùng dũng như con giao long vượt biển. Nhưng dù chọn thế nào, cành hoa trên bàn thờ ngày tết của người Huế xưa không thể cao quá 1m, thậm chí 0,5m và không có cành chĩa ngang quá dài vì thiết kế gian đặt bàn thờ, tủ thờ thường hẹp và không cao. Do vậy, ngày nay những người ở Huế thích “chơi mai” thường đặt chậu hoa (trồng hẳn một gốc mai hoặc cưa cụt một cành mai to trồng vào chậu) vào giữa căn phòng khách.
Sau hoa mai, người Huế xưa cũng còn chọn chưng thêm vài loại hoa khác. Thông thường nhất, người ta hay cắm hoa Cúc Mẫu Đơn, Cúc Vạn Thọ trong những ngày rằm, ngày mồng một (ngày Sóc, Vọng) âm lịch hàng tháng và cả ngày tết. Cúc Mẫu Đơn được coi là loài hoa tôn quý, trang trọng, vì thế có nơi còn gọi là Bông Trang. Có một loại hoa khác cũng gọi là Bông Trang, nhưng không phải Cúc Mẫu Đơn. Tôi không rõ lắm về sự phân loại này. Cúc Vạn Thọ là loại hoa có ý nghĩa chúc phúc, cầu thọ và tôn kính tổ tiên, màu hoa vàng rực trông cũng đẹp, có mùi thơm dễ chịu, lại dễ trồng, dễ sinh sôi nảy nở nên giá rẻ, phù hợp với túi tiền thường dân ở xứ “mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn” vì khí hậu khắc nghiệt, đất đai không phì nhiêu, nên người nghèo rất hay dùng hơn các loại hoa đắt tiền khác. Nó cũng đồng thời phù hợp với quan niệm về Cái đẹp, về cách thưởng hoa (không phải là chơi hoa) của tính cách Huế: Không ồn ào phô trương, nhỏ nhẹ dịu dàng và đằm thắm, không hấp dẫn quyến rũ người khác ngay lập tức như cái nồng say của rượu mạnh mà thấm ngấm từ từ như rượu ủ trăm năm. Đó là quan niệm Hữu xạ tự nhiên hương.
Ngày nay, những người ở Huế du nhập nhiều cách chơi hoa, nhiều tập tục từ các miền quê khác, từ nước ngoài, do đó bình hoa trên bàn thờ ngày tết ở nhiều gia đình giàu có, các cơ quan doanh nghiệp ăn nên làm ra thường thay hoa Mai bằng hoa Đào hoặc cả hai bằng cách chưng hẳn một cành hoặc một cây Đào, Mai khoe sắc thắm tươi, có khi thêm vài loại cây cảnh độc đáo khác tùy quan niệm và ý thích, đôi khi cũng theo trào lưu, rất đẹp nhưng khá tốn tiền. Có thể có thêm hoa layon (lay-dơn, lay-ơn, la-dơn, la- nhơn tùy cách đọc của mỗi miền, mỗi người), một loại hoa gắn liền với truyền thuyết về hai anh em chiến binh chống đạo quân xâm lược La Mã hùng mạnh, bị bắt làm tù binh, rồi sung vào đội võ sĩ giác đấu, lại bị bắt phải trực tiếp đấu nhau đến mức người chết kẻ sống. Không thể hại nhau, hai anh em dùng kiếm tự sát, hai thanh kiếm hóa thành hai cây hoa. Vì thế hoa có tên là hoa lưỡi kiếm.
Không biết tự bao giờ, ở Huế và nhiều địa phương trong nước ưa dùng hoa Cúc vào dịp tết. Họ Cúc (có tên khoa học là Compositae hay Asteraceae) trên thế giới gồm hơn ngàn rưỡi chi, riêng ở Việt Nam cũng có hàng trăm, nhưng không phải loại cúc nào cũng được dùng để chưng ba ngày tết. Theo hoadepviet.com, thường nhất là Cúc đại đóa màu vàng tươi, Cúc sao băng thường có màu vàng, Cúc đồng tiền với nhiều màu sắc, Cúc đỏ gốc từ Ấn Độ, Cúc móng rồng trắng, Cúc nụ hay Cúc mâm xôi (còn gọi là Cúc gấm) vàng hoặc trắng, Cúc mốc, Cúc họa mi hay Cúc baby (hoa của trẻ em) v.v, tha hồ cho bà con sắm tết. Tuy vậy, trang web này có chút nhầm lẫn chăng khi xếp một loại hoa cũng có tên Cúc đứng đầu là Cúc bách nhật vào họ Cúc? Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi), Cúc bách nhật thuộc họ Rau Dền (Amaranthaceae).
