Chuyện bi hài về “bác sĩ Hoa Súng” của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm
Có một Hoàng Nhuận Cầm đầy xúc cảm phía sau những thước phim
Định vị tên tuổi Hoàng Nhuận Cầm trong làng thơ, không ít bạn văn “gật đầu” bầu chọn ông là đại diện tiêu biểu cho lứa nhà thơ “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Có lẽ vì thế, thơ ông không lãng mạn chủ nghĩa đơn thuần mà còn góp phần truyền lửa cho bao thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.
Đã có một thời, thơ Hoàng Nhuận Cầm trở thành “bạn” gối đầu của bao cô cậu học trò, sinh viên. Những bài thơ giàu tính nhạc, nhiều chất tự sự, ngồn ngộn sự bay bổng và tươi mới của tuổi trẻ… đã làm mê đắm bao người.
Hoàng Nhuận Cầm cùng ê-kíp “Mùi cỏ cháy” nhận giải thưởng tại Cánh diều Vàng 2011.
Nhiều người thuộc thế hệ 7x, 8x… đã từng thuộc nằm lòng với những vần thơ học trò của Hoàng Nhuận Cầm. Bản thân nhà báo Diễm Quỳnh cũng tiết lộ rằng, “Chiếc lá đầu tiên” của Hoàng Nhuận Cầm là một trong hai bài thơ đã đi suốt quãng đời tuổi trẻ của chị, từ khi học cấp 3 với đám bạn đầu chấy yêu văn chương cho đến mãi sau này.
“Tuổi trẻ của tôi đã ra đi cao ngạo thế đấy! Ngoảnh lại chẳng thấy “lá” nữa rồi”, Diễm Quỳnh cảm thán khi nghe tin nhà thơ yêu quý của mình qua đời.
Nhà thơ Hữu Việt gọi Hoàng Nhuận Cầm là “tài thơ đa dạng”. Bởi thực tế, ông không chỉ làm thơ, diễn giả mà còn sáng tác kịch bản và đóng phim. Riêng lĩnh vực biên kịch, cả 3 bộ phim truyện nhựa ông chắp bút kịch bản gồm: “Mùi cỏ cháy”, “Đêm hội Long Trì” và “Hà Nội mùa đông năm 46”… đều đoạt nhiều giải thưởng lớn.
“Mùi cỏ cháy” (biên kịch: Hoàng Nhuận Cầm; đạo diễn: Nguyễn Hữu Mười; quay phim: Phạm Thanh Hà) là bộ phim từng được trao giải biên kịch xuất sắc nhất Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 (2011) và Phim truyện nhựa xuất sắc nhất tại giải Cánh diều Vàng 2011 của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Đây là bộ phim được xây dựng dựa trên cuốn nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc cùng những tư liệu, hồi ức về chiến tranh. Phim đề cập đến một thế hệ sinh viên từ giã giảng đường năm 1971, đi thẳng vào cuộc chiến 81 ngày đêm bi tráng ở Thành cổ Quảng Trị. Với nội dung sâu sắc và ý nghĩa đầy nhân văn, bộ phim như một cách tri ân những người nằm xuống vì Tổ quốc.
Hoàng Nhuận Cầm giờ đã là “chiếc lá” bay trong mây ngàn.
Chia sẻ với Dân Việt, nhà văn Phạm Ngọc Tiến kể, thời cùng làm việc chung với Hoàng Nhuận Cầm ở phòng Nội dung 1 – Hãng Phim truyện Việt Nam ông có một kỷ niệm nhớ mãi không quên. Đó là đạo diễn Khải Hưng rất thích truyện ngắn “Khắc dấu mạn thuyền” của nhà văn Bảo Ninh nên đã đề nghị ông cùng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chuyển thể truyện ngắn này thành kịch bản phim 1 tập.
