Cặp xương chân voi ở đền Kiếp Bạc – BaoHaiDuong


Xoa lên xương voi để cầu mong khỏe mạnh, bệnh tật tiêu trừ là một nét đặc biệt riêng có của du khách mỗi lần đến đền Kiếp Bạc (ảnh tư liệu)

Câu chuyện về chú voi chiến của Đức Thánh Trần

Nhiều cứ liệu lịch sử còn ghi lại, Đức Thánh Trần Hưng Đạo có một con voi từng theo người chinh phạt khắp các chiến trường. Con voi được ngài nuôi từ nhỏ và rất trung thành. Sách Thái Bình phong vật chí và bài Bến Voi đăng trên tạp chí Tri ân số 17 ra ngày 3.10.1941 của tác giả Trúc Khê đều nhắc đến chi tiết này.

Mùa xuân năm Trùng Hưng thứ tư 1288, Hưng Đạo Đại vương từ quân dinh ở làng A Sào, huyện Phụ Dực (tỉnh Thái Bình) nhổ trại kéo quân sang sông Bạch Đằng đánh Ô Mã Nhi. Lúc qua dòng Hóa Giang, thủy triều rút cạn, ngài thúc voi chiến lội qua. Dân làng mang tre, rơm rạ lót đường, lần lượt bộ binh, kỵ binh đều vượt qua, nhưng do voi quá nặng nên bị sa lầy. Việc quân cần kíp, ngài buộc phải để voi lại và rút thần kiếm chỉ xuống dòng sông mà thề: “Nếu trận này không thắng, ta quyết không trở lại bến sông này nữa!”. Phải bỏ lại chú voi trung thành, chủ khóc, voi ứa nước mắt, quân sĩ cũng khóc theo. Sợ ảnh hưởng đến tinh thần binh lính, Hưng Đạo vương trấn an: “Ta thương là thương con voi trung với nước và có nghĩa với ta chứ không phải là điểm bất thường. Hễ ai xôn xao thì hãy nhìn thanh thần kiếm của ta…”.

Những ghi chép nói trên hoàn toàn phù hợp với chính sử. Đó là vào năm 1288, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tập hợp binh sĩ đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba. Tại vị trí được cho là voi chiến sa lầy hiện có đền A Sào (nay thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). “Đệ nhất Sinh từ Kiếp Bạc/ Đệ nhị A Sào”, để nói về tầm quan trọng của hệ thống di tích liên quan đến Đức Thánh Trần, đền A Sào chỉ xếp sau đền Kiếp Bạc.

Theo một số ghi chép khác, sau khi chiến thắng trở về, Hưng Đạo Đại vương tìm về bến sông nơi voi chiến của mình nằm lại, đã thấy dân làng đắp mộ. Người cho đắp một con voi bằng đất phía trên mộ đất, nhưng do sóng nước, mộ voi trôi dạt, vì thế bến sông có tên bến Lở, bãi Voi. Sau đó, dân làng đắp tượng voi bằng gạch, đến năm 1928, dân làng A Sào đi Quảng Ninh thuê người tạc một tượng voi đá theo nguyên mẫu con voi gạch đưa về đúng vị trí cũ. Năm 1961, quân Pháp đóng bốt ở đền A Sào đã dùng xe kéo voi đá về làm ụ súng và hiện nay voi vẫn còn ở đền. Năm 2006, di tích bến Tượng A Sào được phục dựng lại, con voi đá được làm với kích thước lớn hơn trên cơ sở vóc dáng của voi cũ.

Như vậy, truyền thuyết và chính sử đan xen, đến nay chưa ai khẳng định chắc chắn cặp xương chân voi trong đền Kiếp Bạc có phải là xương voi chiến của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn hay không, nhưng chắc chắn ngài có một chú voi gặp nạn khi trên đường ra trận vào năm 1288 ở lần thứ ba đánh giặc Nguyên Mông xâm lược. 

Xương voi của người Thái Bình dâng lên?

Theo các bậc cao niên quanh đền Kiếp Bạc, cặp xương chân voi do người dân Thái Bình đào được và dâng về. Nhưng cặp xương có được đào đúng nơi voi chiến bị sa lầy hay không thì không có tài liệu nào ghi lại. Cặp xương voi được mang đến đền Kiếp Bạc từ bao giờ cũng không có ai nhớ rõ.

Theo đại diện Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, những tấm ảnh của người Pháp chụp nội tự đền Kiếp Bạc từ khoảng năm 1945 trở về trước đều không có cặp xương voi. Những cụ già ở quanh đền nói lại, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cặp xương voi mới xuất hiện tại đền.

Ban đầu, xương voi để ở Nhà Chè cạnh đền (nơi các cụ già ngồi uống nước, têm trầu). Khoảng năm 1990, có một người phụ nữ dâng lên 2 khay gỗ đựng xương thì cặp xương được chuyển vào đền cho đến bây giờ.

Cặp xương chân voi đã trở thành một phần không thể tách rời của đền Kiếp Bạc, luôn mang đến sự tò mò cho du khách mỗi lần đến đây chiêm bái. Với tâm lý muốn “khỏe và dũng mãnh như voi chiến”, ai đến đền đều cố chen vào xoa lên khúc xương. Để bây giờ, 2 đầu cặp xương đã láng bóng, nhìn tựa như 2 khúc bê tông nhẵn thín.

“Xoa lên cặp xương voi rồi xoa lên cơ thể đã trở thành một tín ngưỡng đặc sắc riêng có của du khách mỗi lần đến đền Kiếp Bạc. Du khách xoa lên xương voi và cầu khấn được mạnh khỏe, bệnh tật tiêu trừ”, Tiến sĩ sử học Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cho biết.

Cặp xương chân voi nặng khoảng 40 kg, cao trên 1 m được bảo quản tốt, là một nét đặc sắc của ngôi đền. Đến nay chưa có một tổ chức hoặc cá nhân nào cố đi tìm lời giải đó có phải là xương voi chiến của Đức Thánh Trần, bởi huyền tích đã nhuốm màu thời gian, trong hư có thực, trong thực có hư, dù đó là xương voi chiến năm 1288 hay không không còn quan trọng. Mà qua câu chuyện đó đã khắc họa đôi nét về tinh thần dũng cảm, quân – dân một lòng đẩy lùi cuộc xâm lăng của giặc phương Bắc. Và cũng qua đó cho thấy hình tượng của một dũng tướng lừng danh trong lịch sử quân sự, người bằng tài thao lược của mình đã quy tụ quân – dân chiến thắng ngoại bang.

TIẾN HUY