Cách Spotify, Amazon và YouTube đang bóp nghẹt sự sáng tạo của các nghệ sĩ
Vào năm 2012, Jeff Bezos khi đang vẫn đang tại chức đã tuyên bố trong một lá thư gửi các cổ đông của Amazon rằng công ty mình đang phục vụ nhân loại bằng cách loại bỏ những “người gác cổng” kiểu cũ. Đó là thuật ngữ ám chỉ đối tượng như các nhà xuất bản sách, người thường đứng giữa các nhà văn và độc giả của họ.
Nhưng ngày nay, gần ba thập kỷ kể từ khi thành lập, Amazon đã thành công trong việc loại bỏ những “người gác cổng”, bằng cách tạo ra một “người gác cổng” mới thậm chí còn to lớn và quyền lực hơn. Đó chính là bản thân Amazon.
Hãy nghĩ về các sản phẩm nghệ thuật và văn hóa mà bạn đang tiêu thụ như sách, nhạc, phim và cả podcast. Bạn thường biết tên của những người sáng tạo và ghi công cho công việc của họ. Đó không phải là cuốn sách do Amazon viết ra, hay bài nhạc do Spotify soạn lời. Nhưng, mối quan hệ của bạn với tác giả hay những người sáng tạo nội dung, mà cụ thể hơn ở đây là sự hỗ trợ tài chính của bạn dành cho họ, lại không đơn giản như vậy.
Rebecca Giblin, giáo sư tại Trường Luật Melbourne, và Cory Doctorow, nhà hoạt động công nghệ, đã mô tả thị trường sáng tạo không phải là đường cao tốc hai chiều trong cuốn sách mới của mình. Thay vào đó, họ gọi nó là đồng hồ cát, với các tác giả, nhạc sĩ và nghệ sĩ tại một đầu và người tiêu dùng ở đầu bên kia. Nằm ở chính giữa chiếc đồng hồ cát là những nhà tư bản, ví dụ như Amazon, Spotify, YouTube, Apple, Google… và các công ty tương tự đang kiếm tiền bằng cách tính phí “thuê” cho bất kỳ ai muốn sử dụng dịch vụ của họ. Các công ty này khác với những người trung gian tiêu chuẩn trong quá khứ thường kiếm lời giữa việc mua đi và bán lại, bởi vì họ đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn các kênh mà những tác phẩm văn hóa có thể tiếp cận khán giả của mình.
Từ quan điểm của người tiêu dùng, sẽ hơi khó để bạn nhận ra vấn đề này. Sách trên Amazon hay Tiki (ở Việt Nam) rẻ và có thể giao đến tay bạn một cách nhanh chóng. Spotify cung cấp hàng chục triệu bài hát và podcast với mức giá thuê bao mỗi tháng thấp hơn so với số tiền chúng ta từng trả cho một đĩa CD. Nhưng đối với những người sáng tạo và các nhà tư bản đầu mối – một cách nói khác về các công ty kiểm soát quyền truy cập vào tác phẩm của họ – thì những nền tảng này là một cơn ác mộng về sự bóc lột.
Bởi các nền tảng này không chỉ cung cấp phương tiện để người sáng tạo và khán giả trao đổi nghệ thuật và tiền bạc, mà họ cung cấp một trong những phương tiện duy nhất mà qua đó sự trao đổi đó có thể xảy ra. Điều này đồng nghĩa họ có quyền áp đặt mức giá thấp cho các tác phẩm nghệ thuật và hớt đi phần lớn lợi nhuận mà tác phẩm nghệ thuật đó có thể tạo ra.
Xu thế đang ngày một lan rộng và bạn có thể thấy các công ty tập trung quyền lực này xuất hiện ở mọi ngành nghề. Nếu nơi đâu chưa có sự xuất hiện của họ, thì đây chính là dấu hiệu cảnh báo đó chỉ là vấn đề thời gian.
