Chấn thương đầu biểu hiện thế nào? Chẩn đoán và điều trị • Hello Bacsi
Điều quan trọng là bạn phải biết các triệu chứng để theo dõi. Nhiều triệu chứng của chấn thương não nghiêm trọng sẽ không xuất hiện ngay lập tức. Bạn nên luôn theo dõi các triệu chứng trong vài ngày sau khi bị thương đầu.
Các triệu chứng thường gặp của chấn thương đầu nhẹ bao gồm:
- Đau đầu
- Lâng lâng
- Chóng mặt
- Nhầm lẫn nhẹ
- Buồn nôn
- Có tiếng chuông trong tai
Các triệu chứng của chấn thương đầu nghiêm trọng bao gồm nhiều dấu hiệu của chấn thương đầu nhẹ cùng với:
- Mất ý thức
- Co giật
- Ói mửa
- Vấn đề cân bằng hoặc phối hợp
- Mất phương hướng nghiêm trọng
- Không thể tập trung nhìn
- Chuyển động mắt bất thường
- Mất kiểm soát cơ
- Đau đầu dai dẳng hoặc trầm trọng hơn
- Mất trí nhớ
- Thay đổi tâm trạng
- Rò rỉ dịch từ tai hoặc mũi.
Nội Dung Chính
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn không nên xem nhẹ chấn thương đầu. Đi gặp bác sĩ ngay lập tức nếu nghĩ rằng bạn có các triệu chứng của chấn thương đầu nghiêm trọng.
Đặc biệt, bạn nên đi cấp cứu ngay lập tức nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Mất ý thức
- Nhầm lẫn
- Mất phương hướng
Ngay cả khi không đi cấp cứu sau khi chấn thương xảy ra, dù là các chấn thương nhẹ như đập đầu vào tường hay chảy máu đầu, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu vẫn còn triệu chứng sau 1 hoặc 2 ngày.
Trong trường hợp người bệnh bị chấn thương đầu nghiêm trọng, bạn nên gọi cấp cứu 115 ngay. Bạn cũng không nên di chuyển người bị nạn vì có thể khiến chấn thương đầu nặng hơn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây chấn thương đầu?
Nhìn chung, chấn thương đầu có thể được chia thành hai loại dựa trên nguyên nhân: rung lắc mạnh và lực tác động mạnh.
Chấn thương đầu do rung lắc phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng cũng có thể xảy ra với bất cứ ai bị rung lắc đầu mạnh.
Chấn thương đầu gây ra bởi một cú đánh vào đầu thường do:
- Tai nạn xe
- Té ngã hay bị ngã đập đầu xuống đường
- Tấn công vật lý
- Đập đầu vào tường
- Tai nạn liên quan đến thể thao
Trong hầu hết các trường hợp, hộp sọ sẽ bảo vệ bộ não khỏi bị tổn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, các chấn thương nghiêm trọng đủ để gây thương tích đầu cũng có thể gây chấn thương cột sống.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán chấn thương đầu?
Một trong những phương pháp đầu tiên dùng để đánh giá chấn thương đầu là thang điểm hôn mê Glasgow (GCS). GCS là bài kiểm tra gồm 15 điểm đánh giá tình trạng tâm thần của bạn. Điểm số GCS cao cho thấy chấn thương đầu nhẹ, ít nghiêm trọng.
Bác sĩ cần phải biết các trường hợp chấn thương của bạn. Thông thường, nếu bị chấn thương đầu, bạn sẽ không nhớ chi tiết về tai nạn. Nếu có thể, bạn nên đi cùng một người nào đó đã chứng kiến tai nạn. Điều này thường giúp bác sĩ xác định bạn bị mất ý thức trong thời gian bao lâu.
Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các dấu hiệu chấn thương, bao gồm bầm tím và sưng u trên đầu. Bạn cũng có thể được khám thần kinh. Bác sĩ sẽ đánh giá chức năng thần kinh của bạn bằng cách đánh giá kiểm soát cơ bắp và sức mạnh, chuyển động mắt và cảm giác…
Xét nghiệm hình ảnh thường được sử dụng để chẩn đoán chấn thương đầu. Chụp CT sẽ giúp bác sĩ phát hiện nứt sọ, chảy máu và đông máu, sưng não và bất kỳ tổn thương nào khác. Do CT scan thường nhanh và chính xác, vì vậy bác sĩ thường chỉ định thực hiện xét nghiệm này đầu tiên. Bạn cũng có thể được chụp MRI. Điều này có thể giúp bác sĩ thấy chi tiết hơn về bộ não. Quét MRI thường chỉ được thực hiện khi bạn trong tình trạng ổn định.
Những phương pháp nào giúp bạn điều trị chấn thương đầu?
Việc điều trị chấn thương đầu phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
Với chấn thương đầu nhẹ, thường không có triệu chứng nào ngoài đau ở chỗ bị thương. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn acetaminophen để giảm đau.
Bạn lưu ý không nên uống thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen hoặc aspirin vì có thể làm cho tình trạng chảy máu nghiêm trọng hơn. Nếu bạn có một vết cắt hở, bác sĩ có thể sử dụng chỉ khâu để đóng vết thương. Sau đó, họ sẽ băng nó lại.
Ngay cả khi chấn thương đầu nhẹ, bạn vẫn nên theo dõi tình trạng của mình để đảm bảo nó không tệ hơn. Bạn có thể đi ngủ sau khi bị chấn thương, nhưng nên được đánh thức mỗi 2 giờ hoặc lâu hơn để kiểm tra các triệu chứng mới. Bạn nên quay trở lại gặp bác sĩ nếu phát triển bất kỳ triệu chứng mới hoặc tình trạng xấu đi.
Bạn có thể cần nhập viện nếu bị thương nặng ở đầu. Việc điều trị tại bệnh viện sẽ tùy thuộc vào chẩn đoán của bác sĩ. Việc điều trị các chấn thương đầu nặng có thể bao gồm:
Thuốc
Nếu bị thương nặng ở não, bạn có thể được uống thuốc chống động kinh. Bạn có nguy cơ bị co giật trong vài ngày sau chấn thương.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc lợi tiểu nếu chấn thương đã gây ra áp lực tích tụ trong não. Thuốc lợi tiểu giúp bài tiết nhiều chất lỏng hơn, do đó giúp giảm bớt áp lực.
Nếu chấn thương rất nghiêm trọng, bạn có thể được cho dùng thuốc gây hôn mê. Đây có thể là cách điều trị thích hợp nếu mạch máu bị tổn thương. Khi bạn hôn mê, não sẽ không cần nhiều oxy và chất dinh dưỡng như bình thường.
Phẫu thuật
Bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật khẩn cấp để ngăn chặn tổn thương thêm cho bộ não, chẳng hạn như:
- Loại bỏ ổ tụ máu
- Sửa chữa hộp sọ
- Giải phóng áp lực trong hộp sọ.
Phục hồi chức năng
Nếu bị chấn thương não nghiêm trọng, bạn có thể cần phục hồi chức năng để lấy lại chức năng não hoàn chỉnh. Phương pháp phục hồi bạn nhận được sẽ tùy thuộc vào chức năng đã mất do chấn thương. Những người bị chấn thương sọ não thường cần được giúp đỡ để lấy lại khả năng di chuyển và lời nói.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.