Chẻo Hà Tĩnh, món ăn khó cưỡng với nhiều người
Chẻo Hà Tĩnh, món ăn hấp dẫn
Với nguyên liệu dễ kiếm, cách chế biến không quá cầu kỳ, món chẻo ở xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã trở thành món ngon khó cưỡng với nhiều người.
Video: Quy trình làm ra món chẻo hấp dẫn
Gia vị để làm được một bát chẻo gồm: 300g riềng, 200g tỏi, 100g ớt cay, 200g đường, 100g ruốc bể, 1 bát thính, 1 bát lạc, 1 bát vừng, 1 bát mật mía và 2 bát nước mắm.
Đối với riềng, ớt cay và tỏi phải thái nhỏ. Nguyên liệu để làm chẻo ngon phải tươi, đối với riềng không chọn loại già hoặc non quá, nước mắm phải là nước mắm nguyên chất…
Lạc, thính và vừng rang chín tới, không để bị cháy quá.
Thính, lạc, vừng sau khi rang chín sẽ được trộn đều với nhau rồi giã nhuyễn
Nguyên liệu sau khi chế biến xong sẽ được trộn đều với nhau với tỷ lệ cân đối sao cho hỗn hợp được sánh, sệt vừa để mỗi mẻ chẻo làm ra được đúng vị. Mùi thơm của thính, lạc hòa quyện vào mùi thơm của tỏi, ớt và độ sóng sánh của nước dùng tạo nên hương vị thơm ngon, béo ngậy, đậm đà khó quên.
Chẻo sau khi làm xong, chưa được sử dụng ngay mà phải trải qua thời gian ủ để lên men, sao cho chẻo có độ chua thanh vừa. Theo kinh nghiệm của bà Lại Huyền Châu (thôn Tân Hải, xã Cẩm Nhượng), muốn chẻo ngon và bảo quản được lâu thì phải ủ trong vòng 15 ngày, lúc chẻo chín sẻ ngả màu vàng và có mùi thơm dịu.
Trước đây, bà Châu làm chẻo với mục đích sử dụng trong gia đình và làm quà biếu. Tuy nhiên, qua thời gian, món chẻo của bà đã được mọi người nhớ đến và tìm đặt mua, vì thế, bà đã làm với số lượng nhiều hơn để phục vụ khách hàng. Bà Châu chia sẻ: “Hiện món chẻo của tôi làm tới đâu là hết tới đó, không chỉ được người dân trong tỉnh tìm mua mà con em Hà Tĩnh ở mọi miền đất nước cũng đặt hàng với số lượng lớn. Sau gần một tháng, tôi đã bán được hơn 1 tạ chẻo, mỗi 1kg chẻo được bán với giá 120 nghìn đồng”.
Hương vị đậm đà của món chẻo trở thành một trong những món ăn hấp dẫn đối với nhiều người
Chẻo được dùng để chấm thịt luộc, rau sống…
… và ăn kèm cùng với cơm. Đặc biệt, chẻo còn được dùng làm món ăn dự trữ khi đông về.
Văn Chung