Các nghệ sĩ, nhạc sĩ đang ngày càng yếu thế trước các nền tảng phát nhạc.
Một trong những dấu hiệu sớm nhất cho thấy Amazon sẽ sử dụng quyền lực của mình một cách tàn bạo như thế nào vào tháng 5/2004, khi Melville House, một nhà xuất bản sách độc lập và non trẻ, thấy mình rơi vào tình thế khó xử. Để bán sách của mình trên Amazon, Melville được thông báo rằng họ cần phải trả phí để quảng cáo các đầu sách của mình trên trang web của Amazon và trong các thuật toán của nó. Nhưng Melville từ chối. Một trong những người đồng sáng lập của nhà xuất bản, Dennis Johnson, thậm chí còn công khai chỉ trích Amazon vì đã bắt nạt các nhà xuất bản khi giữ lại các thông tin bán hàng, gọi chiến thuật của họ là ” tống tiền”. Ngay ngay hôm sau, nút “Mua” biến mất khỏi tất cả sách của Melville trên Amazon.
Chỉ có 8% doanh thu của Melville đến từ Amazon, nhưng Johnson nói đây là một cái giá quá đắt, và rồi ông phải chấp nhận phục tùng. “Tôi đã trả khoản hối lộ đó, và những cuốn sách lại xuất hiện”, ông chia sẻ. Giblin và Doctorow mô tả việc Amazon loại bỏ Melville như một ví dụ ban đầu về “chủ nghĩa tư bản bị tắc nghẽn”.
Các nhạc sĩ hầu như cũng không ở vào tình cảnh tốt hơn. Spotify tuyên bố sẽ hoạt động theo sứ mệnh đã nêu của mình là “mở khóa tiềm năng sáng tạo của con người… bằng cách mang đến cho một triệu nghệ sĩ sáng tạo cơ hội được sống nhờ nghệ thuật của họ”. Nhưng những gì Spotify thực sự làm, chẳng khác gì vai trò là “người gác cổng giữa nhạc sĩ và người nghe”.
Spotify là nền tảng chiếm tới một phần ba lượng phát trực tuyến nhạc trên hành tinh và việc bài hát của một nghệ sĩ xuất hiện trên một trong những danh sách phát phổ biến của nó có thể tạo nên hoặc phá vỡ sự nghiệp của họ. Công ty này đang ở một vị trí cực kỳ quyền lực khi ngồi xuống đàm phán số tiền họ trả cho các hãng âm nhạc để được cấp phép nội dung. Điều đó không tốt cho các hãng thu âm và sản xuất âm nhạc, đó là điều chắc chắn. Nhưng mọi thứ còn tệ hơn nhiều đối với các nghệ sĩ, những người buộc phải chấp nhận bất kỳ điều khoản nào mà các hãng quản lý của họ đồng ý ký trong tuyệt vọng.
Zoë Keating, một nhà soạn nhạc và nghệ sĩ cello độc lập, người đã chia sẻ công khai thu nhập trên Spotify của mình. Vào tháng 9/2019, Keating đã kiếm được 753 USD từ nền tảng này. Điều đó nghe có vẻ ổn, cho đến khi bạn biết rằng người nghe trên Spotify đã phát các bài hát của cô ấy hơn 200.000 lần trong tháng đó.
Khoản thu nhập này thậm chí còn nhỏ hơn đối với các nghệ sĩ đã ký hợp đồng với hãng, khi Giblin và Doctorow ước tính rằng họ có thể mang về nhà 0,0009 USD khoản tiền trước thuế, cho một lần phát nhạc nếu họ đã đảm bảo các điều khoản về tiền bản quyền.
“Đối với những nghệ sĩ bị ràng buộc trong các hợp đồng có tuổi đời hàng chục năm, có thể phải mất một trăm nghìn lượt nghe mới đủ để mua một chiếc bánh pizza 20 USD”, hai tác giả viết trong cuốn sách của mình.
