‘Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử’: Phim tốt hơn phần trước nhưng nội dung không hay

Phần mới trong loạt phim Thập Tam Muội vẫn xoay quanh câu chuyện về Chị Mười Ba đã làm nên tên tuổi của diễn viên Thu Trang. Tác phẩm đã hay và có nội dung tốt hơn nhiều phần trước nhưng tổng thể vẫn không đủ tốt và nhiều chi tiết chưa chuẩn chỉ.

‘Wonder Woman 1984’: Bộ phim giải trí nhẹ nhàng, dễ xem, chưa đủ gắn mác ‘siêu bom tấn’

Phần đầu tiên của loạt phim ‘Thập Tam muội’ được ra mắt vào năm 2019, rất thành công về mặt doanh thu khi thu về tới 64 tỷ đồng từ phòng vé dù không có quá nhiều ngôi sao nổi tiếng. Tuy nhiên, tác phẩm bị giới chuyên môn là có nội dung quá hời hợt, tập trung vào các chi tiết hài nhảm nhí và kết cấu từng phần của phim cũng không hợp lý.

Không hiểu Thu Trang có đọc được những ý kiến chê chất lượng của ‘Chị Mười Ba – Phần kết Thập Tam Muội’ là quá tệ hay không nhưng phần 2 của loạt phim xoay quanh chị được làm tốt hơn hẳn. ‘Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử’ đã không đi theo lối mòn giang hồ theo kiểu ‘chợ búa’ ở phần phim trước và các bản web dramma. Nhân vật trong phim đúng chất xã hội đen hơn, đáng sợ hơn và phần hài cũng đỡ nhảm hơn nhiều.

Tác phẩm điện ảnh mới nhất của Thu Trang xoay quanh câu chuyện chị Mười Ba (Thu Trang tìm bằng chứng giải oan cho Kẽm Gai (Anh Tú) sau khi người này bị nghi đã giết chết Đức Mát (Phát La) – em trai Thắng Khùng (Kiều Minh Tuấn). Chị Mười Ba hẹn Thắng Khùng đúng 3 ngày sẽ mang Kẽm Gai về chịu tội. Tuy nhiên, càng điều tra các tình tiết sự việc, chị Mười Ba mới khám phá ra rằng thì ra cái chết của Đức Mát có liên quan đến một thế lực xã hội đen khác. Cuối cùng, ‘Thập Tam muội’ cùng Thắng Khùng và đàn em của mình chiến đấu với băng nhóm này.

Ngay khi có những suất chiếu sớm đầu tiên, ‘Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử’ đã bắt đầu hành trình vượt qua siêu bom tấn ‘Wonder Woman 1984’ để dẫn đầu doanh thu phòng vé Việt Nam. Khả năng cao, tác phẩm xoay quanh câu chuyện của chị Mười Ba sẽ đứng đầu doanh thu rạp phim cuối tuần này. Điều này cho thấy sự quan tâm lớn của khán giả vào nền điện ảnh nước nhà, nhất là sau thành công rực rỡ của ‘Tiệc trăng máu’ và ‘Ròm’. Tuy nhiên, việc tác phẩm này có thể vượt qua doanh thu của ‘Chị Mười Ba – Phần kết Thập Tam Muội’ hay không sẽ còn là một dấu hỏi lớn. Bởi lẽ, năm ngoái khi phần đầu của loạt phim về ‘Thập Tam muội’ ra mắt thì chưa có đại dịch Covid-19 và khán giả còn tò mò khi bản web drama quá thành công. Năm nay, khi khán giả đã lười ra rạp hơn trước và sự tò mò cũng giảm đi thì chưa chắc doanh thu của ‘Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử’ đã là quá cao, dù chất lượng hơn hẳn phần trước.

