Chi hơn 100 triệu đồng để trị liệu tâm lý
Mai Huyền (23 tuổi, Hà Nội) đã chi 125 triệu đồng cho 25 buổi gặp gỡ chuyên gia tâm lý. Cô thừa nhận đây là mức giá cao, song vẫn thấy đáng tiền.
Khi trầm cảm nặng lên, Mai Huyền quyết định tiếp nhận tham vấn, trị liệu tâm lý.
Mai Huyền trầm cảm từ năm 2013. Đây là kết quả được ghi trên hồ sơ khám bệnh của cô tại một bệnh viện công lập.
Những cơn lo âu kéo dài khiến cuộc sống của Huyền rất khó khăn, thậm chí, cô từng bỏ dở giữa chừng một bài thi vì quá áp lực.
Năm 2020, tình hình trở nên tệ hơn khi cô gái 23 tuổi bắt đầu có suy nghĩ muốn đập phá đồ đạc và bạo lực với người xung quanh. Để mọi việc không đi quá xa, cô quyết định tiếp nhận tham vấn, trị liệu tâm lý.
‘Mua’ cảm giác bình yên
Quá trình điều trị của Huyền kéo dài 25 buổi, mỗi lần kéo dài 4 tiếng đồng hồ. 2 giờ đầu, cô trò chuyện với bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Thời gian còn lại, cô được trị liệu bằng các phương pháp như gõ, thôi miên hay đảo mắt.
“Tham gia trị liệu giúp tôi đối mặt, phân tích, cải thiện sức khỏe tinh thần của mình. Từ đó, tôi có thể tự tìm ra giải pháp mỗi khi bệnh có dấu hiệu tái phát. Tôi học được cách kiểm soát sự tiêu cực hay đổi hướng suy nghĩ trở nên tích cực hơn”, cô chia sẻ với Zing.
Tương tự Mai Huyền, nhiều bạn trẻ tìm đến chuyên gia để được tham vấn, trị liệu tâm lý, sẵn sàng chi số tiền lớn để được chia sẻ, lắng nghe và tìm cách giải quyết vấn đề.
Ánh Hồng (23 tuổi, quận 5, TP.HCM) cũng phải tham vấn tâm lý sau một giai đoạn luôn cảm thấy cẳng thẳng, tức giận.
Sau đợt giãn cách xã hội vì đại dịch năm 2020, cô thấy mình khó kiểm soát cơn giận, có xu hướng gào thét, đập phá đồ đạc để giải tỏa. Hồng còn mất ngủ kéo dài và chỉ vào giấc được khi trời đã sáng. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến việc học của cô tại thời điểm đó.
Ánh Hồng viết ra những việc đã hoàn thành tốt lòng để cảm thông với bản thân.
“Tôi bỏ học suốt nhiều tháng, chỉ trốn ở nhà để ngủ. Buồn bã và đau khổ cứ bám riết khiến tôi tin rằng bản thân thật tồi tệ. Thậm chí, tôi còn ám ảnh chuyện tự sát nhưng chưa dám”, Hồng nói.
Tháng 10 cùng năm, cô quyết định thăm khám tại bệnh viện và nhận kết quả rối loạn trầm cảm lo âu. Ánh Hồng được bác sĩ kê thuốc, xếp lịch tham vấn ngay sau đó.
Chuyên gia phụ trách thường đặt những câu hỏi đánh vào nỗi sợ thầm kín, động viên Hồng đối mặt với khó khăn thay vì tiếp tục né tránh.
Mỗi ngày, cô phải thực hiện bài tập viết chữa lành. Cụ thể, Hồng cần liệt kê những việc đã thực hiện tốt, hoặc điều tử tế người khác làm cho mình. Nhờ vậy, cô hiểu về quy luật tâm lý của mình, tinh thần cũng khá hơn xưa.
“Trước đây, tôi luôn ép mình phải hoàn hảo, tự trách móc, dằn vặt suốt nhiều tháng nếu lỡ phạm lỗi. Bây giờ tôi đã chấp nhận những yếu kém, tập cách tha thứ cho bản thân. Đặc biệt, tôi được giải tỏa nhờ được thoải mái khóc lóc. Tôi thấy lòng bình yên sau những giờ trò chuyện với chuyên gia”, Hồng nói.
