Cách viết CV xin việc hấp dẫn nhà tuyển dụng

(News.oto-hui.com) – Ngày nay, thời đại công nghệ thông tin phát triển đã thúc đẩy xu hướng tìm việc online tăng cao. Và một loại vũ khí tối quan trọng trong quá trình săn việc online đó chính là một bản CV xin việc hấp dẫn. Làm cách nào để viết CV xin việc hấp dẫn nhà tuyển dụng? Câu trả lời sẽ có ngay bên dưới.

1. CV là gì?

CV là viết tắt của từ “Curriculum Vitae”. Mọi người thường xem CV là sơ yếu lý lịch nhưng CV không phải là tờ khai lý lịch tự thuật! CV là bản tóm tắt những thông tin về cá nhân, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng liên quan tới công việc mà ứng viên trình bày theo một phong cách riêng để “hấp dẫn” nhà tuyển dụng.

2. Các nội dung cơ bản mà một bản CV xin việc cần phải có:

a. Thông tin cá nhân đầy đủ:

Trong một bản CV xin việc, điều đầu tiên bạn cần lưu ý đó là để đầy đủ nội dung thông tin các nhân như: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, email, địa chỉ liên hệ, ảnh chân dung, vị trí muốn ứng tuyển,… Các thông tin này sẽ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng liên hệ với bạn để mời tới buổi phỏng vấn sau quá trình xem xét, xét duyệt hồ sơ.

Nên:

  • Địa chỉ email nghiêm túc, thường xuyên sử dụng.
  • Chèn ảnh phù hợp với vị trí ứng tuyển, nhìn thấy khuôn mặt trực diện.

Không nên:

  • Dùng email thiếu nghiêm túc. Ví dụ: [email protected]
  • Ảnh không nhìn thấy rõ khuôn mặt hoặc quay lưng về phía trước.

b. Nêu đầy đủ thông tin về Trình độ học vấn, chứng chỉ:

Bạn có thể liệt kê cấp học từ cao đẳng/ đại học trở lên, đề án, nghiên cứu khoa học nếu có,… Ngoài ra, các khóa học chuyên môn, nghiệp vụ mà bạn đăng ký học ở các trung tâm có thể là một điểm cộng cho CV của bạn.

  • Chú ý: Nên trình bày những phần có liên quan đến vị trí ứng tuyển, tránh liệt kê các chứng chỉ, khóa học không phù hợp.

c. Mục tiêu nghề nghiệp:
Là phần giới thiệu của ứng viên về những định hướng, mong muốn trên con đường phát triển sự nghiệp của bản thân ứng viên. Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ đánh giá cao những ứng viên biết lên kế hoạch và có mục tiêu rõ ràng cho sự nghiệp. (Tham khảo nguyên tắc SMART về xác định mục tiêu)

Nên:

  • Có thể chia ra thành mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Ví dụ: ngắn hạn như thành thạo công việc nào đó, dài hạn như cơ hội thăng tiến đến một vị trí cụ thể nào đó.
  • Mục tiêu hướng đến lợi ích công ty như tăng doanh số, mở rộng tập khách hàng,…

Không nên:

  • Viết mục tiêu chung chung như làm việc trong môi trường năng động, có thể học hỏi được nhiều,…
    Sao chép mục tiêu nghề nghiệp của người khác thành mục tiêu của bản thân.

d. Kinh nghiệm làm việc:

Đây là phần quan trọng nhất trong một CV xin việc hấp dẫn, bởi qua phần này thể hiện rõ được bạn có khả năng như thế nào và phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không?

Trình bày về quá trình làm việc của bạn đã trải qua như thế nào. Bạn đã từng làm việc công ty nào, đảm nhận vị trí nào, trách nhiệm chuyên môn là gì? (chia ra 3 mục: Thâm niên làm việc, Vị trí/ chức vụ công việc- tên doanh nghiệp).

