CHẢY MÁU CAM – XỬ TRÍ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG CÁCH?

CHẢY MÁU CAM – XỬ TRÍ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG CÁCH?

BS. Phạm Thanh Tiến

Khoa Khám bệnh Đa Khoa BVQT Phương Châu Sóc Trăng

1. Hướng dẫn xử trí khi chảy máu cam

Bước 1: Xác định bên mũi chảy máu

Đa phần thường chảy máu cam một bên mũi. Vì vậy khi phát hiện  bị chảy máu cam, tuyệt đối không dụi mũi. Sau khi lau sạch mũi, hãy đặt đầu hơi cúi về phía trước để máu chảy ra, bạn sẽ nhận ra bên mũi nào bị chảy máu. Đồng thời, tư thế này khiến máu cam không chảy ngược về phía họng, gây nôn ói.

Bước 2: Cầm máu

Lấy ngón tay đè lên cánh mũi, hơi ngửa đầu lên một chút và giữ nguyên khoảng 5 – 10 phút để máu ngừng chảy.

*Lưu ý, không bóp phần xương sống mũi hay chỉ ấn một bên cánh mũi vì làm vậy không thể giúp cầm máu mà còn bị đau. Bên cạnh đó cũng không được thả tay ra quá sớm hoặc nhiều lần có thể khiến máu chảy kéo dài hơn do chưa thể hình thành được cục máu đông ngăn cản máu chảy.

Bước 3: Chăm sóc sau chảy máu cam.

Nghỉ ngơi ở trạng thái tĩnh. Nếu máu cam vẫn tiếp tục chảy và bị chảy xuống cổ họng thì nằm nghiêng cho máu cam chảy ra ngoài. Không được nuốt máu này vì rất có thể ngộ độc, gây nôn mửa, đau bụng và khó chịu.

2. Cần đến cơ sở y tế khi có các triệu chứng:

– Sau khi sơ cứu, máu vẫn chảy liên tục.

– Chảy máu cam tái đi tái lại nhiều lần trong thời gian ngắn.

– Máu chảy ngày càng nhanh và nhiều.

– Chảy máu cam do chấn thương nặng.

– Người trẻ yếu ớt, chóng mặt, tim đập nhanh, khó thở.

– Có hiện tượng sốt do chảy máu cam.

– Nôn ra máu.

3. Điều trị tại cơ sở y tế

Việc điều trị cấp cứu cũng dựa trên nguyên tắc sơ cứu ban đầu như trên. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cách ấn mũi cho máu ngừng chảy. Nếu các biện pháp sơ cứu này không mang lại hiệu quả, máu mũi tiếp tục chảy, bác sĩ sẽ kiểm tra tìm điểm mạch chảy máu để tiến hành xử trí:

– Bôi thuốc mỡ cầm máu vào bên trong mũi của trẻ.

– Dùng nitrat bạc hoặc các hóa chất khác để ‘đốt’ các mạch máu.

– Áp dụng thủ thuật nhét bấc mũi.

– Kê đơn kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn.

– Với các trường hợp chảy máu nặng, có thể cần làm xét nghiệm máu để xác định lượng máu bị mất.

 

*Chăm sóc sau điều trị

– Nếu người bệnh được nhét bấc mũi thì cần lưu bấc mũi trong vòng 24 – 48 giờ, không nên tìm cách tự tháo bỏ bấc mũi. Sau 48 giờ, cần trở lại bệnh viện để kiểm tra và tháo bấc. Nếu bấc mũi tự rơi ra và không bị chảy máu nữa thì không cần quay lại bệnh viện.

– Trường hợp không cần đặt bấc mũi, bác sĩ có thể yêu cầu bôi thuốc mỡ kháng sinh vào bên trong mũi trong vòng 1 tuần để ngăn ngừa nhiễm trùng.

– Nếu mũi khô và nứt nẻ, các gia đình có thể dùng đầu tăm bông nhẹ nhàng bôi chút mỡ vaseline vào bên trong mũi. Có thể làm vậy 2 lần mỗi tuần. Không thực hiện động tác này ở trẻ dưới 4 tuổi vì trẻ thường ngọ nguậy và có thể gây chấn thương.

Nếu được điều trị đúng, phần lớn bệnh nhân sẽ hồi phục và không bị ảnh hưởng lâu dài