Chất lượng hơn hẳn phần đầu tiên

Chất lượng của phần 2 trong loạt phim về chị Mười Ba của Thu Trang tốt hơn hẳn phần 1. Đây là điều không thể phủ nhận. Tác phẩm đã vượt ra xa khỏi biên giới những bộ phim về xã hội đen theo kiểu hành động lửng lơ, cốt truyện đơn giản, chưa xem cũng đoán được kết cục. ‘Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử’ được đầu tư chất xám trong phần kịch bản hơn hẳn. Xã hội đen trong phim có âm mưu, đấu đá, thủ đoạn sâu xa hơn phần đầu tiên. Họ không nói quá nhiều để chọc cười khán giả nữa mà đã biết dùng hành động để chứng minh thực lực. Điều này khiến bộ phim được chia bố cục rất rõ ràng, các nhân vật cũng thể hiện mình không đơn giản, xứng đáng là ‘ông trùm, bà trùm’ hơn. Nói tóm lại, xã hội đen trong ‘Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử’ đã biết đấu đá nhau bằng cái đầu chứ không chỉ dùng lời nói, giục anh xem xông lên đánh nhau rồi lại tự mình phải giải quyết mọi chuyện như những web drama về giang hồ xuất hiện nhan nhản trên mạng.

Để có được điều này, ekip làm phim đã dũng cảm rời xa hệ thống nhân vật vốn đã rất quen thuộc trong ‘vũ trụ Thập Tam muội’ như anh Vi cá, anh Bảy gà, anh Hai, Thập Tứ Nương… Đồng thời, tác phẩm cũng không lấy cốt truyện về An Cư Nghĩa Đoàn ở thành phố Hồ Chí Minh nữa mà ‘Thập Tam muội’ đã dời đến một nơi khác cùng Đường Băng, A Chề (Thanh Tân), Thành Ke (La Thành) và Kẽm Gai. Điều này khiến câu chuyện trở nên mới lạ hơn, hấp dẫn hơn chứ không xoay quanh các khu chợ Mới, chợ cũ như hàng tá các tác phẩm web drama nhan nhản trên mạng vài năm nay nữa. Hướng triển khai khác lạ cũng giúp các nhân vật trong phim bộc lộ rõ được cá tính của mình. Những người mang bản tính giang hồ vẫn ăn nói bỗ bã, xấc láo quen thuộc, các ‘ông trùm, bà trùm’ thì tiết chế được bản thân, biết sai đàn em đi làm nhiệm vụ.

Các nhân vật anh chị trong trong ‘Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử’ cũng không cãi nhau chí chóe một cách khó hiểu như phần 1 nữa mà đã hành động nhiều hơn và cũng có phần tàn độc hơn. Những cảnh hành động, sát phạt của các bang nhóm cũng mang tính gay cấn hơn, hoành tráng và có tính chiến đấu hơn chứ không biến thành những tiểu phẩm hài. Trong bộ phim mới ra mắt, chất hài vẫn được ưu tiên khá nhiều nhưng đã duyên dáng hơn. Các nhân vật chủ yếu tạo nên tiếng cười cho khán giả bằng sự duyên dáng của mình cùng các tình huống hài thực sự. Tiến Luật vẫn có những đoạn gây cười nhưng được đặt đúng chỗ, tạo cảm giác dễ chịu; Thu Trang và Kiều Minh Tuấn vốn đang có được thiện cảm của khán giả từ ‘Tiệc trăng máu’ và đến ‘Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử’ vẫn giữ được lỗi diễn xuất dí dỏm theo kiểu duyên thầm của mình.

Điều đáng khen của ‘Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử’ là đã đưa được yếu tố tình thân phát triển theo cách ưu tiên với sự gần gũi và sống vì nhau của các nhân vật. Thông qua mỗi vai diễn, ekip làm phim gửi được bài học về cách sống, cách đối xử với nhau sao cho hài hòa nhất. Tiêu biểu nhất có lẽ phải kể đến nhân vật Thắng Khùng của Kiều Minh Tuấn. Đoạn đầu anh thể hiện được sự yêu thương em trai hết mực, sẵn sàng hy sinh vì người thân của mình. Đến phần sau, anh thể hiện được tình anh em xã hội khi luôn muốn trả thù nhưng vẫn dành cho chị Mười Ba 3 ngày để tìm hiểu sự việc. Đây là lòng tin với người bạn mà mình quý trọng, trong xã hội không dễ gì có được.

