Chuột Hamster – Cách nuôi, chăm sóc và một số sự thật thú vị

Chuột Hamster là một trong những loài thú cưng rất được ưa chuộng hiện nay. Không chỉ dễ nuôi, chăm sóc, chúng còn vô cùng đáng yêu và gần gũi với trẻ em cũng như người lớn.

Nguồn gốc của chuột Hamster

Chuột Hamster hiện nay có khoảng 26 loài, tuy nhiên giống chuột được biết đến nhiều nhất là chuột Hamster Syria. Chúng được phát hiện lần đầu vào năm 1839 bởi một nhà động vật học người Anh tên là George Robert Waterhouse, ông đã đặt tên loài chuột kỳ lạ này là Mesocricetus auratus, có nghĩa là “lông vàng”.

Chuột Hamster - Cách nuôi, chăm sóc và một số sự thật thú vị - 1

Chuột Hamster - Cách nuôi, chăm sóc và một số sự thật thú vị - 2

Hình ảnh chuột Hamster

Vào năm 1930, một số nhà động vật học khác đã tìm ra thêm những con chuột Hamster mẹ và con ngay tại sa mạc ở Syria. Chúng đã được gửi đến phòng thí nghiệm ở Jerusalem để nghiên cứu thêm về tập tính, hành vi. Tại đây họ đã nhân giống thành công giống chuột lông vàng này và mang về nuôi dưỡng. Từ đó đến nay chuột Hamster đã trở thành thú cưng được nuôi trong nhà.

Chuột Hamster được đưa đến Mỹ lần đầu tiên vào năm 1938, cho đến năm 1946 thì chúng đã trở nên vô cùng phổ biến chỉ sau chó, mèo, cá và thỏ tại đây. Còn ở Anh vào năm 1970, giống chuột Phodopus campbelli được giới thiệu trong một hội chợ đã giúp quảng bá thêm loài chuột đáng yêu này đến với mọi người.

Một số thông tin cơ bản của chuột Hamster

Thuộc họ: Cricetidae

Nguồn gốc: Syria

Lớp động vật: Có vú

Ngoại hình: Nhỏ bé, có bộ lông mềm mại bao phủ khắp cơ thể với nhiều màu sắc khác nhau. Hàm răng dài, đuôi cực ngắn, răng cửa to lớn chuyên để gặm nhấm.

Chiều dài: Từ 5-20cm tùy loài

Trọng lượng: Từ 50-200g

Chế độ ăn: Là loài ăn tạp

Tuổi thọ: 1-2 năm

Mức độ chăm sóc: Dễ – bất cứ ai cũng có thể nuôi được.

Chuột Hamster - Cách nuôi, chăm sóc và một số sự thật thú vị - 3

Hamster có ngoại hình nhỏ bé và rất dễ chăm sóc

Tập tính, thói quen của chuột Hamster

1. Về hành vi

Chuột Hamster là loài sống về đêm, tức là chúng rất thích ngủ vào ban ngày và rất ghét bị đánh thức. Trong tự nhiên, chúng đào hang để ẩn náu và sinh sống, đồng thời cũng để tích trữ lương thực dự trữ. Việc sống dưới hang giúp chúng luôn mát mẻ mặc kệ môi trường bên ngoài có khắc nghiệt như thế nào. Hamster hoang dã thường sẽ tích trữ đồ ăn và ngủ đông.

2. Về môi trường sống

Chuột Hamster rất thích sống trong khu vực khô, ấm như thảo nguyên, cồn cát hoặc rìa sa mạc. Nếu như bạn nuôi một chú chuột trong nhà thì rất cần để ý đến vấn đề nhiệt độ.

3. Về thói quen

Đa phần chuột Hamster sống hòa đồng và theo bầy, nhưng một số ít lại lựa chọn lối sống cô độc, có tính lãnh thổ cao và ghét bị kẻ khác xâm phạm. Những con Hamster đực thường hay cắn lẫn nhau đến chết cho nên người ta không bao giờ nuôi chung các con đực với nhau.

Phân loại các loài chuột Hamster

Mặc dù trên thế giới có khoảng 26 loài chuột Hamster khác nhau, tuy nhiên ở Việt Nam chỉ phổ biến có 4 loài sau đây:

1. Chuột Hamster Roborovski

Hay còn được gọi ngắn gọn là chuột Robo, đây là dòng chuột Hamster có kích thước vô cùng nhỏ bé, chỉ khoảng 4-5cm và nặng khoảng 45-50g ở con trưởng thành. Mặc dù vậy, giống chuột này vô cùng đáng yêu và cực kỳ hiếu động, thích được đùa nghịch. Đôi khi chúng vô cùng nhút nhát khi có bạn cùng chuồng, thậm chí có thể giả chết khi bị đe dọa.