“Ba chúng tôi căng các chi tiết lên chiếc bảng treo trong phòng đạo diễn Khải Hưng. Dần dà, khung một kịch bản vâm vấp về chiến tranh hiện ra. Lúc làm kịch bản Hoàng Nhuận Cầm tỏ ra đầy cảm xúc, lúc cười lúc khóc. Có chi tiết nào tâm đắc, ông dẫn giải rất hăng hái, mê say… như thể đang nói chuyện thơ ở một hội trường nào đó.
Bắt tay vào viết, tôi chia đôi kịch bản, Hoàng Nhuận Cầm nhận viết khúc cuối. Bấy giờ là năm 1998, bản thảo còn viết tay. Hoàng Nhuận Cầm có lối viết chữ rất to và luôn tô xanh đỏ các đề mục hoặc những từ ông cho là quan trọng. Chưa kể còn chen vào đấy hoa lá rất vui mắt.
Xong kịch bản tôi đề nghị giữ nguyên tên truyện ngắn nhưng Hoàng Nhuận Cầm say đắm, đòi đổi tên là “Ký ức một thời”. Cuối cùng đạo diễn cũng quyết định dùng tên này. “Ký ức một thời” là phim chiến tranh về những ngày tháng bom đạn của không quân Mỹ đánh xuống Hà Nội. Kỷ niệm một thời làm phim hôm nay hiện về khi nghe tin ông ra đi đột ngột ở tuổi 70. Âu đó cũng được xem là số phận”.
Đạo diễn Khải Hưng cũng cho biết, không chỉ có phim này mà nhà thơ họ Hoàng còn viết kịch bản phim “Những giấc mơ bằng giấy” cho ông làm phim nữa. Trong phim, ông đặt vè cho tất cả các nghệ sĩ tham gia. Những bài vè ấy dù tục nhưng thể hiện đúng chất người.
“Tôi vốn không thuộc thơ nhưng những câu vè “chân dung” ấy thì không quên được”, đạo diễn Khải Hưng nhấn mạnh.
Những chuyện bi hài lần đầu kể về “bác sĩ Hoa Súng” của “Gặp nhau cuối tuần”
Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa quên được nhân vật “bác sĩ Hoa Súng” của chương trình “Gặp nhau cuối tuần” do Hoàng Nhuận Cầm đảm nhận. Một ông bác sĩ lúc nào xuất hiện cũng mặc áo blouse trắng, đội mũ in hình trái tim, tay cầm chiếc kiêm tiêm cỡ lớn… Ông không chữa bệnh bằng y khoa mà chữa bệnh bằng tâm lý. Những pha chữa bệnh của ông vừa hài hước, vừa dí dỏm, vừa duyên dáng khiến người xem không khỏi thích thú, hả hê…
Hoàng Nhuận Cầm trong hình ảnh “bác sĩ Hoa Súng” của “Gặp nhau cuối tuần”.
Đạo diễn Khải Hưng kể rằng, Hoàng Nhuận Cầm có khiếu hài hước và thích diễn xuất. Thời điểm đó, ông đề nghị “Gặp nhau cuối tuần” nên “bắt bệnh” cho đời và vậy là “bác sĩ Hoa Súng” ra đời.
“Anh Cầm giấu nhẹm những đề tài cần ghi hình, không cho duyệt trước… Vậy nên, “bác sĩ Hoa Súng” cứ tưng tửng chọc cười, chọc vào thói hư tật xấu của đời, của người. Tiết mục nào của anh cũng làm mọi người cười nghiêng ngả và nhớ rất lâu. Anh lúc nào cũng lên cơn sáng tác và lúc nào cũng nghèo….”, đạo diễn Khải Hưng nhớ lại.
Có một câu chuyện vừa đầy hài hước mà cũng rất thú vị đó là ngày đầu quay “Gặp nhau cuối tuần” ở đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), Hoàng Nhuận Cầm đã bị công an bắt. Khi đó, ông mặc trang phục của “bác sĩ Hoa Súng” để quay cảnh bị ông chồng của một bệnh nhân đuổi đánh vì ghen.