Một chi hoa họ Cúc khác rất sang quý ngày xưa hay được chưng trong ba ngày tết, nay bỗng dưng ít thấy, đó là hoa Thược dược. Ai đã đọc Phong Thần diễn nghĩa, chắc hẳn nhớ câu văn “não nùng như thược dược khói un” miêu tả khuôn mặt và nước mắt Đắt Kỷ trước khi bị quân nhà Chu chém đầu. Hoa thược dược đỏ, tím phớt hồng hay hồng nhạt quả thật đẹp kiêu sa đài các, có năng lực làm say đắm mắt người. Nhưng chưng lên bàn thờ ngày tết thường là hoa màu đỏ hoặc hồng tươi. Chắc sẽ đến lúc duyên của chi hoa Cúc này trở lại để mùa xuân xứ Huế mộng mơ có thêm nhiều màu sắc!
Những loài hoa khác rất được ưa chuộng là hoa Hồng (đỏ thắm, vàng, hồng phai, hồng nhung hoặc trắng), gần đây có thêm hoa Tuy-líp (thuộc chi Địa lan) đỏ hay vàng, hiếm có màu đen, hoa Lyli…
Bên cạnh các loài hoa, những nhà có điều kiện còn chơi cây cảnh. Trước đây, có nhà đam mê cây cảnh mua cả một cây Lộc Vừng (Huế gọi là Mưng) hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, chưng xong ba ngày tết đem ra trồng ở vườn. Tâm lý con người thiên về cầu mong, Lộc vừng là loại cây cảnh được người miền Bắc cho là đem lại lộc phúc cho nhà chủ. Quan niệm và niềm tin này mới được du nhập vào Huế chừng chục năm trở lại. Vì vậy, những cây Mưng dân dã ở quê tôi trước đây hàng ngàn năm dung dị, mộc mạc, bình thản mọc sát các bờ sông, bờ mương nhỏ, tỏa bóng xuống các con sông, con mương nhỏ ở đồng quê nghèo, làm chỗ núp cho các loài cá đồng thân thuộc như cá mương, cá cấn, cá tràu, cá trê, cá diếc… Rễ cây mương dài, rậm và đan kín, do vậy trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những con sông, con mương có nhiều cây Mưng là nơi ẩn nấp tuyệt diệu cho các chiến sĩ du kích lai vô ảnh, khứ vô hình nhiều phen làm bạt vía kinh hồn quân giặc, nay bỗng dưng được tôn vinh là Loài Cây Cảnh Quý, được coi là hàng đặc biệt bị săn lùng, tìm mua và đào trộm. Đến nỗi có xã như xã Điền Hòa đã phải yêu cầu công an vào cuộc để bảo vệ một loài cây hữu ích (Mưng có tác dụng thanh lọc nước ngọt rất tốt) có nguy cơ bị tuyệt diệt chỉ vì lòng tin bâng quơ của nhiều người giàu lắm của muốn giàu thêm và những kẻ ngấp nghé muốn giàu mà không dựa vào năng lực, chỉ cầu may.
Lộc đâu chẳng thấy, chỉ thấy tốn tiền, còn những bờ mương quê hương mất bóng những hàng cây thân thuộc với dân làng, hữu ích cho bảo vệ môi trường. Cũng may gần đây phong trào chơi Lộc Vừng dường như bị chững lại, hạ phong. Thay vào đó, dân chơi đang lao theo loài Lan dã hạc (hay Lan giả hạc?) có giá bạc tỷ!
