CHỤP ẢNH CHÂN DUNG THẾ NÀO CHO ĐẸP

Nội Dung Chính

Để chụp được tấm hình chân dung đúng ý mình cần làm quen với một vài bước sau đây:

Tạo phong cách riêng của chính bạn.

Ảnh chụp của bạn sẽ chỉ như bao tấm hình chân dung khác nếu nó không có phong cách của bạn ở trong khung hình. Thông qua việc làm quen, bạn sẽ có những đánh giá ban đầu về tính cách của mẫu, cũng như cho mẫu hiểu được phần nào về phong cách làm việc và ảnh chụp của bạn.

Từ đó có được sự kết hợp ăn ý để cùng tạo nên một bộ ảnh mang dấu ấn riêng của cả hai người.

Làm quen với mẫu

Dù là chuyên nghiệp kiếm tiền hay chỉ chụp ảnh đơn thuần cũng sẽ không tránh khỏi việc ngượng ngùng với mẫu . Trong trường hợp này, hãy cố gắng dành ít thời gian trước buổi chụp (hoặc thậm chí gặp nhau trước buổi chụp vài ngày) để làm quen với mẫu. Bắt đầu bằng vài câu hỏi mang tính chất mở chuyện (hỏi họ tên, tuổi tác, nghề nghiệp,…), kế đến là vài câu chuyện hài hước tạo không khí vui vẻ, thoải mái, và cuối cùng là trao đổi trước về công việc sắp tiến hành. 

Lên ý tưởng sẵn cho buổi chụp của bạn: 

Cùng trao đổi trước về ý tưởng của bộ ảnh sắp tiến hành giúp tránh khỏi việc phung phí thời gian, sức lực vào những pô hình không để làm gì. Nếu buổi trò chuyện diễn ra vài ngày trước ngày chụp, có thể điều này còn giúp ích cho việc chuẩn bị phục trang, trang điểm và tạo cơ hội cho người chụp cũng như mẫu có thêm thời gian suy nghĩ ý tưởng thêm cho bộ ảnh.

Lựa chọn không gian, thời điểm chụp

Việc lựa chọn không gian, thời điểm chụp phụ thuộc vào tư tưởng chủ đạo của bộ ảnh. Từ đó dẫn tới việc chuẩn bị trang thiết bị chụp sao cho phù hợp. Ví dụ như khi định thực hiện bộ ảnh trong một quán cà phê nhỏ với ánh đèn vàng mờ ảo vào buổi tối, thì ống kính tele có thể vứt ở nhà. Thay vào đó là một hoặc một vài ống kính góc rộng đến tầm trung với độ mở lớn, kèm theo các thiết bị chiếu sáng như đèn flash ngoài chẳng hạn.

Khoảng cách giữa người chụp và mẫu

Nhiều người tin rằng, sử dụng ống kính tele trong ảnh chụp chân dung là lý tưởng. Điều này được giải thích bởi tỷ lệ tương quan giữa chủ thể và hậu cảnh trong ảnh chụp bằng ống kính tele sẽ gần giống với thực tế hơn là sử dụng ống kính góc rộng.

Tiêu cự của ống kính tạo ra góc nhìn rộng (ống góc rộng, ảnh trên) hoặc hẹp (ống tele, ảnh dưới) và do đó tạo ra hiệu ứng khác nhau về tỷ lệ kích thước giữa chủ thể (màu hồng) với hậu cảnh (màu xanh). Khung chữ nhật (camera’s view) chính là kết quả ảnh chụp ra với sự khác nhau về tỷ lệ này.

 

Tuy vậy, sử dụng ống tele để chụp chân dung có vài điểm bất lợi:

–          Khoảng cách lấy nét tối thiểu xa đòi hỏi không gian chụp phải rộng lớn. Không thích hợp với chụp trong không gian nhỏ như quán cà phê.

–          Khoảng cách giữa người chụp và mẫu xa khiến việc trao đổi thông tin (ví dụ như yêu cầu mẫu thay đổi tư thế) khó khăn hơn.

–          Khó chụp chân dung toàn thân hay chân dung với phần tiền cảnh và hậu cảnh lớn.

–          Ống tele với góc nhìn hẹp không chỉ làm giảm tỷ lệ kích thước giữa các vật thể, mà còn tạo cảm giác thu nhỏ khoảng cách giữa các vật thể lại với nhau, do đó làm giảm chiều sâu ảnh.

Các quy tắc trong ảnh chân dung

Ảnh chân dung thông thường chia làm ba loại: đầu-vai, ¾ người và toàn thân. Dù là với kiểu chụp nào cũng cần tuân theo các quy tắc sau đây:

Tránh chụp trực diện khuôn mặt

Chụp ảnh chân dung với khuôn mặt mẫu nhìn thẳng vào ống kính dễ gây cảm giác bức bối, khó chịu cho người xem. Nếu là ảnh chụp đặc tả khuôn mặt hoặc bán thân thì nó còn giống như là ảnh thẻ hoặc ảnh… tội phạm nữa. Quy tắc này chỉ nên bị phá vỡ bởi những tay máy đã có nhiều kinh nghiệm, biết lợi dụng nguồn sáng và bóng đổ để tạo ra sự khác biệt giữa các phần trên khuôn mặt, hoặc bằng trang điểm và khả năng diễn xuất của mẫu mà thôi.

Tư thế và hướng xoay của đầu

Kết hợp với quy tắc 1/3, hướng xoay của đầu (trong trường hợp không chụp trực diện) nên hướng về khoảng không gian rộng hơn trong khung ảnh.

Độ cao của máy khi chụp

Khi chụp, cần giơ máy lên ở một độ cao tương đương với các mức như sau:

Với ảnh chụp đầu-vai, máy phải cao ngang bằng đỉnh mũi của mẫu.

Với ảnh chụp toàn thân, máy phải đặt ngang bằng thắt lưng của mẫu.

Với ảnh chụp ¾ người, độ cao của máy phải trong khoảng từ thắt lưng tới vai của mẫu.

Các điểm này được gọi là các điểm chuẩn. Khi đưa máy lên cao hơn điểm chuẩn và chụp chúc xuống, ta sẽ tạo ra hiệu ứng “đầu to đít bé”, và ngược lại, khi hạ thấp hơn điểm chuẩn rồi hất máy chụp lên, ta sẽ tạo ra hiệu ứng “chân dài” cho chủ thể.