Chùa Hương Tích Hà Tĩnh – Nét Văn Hóa Tâm Linh Nơi đại Ngàn
Nhắc đến xứ Nghệ Hà Tĩnh – vùng đất địa linh nhân kiệt, người ta thường nghĩ đến những thắng cảnh mang vẻ đẹp rất riêng và hữu tình như núi Hồng Lĩnh hùng vĩ và dòng sông La thơ mộng. Đặc biệt, nơi đây còn nổi tiếng với những điểm đến tâm linh, tựa cõi Phật chốn nhân gian. Chùa Hương Tích Hà Tĩnh chính là một trong những địa danh linh thiêng, giúp bạn tìm lại sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn. Cùng dành ít phút đến với bài viết sau đây để khái quát rõ hơn về Hương Tích Cổ tự giữa chốn đại ngàn này nhé!
Nội Dung Chính
Chùa Hương Tích Hà Tĩnh và những huyền thoại
Chốn thiêng trên dãy non Hồng
Tọa lạc lưng chừng ở đỉnh Hương Tích hùng vĩ, thuộc dãy Hồng Lĩnh xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Với độ cao 650m so với mặt nước biển, ngôi chùa được bao quanh bởi mây núi bạt ngàn tạo nên khung cảnh vô cùng hùng vĩ tựa như chốn bồng lai tiên cảnh.
Một trong những ngôi chùa xây dựng lâu đời nhất Việt Nam
Được xây dựng vào thế kỷ thứ XIII thời nhà Trần, có thể nói chùa Hương Tích Hà Tĩnh là một trong những ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam với niên đại tính đến nay lên đến hàng nghìn năm tuổi. Thời gian tồn tại của chùa Hương Tích gắn liền với câu thơ “Hương Tích Trần Triều – Hồng Sơn đệ nhất phong” (Ngọn núi trên đỉnh Ngàn Hồng đẹp nhất thời Trần).
Gắn liền với sự tích tu hành hóa Phật
Lịch sử hình thành chùa Hương Tích Hà Tĩnh gắn liền với sự tích tu hành hóa Phật của con gái Vua Trang Vương là công chúa Diệu Thiện. Sự tích kể lại, nàng đã quy y cửa phật với mong muốn tìm chốn an yên trong tâm hồn, khi biết vua cha đem gả mình cho viên quan độc ác. Nơi nàng dừng chân tu hành chính tại động Hương Tích, đây cũng là nơi nàng được đức Phật che chở, cứu thoát trong một trận hỏa hoạn.
Cho đến sau này, khi nghe vua cha lâm trọng bệnh, nàng đã hiến dâng cả bàn tay lẫn đôi mắt của mình để cứu cha. Nhìn thấy sự hiếu thảo của nàng, Đức Phật đã hóa phép cho nàng Diệu Thiện sáng mắt và mọc tay trở lại. Và Phật Bà Quan Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay mà chúng ta thờ kính ngày nay chính là hiện thân của Diệu Thiện khi đã tu hành đắc đạo.
Chùa Hương Tích cùng những biến cố thăng trầm
Để giữ được dáng hoài cổ và trở thành một địa điểm du lịch thu hút đông đảo du khách như hiện nay, chùa Hương Tích Hà Tĩnh đã phải trải qua nhiều biến cố thăng trầm. Đầu tiên là trận hỏa hoạn năm 1885, phần lớn ngôi chùa đã bị thiêu rụi cùng những tấm bia cổ và nhiều pho tượng quý. Mãi cho đến năm 1901, dưới sự quyên góp của Tổng đốc An Tĩnh, ngôi chùa mới được xây dựng và trùng tu lại khang trang hơn.
Dưới thời trị vị của Vua Bảo Đại, năm 1936 chùa đã được vinh dự chọn làm biểu tượng điêu khắc vào An Đỉnh (1 trong 9 đỉnh đồng lớn nhất) đặt tại Đại Nội Huế và chính thức trở thành di sản văn hóa – thắng cảnh cấp Quốc Gia vào năm 1990. Từ những vết tích và tàn dư xưa cũ, năm 2006 chùa đã trải qua cuộc đại trùng tu và trường tồn đến ngày nay.
Di chuyển đến chùa Hương Tích Hà Tĩnh
Đi cáp treo lên thẳng đền Thượng
Để tiết kiệm sức lực cho chặng đường khám phá khi lên đến chùa. Bạn có thể chọn cách di chuyển bằng cáp treo, mất tầm 4 phút là đã đến đền Thượng. Giá vé cáp treo dao động từ 120 nghìn đồng (1 chiều) đến 160 nghìn đồng (2 chiều) cho đoạn đường từ Ga miếu Cô đến thẳng đền Thượng của chùa.
Trekking dọc theo triền núi đến miếu Linh Sơn
Việc leo núi khi đi chùa có lẽ không còn xa lạ với nhiều du khách, và nếu như bạn sở hữu một nền tảng thể lực tốt thì đến với chùa Hương Tích Hà Tĩnh bạn có thể trải nghiệm việc đi bộ theo dọc triền núi đến miếu Linh Sơn để lên chùa chính. Đoạn đường dài khoảng 3km, bạn có thể vừa đi vừa vãn cảnh thiên nhiên của rừng thông, rừng trúc xung quanh chùa.
Đi bằng thuyền
Phương án cuối cùng để lên chùa đó là di chuyển bằng thuyền, lênh đênh trên mặt nước chiêm ngưỡng cảnh nước non hữu tình chính là sở thích của nhiều du khách. Tuy nhiên, với cách di chuyển này có thể sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, vì phải đi nhiều trận đường. Từ miếu Linh Sơn, du khách đi thuyền khoảng 1,5km theo dọc hồ Nhà Đường để đến miếu Cô làm lễ, sau đó lựa chọn 1 trong 2 cách trên để di chuyển đến chùa chính.
