Chương trình – sách giáo khoa: Nặng kiến thức, nhẹ thực hành
Hội nghị lấy ý kiến chuyên gia và các nhà giáo này là hội nghị cuối cùng trước khi đoàn giám sát hoàn tất báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8-2013. Báo cáo này dựa trên kết quả làm việc với Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành khác, ý kiến của đại biểu Quốc hội tại các địa phương, ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo dục và kết quả khảo sát thực tế tại một số địa phương đại diện cho nhiều vùng miền trên cả nước.
Thiếu vai trò tổng chỉ huy
Quy trình ngược
Báo cáo của đoàn giám sát cũng nhắc lại lỗi “làm ngược” khi SGK đã biên soạn đưa vào thử nghiệm thì chương trình chuẩn quốc gia và chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành. Quy trình ngược này cũng góp phần tạo ra thất bại của chương trình phân ban THPT, khi SGK phân ban đã biên soạn xong, dù biết trước những bất cập nhưng vẫn phải xây dựng chương trình và đưa vào thực hiện.
Tại hội nghị, GS Đào Trọng Thi – chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội – cho biết: “Chương trình – sách giáo khoa (SGK) phổ thông là yếu tố quan trọng nhất trong những vấn đề đang được đặt ra của giáo dục, đây cũng là yếu tố cốt yếu cho việc đảm bảo chất lượng giáo dục.
Chính vì vậy trọng tâm của việc giám sát thực hiện các chính sách pháp luật đảm bảo chất lượng tập trung vào việc đánh giá và đề xuất những giải pháp cần thiết đổi mới chương trình – SGK phổ thông”.
Dự thảo báo cáo kết quả giám sát của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra vấn đề bất hợp lý mà nhìn thấy rõ nhất là việc thiếu một chỉnh thể được xây dựng thống nhất, xuyên suốt, có tính kế tục, tiếp nối từ bậc học thấp lên cao. Nguyên nhân chủ yếu được đoàn giám sát đề cập và cũng là ý kiến nhận xét của khá nhiều chuyên gia giáo dục tại hội nghị là “chưa có tổng chỉ huy cho toàn bộ quá trình biên soạn chương trình – SGK và thiếu đội ngũ chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực giáo dục phổ thông”.
Nhưng GS Nguyễn Minh Thuyết thì cho rằng trên thực tế Bộ GD-ĐT đã thành lập ban chỉ đạo đổi mới chương trình – SGK do bộ trưởng trực tiếp làm trưởng ban. Bộ trưởng chính là tổng chỉ huy của việc biên soạn chương trình – SGK phổ thông. “Khó có nhà chuyên môn nào có thể đảm nhiệm vai trò tổng chỉ huy thay bộ trưởng Bộ GD-ĐT, vì nhà chuyên môn không đủ quyền chỉ đạo, điều hành” – ông Thuyết nhấn mạnh.
Như vậy, nhìn từ thực tiễn đã qua với sự khiếm khuyết “vai trò tổng chỉ huy”, có thể thấy tổng chỉ huy đã chưa làm tròn vai trò của mình dẫn tới những bất cập được nhiều chuyên gia chỉ ra. Trao đổi thêm về việc này, một số chuyên gia cũng cho rằng việc thiếu tính nhất quán và liên thông, chương trình quá nặng cả về số lượng môn học, khối lượng kiến thức trong một môn học, việc trùng lặp hoặc ngắt quãng giữa kiến thức các môn học, lớp học còn thể hiện việc thiếu vắng vai trò của những tổng chủ biên của từng cấp, lớp học, từng môn học xuyên suốt từ tiểu học lên THPT.
Trong đó, đáng nói là “Bộ GD-ĐT chưa kiên quyết trong việc điều hành quy trình biên soạn SGK và thực hiện việc dạy học với các quan điểm thống nhất trên cơ sở một chương trình quốc gia đã được phê duyệt”. Điều này dẫn đến việc có những quan điểm tiến bộ đã không được đi vào thực tiễn dạy học và dạy học không hiệu quả.
