Chống nạn tin giả từ việc trau dồi kiến thức và kỹ năng báo chí
PGS-TS. Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam
Hiện tượng tin giả dường như đang xuất hiện ngày càng nhiều. Theo bà, nó đã tác động như thế nào đến các cơ quan báo chí và những người làm báo?
Với tính ưu việt của sự phát triển công nghệ thông tin, ngày nay, chúng ta thấy rằng bất cứ ai cũng có thể sản xuất và đăng tải thông tin.
Nhưng cùng với đó, nạn tin giả hoành hành, đặc biệt là trên thế giới. Minh chứng điển hình nhất là từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, nạn tin giả đã tác động rõ ràng đến kết quả bầu cử như thế nào thì chúng ta đã đều thấy rõ.
Tại Việt Nam hiện nay, nạn tin giả chưa phát hiện được nhiều. Nhưng rõ ràng, tin giả tác động đến xã hội và các nhà báo càng phải cẩn trọng hơn nữa trong việc sản xuất tin, bài. Tức là, những cái kỹ năng cơ bản của nhà báo liên quan đến thu thập thông tin ngày càng quan trọng.
Như đã nói, một mặt công nghệ cũng tạo ra những mặt trái làm cho mọi người có thể đưa ra thông tin giả làm “lũng loạn” thị trường thông tin. Nhưng mặt khác chúng ta cũng thấy rằng, công nghệ thông tin cũng giúp con người kiểm chứng thông tin rất dễ dàng.
Ví dụ như đối với phóng viên chúng ta có thể kiểm chứng nguồn tin bằng việc gọi điện trực tiếp một hay nhiều người khác nhau để ra được thông tin chính xác, về báo ảnh chúng ta có thể xem nguồn gốc ảnh ra làm sao, ảnh đó có bị ghép hay không, cũng hoàn toàn có thể kiểm chứng.
Tôi nghĩ rằng chúng ta phải nhận thức được tin giả phần lớn là những tin xấu, không ai đưa tin tốt để làm tin giả. Vì vậy, chúng ta cần phải luôn luôn kiểm chứng thông tin, đặc biệt là những thông tin trên mạng xã hội.
Trong cuộc chiến chống nạn tin giả, có ý kiến cho rằng “để chống lại nạn tin giả, báo chí chính thống có vai trò to lớn và nhà báo có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt tin giả”. Bà đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Họ nói rằng nhà báo cần đi đầu trong việc chống tin giả, ở đây có nghĩa là nhà báo cần phải luôn luôn cung cấp thông tin một cách trung thực nhất, cập nhật nhất, khách quan nhất để trước khi có những tin giả lan truyền thì đã có những thông tin chính thống từ các cơ quan báo chí.
Hiện nay, chúng ta không thể kiểm soát được lượng thông tin hàng ngày do mọi người cung cấp trên mạng xã hội. Bởi, việc kiểm soát nó không phải là nghĩa vụ của nhà báo. Dù là ai, miễn là công dân Việt Nam, khi đưa thông tin giả cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và việc đấy đang diễn ra và được thực hiện nghiêm túc.
Nhà báo cần phải luôn luôn cập nhật thông tin nếu như có những thông tin sai trái lan truyền trên mạng thì các nhà báo phải có nhiệm vụ xem xét sự việc dựa trên nhiều mặt. Ở đây, nhà báo đóng vai trò tiên phong chống tin giả vẫn là thực hiện đúng vai trò của người làm báo, tức là đi thu thập thông tin, cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ nhất.
Theo bà, các nhà báo cũng như sinh viên đang theo học ngành báo chí cần phải chuẩn bị và trau dồi những kỹ năng gì?
Đối với sinh viên đang theo học ngành báo chí thì điều cơ bản nhất là vẫn phải học. Đối với nhà báo phải đòi hỏi có một kiến thức nền rất rộng, am hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội kể cả văn hóa, thể thao.
Chúng ta đều biết rằng là một nhà báo chúng ta phải đọc rất nhiều sách, nhưng trên thực tế các sinh viên hiện nay rất lười đọc báo chính thống mà chỉ đọc những trang giải trí, điều đó không bao giờ đủ. Sinh viên phải đọc báo để hiểu được những sự kiện đang diễn ra trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội như thế nào để có một vốn kiến thức nền tốt. Ví dụ như: kỹ năng đặt câu hỏi, phỏng vấn… để viết được một bài viết hấp dẫn.
Báo chí hiện nay không chỉ dừng lại ở báo viết, báo truyền hình mà nó phải được thể hiện ở báo đa phương tiện. Những kỹ năng hết sức cơ bản này giúp chúng ta biết được những thông tin nào là giả, bằng cách chúng ta kiểm chứng chúng, xem thông tin nào có thật bằng khối kiến thức về văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội chúng ta có thể biết được người đưa thông tin là người như thế nào.
Tôi nghĩ rằng, với sinh viên báo chí cần phải học nghề hết sức nghiêm túc. Nghề báo là một nghề rất đặc biệt, nó gánh trên vai trọng trách của xã hội là cung cấp thông tin cho xã hội. Nó khác với nghề truyền thông quan hệ công chúng đưa ra những thông điệp thân thiện, vui vẻ về tổ chức mình làm truyền thông. Còn đối với người làm báo, chúng ta phải minh bạch, là người đứng giữa phản ánh lại những gì diễn ra trong những nhãn quan của người làm báo.
Người làm báo gánh trên mình trọng trách như thế thì họ phải là người có đạo đức, ngoài kiến thức về kỹ năng và tính chuyên nghiệp. Hiện nay, có một số phóng viên cố tính tống tiền doanh nghiệp để lấy tiền. Họ không xứng đáng trở thành nhà báo.
Vì thế để trở thành một nhà báo đúng nghĩa, sinh viên báo chí phải luôn luôn học tập để có những kiến thức thực sự sâu về mọi mặt đời sống, xã hội, các vấn đề chính trị… Thứ hai là phải học tốt và thành thạo những kỹ năng để cử lý thông tin, kỹ năng viết, chụp ảnh quay phim, viết bài. Khi họ có những kỹ năng của một nhà báo chuyên nghiệp rồi thì khi gặp một thông tin giả người ta có thể kiểm chứng, phân tích từ đó mới có thể tránh được việc mắc vào bẫy tin giả.
Xin cảm ơn bà!