Điểm nhấn nổi bật ở chùa Hương Tích
Nét kiến trúc độc đáo
Bên trong chùa Hương Tích Hà Tĩnh là cả một quần thể văn hóa với nhiều công trình và hạng mục mang đậm nét kiến trúc cổ điển, mộc mạc theo đúng như truyền thống tôn giáo của dân tộc ta. Trong đó Cung Tam Bảo chính là điểm nhấn đặc biệt nhất của quần thể kiến trúc chùa Hương Tích. Đây là nơi bảo quản của 54 pho tượng Phật được làm bằng loại gỗ quý hiếm có niên đại lên đến hàng nghìn năm tuổi nhưng vẫn còn nguyên sơ vẻ đẹp bóng loáng, đầy khí chất linh thiêng.
Kết cấu của các bậc đá, thềm đá hầu như đều rêu phong theo năm tháng, tuy nhiên vẫn giữ được kết cấu chắc chắn, kiên cố trường tồn. Ngoài là nơi thờ Phật, chùa còn thờ cả các vị Thần mang đậm nét tín ngưỡng người Việt.
>>>Có thể bạn quan tâm: Đôi nét về kiến trúc nhà cổ Việt Nam khiến bạn chìm đắm
Thơ mộng với khung cảnh hùng vĩ của núi non
Toàn bộ kiến trúc kỳ ảo, cô tịch của ngôi chùa được bao phủ bởi lớp mây trời sừng sững, những tảng đá uy nghiêm cùng hàng cây cổ thụ in bóng cả góc trời linh thiêng. Nhất là khi thu đến, chùa Hương Tích Hà Tĩnh hiện lên ngập trong mờ sương vô cùng huyền ảo. Những danh lam thắng cảnh hấp dẫn khác xung quanh chùa có thể kể đến như: khe Quỷ Khóc, am Phun Mây, suối Tiên tắm, động Tiên Nữ,…
Lễ hội truyền thống chùa Hương Tích Hà Tĩnh
Vào độ giữa Xuân, khi trải qua một mùa Tết Nguyên Đán an vui, chùa Hương Tích lại tiếp tục đón lễ hội vào ngày 18/2 – 19/2 âm lịch. Đây là lễ hội truyền thống hằng năm nhớ đến ngày công chúa Diệu Thiện hóa Phật. Ngày này, chùa diễn ra khá nhiều các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ý nghĩa như chèo thuyền trên sông, múa hát, dâng lễ,…
Thông qua lễ hội chùa Hương Tích Hà Tĩnh, đã cho du khách cũng như quý Phật tử gần xa có cơ hội nhìn ngắm và trải nghiệm lại nét văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người Việt xưa.
Bỏ túi kinh nghiệm đi chùa Hương Tích Hà Tĩnh
Thời điểm lý tưởng đến chùa Hương Tích
Chùa Hương Tích Hà Tĩnh mở cửa cho du khách tham quan quanh năm và hoạt động cả ngày, không có ngày nghỉ. Mùa xuân là mùa lễ hội, cũng là lúc chùa rộn ràng với các hoạt động đầu năm mới, nên lượng khách du lịch sẽ đổ về khá động, vì vậy bạn nên cân nhắc tham quan vào thời điểm này.
Từ tháng 9 – tháng 11 là thời điểm chùa Hương Tích đắm chìm trong sắc hồng của hoa súng nở rộ trên dòng suối Yến, cùng với màu cỏ lau hoang dại đua nhau nở trên các đồng cỏ, sẽ rất thích hợp cho bạn đến vãn cảnh chùa trong thời gian này.
Giá vé tham quan
Giá vé vào cổng áp dụng cho du khách đến tham quan chùa là 20.000 đồng/ người. Bạn có thể mua trực tiếp tại quầy vé hoặc đặt ở cổng vào của chùa.
Vật dụng cần chuẩn bị
Tiền mặt: Để dễ dàng trong việc bỏ viếng thùng công đức hoặc mua đồ ăn, đồ lưu niệm tại chùa thì bạn nên chuẩn bị sẵn tiền mặt.
Lễ: Nếu bạn đến chùa để cầu bình an, may mắn, để việc vái phật diễn ra nhanh chóng, thì bạn nên chuẩn bị sẵn những lễ vật dâng thần phật, thánh thần như bánh ngọt, nến hương, đồ chay,…
Balo: Bên cạnh chiếc túi xách nhỏ, thì một chiếc balo sẽ rất cần thiết để bạn đựng các vật dụng cần thiết trong hành trình tham quan chùa.
Áo gió: Do chùa ngự trị với độ cao 650m so với mặt nước biển, nên khi lên đến đỉnh Hương Tích nhiệt độ sẽ xuống thấp và có sương mù. Để giữ ấm cơ thể, nhất là vào những ngày mùa đông bạn nên chuẩn bị sẵn chiếc áo khoác cho mình nhé.
Chùa Hương Tích Hà Tĩnh – một nơi an yên như thế này sẽ giúp bạn xua tan đi những muộn phiền của bộn bề cuộc sống, lấy lại cảm giác thanh tịnh trong tâm hồn. Hy vọng qua bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nét văn hóa đặc sắc của ngôi chùa “đệ nhất danh thắng” ngự trị tại vùng đất Hà Tĩnh này. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, đừng quên truy cập vào website Mua Bán để khám phá cũng như trao đổi các mặt hàng, sản phẩm, dịch vụ xoay quanh cuộc sống hằng ngày bạn nhé!
Xem thêm: Cách cúng đất đai trong nhà: Văn Khấn, Bài Cúng Thổ Thần Chi Tiết