Chuột Hamster - Cách nuôi, chăm sóc và một số sự thật thú vị - 4

Dòng chuột Roborovski

2. Chuột Hamster Bear

Đây là giống chuột Hamster có kích thước khá lớn, con trưởng thành thường nặng khoảng 150-200g và dài khoảng 15cm. Với vẻ ngoài bụ bẫm, đáng yêu, thân thiện, chúng rất được mọi người ưa thích và tìm nuôi. Tuy nhiên giống chuột này khá hiếu chiến và hung hăng, do đó bạn chỉ nên nuôi một con duy nhất mà thôi.

Chuột Hamster - Cách nuôi, chăm sóc và một số sự thật thú vị - 5

Dòng Bear với kích thước lớn

3. Chuột Hamster Winter White

Chuột Winter White có ngoại hình không khác mấy so với những con chuột thông thường. Tuy nhiên chúng vẫn có cái đuôi ngắn cũn cùng với bộ lông dày đặc trưng của dòng Hamster. Với kích thước khoảng 10cm, trọng lượng từ 80-120g, cùng với đó là bộ lông màu trắng thay đổi theo mùa sẽ khiến cho bất cứ ai nuôi chúng cũng sẽ cảm thấy thích thú.

Chuột Hamster - Cách nuôi, chăm sóc và một số sự thật thú vị - 6

Dòng Winter White

4. Chuột Hamster Campbell

Dòng chuột Campbell hay Cambell có ngoại hình gần giống với Winter White. Tuy nhiên bạn có thể phân biệt dễ dàng hai loài này với nhau do chuột Campbell có cái mũi nhọn hơn, đôi tai to và ít lông hơn. Các con đực khá là hiếu chiến khi được nuôi ở chung một chuồng, do đó bạn không nên nuôi nhiều con đực cùng với nhau.

Chuột Hamster - Cách nuôi, chăm sóc và một số sự thật thú vị - 7

Dòng Campbell

Cách nuôi và chăm sóc chuột Hamster

1. Thức ăn cho chuột Hamster

Giống như nhiều loài gặm nhấm khác, chuột Hamster là loài ăn tạp. Bạn nên cho chúng ăn khẩu phần ăn chính là các loại hạt, ngũ cốc như hạt bí, hạt dẻ, hạt ngô, hạt kê,… Ngoài các loại hạt, bạn cũng nên cho chúng ăn thêm một số loại rau củ để bổ sung vitamin và chất xơ. Tuyệt đối không cho chuột Hamster ăn thịt tươi hay các sản phẩm từ thịt bởi sẽ khiến chúng trở nên hung hăng, ăn thịt cả đồng loại khi bị bỏ đói.

Chuột Hamster - Cách nuôi, chăm sóc và một số sự thật thú vị - 8

Nên cho Hamster ăn các loại hạt và rau củ

2. Nơi ở của chuột

Bạn nên nuôi chuột Hamster trong lồng có khung bằng kim loại, không nên sử dụng lồng có khung bằng gỗ vì rất dễ bị chúng gặm mất. Một số loại lồng nuôi trên thị trường hiện nay đang bày bán như sau:

Lồng sắt: Là loại phổ biến nhất hiện nay, có ưu điểm là gọn nhẹ, bền đẹp, thoáng mát. Giá chỉ từ 300.000 đồng vô cùng hợp với túi tiền của mọi người.

Lồng kính mica: Là loại lồng rẻ hơn so với lồng sắt, toàn bộ lồng đều làm bằng mica trong suốt giúp bạn có thể quan sát dễ dàng hơn chú chuột của mình. Tuy nhiên lồng mica khá là kín và gây ra sự bí bách nhất định.

Lồng nhựa: Là loại lồng chuyên dụng để phục vụ mục đích đi du lịch hoặc đi dạo chơi khi bạn muốn đem theo thú nuôi của mình.

Chuột Hamster - Cách nuôi, chăm sóc và một số sự thật thú vị - 9

Lựa chọn lồng nuôi phù hợp với thú cưng của bạn

Bên cạnh việc chọn lồng nuôi nhốt chuột Hamster, bạn cũng nên lót ổ cho chúng. Bạn có thể sử dụng mùn cưa nén hoặc cát để làm lớp lót ổ. Tuy nhiên hãy thay thế chúng thường xuyên để tránh gây ẩm mốc và ô nhiễm nơi sinh sống của thú cưng nhà bạn. Ngoài ra, bạn cũng nên sắm cho chú chuột của bạn đồ chơi, lồng chạy để chúng có thể vận động, giảm stress.

