Cách Xử Lý Rác Thải Sinh Hoạt Gia Đình Hiệu Quả Nhất | Cleanipedia
Nội Dung Chính
Những Điều Cần Chú Ý Trong Quá Trình Xử Lý Rác Thải Gia Đình
Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 15 triệu tấn chất thải mới, trong đó chiếm 50% tổng số là rác thải từ các khu đô thị. Mặc dù việc thu gom rác thải đang được cải thiện trên khắp cả nước nhưng vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt ở các vùng nông thôn xa thành phố lớn. Vì vậy chúng ta cần biết cách phân loại rác thải sinh hoạt. Dưới đây là một số lời khuyên cho bạn trong việc xử lý rác thải để có hiệu quả nhanh chóng và thân thiện với môi trường.
1. Thận Trọng Khi Xử Lý Rác Thải
Có gần 100 bãi chôn lấp rác tại Việt Nam, nhưng trong số đó chỉ có chưa đến 20 bãi rác được coi là vệ sinh, số còn lại gây nguy hiểm cho người lao động và người vô gia cư đang sinh sống bằng việc nhặt rác ở các nơi này và còn góp phần vào vấn nạn ô nhiễm không khí của đất nước.
Để tiến hành quản lý và xử lý rác thải sinh hoạt trong mỗi gia đình, một trong những điều đầu tiên các gia đình có thể thực hiện là giảm thiểu việc xử lý rác bằng cách hạn chế xả rác. Hãy thận trọng khi mua sắm và cố gắng hạn chế sử dụng bao bì không cần thiết, thay vào đó bạn có thể dùng túi vải đựng đồ để dùng được nhiều lần. Càng ít thải rác, chúng ta càng góp phần giúp cho môi trường Việt Nam được cải thiện.
Cách tốt nhất để làm xử lý rác thải sinh hoạt là giảm lượng rác được thải ra. Để làm điều này,bạn có thể sử dụng các bao bì tái sử dụng để sau khi dùng xong có thể bán cho người thu mua đồng nát.Nhiều sản phẩm tẩy rửa, vệ sinh bán trên thị trường có bao bì có thể được tái chế, do đó chúng vừa giúp bạn tiết kiệm thời gian xử lý rác thải mà còn thân thiện với môi trường, nhất là bạn còn có thể kiếm thêm một ít tiền tiêu vặt từ việc bán đồng nát nữa!
2. Lựa Chọn Chất Liệu Tái Sử Dụng và Phân Loại Rác Thải
Tất nhiên là bạn không thể nào hạn chế hoàn toàn việc phải dùng tới bao bì đựng đồ, do đó hãy cố gắng sử dụng các bao bì có thể tái chế được. Các loại rác thải có thể bán cho đồng nát giúp giảm việc xử lý rác trong mỗi hộ gia đình. Khi mua thực phẩm hoặc các chất tẩy vệ sinh, hãy lựa chọn các sản phẩm đựng trong hộp bìa carton hoặc chai nhựa tái chế.
Bạn có thể giảm một nửa công việc xử lý rác thải bằng cách mua sắm hợp lý, vừa giúp giảm rác thải vừa bảo vệ môi trường.
3. Phân Loại Rác
Để góp phần bảo vệ môi trường, điều quan trọng là bạn phải biết phân loại rác thải như thế nào cho đúng cách để chắc chắn các loại rác thải khác nhau được phân chia thành đúng loại. Người ta ước tính rằng hơn hai triệu tấn chất thải trong các bãi rác ở Việt Nam thực sự là những chất thải có thể thu gom đồng nát được.
Vì thế điều quan trọng nhất là bạn cần biết cách xử lý rác thải có thể tái chế và không thể tái chế. Khi phân loại chất thải, hãy bỏ các đồ có thể tái chế như thẻ nhựa, giấy, các đồ nhựa, kim loại, thủy tinh và vải vào một thùng rác riêng, ở xa thùng rác chứa rác thải sinh hoạt.
Các cách xử lý rác thải sinh hoạt gia đình:
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng khối lượng chất thải sinh hoạt hằng năm ở nước ta là 25 triệu tấn. Tuy nhiên, chỉ có 30% trong số đó là được xử lý hoặc sử dụng để sản xuất phân hữu cơ, còn lại là 70% chôn lấp trực tiếp.
Hiện nay có 2 phương pháp xử lý rác thải sinh hoạt an toàn cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường: sinh học và đốt trực tiếp. Hãy cùng Cleanipedia tìm hiểu ngay ở bài viết dưới đây nhé:
1. Xử lý rác thải bằng phương pháp sinh học
Đây là phương pháp xử lý rác thải sinh hoạt đơn giản và dễ thực hiện nhất, chủ yếu dựa vào sức người và thời gian chứ không phụ thuộc vào máy móc, công nghệ. Phương pháp này đặc biệt rất hiệu quả với các chất thải rắn hữu cơ, do thành phần này chiếm tỉ trọng lớn (từ 44-50% trọng lượng) nên có thể tận dụng để sản xuất phân hữu cơ.
Quá trình xử lý sinh học rác thải sẽ dựa vào hoạt động phân huỷ của vi sinh vật nhằm phân hủy các chất hữu cơ có trong rác. Để thúc đẩy quá trình phân hủy đó đạt hiệu quả cao và triệt để, bạn cần phải tạo các điều kiện và môi trường tối ưu cho những vi sinh vật tham gia phân huỷ. Xử lý rác thải bằng phương pháp sinh học hiện tại có 2 cách: ủ đống và chôn lấp.