Khó duy trì lâu dài
Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ kinh tế để sử dụng dịch vụ này trong thời gian dài.
Ánh Hồng thừa nhận đây là quá trình vất vả và tốn kém. Toàn bộ phí tham vấn, thuốc thang lên đến hơn 10 triệu đồng. Không dám chia sẻ với gia đình, cô phải xoay xở bằng toàn bộ tiền tiết kiệm và phải ngừng thăm khám sau 10 buổi.
Hồng Hạnh (21 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng chỉ đủ khả năng chi trả 5 lần tham vấn tâm lý. Mắc bệnh đau đầu mạn tính gần 10 năm, cô gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và làm việc. Thậm chí, cô còn hình thành những suy nghĩ tự hại nhằm giảm bớt cơn đau triền miên.
Hồng Hạnh thiền, đọc sách thay vì tiếp tục tham vấn tâm lý.
Cô chọn đến phòng khám tâm lý thuộc trường đại học để thuận tiện cho việc trị liệu. Chi phí cho một buổi thăm khám rơi vào khoảng 500.000 đồng. Cô chỉ cần cần trả nửa giá vì là sinh viên chính quy.
Song, Hạnh không có ý định tham vấn trở lại. Thay vào đó, cô tìm đến những phương pháp chữa lành tự thân như thiền hay đọc sách.
Lý do chính là mức giá đắt đỏ cùng lộ trình kéo dài.
“Điều trị tâm lý là một quá trình kéo dài, có thể tính bằng năm. Bình thường, tôi phải thăm khám định kỳ mỗi tuần. Nếu tình trạng trở nặng, tần suất có thể tăng lên 2 lần/tuần hoặc hơn. Thật sự không dễ dàng để tiếp nhận tham vấn lâu dài”, cô nói.
Tương tự, với Minh Huyền, 5 triệu đồng cho một buổi tham vấn không phải là số tiền nhỏ. Nhờ gia đình hỗ trợ, cô mới có đủ chi phí theo đuổi lộ trình trị liệu đến cùng.
“Áp lực tài chính là lý do lớn khiến nhiều bạn bỏ cuộc giữa chừng. Với những trường hợp không dư dả, tôi thường khuyên họ tìm trung tâm có mức giá bình dân, hoặc thử vài phương pháp tự chữa lành đơn giản để tinh thần thoải mái hơn”, cô nói thêm.
Cần số tiền không nhỏ để trị liệu tâm lý
Dịch vụ tham vấn, trị liệu tâm lý đang nở rộ tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM trong vài năm qua.
Bên cạnh các chuyên khoa về sức khỏe tâm thần tại các bệnh viện công, nhiều bệnh viện, phòng khám tư nhân hoặc chuyên gia cũng cung cấp dịch vụ này, trở thành sự lựa chọn cho người bệnh với đa dạng phương pháp và chi phí.
Theo tìm hiểu, một trung tâm trị liệu tâm lý có địa chỉ tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) công bố mức giá tham vấn, trị liệu 1,2 triệu đồng/giờ nếu đặt lịch với chuyên gia có trên 7 năm kinh nghiệm; 800.000 đồng với chuyên gia 3-7 năm kinh nghiệm.
Trong khi đó, giá tham vấn trực tiếp tại một viện tâm lý tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) dao động 600.000-900.000 đồng/giờ, tùy khung giờ và thời điểm thân chủ lựa chọn.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui, giảng viên khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), mức giá trên nằm ở mức trung bình so với mặt bằng chung.
Bà khẳng định việc tham vấn thực chất không chỉ đơn thuần là ngồi nghe thân chủ xả stress. Quá trình này đòi hỏi nhiều năng lượng và sự tập trung từ tâm lý gia.
“Thực chất, lắng nghe chỉ là một phần trong trong tiến trình tương trợ về mặt tinh thần. Thông qua việc tương tác, nhà tâm lý giúp thân chủ nhìn thấy tiềm năng của bản thân, giúp họ tự tin, tự quyết các vấn đề đang mắc phải. Đó mới là cách hiểu đúng về một buổi tham vấn tâm lý”, bà cho biết.
Bạn trẻ có thể chia sẻ với trung tâm tham vấn tâm lý để có mức giá phù hợp với khả năng chi trả. Ảnh: Shvets/Pexels.
