Cây tre trong đời sống người Việt Nam
(VLO) Đã từ rất lâu, cây tre là người bạn thân thiết trong đời sống của người Việt Nam. Tre có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Từ những bụi tre ven các làng xóm, ven đồng, ven biển đến những rừng tre bạt ngàn miền sơn cước.
Cây tre đã gắn bó với bao thăng trầm của lịch sử nước nhà, trở thành biểu tượng cho tinh thần kiên trung, bất khuất của dân tộc.
Họ tre đâu chỉ một vài giống, loại. Căn cứ vào ghi chép của cụ Lê Quý Đôn trong “Vân đài loại ngữ” thì tre có đến 67 loại.
Chỉ trên vùng đất Nam Bộ thôi, nào là: tre mỡ (không có gai, dày cơm mà nhẹ mình, được chuộng dùng trong nghề đươn đát, lạt cột), tre gai (có gai nhọn dày đặc từ những nhánh nhỏ ở phần gốc, mọc chĩa ra ràng rịt như váng nhện, được chuộng dùng làm các vật dụng gia đình, nông ngư cụ, giao thông, xây dựng,…), tre tàu, tre mạnh tông, tre điền trúc (lá to, đều nhỏ cây, giao lóng, mỏng cơm), tre bông (cũng gọi tre hoa vì thân có bông lấm tấm như vẽ, xưa dùng làm vạt giường, làm nón cho lính địa phương, làm các bức hoành có khắc hoa văn…), tre vàng (hay tre ngà thân màu vàng óng, nhỏ cây, cũng thuộc tre kiểng), tre trúc (thân chỉ bằng ngón chân cái, rất giao lóng, mỏng cơm, dùng làm gậy chống, ống sáo, ống thổi bếp lò, cần câu…), tre tầm vông (dày cơm, đặc ruột, dùng làm cán thương, cán giáo),…
Cây tre là loại thực vật thân gỗ lâu năm, mọc thành từng cụm, thân thẳng, chia thành từng đốt, mỗi cây khoảng 30 đốt, sinh sản từ gốc mọc ra những chồi gọi là măng. Bên trong thân tre có màu trắng, ruột rỗng. Chiều cao cây tre trưởng thành khoảng 10m.
Cây tre cũng ra hoa, tuy nhiên không phải ai cũng may mắn được chiêm ngưỡng bởi chu kỳ nở hoa của tre kéo dài 50- 60 năm; hoa tre màu vàng nhạt, mùi hơi nồng. Cây tre sinh sống khắp ở các tỉnh thành trên mảnh đất hình chữ S này.
Vì vậy, tre là hình ảnh rất thân thuộc với dân tộc Việt Nam. Với đặc tính dễ trồng, phục vụ nhiều lợi ích cho con người, cây tre đã gắn liền với nền văn hóa nông nghiệp lúa nước Việt Nam.
Từ xa xưa, tre đã được dùng để làm thành các vật dụng phục vụ đời sống thường ngày: làm nhà; làm cầu; các công cụ lao động nông nghiệp: cán len, cán cuốc, cái nơm, cái đơm, cái lờ,… các vật dụng nhà bếp: đôi đũa, rổ tre, rế,…
Ngoài ra, măng tre như tre tàu, tre điền trúc (là loại tre được trồng chủ yếu ăn măng, khá kinh tế), nhưng ngon tuyệt phải nói là măng tre mạnh tông- được dùng làm thực phẩm- từng là món rau quen thuộc của người dân, của chiến sĩ trong những ngày kháng chiến.
Hiện nay, tre còn được sử dụng trong y học như là một vị thuốc dùng chữa bệnh ngứa, chảy máu, hen suyễn… Hay trong âm nhạc, tre tạo ra các loại nhạc cụ độc đáo: sáo, tiêu, đàn gió…
Cây tre không chỉ được dùng làm các loại đồ gia dụng mà còn là phương tiện đi lại trên sông nước (bè), hoặc “kiền” hai bên để ghe không bị lắc,… Ta nghe lại câu hát sau đây để hiểu thêm về cuộc sống:
“Trồng tre chẳng dám ăn măng,
Trông cho măng lớn kết bè đưa dâu.
Có đưa thì đưa bằng ghe,
Đừng đưa bằng bè ướt áo cô dâu!”
Không biết tự bao giờ, cây tre đã đi vào nỗi nhớ của người dân Việt với những mái nhà đơn sơ, những cây cầu lắt lẻo, những con đường làng rợp bóng,… là nơi tụ tập của người dân trong những buổi cày đồng, là nơi các mẹ, các chị ngồi rôm rả câu chuyện, là nơi trẻ con trốn tìm, rượt đuổi. Để rồi từ đó, cây tre khiến người ta thêm nhớ quê hương, nhất là với những người con xa xứ.
Lũy tre làng nơi góc vườn, đầu ngõ, cuối xóm… sẽ như những cánh tay vẫy tạm biệt kẻ đi xa, và đón chào những người con quay trở về. Có thể nói, hình ảnh lũy tre làng chính là nỗi nhớ trong tâm thức của mỗi người dân Việt, đó là một làng quê Việt Nam mộc mạc, yên ả, về con người Việt Nam giản dị, chân chất.
Cây tre cứ thế đi vào cuộc sống, tình cảm, tâm hồn của mỗi người Việt và gắn bó mật thiết với văn hóa làng xã Việt Nam.
Ngày trước, hầu hết cư dân ở nông thôn đều cất nhà tre lá, có nghĩa ngoài phần lá lợp hay dừng vách, thì toàn bộ sườn nhà bao gồm cột, kèo, đòn dông, đòn tay, rui, nẹp… đều dùng tre, mà đắc dụng nhất là tre gai (còn lạt cột thì dùng tre mỡ).
Đan đát các loại đồ gia dụng cũng dùng loại tre này vì rất bền chắc, dẻo dai. Tre mới đốn đem dùng liền thì tuổi thọ chỉ 5- 7 năm. Nếu đem ngâm dưới ao hầm bùn sình 3- 5 tháng, độ bền sẽ được nhân lên gấp đôi ba lần.
Theo những người giàu kinh nghiệm, những vật làm bằng tre được dùng mà không phải gánh chịu nặng và nhất là không bị mưa nắng, sẽ có độ bền đến năm bảy mươi năm, thậm chí cả trăm năm.
Người dân quê cũng có nhiều kinh nghiệm quý về tre, như: muốn trồng tre mau sử dụng thì nên bứng gốc và phải trồng xiên xiên chứ không để thẳng đứng như các loại cây khác; tre để già đúng 3 năm thì nên đốn dùng, rất tốt, nếu dưới 3 năm thì còn non, mà trên 3 năm thì giòn, dễ gãy. Để dùng tre được bền thì nên đốn những ngày không trăng sẽ khỏi bị mối, mọt ăn.
Xưa người ta dùng tre để làm mõ (gõ báo động); rễ tre còn được các nghệ sĩ tạo hình điêu khắc, rất mỹ thuật; dùng làm “nồi” nấu cơm (cơm lam)…
Trên mâm cơm gia đình Việt không thể thiếu đôi đũa tre, bởi đó là một nét văn hóa ẩm thực đã được hình thành tự ngàn xưa. Đôi đũa tre tuy quê mùa nhưng rẻ và an toàn cho người sử dụng nên rất được ưa chuộng.
Trong tâm thức của người Việt, cây tre là không gian gắn với thời lập quốc, cây tre gắn liền với tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đuổi giặc Ân còn lưu sử sách. Rồi theo dòng lịch sử, tre đánh giặc, gìn giữ quê hương: gậy tre, chông tre, tên tre sắc bén diệt kẻ thù đế quốc- thực dân, cứu nước…
Cây tre còn đi sâu vào đời sống tâm linh con người, tạo nên nét đẹp hồn hậu, bình dị mà thắm đượm nghĩa tình của làng quê Việt Nam.
Cây nêu ngày Tết theo tín ngưỡng dân gian với ngọn tre vươn cao xua đuổi tà ma, bảo vệ con người. Chõng tre, giường tre kẽo kẹt trưa hè ru giấc nồng say. Đòn gánh tre theo mẹ đường đời, tảo tần nuôi con khôn lớn.
Cây tre nương tựa dìu dắt nhau qua mưa bão, rễ tre cần mẫn bám sâu vào lòng đất thách thức giông tố, thân tre gầy guộc mà bền chắc là biểu tượng cho tấm lòng thủy chung bám đất bám làng của người Việt Nam ta từ muôn đời nay.
Cây tre còn thể hiện cốt cách của con người Việt Nam với tính cần cù, bất khuất, kiên cường, luôn cố gắng vươn lên với sức sống mãnh liệt, luôn đoàn kết, đùm bọc, che chở lẫn nhau.
Theo quan niệm phương Đông, tre là loài cây cứng rắn nhưng dẻo dai, lòng rỗng nhưng không trống, đổ nhưng không gãy, vươn thẳng mạnh mẽ là tượng trưng cho người quân tử chính trực, thanh cao.
Hơn nữa, tre có rễ cắm sâu xuống lòng đất, sống lâu và sống ở mọi vùng đất khác nhau như chính sự cần cù, siêng năng, chịu thương, chịu khó, bám đất bám làng của người Việt Nam. Những cây tre hiên ngang vươn cao như là tinh thần bất khuất, kiên cường, không khuất phục của người dân Việt.
Ngoài ra, tre luôn mọc thành cụm, không mọc riêng lẻ, sống thành từng lũy, từng rặng tượng trưng cho tính cộng đồng của người Việt.
Lũy tre làng bền chặt như chính sự đoàn kết, keo sơn, đùm bọc lẫn nhau của dân tộc ta. Và khi tre già măng lại mọc hàm chứa biểu trưng cho tính truyền thống, kế thừa tiếp nối của các thế hệ người Việt.
Cây tre còn đi vào văn học, nghệ thuật. Trở thành nguồn cảm hứng trong âm nhạc, trong nghệ thuật dân gian, như múa sạp vùng Tây Bắc hay chuyện cổ tích “Nàng Út ống tre”, “Cây tre trăm đốt”,… thân thương như bài thơ “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới: “Cánh đồng ta năm đôi ba vụ/ Tre với người vất vả quanh năm”.
Ngày nay, qua bàn tay khéo léo của con người, cây tre đã trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế và thẩm mỹ cao, được nhiều người ưa chuộng.
Và qua những sản phẩm đó, hồn Việt, chất Việt ngày càng được nâng lên trong chính người Việt Nam cũng như trong mắt bạn bè quốc tế. Và dù cuộc sống hiện đại, nhiều vật liệu mới đã thay thế nhưng tin rằng cây tre sẽ vẫn còn tiếp tục hiện diện, khẳng định vai trò tuyệt vời của nó.
CHIẾN NGUYỄN