Chế độ tiền lương, phụ cấp với bác sĩ hiện nay
Chế độ tiền lương, phụ cấp với bác sĩ hiện nay
Mức lương của y sĩ, y tá, bác sĩ
Hiện hành, mức lương của y sĩ, y tá, bác sĩ được tính theo công thức sau đây:
Lương = Hệ số lương x Lương cơ sở
Về hệ số lương, theo Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV, chức danh nghề nghiệp bác sĩ được phân hạng các hạng: bác sĩ cao cấp (hạng I), bác sĩ chính (hạng II), bác sĩ (hạng III) và tương ứng mỗi hạng là hệ số lương khác nhau. Cụ thể:
– Bác sĩ (hạng III):
Bác sĩ ra trường (có bằng cử nhân) sẽ có hệ số lương thấp nhất là 2,34 và cao nhất là 4,98.
Còn đối với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thì bác sĩ sẽ có hệ số lương khởi điểm lần lượt là 2,67 và 3,00.
– Bác sĩ chính (hạng II):
Bác sĩ chính sẽ có hệ số lương khởi điểm là 4,40 và cao nhất là 6,78.
– Bác sĩ cao cấp (hạng I):
Bác sĩ cao cấp sẽ có hệ số lương thấp nhất là 6,20 và có hệ số tối đa là 8,00.
Ảnh chụp Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV trên website THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Về lương cơ sở, hiện nay mức lương cơ sở được áp dụng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP là 1.490.000 đồng/tháng.
Dựa vào hệ số lương và mức lương cơ sở vừa nêu, có thể tính ra tiền lương của bác sĩ mới ra trường như sau:
Nếu bác sĩ mới ra trường có trình độ đại học sẽ áp dụng hệ số lương 2.34, tiền lương sẽ bằng 2.34 x 1.490.000 = 3.487.000 đồng/tháng.
Lưu ý, trong thời gian tập sự thì viên chức được hưởng 85% mức lương nêu trên.
Các loại phụ cấp với bác sĩ
Ngoài lương, bác sĩ sẽ nhận được một số chế độ phụ cấp đặc thù sau đây:
– Phụ cấp thường trực;
– Phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật;
– Phụ cấp chống dịch.
Quyết định 73/2011/QĐ-TTg về mức phụ cấp đặc thù với công chức, viên chức ngành y tế
Đối với phụ cấp thường trực, theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg mức phụ cấp trực 24/24 là 115.000 đồng/người/phiên trực, hỗ trợ tiền ăn là 15.000 đồng/người/phiên trực với bệnh viện hạng I, hạng Đặc biệt.
Đối với phụ cấp phẫu thuật cho ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng/ca, còn đối với ca mổ loại 1 là 125.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính.
Về phụ cấp chống dịch, theo Nghị quyết 145/NQ-CP năm 2021 thì phụ cấp chống dịch từng được đưa lên mức tối đa 450.000 đồng/người/ngày áp dụng với một số địa phương chịu ảnh hưởng Covid-19 từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2021. Còn hiện nay, mức phụ cấp chống dịch dao động quanh mức 150.000 đồng/ngày.
Tiền lương, phụ cấp cho bác sĩ sẽ thay đổi ra sao?
Mới đây, tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, Bộ Y tế đã có đề xuất nâng phụ cấp lên 100% cho nhân viên y tế dự phòng, y tế xã, phường.
Trong khi đó, hiện hành quy định mức phụ cấp ưu đãi nghề đang là 40%, cao nhất 70% với những người điều trị trong các khu điều trị COVID-19.
Ngoài ra, theo Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương thì cơ cấu tiền lương mới của viên chức ý tế nói chung và bác sĩ nói riêng sẽ gồm các phần sau:
– Khoảng 70% tổng quỹ lương là lương cơ bản.
– Khoảng 30% tổng quỹ lương là các khoản phụ cấp.
– Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm không bao gồm phụ cấp).
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, từ năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19 nên đã lùi thời điểm tăng lương cho cán bộ, công chức đến thời điểm phù hợp. Do đó, nếu sắp tới Quốc hội điều chỉnh tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức thì mức lương sẽ được tăng cho phù hợp với thực tế mức lương bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp (lương tối thiểu vùng) – Luật sư Phạm Thanh Hữu (THƯ VIỆN PHÁP LUẬT).
Hệ thống bảng lương mới của viên chức sẽ dựa theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế cho bảng lương tính theo hệ số và lương cơ sở hiện nay.
Với tình thần đó, trong thời gian tới sẽ xây dựng bảng lương chức vụ áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo.
Đồng thời sẽ có bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp viên chức để áp dụng cho viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi chức danh nghề nghiệp viên chức cũng bao gồm nhiều bậc lương.