YouTube, một trong những ứng dụng được sử dụng rộng rãi nhất để cung cấp dịch vụ âm nhạc trên thế giới, cũng không thân thiện hơn với các nghệ sĩ là bao. Bất kể nền tảng nào, hầu hết những người sáng tạo đều phải đối mặt với một đề xuất đầy thua lỗ. Họ buộc phải hoạt động vô hình hoặc về cơ bản là làm việc gần như miễn phí.
Johnson cảm thấy xấu hổ khi buộc phải trả một khoản “hối lộ” cho Amazon mặc dù công ty này chỉ mang lại 8% doanh số bán sách của Melville. Con số 8% không mang vẻ độc quyền. Thị phần 31% của Spotify trong lĩnh vực phát trực tuyến nhạc cũng vậy.
Nhưng, Amazon và Spotify không bán sách và nhạc do chính họ tạo ra. Thay vào đó, với tư cách là người nắm điểm mấu chốt của thị trường, sức mạnh của họ nằm ở quyền lực của họ với tư cách là người mua. Đòn bẩy của họ không đến từ độc quyền mà từ “độc quyền mua bán”, thuật ngữ chỉ một thị trường trong đó “người mua có quyền đối với người bán”, như cách Giblin và Doctorow mô tả. Với tư cách là tác giả (hoặc nhà xuất bản), nếu bạn không bán sách của mình trên Amazon – và chấp nhận bất kỳ điều khoản nào mà Amazon yêu cầu bạn làm – thì phần lớn độc giả tiềm năng của bạn thậm chí sẽ không biết sách của bạn tồn tại. Và với một nhà xuất bản, khi một người mua nắm giữ 10 hoặc 20% doanh số bán hàng, thì tức là họ có thể đã có quyền lực đáng kể.
Điều gì đúng với Amazon trong lĩnh vực xuất bản hay Spotify và YouTube trong lĩnh vực âm nhạc thì cũng đúng với vô số lĩnh vực và ngành công nghiệp khác, không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật. Nói một cách đơn giản, các nút thắt kinh tế không khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo, mà ngược lại kiểm soát chúng bằng cách tập trung quyền lực vào tay một số ít người. Và chúng đang có mặt ở khắp mọi nơi.
Hãy nghĩ tới trường hợp của một bác sĩ mà con đường duy nhất dẫn đến sự nghiệp y tế của cô ấy là làm việc tại bệnh viện duy nhất trong thị trấn. Nhưng bệnh viện này thuộc sở hữu của một công ty cổ phần tư nhân, chuyên trục lợi bằng cách bắt nhân viên làm việc quá sức và trả lương thấp. Các nhân viên của họ sẽ buộc phải chấp nhận bất kỳ mức lương theo giờ và điều kiện làm việc nào mà ông chủ của họ tình cờ đưa ra.
Bạn sẽ không thể mong đợi mọi thứ thay đổi, bởi điều mà nhiều giám đốc điều hành của các công ty này thực sự tìm kiếm, cũng như điều mà các nhà đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm mong muốn, là các phương pháp mới để bóp nghẹt cạnh tranh và thao túng thị trường theo hướng có lợi cho họ, cũng như bảo vệ các công ty đương nhiệm khỏi những mối đe dọa tiềm tàng.
Cho dù đó là trong lĩnh vực xuất bản hay ứng dụng, một khi công ty nào đó đã tạo ra điểm nghẽn và thiết lập quyền kiểm soát đối với giao dịch giữa người mua và người bán, thì hầu như tại đó họ không thể có đối thủ cạnh tranh tiềm năng.
Vậy câu hỏi đặt ra bây giờ là giữa sự dễ dàng của Amazon cùng YouTube, hay sự tiện lợi của Spotify và việc đòi hỏi phải hy sinh sinh kế và hạnh phúc của những người sáng tạo, bạn muốn chọn bên nào?
Tham khảo Atlantic