‘Chiêu’ đi chợ ngày tết dành cho bạn trẻ
Tết là dịp nhu cầu mua sắm tăng cao nên các khu chợ tấp nập người mua kẻ bán khiến cho không khí năm mới thêm nhộn nhịp. Nhiều người trẻ cũng phấn khích đi chợ tết, sắm sửa những mặt hàng thiết yếu để đón năm mới, cùng lúc tận hưởng không khí đậm chất truyền thống.
Bên cạnh sự thú vị thì chợ tết luôn tìm ẩn một nỗi “ám ảnh” đối với nhiều người trẻ vì nguy cơ bị “ăn chửi” luôn chực chờ nếu như lỡ miệng trả giá hay ngắm nhìn món hàng quá lâu mà không mua.
“Thượng đế” cũng bị chửi như thường
Nói về kỷ niệm “kinh hoàng” khi đi chợ ở tỉnh Bình Phước vào ngày 27 âm lịch, Nguyễn Văn Thanh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho hay anh đã bị người bán hàng “chửi không thương tiếc” vì lựa chọn hàng quá lâu.
“Lâu lâu được đi chợ tết nên tôi rất háo hức, nhìn mớ hoa đẹp, mê quá và không để ý là đã lựa chọn hơi lâu. Tôi vừa mới lựa xong thì bị cô bán hàng chửi thẳng vào mặt với lý do con trai gì mà kén chọn, lề mề. Lúc đó, giọng cô bán hàng quát rất lớn, tôi chỉ biết nhanh chóng trả tiền rồi bước đi”, Thanh kể lại.
Anh khuyên các bạn trẻ đi chợ tết nên cẩn trọng để không gặp phải những vấn đề tương tự như anh, khiến cho ngày tết mất vui.
Tương tự, Nguyễn Ngọc Thanh Anh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết cô suýt bị “ăn chửi” vì lỡ miệng trả giá khi đi chợ quê ở tỉnh Sóc Trăng.
“Những ngày cận tết, giá cả các mặt hàng tăng lên khá cao so với ngày thường nên tôi hơi bị sốc. Ghé ngang sạp trái cây, tôi hỏi thì giá tăng gấp 3 lần, lỡ miệng kêu “hôm bữa con mua rẻ hơn” thì ngay lập tức bị cô bán hàng bày tỏ thái độ không hài lòng, bảo rằng “mắc quá thì đừng mua”. Thật sự lúc đó tôi chỉ biết ‘đứng hình’”, Thanh Anh kể lại.
Thận trọng để tránh bị “ăn chửi”
Thanh Anh cho biết thêm cô sẽ thận trọng hơn trong việc đi mua hàng ở chợ tết để không gặp phải những trường hợp khó xử. Nữ sinh viên cho rằng tâm lý của người bán hàng ngày tết có những sự “kiêng kỵ” và nỗi lo không bán được hàng nên đôi khi hay nhạy cảm là điều không quá khó hiểu. Tuy nhiên, nếu buôn bán với thái độ niềm nở, nhắc khách hàng nhẹ nhàng hơn thì họ sẽ đắt hàng hơn là cứ giữ thái độ gay gắt, theo Thanh Anh.
Cũng lo sợ việc bị “ăn chửi” khi đi chợ ngày tết, Trần Ngọc Tú Quỳnh, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết cô sẽ lựa chọn những nơi mua hàng quen để dễ trao đổi về giá cả hay lựa chọn hàng hóa.
Cô cũng thường xuyên cập nhật giá cả thị trường để tránh việc bị “ép giá”. Trong trường hợp nhận thấy bị “hét giá”, Quỳnh thường sử dụng các “chiêu” như: “Cô ơi, bớt tí xíu coi như làm quen nha cô hay cô xinh đẹp ơi, bớt cho một ít đi ạ”, nếu người bán vẫn kiên quyết không giảm giá thì phải nhanh chóng rời đi.
“Tết đến mà đi chợ bị chửi là coi như mất vui nên tôi sẽ rất thận trọng. Ngày tết, những người bán hàng họ thường rất nhạy cảm vì ai cũng mong muốn nhanh hết hàng để có thể sớm về nhà ăn tết. Nếu có lỡ bị chửi hay nhận về thái độ thô lỗ của người bán hàng thì cũng đừng buồn và đặt nặng vấn đề, hãy nghĩ rằng biết đâu có rất nhiều người cũng đang giống mình”, Quỳnh chia sẻ.