Chao là gì? Các loại chao và các món ăn ngon từ chao
Chao là nguyên liệu khá quen thuộc trong giới ẩm thực với hương vị thơm béo đặc trưng và chế biến được rất nhiều món ngon từ món kho , món lẩu cho đến món nướng . Cùng Điện máy XANH tìm hiểu ngay về loại nguyên liệu này. Và cùng lưu lại những mẹo vào bếp hữu ích này nhé!
Nội Dung Chính
1. Chao là gì? Giá trị dinh dưỡng của chao
Định nghĩa
Chao là một loại thực phẩm lên men có tên gọi khác là đậu nhự phụ hay đậu hũ nhũ và có nguồn gốc từ Quảng Đông, Trung Quốc. Đây là một loại thực phẩm được làm từ đậu hũ với lớp ngoài được lên men mềm mại và vị béo đặc trưng, do vậy nó được mệnh danh là “phô mai châu Á”.
Đây là một loại thực phẩm được dùng để chế biến các món mặn, đôi lúc nó được sử dụng để tẩm ướp nhằm tăng hương vị cho món ăn. Thậm chí, thỉnh thoảng có còn được dùng như một loại gia vị. Ở Việt Nam, chao phổ biến ở miền Nam và miền Trung với vị béo thơm và mềm đặc trưng.
Chao được biết đến như một loại thực phẩm ăn kèm với các loại rau củ dành cho những người ăn chay. Nhưng nó vẫn được những người ăn mặn sử dụng thường xuyên bởi hương vị riêng biệt.
Giá trị dinh dưỡng của chao
Vì chao là một loại thực phẩm được lên men, do đó chúng chứa khá nhiều rượu, este và các axit hữu cơ.
Chao cũng là loại thực phẩm chứa nhiều protein thủy phân (khoảng 12 – 22%), axit amin tự do và chất béo. Không những vậy, chao còn là nguồn cung cấp carbohydrate, thiamine, axit oxalic và riboflavin vô cùng dồi dào. Chúng còn chứa phốt pho, các thành phần dinh dưỡng khác và đặc biệt không chứa cholesterol.
Thời gian đầu, chao được lên men và chứa khoảng ít hơn 0.5gr mỗi axit amin. Về sau, hàm lượng này dần tăng lên khoảng 0.5 – 0.8gr. Một số axit amin như cystine, methionine và trytophan có thể bị biến mất trong qua trình lên men.
2. Các loại chao và cách dùng
Chao trắng
Đây là một loại chao được gọi tên dựa trên màu trắng đặc trưng của chúng. Loại chao này thường được lên men trực tiếp và ít khi kèm theo các loại hương liệu hay nguyên liệu khác.
Chao trắng thường được dùng để ăn lèm với các món rau củ luộc hoặc đậu hũ chiên (đối với người ăn chay) và các món luộc, chiên khác (đối với người ăn mặn). Chúng thường được pha với một ít đường, ớt, nước cốt chanh rồi dùng trực tiếp.
Bên cạnh đó, chúng vẫn có thể dùng như một loại gia vị để giúp tăng hương vị cho các món ăn.
Chao đỏ
Đây là loại chao cũng được dùng khá phổ biến với hương vị thơm ngon và màu đỏ đặc trưng. Loại chao này thường được lên men chung với các hương vị liệu khác như ớt, điều này tạo nên hương vị và màu sắc đặc trưng của chao đỏ.
Chao đỏ thường được dùng để làm nước chấm cho các món nướng vì hương thơm và vị cay nhẹ tự nhiên. Ngoài ra, chúng cũng được dùng để thêm vào nước lẩu nhằm tăng màu sắc và hương vị cho nồi lẩu.
Không những thế, chao đỏ còn được dùng pha chế thành nước sốt hoặc tẩm ướp trực tiếp và các nguyên liệu như thịt gà, thịt bò, cá hay các loại hải sản. Nguyên liệu này tạo nên màu sắc và hương vị vô cùng đặc trưng cho các món nướng.
Chao môn
Đây là một loại chao được cho là đặc sản của người dân Sóc Trăng, được làm trực tiếp từ khoai môn (hay khoai cao). Chao môn được làm khá đơn giản nhưng hương vị thì khó có thể quên được khi đã thử một lần.