3. Sinh sản

Khi chuột Hamster đạt 2 tháng tuổi, chúng đã có thể sinh sản được rồi. Thời gian thai kỳ sẽ kéo dài từ 15-30 ngày, mỗi lứa chuột sẽ đẻ khoảng 3-8 con non. Khoảng cách đẻ mỗi đứa con sẽ vào khoảng 30 phút, con non khi mới sinh ra rất yếu và cần được giữ ấm, bú mẹ đầy đủ. Trong một vòng đời của mình, chuột Hamster có thể sinh đẻ khoảng 8 đợt.

4. Phòng bệnh

Nếu như được chăm sóc tốt, chuột Hamster rất ít có khả năng mắc bệnh. Các bệnh chủ yếu mà thú cưng của bạn có thể gặp phải liên quan nhiều đến môi trường sống của chúng. Nếu như thức ăn không tốt có thể khiến chuột bị tiêu chảy, đau dạ dày. Hamster có thể bị stress, cảm lạnh nếu như bạn chăm sóc không chu đáo. Ngoài ra, chúng có thể bị lây nhiễm một số loại bệnh từ những loại thú nuôi khác trong nhà.

Chuột Hamster giá bao nhiêu? Mua ở đâu?

Giá của chuột Hamster phụ thuộc nhiều vào chủng loại, kích thước. Tuy nhiên giá thường sẽ dao động trong khoảng từ 100.000 đến 300.000 đồng. Bạn có thể tham khảo giá cụ thể của một số loài Hamster phổ biến tại Việt Nam như sau:

Với chuột Hamster Robo: Giá từ 150-200 nghìn đồng/con.

Với chuột Hamster Bear: Giá từ 80-200 nghìn đồng/con tùy màu sắc.

Với chuột Hamster Campbell và chuột Winter White: Giá từ 100-150 nghìn đồng/con.

Bạn có thể tìm mua các dòng chuột Hamster dễ dàng tại các siêu thị, cửa hàng chuyên bán thú cảnh trên khắp cả nước.

Một số sự thật thú vị về chuột Hamster

1. “Hamster” vốn được bắt nguồn từ tiếng Đức: “hamstern,” có nghĩa là “tích trữ”, đây chính là thói quen khó bỏ đã ăn vào máu của loài động vật này.

2. Chuột Hamster là loài sống về đêm, do đó chúng rất ghét bị làm phiền vào ban ngày khi đang ngủ say.

3. Chuột Hamster khá là thông minh, chúng thậm chí có thể học cách để nhớ được tên của chúng. Nếu bạn nói chuyện với chú chuột của mình và sử dụng tên của chúng thường xuyên để chúng quen với việc nghe nó, chúng sẽ phản ứng lại mỗi khi được gọi.

4. Răng của chuột Hamster phát triển không ngừng trong suốt cuộc đời, đó là lý do chúng cần phải được mài răng để tránh răng mọc dài quá mức gây tổn hại cho cơ thể.

5. Chuột Hamster là loài sống rất gọn gàng, chúng thường xuyên tự mình dọn dẹp chuồng để giúp không gian sống quang đãng hơn.

6. Hầu hết các chú chuột Hamster đều chạy rất nhanh, đó là bởi hình dạng và kích thước của bàn chân sau cho phép chúng bứt tốc hiệu quả.

7. Loài Hamster trong tự nhiên rất thích ẩn náu. Chúng có thể tự đào hang dưới lòng đất để tránh nóng và tránh sự truy sát của kẻ thù, đồng thời cũng là cách để chúng tích trữ đồ ăn.

8. Loài chuột Hamster rất dễ bị giật mình. Do đó bạn cần nói giọng nhẹ nhàng với chúng để tránh gây ra stress hoặc các vấn đề về thần kinh.

9. Socola chứa một chất hóa học gọi là Theobromine có thể gây độc cho chuột Hamster. Do đó cần tránh cho chúng ăn socola, đồ uống có cồn và cafein.

10. Loài chuột Hamster vốn bị mù bẩm sinh, và ngay cả khi trưởng thành thì chúng chỉ có thể cảm nhận thấy vài centimet phía trước mũi của chúng. Do đó khứu giác đã trở thành một trong những giác quan quan trọng nhất.

11. Hamster có cái túi má, được gọi là Displostomes, là nơi dùng để chứa thức ăn. Vì vậy, mặc dù có vẻ như chú chuột của bạn đang ăn rất nhiều đến nỗi phình má, nhưng thực tế là chúng đang cố tích trữ đồ ăn.

12. Chuột Hamster là loài có tâm trạng. Theo như một nghiên cứu, những chú chuột mà có nhiều đồ chơi và giường ngủ ấm cúng sẽ cảm thấy hạnh phúc và thoải mái hơn so với những con chuột thiếu thốn.