Trao đổi thêm về bất cập được nhiều chuyên gia nói đến là “chương trình quá nặng, nặng về cung cấp kiến thức, nhẹ rèn kỹ năng thực hành, hàn lâm, ít gắn với thực tiễn”, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường PTDL Marie Curie (Hà Nội), nhấn mạnh: “Là một hiệu trưởng có thâm niên 20 năm nay, tôi chỉ khẩn thiết đề nghị hãy giảm độ nặng của chương trình. Sai sót chỗ này chỗ khác về kiến thức thì có thể chỉnh sửa được, nhưng cả một chương trình quá nặng khiến người dạy và người học phải gánh chịu sự quá tải kéo dài thì cần phải khắc phục ngay”.
Theo dự thảo báo cáo giám sát, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa cân đối giữa dạy chữ và dạy người, thiếu cân đối giữa lý thuyết và thực hành.
Xuất phát từ thực tiễn dạy học, cô Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), trao đổi: “Có những bài học trong SGK tự nhiên xã hội của bậc tiểu học, nếu không có hướng dẫn trong sách giáo viên thì cả giáo viên cũng không thể hiểu để dạy học sinh. Chương trình – SGK như thế khiến cả giáo viên và học sinh đều thụ động”.
“Tại sao không có những câu hỏi gợi mở, tại sao không hướng dẫn học sinh cách để tự tìm lấy kiến thức? Đây là việc thế giới người ta làm nhiều rồi, có gì xa lạ đâu! Theo tôi, một trong những mấu chốt để thay đổi bất cập trên là hãy tạo cơ chế để có nhiều bộ SGK. Hiệu trưởng có quyền lựa chọn bộ SGK phù hợp với đối tượng học sinh và định hướng giáo dục trên cơ sở chương trình quốc gia” – cô Hiền đề nghị.
Sớm cải thiện tiền lương
GS Đào Trọng Thi cho rằng: “Chương trình – SGK quá cao, nặng khiến học sinh không học được, giáo viên không dạy được và cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu là khiếm khuyết lớn nhất trong mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố đảm bảo chất lượng giáo dục”.
Theo báo cáo giám sát, tỉ lệ đạt chuẩn đào tạo của giáo viên phổ thông hiện nay ở mức rất cao, từ 99,6 – 99,63% tùy theo bậc học. Nhưng bất cập lớn nhất và nan giải nhất lại ở năng lực sư phạm, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học của số đông giáo viên ở mức yếu. Báo cáo chỉ ra bất cập trên xuất phát từ chất lượng đào tạo thật của các trường sư phạm, khi kết quả học tập của sinh viên sư phạm không phản ánh đúng năng lực.
“Các trường sư phạm chưa vào cuộc sâu, chưa đi trước một bước với quá trình đổi mới chương trình – SGK phổ thông” – ông Trịnh Ngọc Thạch, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nhấn mạnh.
Tập trung đào tạo phương pháp dạy học cho giáo viên, thay cho việc chỉ cung cấp nhiều kiến thức như trước đây – lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã cho biết quan điểm chỉ đạo này, mở ra một hướng đi mới cho việc nâng chất lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu mới.
Tuy nhiên, cùng với đó nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề bức thiết không thể trì hoãn nữa là cải thiện đời sống nhà giáo. TS Vũ Văn Dụ, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo viên (Bộ GD-ĐT), cho biết “trong các nghiên cứu về thực trạng giáo viên gần đây, với khoảng 50% số giáo viên được phỏng vấn cho rằng được chọn lại sẽ không chọn nghề giáo vì áp lực nhiều mà lương thấp”.
GS Phạm Minh Hạc cũng cho rằng: “Nghề giáo có mức lương thấp nhất trong các nghề ở VN. Điều này cho thấy việc cải thiện chính sách tiền lương của nhà giáo nhằm tạo động lực cho giáo viên cống hiến cũng là một trong những vấn đề cốt tử của giáo dục hiện nay”.