Nhìn chung, hoa trên bàn thờ ngày tết hay cây kiểng trong phòng khách của người Huế xưa và người ở Huế nay vẫn có chung đặc điểm là Trọng Mai nhưng đã có khác biệt về sự bổ sung, thay thế nhiều loại khác nhau. Thói quen này mới chỉ có từ sau năm 1986, khi kinh tế có bước phát triển. Phú quý sinh lễ nghĩa, người khen cũng lắm, kẻ chê cũng nhiều: trưởng giả học làm sang, con gà tức nhau tiếng gáy, thói đua đòi… là chuyện thường trong xã hội. Nhưng cách chơi hoa theo kiểu mua hẳn một chậu kiểng, một cây hoa đem về trồng trong nhà, sau đó đem trồng lại đâu đó thì có vẻ hay hơn kiểu chơi hoa bằng cách cắt cụt một cành hoặc cưa sát gốc một cây để chỉ dùng mấy ngày vừa lãng phí, vừa mang tội phá hoại cây xanh. Nhìn cây mai, cây đào bị cưa sát gốc chỉ để phục vụ ý thích của người lắm tiền trong dăm bữa nửa tháng tết mà thấy đau lòng!
Có lẽ do quá kiêng kỵ thế cành hoa mai nên gần đây một số người ăn nên làm ra, đang thăng tiến nghề nghiệp bỗng dưng sợ chơi mai ngày tết. Biết đâu đó lại là điều hay cho Mai, cho những người trân quý một loài cây kiên cường trong giá lạnh mùa đông để đem hết tinh hoa một vòng đời trong năm hóa thành những đóa vàng rực rỡ cao quý, sang trọng, xứng với lòng ngưỡng mộ của những người yêu và giữ gìn Cái Đẹp; nhưng cũng rất đỗi bình dị thân quen với những người thường dân quanh năm chỉ có một ngày Xuân, coi hoa Mai như một thứ hoa trồng được trong vườn và nở hoa vào dịp Tết. Người Huế xưa rất sợ làm đau hoa đẹp vì họ muốn thưởng hoa. Họ không bao giờ có quan niệm chơi hoa, chơi mai mặc dù một trong những tính cách đặc trưng Huế là ham chơi. Cùng một chữ Chơi nhưng khác nghĩa.
Bác sĩ Phan Quận, bạn thân của tôi, quê Quảng Trị, từ giọng nói đến tính cách cứ “khô như giấy”, khi về hưu bỗng dưng khoái chơi hoa phong lan. Hôm nào mở facebook ra cũng thấy treo toòng teeng trước mắt một chùm hoa phong lan rất đẹp. Sáng nay, ông bạn già giở chứng ưa trầm ngâm triết lý lại gửi cho mình một chùm hoa Grandma’s bonnets flowers kèm theo lời dẫn: “Sự có mặt của loài hoa với con người như con người sống trong tình bạn, muốn hoa đẹp bền lâu hơn, ta hãy chăm bón”.
Ừ nhỉ! Từ bao giờ Con người và Hoa là bạn? Trên Trái Đất, hoa nở tự bao giờ? Ví thử Trái Đất này không có những loài hoa để khoe sắc dâng hương? Ngoài Con người, có loài động vật nào biết chiêm ngưỡng hương sắc muôn hoa? Những câu hỏi thật thú vị nhưng cũng rất khó trả lời! Mà có cần phải trả lời không nhỉ? Khi mắt ta còn tinh, mũi ta còn thính thì hãy dành những giây phút bình an để thưởng thức muôn màu sắc diệu kỳ, vạn mùi hương quyến rũ mà Tạo hóa đã hào phóng ban cho Con người. Cớ chi cứ phải tự làm nhọc trí óc mình vì những câu hỏi không cần lời giải đáp, như ai đó từng trăn trở giữa bao khuya: “Ngày mai ta sẽ đi con đường nào?” Qua đêm tối, ánh bình minh sẽ cho câu trả lời mẫn tuệ!
Có sao đâu, nếu một hôm mặt trời đi du lịch tận một thiên hà xa xăm nào đó chưa về, khi ấy dẫu ngày không ánh sáng, đêm không trăng sao, miễn là Người vẫn có Hoa làm bạn. Vậy cứ chịu khó mà chăm bón cho hoa lâu bền, để mỗi khi tâm hồn nặng trĩu bởi những lo âu, trăn trở, ta lại cùng Hoa vui thú bạn bè. Hoa là Bạn không bao giờ bội phản. Bỗng nhớ có ai đó từng nói “Chơi với người tốt như vào hàng hoa, khi đi ra hương thơm còn vương vấn”. Và xuân nay, các bạn Hoa của tôi ơi, hãy đua nhau cùng nở cho hàng triệu con người dù đã rã rời do vắt sức mưu sinh cũng mỉm cười tự cho mình một mùa xuân ngan ngát hương thơm của triệu đóa hoa xuân sắc…