Cây nêu là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa của phong tục dựng cây nêu ngày Tết
Dựng (trồng) cây nêu ngày Tết là phong tục tín ngưỡng lâu đời, là truyền thống của dân tộc ta. Cây nêu không chỉ thể hiện ý nghĩa ‘tống cựu, nghinh tân’, biểu tượng tâm linh mà còn truyền tải những ý nghĩa nhân sinh tốt đẹp. Theo thời gian cùng với sự khác biệt trong phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, mỗi địa phương mà ý nghĩa của việc trồng nêu ngày Tết được trải rộng hơn và đa dạng hơn.
Cây nêu là một thân cây được người dân Việt Nam dựng trước sân nhà mỗi dịp Tết Nguyên đán. Trên ngọn cây có treo một vòng tròn nhỏ và các đồ vật có tính biểu tượng theo phong tục, quan niệm của người xưa.
Cây nêu – một biểu tượng của văn hóa Việt – Nguồn ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Cây nêu của người Kinh thường được làm từ một số loại cây họ tre như tre, bương, lồ ô,… có độ cao khoảng 5 – 6m, được tỉa sạch các nhánh và lá tre, để lại phần lá tươi trên ngọn; các dân tộc thiểu số thường sử dụng loại cây gỗ chắc chắn được vẽ quanh thân, có tua đại.
Người Kinh chọn các loại cây họ tre làm nêu vì chúng có đốt. Các đốt này là bậc thang dành cho thần linh về để mang sinh khí của trời chuyển xuống mặt đất giúp mặt đất phì nhiêu, hội tụ sinh khí, mùa màng tốt tươi.
Ca dao Việt Nam có câu:
‘Cành đa lá dứa treo cao
Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà
Quỷ vào thì quỷ lại ra
Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm’.
Trong phong tục tín ngưỡng của người Việt, cây nêu được dựng trước sân nhà mỗi dịp Tết đến. Tùy theo quan niệm, tập quán mỗi nơi mà đồ vật treo trên cây nêu có sự khác biệt.
Thông thường, trên ngọn nêu buộc nhiều đồ như lồng đèn, túi nhỏ đựng trầu cau và ống sáo, vàng mã hay những chiếc khánh và con cá bằng đất nung, cùng một tán tròn bằng tre nứa dán giấy đỏ, lông gà, lá dứa, cành đa… có tác dụng trừ tà ma, bảo vệ và mang đến bình an cho con người.
Cây tre đại diện cho vật dương, lọng tàn hình tròn đại diện cho vật âm. Trong đó, lọng tàn có 5 con cá chép với 5 màu đại diện cho 5 màu trong ngũ hành: màu vàng ở giữa, màu trắng ở phía Nam, màu đen ở phía Bắc, màu xanh ở phía Đông và màu đỏ ở phía Tây.
5 con cá chép với 5 màu đại diện cho 5 màu trong ngũ hành – Nguồn ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Đèn lồng là ánh sáng để dẫn lối cho tổ tiên về. Khánh làm bằng đất nung có tiếng động phát ra khi gió rung ngoài để nhắc nhở bọn ma quỷ nghe mà tránh xa, còn biểu thị cho phúc đức may mắn. Cành dứa gai, dải đỏ và vôi bột để trừ tà ma quỷ dữ; câu đối biểu thị cho trí tuệ con người.
Ngày nay, cây nêu được trang trí lộng lẫy hơn, hài hòa kim – cổ. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, chúng ta lại được chiêm ngưỡng một trong những biểu tượng độc đáo của ngày Tết cổ truyền Việt Nam.
Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, sự tích cây nêu được tóm tắt như sau:
Ngày xưa Quỷ chiếm toàn bộ đất nước, còn Người chỉ làm thuê, và nộp phần lớn lúa thu hoạch cho Quỷ. Quỷ ngày càng bóc lột Người quá tay, và cuối cùng Quỷ tự cho mình hưởng quyền ‘ăn ngọn cho gốc’. Người chỉ được hưởng rạ, tuyệt đường sinh nhai nên cầu cứu Đức Phật giúp đỡ. Phật bảo Người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang. Mùa thu hoạch ấy, Người được hưởng không biết bao nhiêu củ khoai, còn Quỷ chỉ hưởng lá và dây khoai, đúng theo phương thức ‘ăn ngọn cho gốc’.
Sang mùa khác, Quỷ lại chuyển qua phương thức ‘ăn gốc cho ngọn’. Phật bảo Người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả Quỷ lại hỏng ăn. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng nó tuyên bố ‘ăn cả gốc lẫn ngọn’. Phật trao cho Người giống cây ngô (bắp) để gieo khắp nơi. Quỷ lại không được gì, còn Người thì thu hoạch cơ man là trái ngô. Cuối cùng Quỷ nhất định bắt Người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho làm rẽ nữa.
Phật bàn với Người đứng đầu của Quỷ, xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi đó Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa đó che phủ toàn bộ đất đai khiến Quỷ mất đất phải chạy ra biển Đông.
Do mất đất sống nên Quỷ huy động quân vào cướp lại. Trận đánh này bên Quỷ bị thua sau khi bị bên Người tấn công bằng máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột… và Quỷ lại bị Phật đày ra biển Đông. Trước khi đi, Quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương hại nên hứa cho.