Người đóng vai ông chồng là dân nghiệp dư, không biết diễn nên khi “xuống tay” rất mạnh. Ông sợ đau nên chạy thục mạng. Chạy được một đoạn, ông bỗng thấy hai công an đuổi theo, thổi còi rồi hô to: “Bắt lấy, bắt lấy… thằng tâm thần”.
Túm được ông, họ bẻ ngoặt tay rồi hỏi: “Trốn từ viện nào ra đấy. Trâu Quỳ phải không?”. Thay vì giải thích đang đóng phim, ông trả lời: “Em không tâm thần, em làm ở bệnh viện Tâm Hồn”. Nhân vật sau đó xuất hiện trên truyền hình, thu hút sự chú ý của khán giả. Có lần, đi qua đoạn đường cũ, hai công an thấy ông liền hô to: “Chào bác sĩ Hoa Súng”.
Theo nhiều người, do không chuyên nên Hoàng Nhuận Cầm diễn xuất rất bản năng. Trong khi các nghệ sĩ hóa thân nhiều vai theo từng kịch bản khác nhau thì “bác sĩ Hoa Súng” lại là nhân vật có chuyên mục riêng trong chương trình. Những vấn đề đời sống, xã hội được lồng ghép qua những căn bệnh được điều trị tại bệnh viện Tâm Hồn. Bác sĩ Hoa Súng có thể bốc thuốc cho mọi loại bệnh.
Tại một buổi tọa đàm năm 2019, ông cho biết phần ghi hình ở bên ngoài đơn giản vì có sẵn kịch bản. Tuy nhiên, phần khám bệnh trên sân khấu khiến ông nhiều lúc toát mồ hôi. Thông thường, chỉ một phần ba câu hỏi có trước, còn lại do ông tự ứng biến.
Có lần, một thanh niên 17 tuổi hỏi ông: “Báo cáo bác sĩ Hoa Súng, em bị ca ra vâu (vẩu, răng hô) gia truyền và người yêu em cũng bị ca ra vâu. Vậy làm sao để chúng em hôn nhau?”. Câu hỏi khiến MC Thảo Vân cười ngã ngửa, còn Hoàng Nhuận Cầm hoang mang vì không biết đối đáp ra sao.
Lúc thấy chàng thanh niên bước lùi về phía sau, ông chợt quát: “Đứng lại. Các cụ dạy rằng, cứ yêu nhau đi. 5 năm, 10 năm, 20 năm, 50 năm, 70 năm. Yêu đến khi nào đầu bạc răng long, hôn nhau vẫn kịp, tình yêu trẻ mãi không già”. Phần “kê đơn thuốc” khiến khán giả vỗ tay thích thú.
Cho đến bây giờ, dù “Gặp nhau cuối tuần” đã dừng lại từ lâu nhưng trong ký ức của những nghệ sĩ từng tham gia chương trình như: MC Thảo Vân, NSND Công Lý, nghệ sĩ Trà My, Quang Tèo… đều vẫn nhớ như in những lần làm việc hoặc gặp Hoàng Nhuận Cầm ở VTV. Phần đa đều cảm nhận, nhà thơ họ Hoàng nhiệt huyết và sôi nổi trong công việc. Dù bên ngoài, ông có vẻ hơi khắc khổ, giọng nói ầm ào nhưng bên trong ông lại là người hiền lành.
Ngoài ra, dù không phải là dân diễn xuất chuyên nghiệp nhưng Hoàng Nhuận Cầm có lối diễn thông minh, hóm hỉnh và hồn nhiên. Những pha diễn xuất của ông ở “Gặp nhau cuối tuần” khiến không ít đồng nghiệp phải bật cười ngay tại sân khấu. Sau này, mỗi lần gặp nhau, các nghệ sĩ vẫn luôn nhắc lại kỷ niệm một thời với những câu chuyện “dở khóc dở cười” mà chỉ người trong cuộc mới biết.