Chăm sóc sức khỏe tâm thần – bí kíp để sống nhẹ nhàng hơn trong thời đại số

Sáng 06/10, sinh viên ngành Tâm lý học Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và các trường đại học trên địa bàn TP.HCM có dịp cập nhật thông tin chuyên ngành qua tọa đàm “chăm sóc sức khỏe tâm thần trong thời đại số”.

Khách mời tọa đàm là các chuyên gia hàng đầu trong ngành như BS.CKII. Lâm Hiếu Minh – Bác sĩ Khoa Tâm thần Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, TS. Ngô Xuân Điệp – Trưởng Khoa Tâm lý học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM), ThS. Lê Thị Minh Tâm – Chi hội Trưởng Chi hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Hoa Súng.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần - bí kíp để sống nhẹ nhàng hơn trong thời đại số ảnh 1

Sự kiện hướng tới Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10/10), do Khoa Khoa học Xã hội & Quan hệ Công chúng HUTECH (đơn vị quản lý đào tạo ngành Tâm lý học) và Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục TP.HCM phối hợp tổ chức.

“Giải phẫu” sức khỏe tâm thần trong thời đại số

Chia sẻ về tình trạng sức khỏe tâm thần trong thời đại số hiện nay, BS.CKII. Lâm Hiếu Minh cho biết, các vấn đề về sức khỏe tâm thần đang ngày càng phổ biến và có chiều hướng phức tạp, đặc biệt là từ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bác sĩ cho rằng, sức khỏe tâm thần tốt là khi thể chất, tinh thần và tình cảm của con người đạt trạng thái an lạc, khiến mỗi cá nhân cảm nhận được năng lực, nhu cầu của bản thân và sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng – một điều không hề dễ dàng giữa nhịp sống hiện đại với quá nhiều áp lực hiện nay.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần - bí kíp để sống nhẹ nhàng hơn trong thời đại số ảnh 2

Giải thích về nguyên nhân gây nên tình trạng này, TS. Ngô Xuân Điệp nêu lên một số nguyên nhân như yếu tố sinh học, giáo dục gia đình, các vấn đề kinh tế – chính trị – xã hội, yếu tố công nghệ,… Đặc biệt, cuộc bùng nổ công nghệ với những kết nối “ảo” khi con người chưa có sự chuẩn bị cần thiết khiến áp lực càng nặng nề. BS.CKII. Lâm Hiếu Minh nhấn mạnh thêm, việc con người nhìn nhận và đánh giá mình bằng cách so sánh với người khác – thông qua công cụ mạng xã hội – góp phần quan trọng tạo nên áp lực và tâm lý thất bại.

Thấu hiểu toàn diện để chăm sóc tốt hơn

Chia sẻ về giải pháp cho thực trạng sức khỏe tâm thần, ThS. Lê Thị Minh Tâm – Chi hội Trưởng Chi hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Hoa Súng cho rằng ý thức chủ động của cá nhân đóng vai trò quan trọng. Cô ủng hộ các bạn trẻ tìm hiểu cách quản lý stress, tham khảo các liệu pháp như thực hành thiền định, xây dựng niềm tin tôn giáo một cách lý trí, chú trọng bản thân. Cô cũng hướng dẫn cách vận dụng một số kỹ thuật đơn giản như điều tiết nhịp thở, đếm ngược, trò chuyện để điều hướng sự tập trung khỏi những nguyên nhân gây stress thường thấy.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần - bí kíp để sống nhẹ nhàng hơn trong thời đại số ảnh 3

Đây chính là mục tiêu mà tọa đàm hướng tới – tạo cầu nối giao lưu sinh viên ngành Tâm lý học, hướng dẫn phương pháp thực hành chăm sóc sức khỏe tinh thần cơ bản. Đại diện đơn vị tổ chức, TS. Vũ Quốc Anh (Trưởng Khoa Khoa học Xã hội & Quan hệ Công chúng HUTECH) kỳ vọng: “Sự kiện để người trong ngành trao đổi kinh nghiệm làm nghề, người ngoài ngành hiểu để có thể chăm sóc sức khỏe tâm thần của mình tốt hơn trong thời đại số”. Được biết, cùng với sinh viên ngành Tâm lý học HUTECH, tọa đàm còn thu hút đông đảo sinh viên ngành này từ các trường đại học trên địa bàn TP.HCM.

“Giảng đường mở” giúp sinh viên nắm bắt xu thế nghề nghiệp

Cùng với những vấn đề thời sự chuyên ngành, một nội dung khác được nhiều sinh viên Tâm lý học quan tâm là cơ hội của ngành này trong thời đại số. BS.CKII. Lâm Hiếu Minh nhấn mạnh, các vấn đề về sức khỏe tâm thần đang ngày càng phổ biến và có chiều hướng phức tạp, đòi hỏi đội ngũ nhân sự được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản. Bác sĩ kỳ vọng vào sự phát triển của đội ngũ tâm lý để chăm sóc sức khỏe tinh thần và tâm thần cho cộng đồng một cách hiệu quả.

Trước nhu cầu chăm sóc tinh thần ngày càng cao, nhân lực ngành Tâm lý học có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn – như tham vấn tâm lý, trị liệu tâm lý, tổ chức nhân sự,… Với mô hình đào tạo ứng dụng tại HUTECH, sinh viên ngành này còn có cơ hội trải nghiệm đa dạng: các buổi tọa đàm chuyên ngành, tập huấn kỹ năng chuyên sâu, “hành nghề” ở Trung tâm Thực hành tâm lý học, tham quan thực tế tại bệnh viện, phòng khám, trường học để từ đó sớm hình thành tư duy nghề nghiệp ngay từ trên giảng đường. Đây cũng là giải pháp để một trường đại học kịp thời cung ứng nguồn nhân lực am hiểu môi trường làm việc thực tế cho xã hội.

P.V