Do đó, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là những ngày Quỷ vào thăm đất liền thì người ta theo tục cũ trồng cây nêu để Quỷ không bén mảng đến chỗ Người cư ngụ. Trên nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn Quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía Đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa Quỷ.
Sự tích cây nêu ngày Tết – Nguồn ảnh: Internet
Theo tài liệu văn hóa dân gian, cây nêu ngày Tết mang triết lý âm dương, qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất), bao hàm sự thống nhất và tương trợ giữa m và Dương hay sự không tách rời giữa Động và Tĩnh… Ngoài ra, cây nêu còn gắn với truyền thuyết dân gian ngăn ngừa không cho quỷ ở biển Đông vào đất liền, bén mảng tới nơi con người cư trú, làm ăn.
Nói một cách dễ hiểu, ý nghĩa của cây nêu ngày Tết là xua đuổi tà ma, cầu mong một năm mới suôn sẻ, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an.
Ngày dựng nêu được gọi là Thượng tiêu, ngày hạ nêu được gọi là Khai hạ.
Tùy theo phong tục của từng vùng miền mà thời điểm dựng cây nêu sẽ khác nhau. Theo đó, người Kinh dựng câu nêu vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch nhằm không cho ma quỷ quấy rầy gia chủ trong những ngày ông Công – ông Táo về trời.
Một số dân tộc khác như Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái lại trồng cây nêu vào chiều 30 tháng Chạp âm lịch.
Tái hiện dựng nêu ngày Tết tại Đại nội Huế – Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên
Trong lễ hội Gầu Tào, người Mông sẽ dựng cây nêu từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Giêng âm lịch và hạ nêu vào ngày 7/1 âm lịch. Đồng bào dân tộc Sán Dìu dựng nêu trong lễ Cầu mùa. Hay cây nêu trong văn hóa Tây Nguyên là cầu nối giữa đất và trời, giữa con người với thần linh nhằm đưa ước nguyện của dân làng đến với Yàng (ông trời) một cách nhanh nhất.
Ngoài ra, cây ném trong hội lồng tồng, cây pồn pông của người Mường, cây đâm trâu của người dân tộc ở Tây Nguyên đều là những hình thức biểu hiện của cây nêu.
Thông thường, nêu sẽ được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Vậy cây nêu được hạ vào ngày nào?
Theo truyền thống, nêu được dựng lên trong 15 ngày. Do đó, đến mùng 7 tháng Giêng, các gia đình sẽ làm lễ hạ nêu xuống.
Trước khi hạ nêu, cần tránh động thổ để đất được hội tụ sinh khí, phì nhiêu. Sau khi hạ nêu, mọi người có thể tổ chức lễ hội, bắt đầu những hoạt động trong sản xuất nông nghiệp.
Dựng cây nêu mang ý nghĩa tâm linh với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới và xua đuổi tà ma, quỷ dữ.
Theo Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, người Việt xưa coi cây nêu là trục vũ trụ, là cầu nối giữa trời và đất.
‘Tre phải là loại tre già, to, thẳng, không được cụt ngọn. Trên ngọn để lại một phần lá tươi hoặc buộc lá dứa vào tượng trưng cho mây trời. Thân cây có thể được trang trí bằng các loại cờ, phướn, đèn lồng, câu đối, niêu đất chứa vôi, chuông gió… Bên dưới gốc, rắc bột vôi trắng tạo thành vòng tròn hoặc rắc hình cánh cung, mũi tên hướng ra phía cổng để xua đuổi tà ma’, Giáo sư Biền chia sẻ về cách dựng cây nêu ngày Tết.
Hãy cùng chúng tôi chiêm ngưỡng những hình ảnh cây nêu ngày Tết đẹp để hiểu hơn về phong tục tập quán dịp đầu năm mới của dân tộc ta.
Cây nêu dựng trước Hậu Lâu, Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội – Nguồn ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Từ giữa thân cây nêu trở lên được trang trí nhiều nhất, từ cờ phướn tới lễ vật – Nguồn ảnh: Báo Quảng Nam
Nhà nhà dựng cây nêu với rất nhiều sắc màu, không khí lung linh bởi các ánh đèn nhấp nháy mang lại – Nguồn ảnh: Báo Nhà báo và Công luận
Cây nêu được trang trí bằng những ánh đèn nhấp nháy đã làm cho các con đường ngày Tết như khoác thêm một màu áo mới, lung linh, rạng rỡ – Nguồn ảnh: Báo Nhà báo và Công luận
Cây nêu được trang trí cờ, đèn lồng… – Nguồn ảnh: Internet
Thời xưa, hầu như nhà nào cũng dựng cây nêu vào dịp Tết. Nhưng hiện nay, phong tục này dần bị mai một, chỉ một số ít gia đình vẫn còn duy trì. Một vài năm trở lại đây, các điểm di sản, đình làng… đã tiến hành phục dựng cây nêu để gợi nhớ về truyền thống, văn hóa ý nghĩa của người Việt.
Tổng hợp
>> Xem thêm: Xem lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2023 của học sinh cả nước