Cậu học trò xưa ước mơ làm bác sĩ, 40 năm sau cứu thầy giáo khỏi tử thần đột quỵ – Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế S.I.S Cần Thơ
Sau 2 lần bị cơn thiếu máu não thoáng qua, lần thứ 3 đột quỵ ập đến, người thầy giáo 62 tuổi lập tức được xe cấp cứu chở thẳng đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, điều trị tiêu sợi huyết trong giờ vàng và nhanh chóng hồi phục trong niềm vui của người học trò cũ – TS.BS Trần Chí Cường.
Giọng nói còn hơi khó nghe sau cơn đột quỵ nhưng ông V.V.T (62 tuổi, ở Đồng Tháp), từng là giáo viên, đã kể lại trôi chảy cơn tai biến của mình:
“10h tui đang ở ngoài vườn, chóng mặt, ngồi xuống đứng lên không được, cố gắng lấy điện thoại gọi người nhà tới rước. Về tới nhà vẫn chưa sao nhưng lúc ngồi ghế đứng dậy vô giường nằm thì chóng mặt, liệt hết 1 tay 1 chân bên trái, nói chuyện không được luôn. Gia đình mới gọi Bệnh viện S.I.S Cần Thơ đưa tui tới đây điều trị…
Trong nhà có bà già (mẹ) tui bị đột quỵ nên gia đình biết bệnh này rồi, nên tới tui bị là đưa tới bệnh viện đột quỵ luôn.
Trong lúc tay chân không nhúc nhích được tôi lo lắm, sợ ảnh hưởng lâu dài. Nhờ bác sĩ ở đây cho thuốc tôi thấy đỡ hơn nhiều”.
Khoảng 2 tiếng sau, xe cấp cứu từ Cần Thơ qua tới, tức tốc đưa thầy T. đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, đến nơi là 1h20’ trưa ngày 1 tháng 12. Tại đây, sau khi thăm khám và chụp phim, xác định là nhồi máu não, thầy được các bác sĩ cho sử dụng thuốc tiêu sợi huyết làm tan cục máu đông.
Chỉ sau 2 giờ được dùng thuốc tiêu sợi huyết, các triệu chứng yếu liệt của bệnh nhân V.V.T. cải thiện rõ rệt
Chỉ 2 tiếng sau, thầy T. hồi phục, chân tay bên trái tự đưa lên được. Thầy cho biết đã từng bị tình trạng giống vầy 2 lần, nhưng nhẹ hơn: “Tui đang đứng tự nhiên chóng mặt té à, rồi một hồi nó hết tui đứng dậy được. Cách đây cũng mấy chục năm rồi. Từ đó giờ không bị nữa, còn lần này yếu tới tay chân luôn”.
Đó chính là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), hiểu nôm na là “bản nháp” trước khi đột quỵ chính thức. Không riêng thầy T. mà rất nhiều người bệnh sau khi lục lại tiền sử bệnh của mình cũng nhớ từng bị cơn đột quỵ thoáng qua như vậy nhưng họ bỏ qua, không đi thăm khám. Sau 2 lần “xé nháp” thì đột quỵ chính thức xảy đến, cũng may là thầy T. đã kịp đến bệnh viện đột quỵ trong giờ vàng.
Sau khi thăm khám cho người thầy giáo năm xưa đã dạy mình từ lớp 1 cho đến cấp 2, TS.BS Trần Chí Cường nghe các đồng nghiệp trẻ báo cáo về bệnh lý của thầy.
Các bác sĩ nhận định triệu chứng dao động, tái đi tái lại này thường gặp ở bệnh nhân bị thuyên tắc mạch máu hơn là xơ vữa, đặc biệt là mạch máu lớn. Do đó, thầy T. cần tiếp tục điều trị dự phòng, đồng thời tầm soát bệnh lý mạch máu từ tim đến não để ngăn chặn đột quỵ tái phát, bởi vì những bệnh tim mạch như như bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim (rung nhĩ)… có thể “gửi” cục máu đông từ tim lên não gây đột quỵ.
TS.BS Trần Chí Cường thăm khám, đánh giá sự hồi phục của thầy giáo sau cơn đột quỵ
Trong phòng bệnh, người học trò tóc bạc dặn dò thầy giáo tóc muối tiêu: “Nay thầy hát vọng cổ lại được rồi phải không? Thầy về nhà hạn chế tối đa rượu bia, không được nhậu nữa!”
Thầy cũng nhớ lại chuyện xưa: “Hồi đó tui dạy nó, nó nói: ‘Chắc mai mốt em làm bác sĩ quá thầy ơi’ -‘Làm bác sĩ làm gì bây?’ – ‘Em làm bác sĩ trị bệnh cho thầy chứ thấy thầy nhậu quá trời nhậu!’. Giờ thấy nó nói được là làm được”…
40 năm trước, nghe ước mơ của cậu học trò, thầy nói cậu ráng học để chữa bệnh cho mọi người. Dẫu biết đó là một ước mơ cao vời vợi nhưng nhờ được các thầy cô trường làng động viên, cộng với sự “mê đi học” của bản thân, Trần Chí Cường có động lực đạp xe hơn 40km, cuốc bộ hơn 10km, rồi lội sông… để đến với tri thức.
Thành quả hôm nay là rất nhiều bà con được cứu khỏi tử thần đột quỵ, trong đó có thầy cô của cậu học trò giàu nghị lực năm nào.
Thầy T. gửi lời cảm ơn BS Cường, tất cả các bác sĩ và nhân viên phục vụ của Bệnh viện S.I.S này đã tận tình phục vụ cho bản thân thầy cũng như các bệnh nhân khác trong thời gian nằm viện ở đây.
Kim Quy – Benhdotquy.net