Chuyên gia: Không nên dùng nước khoáng, nước đóng chai nấu ăn
Lo sợ nguồn nước sạch sông Đà bị nhiễm bẩn, người Hà Nội chấp nhận mua nước khoáng, nước đóng chai trong siêu thị, các cửa hàng tạp hóa để nấu ăn. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, việc làm này vô tình gây hại cho sức khỏe chính mình và người thân.
Theo GS. TSKH Trần Văn Sung – Nguyên Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, các loại nước khoáng, nước đóng chai, bình đã qua xử lý hiện nay thường được bổ sung một số chất có lợi như: natri, kali, canxi hay magie… Nếu dùng để uống ngay thì rất tốt, nhưng để nấu ăn thì lại gây hại.
Chuyên gia này lý giải, khi nấu ăn ở nhiệt độ cao, các chất trên phản ứng với thực phẩm, gây hiện tượng hóa học khó lường, thậm chí sinh cặn bã của chính những chất có lợi trên. Con người nếu ăn phải các chất cặn bã này sẽ ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là những người mắc các vấn đề về thận hay sỏi thận.
“Khi đun sôi ở nhiệt độ cao lên tới 100 hay vài trăm độ C, các chất có trong nước khoáng sẽ có phản ứng hóa học với thực phẩm. Quá trình này rất khó lường trước về tác hại”, GS Sung nói.
Các chuyên gia cho rằng, không nên dùng nước khoáng, nước đóng chai để đun, nấu.
Để đảm bảo sức khỏe, theo giáo sư Sung, người dân chỉ cần dùng nước tinh khiết, nước từ các nhà máy, giếng khoan không bị ô nhiễm để sử dụng, tuyệt đối không nên dùng nước khoáng, nước đóng trong chai, bình đã qua xử lý để sử dụng.
Chung quan điểm, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội bày tỏ, việc dùng nước đóng chai liên tục thời gian dài là không tốt.
Trong nước hàng ngày sử dụng đều có lượng chất khoáng tự nhiên tốt cho sức khỏe. Dù được đun sôi, để nguội nhưng thành phần hóa học của các chất này đều không thay đổi. Vì thế việc dùng loại nước này để ăn uống, sinh hoạt là rất phù hợp.
Những loại nước khoáng, nước đóng chai hiện nay hầu hết đã qua xử lý, một số có thể được bổ sung thêm khoáng chất nên quá trình nấu ăn, đun sôi sẽ làm mất cân bằng khoáng chất.
“Việc đun, nấu vô tình làm mất đi các vi chất có trong nước. Con người dùng lâu dài sẽ khiến cơ thể không đủ chất, dễ nhiễm bệnh. Do vậy, người dân không nên sử dụng nước khoáng đóng chai, bình để nấu ăn, vừa tốn kém lại không mang lại lợi ích gì”, ông Thịnh nói.
Người dân không nên dùng nước khoáng, nước đóng chai để đun, nấu. (Ảnh: PLXH)
Từ ngày 10/10, nhiều hộ dân trong dân cư ở quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và huyện Hoài Đức (Hà Nội)…phát hiện nước máy có mùi clo khử trùng nồng nặc. Đến tối, nước chuyển sang mùi khét và hắc như khói đốt đồ nhựa. Sang đến những ngày sau, nước có mùi khét nồng nặc như mùi nhựa cháy.
Kết quả xét nghiệm sau đó xác định nước bị nhiễm chất Styren, có tỷ lệ cao hơn 1,3 – 3,6 lần so với mức cho phép. Theo các chuyên gia, Styrene là chất hữu cơ được xếp vào nhóm các chất độc, lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, dễ bay hơi và có vị ngọt, nhưng bốc mùi khó chịu khi đậm đặc. Styren vào cơ thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, thậm chí nó có thể phá hủy gan và mô thần kinh, dẫn tới ung thư.
Ngày 15/10, UBND TP Hà Nội có công văn chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội cung cấp nước sạch miễn phí cho các khu vực bị ảnh hưởng do nước máy sông Đà bị nhiễm Styren. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân ở các tòa HH Linh Đàm, ngày 16/10, các xe chở nước miễn phí từ Nhà máy nước sạch Pháp Vân đến đây có mùi hôi tanh, vẩn đục màu vàng.
Giám đốc Công ty Nước sạch Pháp Vân thừa nhận xe bồn chở nước sạch miễn phí là xe chở téc nước tưới cây xanh.
Khả Minh
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo