Chuyện chưa kể của những nữ pháp y: Đang khám nghiệm thì tử thi bất ngờ “ợ hơi”, chạm vào cơ thể không nguyên vẹn bằng hai tay
Trong cuốn sách Hãy Để Người Chết Được Nhắm Mắt của một nữ pháp y có lời mở đầu là:
“Có rất ít phụ nữ làm trong ngành (pháp y) của chúng tôi. Đa phần những người làm trong ngành pháp y đều phải tiếp xúc với những thi thể thối rữa, những thi thể trôi nổi, hay những thi thể lâu năm. Ngoài ra, những người làm pháp y còn phải phân tích kỹ lưỡng bộ phận cơ thể, phân tích những vết thương do đạn bắn, vết thương do vật cứng gây ra…
Nói thật, việc một người phụ nữ với thần kinh mỏng manh nhưng phải đối mặt với từng vết cắt trên bộ phận của người đã khuất thì quá tàn nhẫn. Thêm lý do nữa, đó là ngành pháp y không có thời gian nghỉ ngơi.
Họ phải luôn trong trạng thái sẵn sàng 24/7, và lên đường kiểm tra hiện trường bất cứ khi nào. Đôi khi cấp trên cần có kết quả xét nghiệm càng sớm càng tốt, nên họ phải làm thêm giờ, thắp đèn đun dầu ở lại văn phòng, bỏ mặc cả gia đình khiến chồng con hờn giận…”
Đó là những điều được viết trong cuốn sách, nhưng dù sao thì đây cũng là chân dung chân thực của những người phụ nữ theo ngành pháp y ở Trung Quốc. Mặc dù những nữ pháp y chiếm tỷ lệ không cao nhưng vẫn có một số chị em đã dấn thân vào ngành nghề không hề đơn giản này mà không hề sợ hãi.
Họ cho rằng, trách nhiệm của mình là vì người sống, vì người đã khuất nói lên những điều mà chỉ có những bằng chứng trên cơ thể mới có thể diễn tả được.
Chuyện chưa kể của những nữ pháp y tận tâm với nghề
Là một nữ bác sĩ pháp y sinh năm 1983 ở Sơn Tây (Trung Quốc), Trương Ngọ Diễm luôn lắng nghe những lời bình luận từ người khác khi cô xuất hiện tại hiện trường ở bất kỳ vụ án mạng nào.
Khi tự giới thiệu bản thân, bác sĩ Trương luôn thu hút những ánh mắt kỳ lạ như kiểu: “Thật kinh tởm!”, “Làm thế nào một người phụ nữ có thể đối mặt với thi thể mỗi ngày”…
Về vấn đề này, câu trả lời của bác sĩ Trương rất ngắn gọn và mạnh mẽ: “Tôi không chỉ là một người phụ nữ, mà tôi còn là một bác sĩ pháp y có trình độ”.
Nữ pháp y Trương Ngọ Diễm
Những người làm trong ngành đều biết rằng, tại hiện trường thường phải đối mặt với một số cảnh “rợn người”. Bác sĩ Trương nói rằng, cô vẫn còn nhớ có một lần vào hiện trường của một vụ án, cô đã bị sốc vì mọi thứ xung quanh vô cùng kinh khủng, tứ chi và nội tạng bị phân thành nhiều mảnh và văng tung tóe khắp nơi, mùi khét của vụ nổ, mùi máu tanh nồng nặc, khiến những cảnh sát có mặt tại đó cũng phải bỏ đi để nôn thốc nôn tháo.
Thế nhưng, để chứng minh sự chuyên nghiệp của mình, sau khi ngẩn người một lúc bác sĩ Trương lập tức bắt tay vào làm việc, thu thập trích xuất vật chứng tại hiện trường. Xong việc, cô trở về nhà, đầu óc không hề thư thái mà thay vào đó là cẩn thận nhớ lại tại hiện trường vụ nổ ấy, xem mình có bỏ sót điều gì hay không.
“Chúng tôi cần phải đưa ra cơ sở khách quan và toàn diện cho vụ án. Đó là trách nhiệm của chúng tôi”, Trương Ngọ Diễm thẳng thắn chia sẻ.
Nữ pháp y Dư Mộng Di
Là một nữ bác sĩ pháp y sinh năm 1991 ở Hồ Nam (Trung Quốc), Dư Mộng Di từng phải đối mặt với nhiều thi thể bị thối rữa khác nhau. Trong những trường hợp thi thể đã bị phân hủy nặng, bác sĩ Dư miêu tả: “Tôi không thể nhìn ra được mặt của họ, ngay cả khi đeo khẩu trang, tôi vẫn nghe được mùi hôi xộc thẳng vào mũi mình”.
Dù thế nào đi chăng nữa thì đây cũng là công việc, và Dư Mộng Di luôn nỗ lực để hoàn thành một cách tốt nhất. “Một khi nhận được lệnh và thi thể ở trước mặt bạn, thì việc của bạn chính là chịu trách nhiệm về nó, phải đối diện với các mẫu xét nghiệm ADN”, bác sĩ Dư nói.
Dư Mộng Di nói rằng trước một vụ án phức tạp, việc trích xuất mẫu ADN giống như mò kim đáy bể. Xét nghiệm là một việc không hề đơn giản, sau khi thu thập tài liệu tại chỗ thì phải quay lại phòng thí nghiệm để so sánh và phân tích.
Nhiều nữ pháp y cho rằng, việc họ đối diện với nhiều thi thể không trọn vẹn là nỗi ám ảnh nhất. Sẽ có một số tai nạn bất ngờ xảy ra, ví dụ như thi thể đột nhiên “thở dài”. Tình trạng này là đối với một số thi thể bị thắt cổ bởi sợi dây thừng, không có chỗ nào để thoát khí, và sau khi sợi dây được cởi ra thì những thi thể ấy “ợ hơi” hoặc “nấc”.
Có người từng chế nhạo các bác sĩ pháp y này, đặc biệt là đối với phụ nữ vì dám chạm vào những thi thể đáng sợ kia. Nhưng trên đời này, có người bình thường nào thích đối mặt với thi thể chứ?
Nữ pháp y Phùng Bạch Linh có tuổi nghề lâu năm
Một bác sĩ pháp y tên Phùng Bạch Linh nhớ lại lần đầu tiên cô mổ xẻ một thi thể đã phân hủy và nói: “Lúc đó tôi chỉ muốn nôn mửa”. Bên cạnh đó, một nữ pháp y khác tên Châu Lệ Hồng, người được mệnh danh là “Người phụ nữ chơi với xương”, và “Sinh ra để làm pháp y” đã thẳng thừng: “Ai cũng phải nôn một lần trong đời”.
Khi đối mặt với vụ án xác chết rùng rợn, để khôi phục lại cái xác bị phân mảnh trở về diện mạo ban đầu, nữ bác sĩ pháp y La Kết San nói: “Thật sự rất khủng khiếp, tôi đã chạm vào cơ thể người đã khuất trong tình trạng không nguyên vẹn này bằng cả hai tay”.
Những người phụ nữ dũng cảm này đã nôn mửa không biết bao nhiêu lần khi nhìn những con giòi trên sàn nhà đang run rẩy, nhưng họ lại là người hiểu rõ hơn bất cứ ai, họ phải là người phát ngôn cho người đã khuất: “Bạn phải dùng nghề nghiệp của mình để giúp người quá cố giải thích mọi thứ và trả lại sự thật cho gia đình họ”.
Tất cả mọi người trên thế giới này đều có thể sợ xác chết, ngoại trừ các bác sĩ pháp y. Bởi lẽ họ phải ở lại và lắng nghe “lời kể” cuối cùng của những người đã khuất trên cõi đời này.
Không sợ thi thể, chỉ sợ hiểm nguy khác và cuộc sống bị đảo lộn
Những nữ pháp y nói rằng, điều họ sợ nhất không phải là khung cảnh đẫm máu và kinh hoàng như thế nào mà là những căn bệnh truyền nhiễm khác nhau. Họ cũng sẽ phải đối mặt với những nguy cơ nhiễm chất độc và mầm bệnh do xác chết đặc biệt thải ra.
Bác sĩ pháp y Hoàng Mạn vẫn nhớ như in khi mổ thi thể của một người bị bệnh AIDS. Trong quá trình khám nghiệm tử thi, ngón tay của cô vô tình bị đâm bởi một chiếc kim khâu có dính máu người đã khuất. “Lúc đó, tôi rất sợ, tôi nghĩ mình vẫn còn trẻ mà, tôi còn nhiều việc phải làm, không thể để nhiễm bệnh rồi chết như thế được”, bác sĩ Hoàng nói.
Sau đó, cô bắt đầu dùng thuốc ngăn chặn bệnh AIDS, loại thuốc này cần dùng liên tục trong 3 tháng và có tác dụng phụ vô cùng nghiêm trọng. Lúc đó, cấp trên bảo rằng cô nên nghỉ ngơi, nhưng ngày hôm sau bác sĩ Hoàng vẫn có mặt tại nơi làm việc tiếp tục công việc của mình.
Ảnh minh họa
Bác sĩ pháp y Hàn Dĩnh khi đang mang thai vẫn phải đồng hành cùng nhóm của mình và mổ 68 xác chết và giám định ADN hơn 900 trường hợp.
Trong vụ án giết người, cướp của, hãm hiếp chấn động ở Nột Hà (Hắc Long Giang) năm 1991, bác sĩ pháp y Cao Hinh Ngọc và các bác sĩ pháp y khác đã làm việc hơn 20 ngày và khám nghiệm 42 thi thể của nạn nhân.
Khoảng 4 giờ sáng, sau khi hoàn thành một cuộc kiểm tra tử thi khác, bác sĩ pháp y Lâm Thu Vân đã ngủ gục ngay bên cạnh nạn nhân bị chém lìa đầu bởi lẽ trước đó cô đã làm việc liên tục 32 tiếng đồng hồ liên tục không nghỉ ngơi. Cô đã gục đi vì quá mệt mỏi.
Đối với nhiều bác sĩ pháp y, đối mặt với người sống còn khó khăn hơn đối mặt với xác chết. Trong một cuộc giám định thi thể người đã khuất, bác sĩ pháp y Phùng Bạch Linh đã bị gia đình người quá cố thẩm vấn và chặn cô trong phòng làm việc, lật úp bàn ghế và lăng mạ, thậm chí còn nhổ nước bọt vào mặt cô. Nhưng vì đã quyết định chọn con đường này rồi nên cô không bao giờ hối hận.
“Dù đã khuất nhưng những người này cũng cần có người giúp họ đưa sự thật ra ánh sáng. Khi tôi nhìn thấy được nỗi oan ức của nạn nhân thì tôi nghĩ rằng dù khó đến đâu tôi cũng phải giúp họ tìm ra chân tướng, vất vả thế nào cũng xứng đáng”, bác sĩ Phùng Bạch Linh chia sẻ.
Ảnh minh họa
Đối mặt với hàng trăm xác chết, các bác sĩ pháp y không hề lạnh lùng và tàn nhẫn như mọi người bên ngoài vẫn nghĩ. Trong nghề nghiệp, họ đối mặt với mọi thi thể với một thái độ chuyên nghiệp, nhưng tận sâu trong lòng họ cũng đầy những sợ hãi nhưng không thể thể hiện khi nhìn thấy xác chết.
Trong Trung tâm pháp y có nhiều tử thi vô danh, hàng năm Trung tâm đều tổ chức cho tất cả các bác sĩ pháp y tham gia một đám tang đặc biệt – đám tang những thi thể vô danh. Các bác sĩ tin rằng, một ngày nào đó, những thi thể này sẽ có người thân đến nhận. Họ hiểu ý nghĩa của cuộc sống hơn bất cứ ai, họ luôn muốn thể hiện sự kính trọng đối với những người đã khuất.
Hầu như bác sĩ pháp y nào cũng cảm thấy có lỗi với gia đình. Đối với họ, trong nghề nghiệp này, gia đình không thể nào là sự ưu tiên.
Thông thường, một công việc phổ thông sẽ kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ, thời gian còn lại sẽ dành cho việc mua sắm, hẹn hò, tụ tập bạn bè, thời gian dành cho con cái, gia đình… Nhưng đối với những nữ bác sĩ pháp y, điều này quá xa xỉ.
Khi những nữ bác sĩ pháp y được hỏi: “Mọi người sợ nhất điều gì khi đối mặt với xác chết mỗi ngày?”, hầu như câu trả lời đều không liên quan đến nghề nghiệp.
“Sợ bị người yêu phàn nàn vì đi công tác quá nhiều. Sợ cảnh phải để con cho bố mẹ già chăm sóc, một khi ra hiện trường vụ án thì không biết khi nào mới quay về nhà”…
Đối mặt với những định kiến
Từng túc trực tại các hiện trường vụ án và làm việc liên tục 7 tiếng đồng hồ với cường độ cao. Bác sĩ Hàn Dĩnh thẳng thắn chia sẻ: “Rất nhiều người không chịu bắt tay với tôi. Tôi cũng cố gắng tránh tham dự tiệc cưới, sinh nhật của bạn bè, vì nhiều người cho rằng tôi tiếp xúc với xác chết nhiều, có thể đem đến xui xẻo cho họ. Tính chất công việc khiến tôi mất đi vẻ nữ tính vốn có, không thể diện đồ xinh đẹp như bao chị em khác, ban đầu khiến tôi rất buồn nhưng sau thì không còn quan trọng nữa”.
Bác sĩ pháp y Trương Hồng Mai, từng gặp gỡ đối tượng kết hôn thông qua mai mối, nhưng sau khi biết cô là bác sĩ pháp y, họ đã lặng lẽ rời đi và không còn liên lạc nữa. “Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, nếu con dâu họ làm nghề pháp y và luôn phải xử lý những thứ xui xẻo như xác chết… thì họ cũng cảm thấy không vui. Ngoài ra, họ cũng lo lắng không biết con dâu mình có bị tâm thần không nếu cứ phải đối mặt với xác chết như thế”.
Nguồn: 163