Nói chung, nếu là người đã xem phần 1 trong series về ‘Thập Tam muội’ hoặc từng thưởng thức các web drama về nhân vật này thì khi xem ‘Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử’ bạn sẽ cảm thấy sướng hơn hẳn. Câu chuyện của bộ phim không quá đơn giản, không dễ đoán và các tình tiết có chất điện ảnh. Đồng thời, những cảnh pha trò theo kiểu hài nhảm đã không còn, các chi tiết hành động cũng đáng giá hơn và ‘ông trùm, bà trùm’ cũng biết thể hiện cái uy của mình nhiều hơn.

Nhưng phim chưa đủ hay

‘Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử’ đã hay hơn hẳn phần 1 của loạt phim về ‘Thập Tam muội’ và yếu tố ăn khách của nó là cũng rất đáng kể khi có sự tham gia của dàn diễn viên tạo được rất nhiều thiện cảm trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, với những người chưa xem hoặc không phải fan của các tác phẩm liên quan đến các nhân vật giang hồ thì yếu tố nội dung của tác phẩm vẫn còn những điều đáng bàn.

Đầu tiên là bộ phim dường như muốn làm rõ mọi việc, kể cả các chi tiết nhỏ nhất nên nó đã lạm dụng quá đà vào việc hồi tưởng. Có những điều kể ra thì rất dễ dàng để giải thích như kiểu tình chị em của ‘Thập Tam muội’ và Kẽm Gai tốn quá nhiều thời lượng để hồi tưởng, quá nhiều chi tiết để nhắc tới trong khi nếu đúng ra chỉ cần nói một vài câu theo kiểu: ‘Nó là em tao, tao từng hứa với mẹ nó sẽ bảo vệ nó’,… là mọi chuyện có thể được giải quyết mà chẳng ai phàn nàn gì. Hay như chuyện cũ của chị Mười Ba và nhân vật phản diện tên Hoàng. Khi hai người gặp nhau chỉ cần giải thích rằng: ‘Tôi từng có hiểu nhầm với anh ta’ hoặc đơn giản hơn nữa thì: ‘Tôi từng khiến vợ anh ấy chết’ là xong chuyện. Đằng này, những người làm phim sử dụng hồi tưởng, nhấn nhá các chi tiết để kể lể, rồi đưa cả việc Đường Băng ghen vào làm mảng miếng hài. Việc hồi tưởng để xây dựng câu chuyện diễn ra ít hoặc làm khéo thì là hay nhưng nếu quá nhiều sẽ gây khó chịu. Có cảm giác những người làm phim kể lể quá dài dòng và lạm dụng hồi tưởng để lấy tình tiết xây dựng cốt truyện quá nhiều.

Cùng với đó, nhiều tình tiết trong câu chuyện được dựng nên một cách quá tình cờ, không khéo léo. Như chi tiết Kẽm Gai 2 lần gặp chị Mười Ba đều bị cắt ngang câu chuyện bởi có người đến và không nói ra được thứ quan trọng để điều tra vụ việc. Đây rõ ràng là cố ý để tăng thêm tình tiết và sự bí ẩn. Nó quá lộ liễu và không thuyết phục. Hoặc nửa sau câu chuyện bỗng nhiên xuất hiện các nhân vật mới, thuộc một băng đảng khác xen vào giữa quá trình điều tra về cái chết của Đức Mát. Họ cố gắng lấy lại cái điện thoại mà Kẽm Gai đang cầm. Tuy nhiên, chẳng việc gì phải làm như vậy và băng đảng này xuất hiện cũng quá đột ngột, không có giới thiệu cũng gây nên sự hụt hẫng. Đồng thời, sự tồn tại của băng đảng này cũng là một dấu hỏi lớn khi nó quá lớn mạnh nhưng chẳng ai để ý, kể cả các anh, chị đại là điều vô lý.

