Cách trồng Nấm rơm trong nhà đơn giản 13 ngày thu hoạch – Fao.org.vn
Cách trồng nấm rơm trong nhà không khó, có thể áp dụng mô hình nhỏ, đủ cung cấp cho một gia đình ăn. Bạn có thể tận dụng khoảng sân trống, góc nhà bếp hoặc bất cứ chỗ nào thông thoáng, có nhiệt độ ổn định thì đều được.
Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn bạn cách đơn giản nhất trồng nấm rơm tại nhà, từng bước với hình ảnh minh họa để bạn không cảm thấy khó khi mới bắt đầu.
Cách trồng nấm rơm tại nhà
1. Xử lý rơm trồng nấm
Đầu tiên, ta cần pha nước vôi với tỷ lệ 0,5kg vôi bột với 1 khối nước.
Nước dùng để ngâm rơm nên là nước mưa, nước giếng, không dùng nước máy vì chúng chứa chất tẩy rửa hoặc nếu dùng cần ngâm ít nhất một ngày.
Tiếp theo, cho rơm vào ngâm.
Giậm chân đều để rơm được ngập nước vôi.
Ngâm khoảng 2 tiếng đến 1 ngày rồi vớt rơm ra, gom thành đống để ủ.
Trùm bạt nilong màu đen bao bọc lại để tạo môi trường ủ tốt nhất cho rơm.
Ủ khoảng 3 ngày thì tiến hành đảo, cho phần rơm bên ngoài vào trong, bên trong ra ngoài, dưới lên trên, trên xuống dưới, gom thành đống và tiếp tục ủ thêm 3 ngày nữa là xong.
Để biết đạt chất lượng chưa, hãy dùng tay nắm chặt một nắm rơm, nếu thấy nước rĩ ra trên ngón tay thì đã đạt.
2. Xử lý meo nấm rơm
Meo nấm rơm chính là nấm giống, bạn có thể mua tại các trang thương mại điển tử, mình sẽ để link bên dưới để bạn tham khảo giá.
Sau khi mua về, cho meo nấm vào thau rồi đánh tơi.
Tiếp theo, cho lượng cám gạo vừa đủ vào trộn đều.
3. Cách trồng nấm rơm
Chuẩn bị một cái khay có khe hở ở các mặt như hình bên dưới.
Cho một lớp rơm vào đáy khay, nén đều và chặt. Có thể cuộn rơm thành từng cuộn như cuộn khăn, rồi đặt vài khay, chú ý chiều cọng rơm đặt song song với khay.
Tiếp theo, cho một lớp meo nấm vào quanh thành khay như hình bên dưới.
Rồi lại cho thêm một lớp rơm, mỗi lớp rơm lại rắc một lớp meo nấm quanh thành khay.
Ở lớp rơm trên cùng, rắc đều meo nấm lên khắp mặt khay như hình bên dưới. Có thể phủ lên một lớp rơm cực mỏng để bảo vệ lớp meo nấm trên cùng.
Dùng lồng gà úp lên, rồi bọc ngoài bằng nilong đen và tiến hành ủ tơ từ 5-7 ngày.
Sau 5-7 ngày ủ, tháo lồng ra quan sát, bạn sẽ thấy tơ nấm đã hình thành, trông giống mạng nhện như hình bên dưới.
Ủ tơ xong, tiến hành xả tơ, tức là tưới phun sương.
Chú ý phun mạnh, phun sát vào để nó đứt sợi tơ ra.
Sau khi tưới, lại ấp lồng gà và bọc nilong đen lại ủ như trước, nhưng lần này phải để một lỗ hổng cho có oxy vào và phải tiến hành tưới nước phun sương thường xuyên để duy trì môi trường ẩm cho nấm phát triển.
Hình ảnh bên dưới là kết quả sau 5 ngày xả tơ.
Nhớ rằng, sau mỗi lần phun sương lại bọc túi nilong lại, nhưng phải để lỗ hổng để có oxy vào. Nên đặt khay dưới tán cây cho nó có độ thoáng mát.
Đợi thêm 3 ngày nữa là có thể thu hoạch nấm rơm.
Nấm rơm được thu hoạch thành nhiều lần, khi quả thể đủ kích thước thì tiến hành hái.
Video: Hướng dẫn cách trồng nấm rơm tại nhà (kênh Youtube: Trồng Nấm Sạch Tại Nhà).
Cách chăm sóc nấm rơm
Độ pH: Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình thu nhận thức ăn của nấm rơm, độ pH thích hợp nhất là từ 7 đến 8. Bà con dùng giấy quỳ để đo độ pH.
Để điều chỉnh độ pH, trong quá trình ủ ta dùng giấy quỳ để kiểm tra mỗi ngày, nếu độ pH còn thấp thì tưới thêm nước vôi vào.
Nhiệt độ: Thích hợp nhất để nấm rơm hình thành quả thể là từ 28 đến 32 độ C. Nếu trồng trong nhà kín, nhiệt độ sẽ cao hơn bên ngoài do ít thông thoáng. Do đó, cần phải kiểm tra thường xuyên để kịp thời xử lý.
Nếu nhiệt độ cao, thì cần lưu thông gió cho nhà kín bằng các thiết bị lưu thông gió. Nếu trồng số lượng ít, đủ phục vụ bữa ăn gia đình, thì có thể dùng quạt để xử lý.
Có thể thiết kế mái che có khả năng chống lại tác động của nhiệt độ từ Mặt Trời.
Độ ẩm: Độ ẩm không khí có tác dụng điều hòa sự bốc hơi nước từ mô nấm và quả thể ra không khí. Độ ẩm thích hợp nhất là từ 80-100%. Độ ẩm quá thấp có thể khiến nấm bị teo đầu, sản phẩm không đạt chất lượng.
Xử lý bằng cách tưới nước phun sương để tăng cường độ ẩm, chú ý tưới phun sương hạt mịn để không làm đứt tơ nấm.
Không khí: Cần duy trì sự thông khí cho môi trường trồng, nếu trong nhà kín thì cần lắp đặt thiết bị đưa không khí vào.
Nước: Cần thường xuyên kiểm tra bề mặt rơm để biết độ khô mà kịp thời tưới phun sương khi cần thiết.
Lưu ý: Nguyên liệu trồng nấm rơm rất đa dạng, ngoài rơm bạn có thể dùng mùn cưa, bã mía, bẹ chuối khô, đay, bông gòn…
Trên đây là toàn bộ hướng dẫn của mình về kỹ thuật trồng nấm rơm tại nhà, áp dụng được cả trong nhà kín. Hy vọng bài viết bổ ích với bạn đọc!
Bài viết được tham khảo từ kênh Youtube của Nấm Sạch Cho Mọi Nhà, để xem video hướng dẫn mời bạn truy cập kênh.