Mô tả ngắn gọn về công việc chính, súc tích nhưng đầy đủ. Đồng thời, đưa ra thành tựu và kỹ năng hoặc kinh nghiệm đạt được trong quá trình làm việc.

Ví dụ:

  • Từ 09/2017- 07/2018: Cố vấn dịch vụ hãng Y =>Tiếp nhận khách, lập phiếu sửa chữa, theo dõi tiến độ sửa chữa, kiểm tra chất lượng, giao xe và tiễn khách.
  • Từ 10/2013- 08/2017: Kỹ thuật viên tại garage X =>Sửa chữa chuyên sâu điện, máy, gầm.

Nên:

  • Liệt kê theo thứ tự thời gian, công việc làm gần đây nhất nêu trước các công việc trước đó.
  • Chọn lọc các công việc ghi trong CV, nên có liên quan đến vị trí đang ứng tuyển.

Không nên:

  • Nêu các công việc làm ngắn hạn (nhỏ hơn 6 tháng) ngoại trừ khoá thực tập.
  • Đưa quá chi tiết những công việc nhỏ nhặt như (in tờ rơi, pha trà, ….).
  • Mô tả dài dòng, không phân chia ý.

Đối với các bạn sinh viên ít kinh nghiệm, có thể ghi thêm các HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM để thể hiện sự năng động trẻ trung của mình để nhà tuyển dụng nhận thấy ứng viên là người có thái độ tích cực với công việc tương lai, với cuộc sống và với mọi người xung quanh. Một người sống thân ái chan hòa sẽ thích hợp khi vào công ty của học: sẽ dễ hòa nhập, có thể làm việc nhóm và tương tác tốt với đồng nghiệp.

  • Ví dụ: kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, đàm phán,…; kỹ năng tin học văn phòng, sử dụng thành thạo phần mềm SolidWorks, AutoCad, Catia,…

e. Thông tin tham chiếu:

Nếu bạn đã có kinh nghiệm làm việc, thông tin tham chiếu là phần giúp nhà tuyển dụng xác nhận thông tin bạn cung cấp cho họ đúng hay sai. Tuy nhiên, bạn cần được phép của người được tham chiếu trước khi đưa thông tin liên hệ của họ vào trong CV của mình.

Chú ý:

  • Chia ra 3 mục: Họ tên, tên cơ quan, điện thoại, và cả email (nếu có).
  • Nên có người trong nhà trường và người ngoài thực tiễn .

3. Một số lưu ý khi viết CV xin việc hấp dẫn?

Một bản CV xin việc hấp dẫn cần trình bày ngắn gọn, cô đọng và rõ ràng từng nội dung, hãy cố gắng nêu bật các “điểm mạnh” của bạn thân ở vị trí mà mình ứng tuyển, để nhà tuyển dụng có thể dựa vào đó để đánh giá khả năng của bạn so với các ứng viên khác cùng ứng tuyển. Tuy nhiên, cũng không nên “khoa trương” các kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân nếu mình không có. Bởi lẽ, nếu bạn vượt qua vòng loại CV, nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ biết các thông tin bạn viết trong CV là không trung thực.

  • Hãy trung thực khi viết CV.

Độ dài lý tưởng cho mỗi CV thường là 1-2 trang giấy A4. Cũng đừng quá cứng nhắc trong việc viết CV, đôi khi việc lễ phép quá cũng làm mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Các bạn cứ mạnh dạn xưng “Tôi” trong CV, điều đó thể hiện bạn là người có bản lĩnh.


4. Tóm lại:

Đến đây chắc là bạn đã hiểu CV là gì, và cũng đã biết cách để tạo một bản CV xin việc hấp dẫn rồi phải không? Nếu như có câu hỏi hoặc góp ý nào liên quan đến CV thì đừng quên để lại bình luận của bạn trong phần dưới đây nhé. Chúc các bạn tìm được một công việc ưng ý!

Đình Thảo

Advertisement