Cây nêu trong cung đình ngày Tết

GD&TĐ – Theo các tài liệu của triều Nguyễn để lại, trước Tết hàng năm, trong cung đình đều tổ chức dựng nêu và đến mùng 7 tháng Giêng làm lễ hạ nêu.

Cùng với việc dựng nêu, triều đình làm lễ niêm phong ấn tín, báo hiệu một mùa lễ nghỉ ngơi, đến ngày hạ nêu, triều đình mới làm lễ mở niêm phong ấn để làm việc trở lại.

Cây nêu của Hoàng cung cũng là dấu hiệu để các gia đình dân gian từ xung quanh Kinh thành đến các trấn, tỉnh bắt đầu chính thức ăn Tết.

Tuy lễ dựng nêu đã được đưa vào trong các nghi lễ chính thức của triều Nguyễn, nhưng chính vua Minh Mạng cũng từng băn khoăn về nguồn gốc của lễ này.

Cụ thể, theo bộ sử chính thống của triều Nguyễn “Đại Nam thực lục”, vào ngày mùng Một Tết năm Ất Hợi, niên hiệu Minh Mạng thứ 16 (1835), sau khi trăm quan vào cung chúc thọ, nhà vua đã hỏi thị thần rằng: “Lễ dựng cây nêu trong buổi trừ tịch (30 tháng Chạp âm lịch) là ra từ kinh điển nào?”.

Quan ở Nội các Hà Quyền (tức Hà Tông Quyền, sau vì kiêng tên húy vua Thiệu Trị (Miên Tông) nên chỉ gọi là Hà Quyền) thưa rằng: “Người xưa cũng có dùng cây nêu làm đề tài làm thơ. Thần chỉ nghe tương truyền là ra từ kinh nhà Phật, nhưng cũng chưa rõ ý nghĩa vì sao”. Nhà vua nghe vậy, nói rằng: “Người xưa đặt ra lễ này cũng là lấy nghĩa rằng nêu là tiêu biểu cho năm mới. Thế thì lễ là do nghĩa mà sinh ra đó thôi”.

Hà Quyền là người nổi danh thần đồng từ nhỏ, thi đỗ tiến sĩ năm 1822, từng nhiều năm làm việc ở bộ Lễ, năm 1835 được thăng Hữu Tham tri bộ Lễ, nhưng kiêm cả việc trong Nội các. Ông từng được vua Minh Mạng khen rằng: “Hà Tông Quyền về chính sự, Hoàng Tế Mỹ về văn học, Nguyễn Công Trứ về thao lược; thật không thẹn với danh tiếng khoa bảng”.

Cũng theo sử sách triều Nguyễn, tuy triều đình đã khảo về lễ dựng cây nêu từ các triều đại trước mà không thấy nhưng từ năm Minh Mạng thứ 8 (1827) về trước, vào lễ này, đích thân nhà vua dâng lễ tế tại Thái miếu, Thế miếu.

Còn vào dịp cuối năm Minh Mạng thứ 8, bộ Lễ tâu lên vua rằng, lệ trước một năm 5 lễ hưởng (gồm Xuân hưởng, Hạ hưởng, Thu hưởng, Đông hưởng và Hợp hưởng) cùng các tiết Nguyên đán, Đoan dương (mùng 5 tháng 5 âm lịch), Thượng tiêu (dựng nêu) đều do nhà vua đích thân đến Thái miếu, Thế miếu làm lễ.

Lời tâu của bộ Lễ cho rằng: “Trộm nghĩ Tôn miếu là chỗ tôn nghiêm lễ văn nghi tắc, phải cho tình lý thỏa đáng mới là phải. Bốn mùa đắp đổi, nên có 4 lễ hưởng để tỏ rõ tình văn. Khi năm sắp hết thì mùa đông có lễ Hợp hưởng để báo thành tích cả năm, cùng là ngày đầu năm đón phúc (Nguyên đán) và lúc giữa trời tươi sáng (Đoan dương) đều là lễ long trọng quan hệ cả. Còn như lễ cuối năm dựng cây nêu, sách vở không thấy nói đến. Nhưng tục nước ta theo làm đã lâu, chưa nên vội bỏ. Từ nay xin sai Hoàng tử hay các hoàng thân tước công tế thay, mới là thỏa đáng”. Vua cho là phải, từ đó lễ dựng nêu, vua không đích thân làm lễ tế nữa.

Trong các ngày Tết, triều đình nhà Nguyễn đều treo cờ vàng trên các cột cờ lớn ở kinh thành, các trấn. Thể lệ ghi rõ, các dịp tiết Thánh Thọ (sinh nhật Hoàng Thái hậu), ngày chính tiết Vạn Thọ (sinh nhật vua) và trước 1 ngày, cùng là ngày dựng nêu, ba ngày Tết Nguyên đán, ngày Tết Đoan dương, ngày rằm mồng Một, trời tạnh thì treo cờ trừu vàng một lát, rồi thay bằng cờ vải.

Nghi thức bày lễ mâm cúng ở các miếu thờ tổ tiên nhà vua cũng được quy định rõ trong năm Minh Mạng thứ 21 (1840). Đó là khi triều thần tâu về việc lập miếu thờ những người thân thiết của vua Minh Mạng gồm Hải Đông quận vương là Tôn Thất Đồng, Thông Hóa quận vương là Tôn Thất Điển, đều là chú bác của vua; và Thuận An công Tôn Thất Hy là anh ruột vua, hằng năm cấp tiền công để cung việc thờ cúng.

Ở miếu này, các tiết xuân, thu 2 kỳ tế, tiết trồng cây nêu, Tết Chính đán, Tết Đoan dương và ngày giỗ, mỗi đền đều được cấp 136 quan. Điển lệ cúng tế trong lễ dựng cây nêu, đều dùng hương nến, trầu rượu, lễ Chính đán, thì gia thêm bánh chưng và phẩm, quả.

Vua Minh Mạng cũng từng giải thích với quần thần về các nghi lễ tế cáo cuối năm của triều đình, trong đó có lễ dựng nêu, vào dịp lễ tế Hợp hưởng mùa đông năm 1837 rằng: “Cuối năm hợp tế là việc đại tế của Nhà nước, xét trong sử sách theo nghĩa hợp lại mà tế, trước không chép rõ là nên dùng ngày nào, triều ta theo dùng phép cũ, lấy ngày 15 tháng Chạp làm lễ, đời Minh, Thanh Bắc triều, lấy trước ngày trừ tịch 1 ngày đến tế, xét ra không ý nghĩa gì.

Vả lại quốc tục bản triều, ngày tuế trừ dựng cây nêu, cũng có cáo tế, nay đổi lấy ngày tuế trừ làm ngày tuế Hợp hưởng, trẫm thân đến miếu sở làm lễ, để tỏ lễ ý. Lại cho là ngày ấy sắp tới tiết Nguyên đán, quan quân dân chúng đều có giết thịt gà, lợn cúng tổ tiên để truy báo tự gốc, nếu theo lệ răn cấm giết thịt, không tiện cho người, chuẩn cho sau khi có chỉ, bỏ hẳn lệ cấm ấy”.

Quy cách cây nêu dựng trong cung vua thế nào, hiện không có tài liệu để lại. Nhưng sử sách thời Nguyễn cho biết, nêu được dựng tại “các sở cung điện”, và việc tiến hành dựng nêu được giao cho biền binh các vệ cấm quân là vệ Cẩm Y và vệ Kim Ngô thực hiện.

Khi thấy trong Hoàng cung dựng cây nêu, người dân trong Kinh cũng theo đó dựng nêu, đón Tết. Lễ Hạ tiêu diễn ra vào ngày mồng 7 tháng Giêng. Khi triều đình tổ chức Thượng tiêu và Hạ tiêu đều có dàn đại nhạc, tiểu nhạc sắp hàng, tấu nhạc và các nghi thức trang trọng khác.

Không chỉ dựng nêu ở Hoàng thành, sử sách nhà Nguyễn cho biết nghi thức dựng nêu cũng được tiến hành ở chùa Khải Tường tận trong Gia Định. Nguyên vua Minh Mạng được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu sinh ra tại nhà cũ của Tống Quốc công phu nhân tại ngoại thành Gia Định.

Sau khi nhà vua lên ngôi, đã sai quan địa phương tìm hỏi chốn cũ, chỉ biết được di chỉ ở Tân Lộc, nên đã vẽ địa đồ dâng lên. Nhà vua bèn sai xây dựng ngôi chùa ở ngay chỗ đất ấy, gọi là chùa Khải Tường để ghi sự tốt lành to tát chứng tỏ nơi phát phúc. Chùa được cấp ruộng tự điền để lấy hoa lợi nhằm biện lễ cùng các dịp lễ, Tết.

Quy định năm 1832 cho biết, do chùa có vai trò quan trọng, ở chùa cũng thực hiện lễ dựng nêu, hạ nêu ngày Tết, và các dịp lễ tiết hàng năm, như tiết Thánh Thọ, Vạn Thọ và các lễ Trừ tịch, Thượng tiêu, Tết Nguyên đán, Đoan dương, tiết Tam nguyên (gồm rằm tháng Giêng, rằm tháng 7 và rằm tháng 10), ngày sóc, vọng (mùng Một và rằm hàng tháng), ở chùa đều dâng cúng đồ chay và hương nến.

Chùa Khải Tường bị phá hủy từ thời Pháp xâm lược Nam Bộ thế kỷ XVIII, hiện nay đất chùa ở vào khoảng khu vực Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, đường Võ Văn Tần, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.