Cây xanh đô thị
Cây xanh là đặc trưng bản sắc gắn liền với văn hóa địa phương và dấu ấn vùng miền của từng khu vực. Bất kỳ đâu có cây xanh, ở đó có hệ sinh thái đa dạng, hấp dẫn. Không phải con người, mà chính tự nhiên – hệ thực vật/cây xanh là điều gây dựng nên sự sống.
Con người ngày càng phát triển, như một điều tất yếu, các đô thị lần lượt hình thành, mở rộng về quy mô và hình thức. Bên cạnh các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan đô thị là một phần quan trọng trong việc xây dựng đô thị.
Đại lộ rợp bóng cây cổ thụ ở Paris, Pháp
Cây xanh là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thiết kế cảnh quan. Việc thiết kế, phân loại cây xanh trong đô thị dựa trên mục đích và tính chất sử dụng, bao gồm các nhóm chính: cây xanh công cộng, cây xanh hạn chế, cây xanh chuyên dụng; ở đây chúng ta tập trung vào tìm hiểu về cây xanh trong công cộng – được sử dụng có tính chất chung cho mọi người, phục vụ cho các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí, thể thao…
Cây xanh đường phố – được trồng trong đường giao thông đô thị, đóng vai trò định hình hành lang xây dựng, đồng thời có chức năng tạo bóng mát, giảm thiểu gió bụi, duy trì nền nhiệt ổn định.
Để đáp ứng được các tiêu chí quy hoạch, cây xanh đường phố là các loài cây lâu năm, thân thẳng, sở hữu tán lá rộng, khả năng phủ xanh cao.
Cây xanh công viên/công trình- được trồng thành một quần thể, tạo thành mảng xanh lớn, kết hợp với các tiện ích công cộng, đóng vai trò như lá phổi chính của toàn đô thị.
Cây xanh đặc biệt: cây xanh trong khu vực mang tính chất đặc trưng, bảo tồn, cây xanh cách ly, phòng hộ.
Ngoài giảm tiếng ồn, giảm khói bụi thì những con đường rợp bóng cây xanh hay ngập tràn sắc hoa vàng, hồng hay tím đều mang đến cảm giác dễ chịu, thư thái, thậm chí một chút mơ mộng cho người đi đường
Ngoài ra, đối với sự phát triển đô thị những năm gần đây, cảnh quan là một làn gió mới phủ xanh lên các công trình đô thị, chung cư cao tầng. Việc ứng dụng cây xanh trong các hộ gia đình/căn hộ cho thuê trở thành một “gia vị mới”, nhu cầu lớn nhưng chưa và ít được định hướng, nghiên cứu bài bản.
Lợi ích của cây xanh trong hệ sinh thái không hề nhỏ, đặc biệt đối với môi trường đô thị.
Cây xanh hạn chế mức độ nhiễm độc không khí, lọc bụi và các chất độc hại: một hécta cây xanh có thể lọc từ không khí 50-70 tấn bụi/năm. Ngoài ra, một số loại cây xanh còn có khả năng khử mùi hôi thối bằng mùi khác do cây tiết ra như thông, long não, bạch đàn, ngũ gia bì.
Cây xanh có thể cản bớt tiếng ồn: Nhiều nghiên cứu cho thấy vỏ cây, tán cây, thảm cỏ đều có tác dụng như vật liệu xốp, lá cây và thân cây chia cắt nhỏ sóng âm thanh từ đó làm giảm được khoảng 30% tiếng ồn. Đường phố có cây sẽ làm giảm tiếng ồn 5-6 lần. Bên cạnh đó, cây xanh cản bớt tốc độ gió và chắn giữ lượng mưa, ngăn chống xói mòn hạn chế thiệt hại do thiên tai, gió bão, đồng thời bảo vệ các công trình kiến trúc, hạ tầng.
Nhờ đặc tính phong phú, các công viên cây xanh là nơi tập hợp tăng đa dạng sinh học góp phần bảo tồn, tái tạo tự nhiên cho khu vực.
Hòn đảo bảo tồn nằm giữa hồ Bán Nguyệt ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP.HCM
Hiện trạng cây xanh đô thị ở Việt Nam
Việc hiện trạng quy hoạch chưa đồng bộ, thống nhất, và quan điểm tôn trọng tự nhiên trong thiết kế còn hạn chế, dẫn đến hàng loạt bài toán khó đặt ra cho hiện trạng cây xanh trong đô thị ở Việt Nam hiện nay. Hệ thống cây xanh phải chịu nhiều sức ép, tác động do tập quán của con người lên quá trình sinh trưởng và phát triển.
Các vỉa hè bị thu hẹp, không đồng đều khiến cây xanh đường phố ngã đổ ảnh hưởng không gian sinh sống.
Các loài cây có đặc tính không phù hợp được trồng nhiều tại nơi công cộng: giòn, dễ gãy đổ, rễ nổi phát triển mạnh, mùi quá nồng…
Quá trình công nghiệp hóa diễn ra quá nhanh khiến con người phá hủy mất kiểm soát, lãng phí rất nhiều những mảng xanh đô thị đắt giá.
Bài học từ góc nhìn thế giới
Năm 2015, tranh cãi dữ dội tại Pháp khi chính phủ muốn đốn hạ hàng ngàn cây nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người đi đường với lý do đưa ra dựa trên thống kê rằng, có 10% tai nạn xe do đâm trúng cây, và một số nhận định cho rằng các cây này được trồng sát đường gây cản trở tầm nhìn.
May mắn thay khi ý định này vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân, hàng ngàn người đồng ý ký vào đơn yêu cầu chính phủ từ bỏ kế hoạch.
Ở các thành phố khác trên thế giới như Sydney, Melbourne (Australia), Seoul (Hàn Quốc), Berlin (Đức) hay quốc đảo Sigapore, diện tích cây xanh luôn đạt từ 30m2/người.
Cây phong đỏ trở thành biểu tượng của thành phố Toronto, Canada.
Gardens by the Bay của Singapore
Các thành phố có thành tựu phủ xanh đô thị đáng ngưỡng mộ luôn được mệnh danh và trở thành hình mẫu cho các khu vực khác học tập. Tuy nhiên, việc trồng cây ồ ạt, không hiểu rõ về đặc tính sinh trưởng, tỉ lệ mắc bệnh của cây là yếu tố cần được lưu tâm.
Sau thế chiến thứ II, 80% số lượng cây du bản địa của Toronto (Canada) bị chết do lây lan dịch bệnh từ cây du Hà Lan. Nhiều năm sau chiến dịch cứu cây du mới thành công, nhưng không thể phục hồi được hiện trạng như trước. Điều này trở thành bài học lớn, không chỉ cho Toronto mà cả các đô thị khác trên thế giới, về việc ưu tiên trồng cây bản địa, phát triển đặc tính tự nhiên khu vực trong thành phố.
Việc trồng cây xanh trong đô thị đã được thực hiện từ các nền văn minh cổ xưa, và nở rộ từ thế kỷ XIX đến nay. Con người ngày càng nhận biết được sức ảnh hưởng thầm lặng to lớn của lớp áo tự nhiên và chú trọng hơn vào việc tạo dựng lớp cây xanh – cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, làm thế nào cho đúng, và phát triển một cách bền vững, phù hợp với sinh thái tự nhiên luôn là một cầu hỏi lớn và quan trọng cần được lưu tâm, nghiên cứu cẩn thận.
KTS Nguyễn Bảo Tiên Hoàng – ảnh tư liệu
(Tạp chí KIến trúc & Đời sống số 181)
<![endif]>
![if gt IE 6]><![endif]>