Phương pháp ủ đống
Có thể xem ủ đống là một trong những cách xử lý đơn giản với quy mô nhỏ nhất. Rác thải sinh hoạt sẽ được ủ thành đống hoặc luống, nổi trên mặt đất hay chìm hẳn dưới hố, hoặc là nửa nổi nửa chìm. Đây là một quá trình ổn định sinh hóa các chất hữu cơ để chuyển đổi thành các chất mùn. Trong suốt quá trình ủ, oxy sẽ được tiêu thụ dần cho đến hết, và chuyển từ hiếu khí sang kị khí; nhiệt độ có thể dao động lên tới khoảng 60-70 oC.
Ngoài rác thải sinh hoạt, phương pháp ủ đống còn được áp dụng với những rác thải sản xuất của làng nghề, phế thải công nghiệp công nghiệp đường (bã thân cây mía), công nghiệp cà phê (vỏ hạt cà phê), công nghiệp giấy (phế liệu từ thực vật), phế thải nông nghiệp (rơm, rạ) và các loại phế thải chăn nuôi (phân và nước tiểu gia súc và gia cầm).
Quy trình ủ đống bao gồm các bước:
-
Khử nước.
-
Xử lý chất thải cho tới khi thành dạng xốp và ẩm.
-
Kiểm soát độ ẩm và nhiệt độ để đảm bảo chúng luôn trong trạng thái hiếu khí.
-
Rác thải phân hủy thành CO2, nước, các hợp chất hữu cơ…
Phương pháp chôn lấp
Đây là phương pháp lưu giữ rác thải trong bãi và có lớp đất phủ đất lên trên. Với cách xử lý rác thải sinh hoạt này, chất thải sẽ trải qua quá trình phân hủy sinh học và tạo thành các sản phẩm như axit hữu cơ, các hợp chất nitơ và một số các loại khí như CO2, CH4 …
Quy trình thực hiện phương pháp chôn lấp:
-
Bố trí, sắp xếp rác thải thành những lớp dày khoảng 40- 80 cm lên mặt đất, rồi sau đó nén chúng lại và tiếp tục trải những lớp khác lên.
-
Cứ mỗi lớp rác dày khoảng 2- 2,2 mét thì phủ một lớp đất dày từ 10- 60 cm lên trên rồi lại nén chặt lại. Lặp lại cho đến khi đạt độ cao 15 mét. Mỗi lớp như vậy là 1 ô rác.
2. Xử lý rác thải bằng phương pháp đốt
Phương pháp này được sử dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là đối với chất thải rắn độc hại công nghiệp, y tế…, giúp xử lý triệt để các tác nhân gây ô nhiễm có trong rác, không gây tốn diện tích. Tuy nhiên chi phí đầu tư cho phương pháp xử lý rác thải sinh hoạt này cao hơn so với phương pháp sinh học, đồng thời dây chuyền vận hành phức tạp, đòi hỏi tay nghề cao.
Quá trình này thường được thực hiện trong các lò đốt rác chuyên dụng ở nhiệt độ cao (từ 850 đến 1.100 oC). Phản ứng cháy sẽ liên tục được thực hiện, và nhiệt độ sẽ được duy trì bằng cách bổ sung năng lượng bằng điện hay nhiệt toả ra khi đốt cháy nhiên liệu như gas, dầu diezen…
Phương pháp thiêu đốt góp phần giảm bớt tới mức nhỏ nhất chất thải cho khâu xử lý cuối cùng là chôn lấp tro, xỉ. Ngoài ra, năng lượng phát sinh trong quá trình thiêu đốt có thể tận dụng cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiệt hoặc phát điện.
Có 2 công nghệ đốt: đốt cả đống và đốt tầng lỏng:
-
Công nghệ đốt cả đống: Rác thải sẽ được đưa vào khoang đốt với tốc độ chậm, khí sinh ra được đưa qua ống dẫn đến tuốc bin để sản xuất điện, sau đó qua các bộ phận giảm bớt sự ô nhiễm không khí và hủy bụi. Cuối cùng là qua ống khói và thoát ra bên ngoài.
-
Công nghệ đốt tầng lỏng: Rác thải sẽ được xử lý sơ bộ để phân thành từng lô có kích thước tương đồng nhau, sau đó được đưa vào một thùng sắt hình trụ có khả năng chịu nhiệt cao, trong thùng có chứa một lớp các chất trơ như cát silic, đá vôi, alumin, các vật liệu gốm đã được lỏng hóa nhờ khí nén ở mức cao.
3. Những lưu ý giúp bảo vệ môi trường khỏi rác thải:
-
Giảm lượng rác thải sinh hoạt bằng việc thay đổi một số thói quen hàng ngày như sử dụng túi tái sử dụng thay vì túi nilon hay tái sử dụng đồ nhựa.
-
Hãy mua sắm một cách thông minh – bạn nên lựa chọn các sản phẩm có hộp làm bằng chất liệu tái chế như bìa hoặc nhựa để dễ bán lại cho người thu mua đồng nát.
-
Chú ý phân loại rác thải trước khi bỏ vào thùng rác. Người ta ước tính rằng lượng rác thải có thể được tái chế nhưng không được phân loại ở các bãi rác đang gia tăng ở mức độ bùng phát.
>>> Xem thêm:
Tác giả: Team Cleanipedia
Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo.