Chơi hoa, cây cảnh – nét đẹp tinh tế ngày Xuân
Ngày Tết luôn có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm thức của người Việt Nam. Bên cạnh việc ăn Tết, thì việc thưởng thức vẻ đẹp của hoa và cây cảnh được xem là một thú vui tao nhã, một nét thi vị của ngày xuân. Theo sự phát triển của cuộc sống hiện đại, thú chơi hoa, cây cảnh ngày Tết đã trở thành một nghệ thuật thể hiện sự tinh tế của tâm hồn người Việt mỗi độ Tết đến, Xuân về.
Người dân đổ về làng hoa Phù Vân (TP Phủ Lý) để tìm mua hoa trưng ngày Tết trong những ngày cuối năm
Theo quan niệm xưa, ngày Tết càng nhiều hoa, cây cảnh trong nhà sẽ mang đến nhiều điều tốt đẹp cho gia đình trong năm mới. Những loài hoa, cây cảnh có màu sắc tươi sáng, rực rỡ như đỏ, vàng… mang ý nghĩa tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, sự may mắn và tạo cảm giác ấm áp cho ngôi nhà trong những ngày đầu Xuân mới. Chính vì lẽ đó, dù bận rộn với bao công việc, mọi người vẫn luôn dành thời gian để dọn dẹp, trang trí và làm đẹp lại nhà cửa bằng những lọ và chậu cây cảnh.
Trước tết Nguyên đán, tranh thủ những ngày nắng ấm, đẹp trời, chị Nguyễn Thu Hà ở phường Châu Sơn, Thành phố Phủ Lý cùng với người thân trong gia đình đã đến một số nhà vườn trồng hoa ở làng hoa Phù Vân để tự tay chọn những cây đào, cây quất, chậu hoa ưng ý nhất về chơi tết. Tết năm nay, ngoài chọn cây quất trưng trong nhà, những loại hoa cắm bình bày trên bàn, chị Hà còn mua thêm hai chậu hoa hồng bày trên ban công tầng 2 để không khí đón tết của gia đình thêm rực rỡ. Theo chị Hà, khi xuân về thiếu đi sắc hoa thì dường như chưa trọn nghĩa của ngày Tết. Nhìn thấy những bông hoa khoe sắc sẽ cảm nhận không khí mùa xuân ấm áp, đầy sức sống tràn ngập trong nhà vào những ngày Tết.
Làng hoa Phù Vân rực rỡ trong vụ hoa Tết
Theo truyền thống, không chỉ mang lại vẻ đẹp ngày Tết, những cây cảnh như đào, quất, mai còn là những cây phong thủy, mang lại cho gia chủ sự thịnh vượng, bình an, may mắn trong năm mới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cuộc sống người dân ngày càng phát triển, nhu cầu văn hóa tinh thần vì thế cũng trở nên phong phú và đa dạng hơn nên ngoài đào, mai, quất… đã có thêm nhiều lựa chọn là các loại hoa, cây cảnh mới, có màu sắc riêng, lạ.
Mặc dù công việc rất bận rộn, nhưng là người say mê với hoa, anh Nguyễn Anh Tùng ở xã Trung Lương, huyện Bình Lục đã tự tay trồng, chăm sóc nhiều loại hoa trong khuôn viên trước nhà như hoa hồng, phong lan, hoa giấy… Không chỉ vậy, mỗi khi đến Tết, anh vẫn thường đến tận các nhà vườn trong tỉnh cũng như tại một số tỉnh lân cận như Nam Định, Hưng Yên để tìm mua những loại hoa mới lạ để trưng trong nhà cho sắc Tết của gia đình thêm phong phú, độc đáo. Năm nay, anh chọn trưng bày loại cúc đại đóa màu ánh vàng đồng – giống hoa của Hàn Quốc mới được các nhà vườn đưa ra thị trường hoa tết năm nay. Đồng thời, anh cũng kỳ công lựa chọn thêm những cây bonsai nhỏ để bàn hợp phong thủy để bày trên bàn trong phòng khách; tỉ mẩn lựa chọn những loại hoa cắm bình như cúc, lay ơn để trưng trên ban thờ. Anh Tùng cho chia sẻ, mặc dù việc chơi hoa ngày Tết có kỳ công, tốn kém nhưng đem lại niềm vui, sự hào hứng cho gia đình mỗi khi tết đến. Những ngày Tết cả gia đình quây quần bên nhau, ngắm sắc Xuân ngập tràn với cảm giác thư thái, bù đắp cho cả một năm vất vả, đấy là một cảm giác rất hạnh phúc.