Chuyên gia cho đây là một dịch vụ cao cấp. Ngoài trình độ của tâm lý gia, mức phí cao còn phụ thuộc vào hình thức thực hiện (online, offline), khung giờ hoặc độ tuổi thân chủ.
Hiện nay, các nhà tâm lý học sử dụng đa dạng trường phái, kỹ thuật khi tham vấn cho khách hàng. Điều này cũng ảnh hưởng đến chi phí của cả quá trình. Ví dụ, nếu áp dụng liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT), thân chủ và tâm lý gia sẽ chỉ gặp gỡ trong 6-12 buổi. Trong khi đó, một số trường phái khác lại kéo dài hơn về mặt thời gian.
Theo bà Vui, thân chủ hoàn toàn có quyền đặt vấn đề để các tổ chức tâm lý giải đáp rõ ràng trước khi tiến hành đặt lịch với chuyên gia. Đây là cách giúp họ tìm được phương pháp phù hợp, vừa túi tiền.
Chuyên gia cũng đồng ý rằng lượng khách hàng tìm đến các tổ chức tham vấn tâm lý có xu hướng tăng cao vào những năm gần đây, dù chi phí đắt đỏ.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh, khi phải tách biệt với xã hội, họ nhận ra điểm bất ổn của bản thân và tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia. Bên cạnh đó, dưới tác động từ truyền thông, ngày càng nhiều người quan tâm và muốn sử dụng dịch vụ này.
Không phải bệnh nhân trầm cảm nào cũng đủ tiền để tham vấn, trị liệu tâm lý.
“Trong trường hợp không dư dả, ví dụ như nhóm sinh viên, các bạn có thể tìm đến phòng tư vấn tâm lý của một số trường đại học. Tương tự, những đối tượng khác nên cân nhắc trao đổi chân thành với tổ chức tham vấn để được hỗ trợ với chi phí thấp”, bà nói.
Đồng thời, tâm lý gia cũng nhấn mạnh về ý nghĩa thực sự của việc tham vấn. Đây không phải quá trình chữa bệnh đơn thuần, nên chuyên gia không kê đơn hay vạch ra lộ trình cụ thể cho thân chủ. Thay vào đó, họ sẽ lắng nghe, thấu cảm, hỏi những câu chính xác giúp khách hàng nhận ra quy luật tâm lý của chính mình.
“Các chuyên gia tâm lý chân chính sẽ cùng thân chủ xem xét bản chất của vấn đề chứ không thể quyết định giúp. Việc giải quyết những khó khăn còn phụ thuộc nhiều vào ý chí, nguyện vọng và tính kỷ luật của thân chủ. Vì vậy, tham vấn là cả một quá trình tốn kém, chứ không đơn thuần chỉ ‘nghe người ta xả stress’ hay chỉ kéo dài trong 1-2 buổi”, bà Vui nói thêm.
Theo bác sĩ Vũ Kim Hoàn, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, tình trạng trầm cảm tự sát sau Covid-19 hiện tăng cao, khoảng 20-25%.
Còn theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, trầm cảm là tâm bệnh phổ biến và xuất hiện ở nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc sống với nhiều người. Đây không phải là sự yếu đuối hoặc thất bại.
Nếu như tâm trạng trầm buồn, không tốt là phản ứng bình thường khi một người phải trải qua mất mát hoặc khó khăn thì trầm cảm là tâm bệnh có thể thay đổi cả cách họ nghĩ, cảm nhận và hành xử. Bệnh có thể gây cản trở, thậm chí phá hủy công việc, cũng như nếp sinh hoạt, các mối quan hệ xã hội và niềm vui trong cuộc sống của họ nói chung.
Có nhiều phương pháp giúp điều chỉnh lại cách suy nghĩ và tiếp nhận thông tin: Tìm sự hỗ trợ xã hội, Nâng cao sức khỏe thể chất, Tập thể dục, thể thao, Thay đổi cách ăn uống, Thách thức suy nghĩ tiêu cực của chính mình
Cuối cùng, khi việc tự chữa trị không thể giải quyết, hãy có dũng khí để tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp từ bác sĩ tâm lý để có hướng điều trị khoa học và phù hợp nhất.