Cảnh nóng trên phim truyền hình Việt gây tranh cãi
Tần suất những cảnh quay “mát mẻ”, tình cảm ướt át trên phim truyền hình Việt giờ vàng lên sóng ngày càng nhiều. Có thể kể các phim như: Người phán xử, Quỳnh búp bê, Anh có phải đàn ông không, Những cô gái trong thành phố, Mộng phù hoa, Tiếng sét trong mưa…
“Giờ vàng” quá nhiều cảnh nóng !
Mới đây, bộ phim Hành trình công lýdo đạo diễn Nguyễn Mai Hiền thực hiện, đang phát sóng trên VTV3, vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ khán giả vì có những phân cảnh nóng ngoại tình, do diễn viên Việt Anh và Huyền Trang đóng. Đáng nói là cảnh nóng này liên tục được chiếu đi chiếu lại trong 3 tập. Việc xuất hiện đoạn phim nhiều lần ở các tình huống khác nhau kèm theo hiệu ứng giọng nói của nhân vật khiến nhiều ý kiến cho rằng ê kíp làm phim đang “lạm dụng cảnh nóng”.
Bộ phim truyền hình Mẹ rơm của đạo diễn Phương Điền đang chiếu trên VTV1 cũng có cảnh cưỡng bức giữa hai nhân vật khiến khán giả phản đối, nghĩ theo hướng tiêu cực vì mối quan hệ trong phim của họ dường như là anh em. Loan (Huỳnh Hồng Loan đóng) và Khoản (Cao Minh Đạt thủ vai) có chung mẹ (diễn viên Ngân Quỳnh đảm nhận) và Loan cũng gọi Khoản là anh hai. Do đó, cảnh Khoản “làm nhục” Loan – may mà có Mô “gù” (Thái Hòa diễn) giải cứu, khiến khán giả bức xúc, tranh luận.
CHỤP MÀN HÌNH
Anh có phải đàn ông không do Trịnh Lê Phong đạo diễn, phát sóng trên VTV3 nhận nhiều ý kiến vì cảnh nóng giữa cặp vợ chồng Lệ (Việt Hoa đóng) và Nhật Minh (Hà Việt Dũng). Trong phân cảnh này, Lệ mặc váy ngủ lên giường, chủ động nhắc nhở chồng làm “chuyện đại sự”, nhiệt tình hôn chồng đắm đuối và liên tục có những hành động khiêu khích chồng mình. Diễn viên Bình An và Ngọc Crystal cũng có nhiều cảnh giường chiếu trong phim Những cô gái trong thành phố.
Trước đó, phim Mộng phù hoa gây phản ứng dữ dội khi có nhiều cảnh ôm hôn, chăn gối với không ít tình huống bị nhận xét thô, thiếu tính nghệ thuật. Phim Tiếng sét trong mưa từng chiếu trên kênh THVL bị chỉ trích vì nhiều cảnh “giường chiếu”, phản ánh mối quan hệ trái luân thường đạo lý.
Bộ phim Quỳnh búp bê thời điểm mới lên sóng những tập đầu tiên cũng nhận ý kiến trái chiều vì có nhiều cảnh nóng, bạo lực, mà một bộ phận khán giả cho là “vẽ đường cho hươu chạy”. Trước những phản ứng gay gắt, phim này đã bị dừng chiếu. Sau khi “dán nhãn độ tuổi” bằng cách chạy chữ “phim có một số nội dung, hình ảnh không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi, khuyến cáo nên có sự giám sát của phụ huynh khi xem”, và chuyển đổi khung giờ, kênh phát sóng từ VTV1 (kênh chính luận) sang VTV3 (kênh giải trí), Quỳnh búp bê mới được trở lại màn ảnh.
Thận trọng vì ranh giới mong manh
Với một tác phẩm chiếu truyền hình ở khung giờ vàng, cảnh nhạy cảm nên được hạn chế để tránh hiệu ứng ngược. Cảnh nóng của Việt Anh và Huyền Trang trong phim Hành trình công lý hiện tại đang làm dấy lên luồng ý kiến cho rằng đã đến lúc phim truyền hình Việt tiết chế khi sử dụng “chiêu trò” để hút khán giả. Dù các cảnh nóng được sử dụng góc quay xa, điều chỉnh màu, nhưng đông đảo khán giả vẫn cho rằng cảnh nóng hoàn toàn không phù hợp với một bộ phim phát sóng khung giờ vàng của truyền hình với nhiều đối tượng theo dõi. “Đề nghị các nhà đài gỡ bớt cảnh hôn hít, ôm ấp trai gái, đặc biệt là cảnh nóng đậm đặc, để cho các cháu nhỏ cùng toàn thể gia đình ông bà bố mẹ cùng xem phim được vui vẻ…” là một trong những bình luận của khán giả về vấn đề này.
Trước các ý kiến về phim Hành trình công lý, đạo diễn Nguyễn Mai Hiền lên tiếng cho rằng cảnh nóng ở đây không nhằm mục đích câu khách, mà có tác động quan trọng đến nội dung phim và tâm lý nữ chính. Dụng ý của việc lặp lại cảnh này là xoáy vào nỗi ám ảnh của người vợ. Còn diễn viên Việt Anh thừa nhận đây là cảnh táo bạo nhất anh từng thực hiện, và nói “quan trọng là liều lượng ra sao và việc gia giảm thế nào để không trở nên phản cảm và lạm dụng phụ thuộc vào đạo diễn”.
Đạo diễn Phương Điền cho biết để lên sóng được khung giờ vàng của VTV1, bộ phim Mẹ rơm phải trải qua nhiều lần kiểm duyệt và cắt bỏ nhiều chi tiết, phân đoạn: “Ví dụ, cảnh nhân vật Loan bị Khoản cưỡng bức trong rừng đều quay từ góc xa, nhanh, để khán giả đủ cảm nhận được tình huống, nỗi đau của nhân vật. Nhiều cảnh nóng, hiếp dâm, bạo lực gia đình… trong phim đều được lược bỏ phần lớn nhằm phù hợp với những quy định ở khung giờ phát sóng”.
Nhà sản xuất Bích Liên, từng làm nhiều phim truyền hình phát trên các đài, nêu ý kiến: “Chúng tôi hiểu ranh giới giữa cảnh nóng nghệ thuật và phản cảm khá mong manh và tùy cảm nhận của từng khán giả. Khi làm phim, bản thân tôi không ủng hộ chuyện nhà làm phim lấy yếu tố cảnh nóng ra câu rating (tỷ suất người xem). Nếu là một bộ phim hay thì chắc chắn sẽ có được sự theo dõi của đông đảo khán giả; và phim hay đến từ câu chuyện, cách dàn dựng xuyên suốt bộ phim, thông điệp, cách truyền tải những giá trị nhân văn của tác phẩm chứ không phải chỉ ở cảnh nóng, bởi có khi nóng 1 phút mà hỏng cả phim”.
Hiện tại, khán giả đang tán thành việc cần phải dán nhãn độ tuổi người xem cả cho phim truyền hình, đừng bất cập như mẫu khuyến cáo phim Quỳnh Búp bê vì nếu đã “không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi”, tức là đối tượng này không được phép xem, thì không nên ghi thêm dòng chữ “khuyến cáo nên có sự giám sát của phụ huynh khi xem”.