Các củ khoai sau khi được sơ chế sạch sẽ đem cắt thành từng miếng vuông nhỏ như các viên chao truyền thống khác. Tiếp theo là đem từng miếng khoai đi hấp cho đến khi chín tới, rồi dùng chao cái (chao đã thành phẩm) nghiền nhuyễn rồi trộn với khoai môn vừa hấp.
Sau đó đem khoai vừa trộn đi phơi dưới trực tiếp dưới ánh nắng khoảng 3 – 4 giờ, rồi lại đem vài nơi thoáng mát. Sau khoảng 10 – 15 ngày sẽ thấy chao có hiện tượng lên men là có thể dùng được. Nhưng loại chao này để càng lâu thì hương vị càng ngon vì mùi rượu sẽ bớt đi và các viên chao sẽ thấm đều gia vị.
3. Sự khác biệt giữa chao trắng và chao đỏ
Chao đỏ và chao trắng cùng là một loại thực phẩm được lên men từ đậu hũ và tạo ra hương vị thơm béo đặc trưng. Tuy nhiên giữa chúng vẫn tồn tại sự khác biệt đáng lưu ý.
Điểm dễ nhận ra nhất đó chính là màu sắc. Chao trắng giữ màu trắng mềm tự nhiên của đậu hũ. Trong khi đó, chao đỏ có màu đỏ sậm rất đặc biệt do được ngâm cùng với cơm gạo đỏ. Sự kết hợp này khiến cho chao đỏ có mà sắc và hương vị vô cùng riêng biệt.
4. Các món ăn ngon từ chao
Cánh gà nướng chao
Đây là món ăn với công thức chế biến khá đơn giản và nhanh chóng. Cánh gà sau khi nướng xong sẽ có lớp da vàng giòn cực hấp dẫn. Từng miếng thịt thấm đều vị chao nhưng vẫn giữ được vị ngọt tự nhiên của thịt gà. Tất cả tạo nên một món ăn khiến bạn khó có thể chối từ.
Xem chi tiết: 3 cách làm cánh gà nướng chao, sa tế và bơ tỏi mềm ngon đậm đà
Vú heo – vú dê nướng chao
Sự kết hợp hoàn hảo giữa các nguyên liệu mang đến cho bạn một món ăn vô cùng lý tưởng để nhâm nhi cùng bạn bè và người thân. Những miếng vú mềm thơm được ướp qua các nguyên liệu đậm đà và thơm ngon. Cùng thử thực hiện ngay nhé!
Xem chi tiết: 2 cách làm vú heo và vú dê nướng chao giòn ngon, hấp dẫn
Thịt heo kho chao
Đây là món mặn rất đáng để thêm vào thực đơn cho bữa ăn gia đình. Thịt thơm béo cùng nước kho đậm đà hấp dẫn. Thêm một chút cay nhẹ của ớt và tiêu chắc sẽ khiến bạn ấm lòng vào những ngày mưa bão.
Vịt nấu chao
Một món ăn đã khá quen thuộc với các bà nội trợ. Công thức đòi hỏi một xíu tỉ mỉ và yêu thương từ người nấu, do vậy thành phẩm món ăn khó có thể làm bạn phật lòng. Thịt vịt thơm béo cùng với nước dùng đậm đà và vị cay nhẹ. Món ăn có thể ăn kèm với cơm, bún hay bánh mì và là một lựa chọn khá hay cho những buổi sum họp gia đình.
Xem chi tiết: Cách làm món vịt nấu chao mềm ngon bùi béo đơn giản tại nhà
Lẩu bò chao khoai môn
Lẩu hoàn thành sẽ có màu sắc vô cùng bắt mắt với hương vị vô cùng độc đáo. Thịt bò vừa chín tới và không bị quá mềm, thêm nước dùng được nêm nếm vừa ăn, hòa với một chút cay cay của ớt, chấm cùng một chén chao nữa thì bao tử bạn sẽ không còn “biểu tình” nữa.
Xem chi tiết: Cách nấu lẩu bò chao khoai môn thơm ngon nóng hổi cho ngày mưa se lạnh
Trên đây là thông giúp bạn có thể giải đáp thắc mắc chao là gì, các loại chao và các món ăn hấp dẫn từ loại nguyên liệu này. Chúc bạn luôn vui vẻ và hạnh phúc!
*Tham khảo và tổng hợp thông tin từ Wikipedia
Biên tập bởi Lương Thị Thanh Trúc • Đăng 13/10/2020