Hoa và cây cảnh chơi Tết của gia đình anh Nguyễn Anh Tùng (Bình Lục)
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, trước Tết Nguyên đán 2 tháng, các nhà vườn đã tất bật chuẩn bị đủ loại hoa, cây cảnh để cung cấp ra thị trường. Những chợ hoa Tết đã xuất hiện và hoạt động từ khoảng giữa tháng Chạp đến hết ngày 30 Tết phục vụ người dân mua hoa, cây cảnh về chơi tết. Có người đi chợ hoa chỉ để thưởng thức và ngắm nhìn những chậu cây, chậu hoa đủ màu sắc và thể loại, để cảm nhận không khí Tết. Nhưng với người có thú chơi hoa thì việc đi chợ hoa ngày Tết lại là cả một nghệ thuật.
Năm nay, hoa Tết được thương lái chở về tiêu thụ tăng mạnh so với mọi năm. Bên cạnh cây đào, cây quất truyền thống, tại chợ hoa Tết còn có nhiều loài hoa để chơi Tết, với màu sắc và chủng loại đa dạng như hướng dương, cúc vàng, lưu ly, đỗ quyên, mai, đào, các loại địa lan,…Đối với nhiều người, khi chọn hoa chơi Tết không chỉ chú trọng màu sắc loại hoa mà còn cả đến tên gọi và tác dụng phong thuỷ của các loài. Ví như hoa Cát tường mang ý nghĩa may mắn, hanh thông mọi việc; hoa Đỗ quyên và Trạng nguyên mang mong ước đỗ đạt, thành đạt; hoa Thủy tiên mang lại điều may mắn, như ý, tăng thêm tài khí cho gia đình; hoa Hải Đường thể hiện sự phú quý, giàu sang…
Bên cạnh đó, một số loại cây khác lại có ý nghĩa sung túc, trường thọ như: hoa Vạn thọ, Bách tán, Sống đời… như lời cầu chúc một năm mới dồi dào sức khỏe cho cả gia đình.
Chợ hoa xuân luôn tấp nập người dân đến mua hoa, cây cảnh về chơi Tết
Việc chọn hoa chơi Tết đã công phu nhưng việc chọn cây cảnh bày Tết còn cầu kỳ hơn nhiều. Việc chọn cây không đơn giản chỉ là ngắm cây và chọn, mà đó còn thể hiện sự tinh thông, am hiểu về nghệ thuật phong thuỷ đối với cây cảnh.
Theo ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Hà Nam, đối với người sành về cây cảnh, thì thế và dáng của cây là rất quan trọng. Thế cây phải vững chãi, cành lá sum suê, trong đó phải có cả lá-lộc-chồi, nếu loại cây có quả thì phải có đủ cả loại quả chín và xanh. Một cây hội đủ những yếu tố như thế mới có thể được xem là một cây cảnh đẹp, bởi nó hội tụ đủ nét tứ quý cho một năm. Điều đó cũng biểu hiện sự an khang, thịnh vượng cho gia chủ.
Tâm lý người thích chơi cây cảnh ngày Tết đều hướng đến một số loại cây mang ý nghĩa cho sự no đủ và nhiều điều tốt lành cho năm mới, như cây Sung, Phát tài, Kim ngân thể hiện mong muốn giàu sang, tiền bạc luôn dồi dào; hay cây Quất theo quan niệm dân gian là biểu tượng cho sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên…
Chậu bon sai trưng bày trong nhà dịp Tết của gia đình ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Hà Nam
Đối với người am hiểu hơn về nghệ thuật cây cảnh còn thích chọn theo bộ tứ quý gồm: Tùng-Cúc-Trúc-Mai thể hiện sức sống mãnh liệt, bình dị và thanh tao. Bên cạnh đó, nhiều người còn chọn bày Tết là các loại cây bonsai, với những dáng cây được tạo kiểu, mang ý nghĩa biểu trưng cho văn hóa Việt Nam và phương Đông như: Tam đa, Ngũ phúc…
Cũng như việc trồng và chăm sóc của các nhà vườn, nghệ nhân, việc mua và trưng hoa, cây cảnh của người chơi cũng khá công phu và đòi hỏi sự am hiểu, sự tinh tế và mắt thẩm mỹ. Bởi vậy, cứ như thế, tục chơi hoa, cây cảnh ngày Tết của người Việt vẫn luôn được gìn giữ và lưu truyền. Đây không chỉ là nét truyền thống, mà còn là hơi thở mùa xuân, là những điều tốt đẹp trong văn hóa đón tết cổ truyền của dân tộc./.
Hoa Hiên