Tình tiết xoay quanh chiếc điện thoại của Đức Mát cũng là quá gượng ép và không đủ sức thuyết phục. Rõ ràng không cần phải giết nhân vật này chỉ vì anh ta trót quay được một đoạn phim về việc làm ăn phi pháp của băng đảng kể trên. Ai cũng biết Đức Mát là em của Thắng Khùng và sẽ chẳng có ai dám giết anh ta một cách dễ dàng như vậy. Đằng sau cái chết của Đức Mát, người ta chờ đợi một câu chuyện gì đó khủng khiếp hơn, thú vị hơn. Quá trình tìm ra chân tướng vụ việc cũng chỉ từ những dữ liệu có trong chiếc điện thoại này là rất dễ dàng và không đủ thuyết phục.

Từ những điều kể trên, có thể thấy cốt truyện của ‘Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử’ đã tốt hơn phần trước nhưng vẫn không đủ thuyết phục. Nó sa đà vào các chi tiết hồi tưởng để làm rõ các chi tiết nhỏ nhưng bố cục chung của cốt truyện lại được làm chưa đủ kỹ để tạo nên điểm nhấn. Quá trình tìm ra chân tướng sự việc và cách giải quyết vấn đề cũng mang sự tình cờ, ngẫu nhiêu quá nhiều. Một người anh thương em như Thắng Khùng lại quá tin tưởng vào chị Mười Ba là điều không thể. Vì vậy, nội dung của ‘Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử’ có thể dễ xem, có tính logic từ đầu đến cuối, khi thưởng thức không khó chịu nhưng nó chưa đủ gay cấn, chưa đủ hồi hộp và nói thẳng ra là không hay.

Kiều Minh Tuấn và Châu Bùi là điểm nhấn về diễn xuất

Họ đều là điểm nhấn nhưng mang sắc thái trái chiều nhau. Trong ‘Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử’, Kiều Minh Tuấn vẫn thể hiện được thực lực của một diễn viên nam hàng đầu Việt Nam hiện nay. Anh tạo được thiện cảm được ở cả cảnh hài hước, xã hội đen, tình cảm, tức giận… Khoảnh khắc Kiều Minh Tuấn với gương mặt đầy sát khí, đập xe rồi giơ 3 ngón tay về phía ‘Thập Tam muội’ là một trong những phân đoạn đắt giá nhất của phim khi anh làm quá tốt, vừa thể hiện được sự yêu thương em trai nhưng vẫn phải kiềm chế trong lòng vì tình nghĩa giang hồ. Trong làng điện ảnh Việt Nam hiện nay, chỉ một vài diễn viên có thể đạt đến đẳng cấp của Kiều Minh Tuấn.

Ở sắc thái ngược lại, Châu Bùi lại diễn quá dở trong tác phẩm vừa ra mắt. Trong lần hiếm hoi xuất hiện ở một bộ phim điện ảnh, Châu Bùi không thể hiện được năng lực của bản thân, gương mặt rất đơ và phần hành động chưa đủ độ thật. Cử chỉ cơ thể của nữ diễn viên này còn rất lóng ngóng, biểu cảm một màu dù vẫn rất xinh đẹp. Khoảnh khắc cô ôm Anh Tú và bắt đầu lộ ra thân phận thực sự của bản thân là một trong những phân cảnh tệ nhất của ‘Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử’. Ở đó, Châu Bùi chỉ ngồi yên, khóc và thoại, không phải hành động gì nhưng biểu cảm gương mặt thật sự tệ hại và nếu khán giả có để ý thì khi đau buồn, vui tươi hay ‘ghê gớm’ thì nữ diễn viên cũng chỉ có duy nhất một nét mặt.

Các diễn viên quan trọng còn lại trong phim như Thu Trang, Tiến Luật, La Thành, Thanh Tân, Anh Tú… vốn đã rất quen với việc diễn xuất và nhân vật của mình trong series về chị Mười Ba. Vì vậy, họ diễn ở mức tròn vai và cho khán giả thấy được hình ảnh nhân vật được yêu thích trước đây.

Kết

‘Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử’ gần như chắc chắn sẽ đứng đầu doanh thu phòng vé tuần này tại Việt Nam bởi sức hút của thể loại phim giang hồ vẫn còn rất lớn. Tác phẩm được đầu tư kỹ lưỡng, chắc tay và bài bản hơn phần phim trước khá nhiều nhưng yếu tố chất lượng nội dung vẫn chưa thể đạt được như kỳ vọng.

T.T