Cách phòng ngừa và giảm triệu chứng chóng mặt
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh An Thiên – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Chóng mặt là cảm giác khó chịu ai cũng từng gặp một lần trong đời. Đối với chóng mặt kịch phát tư thế lành tính, triệu chứng chóng mặt xảy ra đột ngột với mức độ dữ dội, khiến người bệnh hoang mang, sợ hãi, làm giảm chất lượng cuộc sống. Đối với chóng mặt do nguyên nhân trung ương, người bệnh còn có các tổn thương não đi kèm, di chứng lâu dài về sau. Chính vì thế, việc nhận biết khi bị chóng mặt nên làm gì cũng như cách phòng ngừa chóng mặt là rất quan trọng.
Nội Dung Chính
1. Phòng ngừa chóng mặt ngoại biên
Chóng mặt ngoại biên xảy ra khi có những tổn thương trong hệ thống tiền đình nằm trong ốc tai. Dạng chóng mặt này có mức độ rất dữ dội, thường xuyên lặp đi lặp lại, đôi lúc còn kèm theo buồn nôn, nôn ói và đặc biệt nặng nề hơn khi người bệnh xoay đầu, di chuyển.
Trong đó, chóng mặt kịch phát lành tính là bệnh lý thường gặp nhất. Tuy nhiên, thực sự đúng như tên gọi của nó, nếu người bệnh biết cách phòng tránh các yếu tố khởi kích, tuân thủ sử dụng thuốc ổn định tiền đình và thực hiện các nghiệm pháp tái lập vị trí ống bán khuyên như trình bày sau đây, các triệu chứng của chóng mặt này sẽ thuyên giảm và hoàn toàn vô hại.
Các biện pháp phòng ngừa chóng mặt ngoại biên gồm:
1.1. Tránh thay đổi tư thế quá đột ngột và quá nhanh
Người bệnh phải luôn ghi nhớ không được thay đổi tư thế đột ngột một cách nhanh chóng. Cụ thể là khi chuyển từ tư thế nằm để ngồi dậy, đứng dậy hay xoay đầu, cúi và ngửa đầu cũng phải thực hiện từ tốn, chậm rãi. Tốt nhất nên nhắm mắt lại để hạn chế thị giác thu nhận những tín hiệu thay đổi không gian, giảm kích thích tiền đình. Sau khi xác lập tư thế tại vị trí mới thì từ từ mở mắt ra.
Nếu nhận thấy các cơn chóng mặt thường xảy ra lúc thức dậy, thì khi ngủ nên sử dụng nhiều gối để kê đầu được ngay ngắn, nên nằm ngửa, tránh nghiêng về một bên.
Bên cạnh đó, không nên ngồi ghế xoay hay ghế có tựa đầu ngửa ra phía sau quá mức, hạn chế động tác nghiêng, cúi người quá mức như để nhặt đồ lên, thắt dây giày.
1.2. Sử dụng thuốc
Các nhóm thuốc có thể hỗ trợ điều chỉnh chóng mặt trong các cơn cấp tính cũng như thuyên giảm triệu chứng buồn nôn, nôn.
Nhóm thuốc kháng histamine chỉ nên dùng khi bệnh nhân chóng mặt dữ dội mà không thuyên giảm nhiều sau ổn định tư thế. Một số loại thuốc an thần có thể bổ sung nếu người bệnh quá kích thích, lo lắng, sợ hãi.
Tuy nhiên, các thuốc tác động trên hệ thần kinh trung ương sẽ có tác dụng phụ buồn ngủ, lừ đừ, chóng mặt khó hết hoàn toàn. Vì thế, chỉ nên dùng khi thực sự thấy cần thiết và tuân thủ liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
1.3. Bài tập luyện cho hệ tiền đình
Hiện nay, việc điều trị chóng mặt kịch phát lành tính có khuynh hướng không dùng thuốc mà áp dụng các bài tập tái lập vị trí hạt sỏi trong ống bán khuyên, giúp hệ tiền đình hồi phục và thích nghi với sự dịch chuyển trong không gian của cơ thể.
Các bài tập có thể tiến hành ngay tại phòng khám với sự hỗ trợ của các bác sĩ vật lý trị liệu hoặc người bệnh tự tập tại nhà. Nếu thực hiện đúng cách và kiên nhẫn, các triệu chứng khó chịu sẽ cải thiện đáng kể.
1.4. Các điều trị khác
Khi xảy ra cơn chóng mặt, cần bình tĩnh, nhắm mắt, hạn chế xoay đầu và tìm tư thế thích hợp để nghỉ ngơi. Nếu có cảm giác buồn nôn, nên kìm nén bằng cách hít thở sâu và tập trung vào nhịp thở. Chỉ cần tuân thủ như vậy, cơn chóng mặt sẽ nhanh chóng thuyên giảm trong vài phút.
Không tự mình đi lại xa, làm việc nặng, leo trèo, điều khiển xe cộ hay máy móc khi bị chóng mặt. Bởi vì những việc này càng gây khởi kích cơn chóng mặt nặng nề và kéo dài hơn, thậm chí có thể gây tai nạn cho chính mình cũng như người khác.
Giữ không gian trong phòng, lối đi thông thoáng, tránh để vật dụng lộn xộn, bừa bãi.
Gắn thêm thanh cầm dọc theo cầu thang, trong bồn tắm và nhà vệ sinh để người bệnh có thể men theo khi đột ngột bị chóng mặt.
2. Cách phòng ngừa chóng mặt trung ương
Khác với chóng mặt ngoại biên, chóng mặt trung ương là do những tổn thương trong chính não bộ. Tùy theo từng bệnh lý, như đột quỵ não, xuất huyết não, u tân sinh, nhiễm trùng, xơ cứng rải rác, đau nửa đầu Migraine hay động kinh… người bệnh sẽ được lên kế hoạch điều trị cụ thể. Trong đó, nhóm nguyên nhân do mạch máu não như đột quỵ não, cơn thoáng thiếu máu não hay xuất huyết não là phổ biến nhất. Do vậy, việc điều trị và phòng ngừa cũng tương tự các bệnh lý tim mạch nói chung, tức là cần phải uống thuốc lâu dài, thăm khám định kỳ và dự phòng các tổn thương tái phát về sau. Chi tiết của từng chiến lược phòng ngừa chóng mặt trung ương như sau:
2.1. Kiểm soát tốt huyết áp
Kiểm soát tốt huyết áp chính là kiểm soát tốt áp lực dòng máu trong lòng động mạch, tránh để tăng quá cao hay tụt thấp vì đều dẫn đến những tình trạng nguy hiểm. Huyết áp tăng cao đột ngột làm bóc tách các mảng xơ vữa, lấp mạch gây nhồi máu não hay làm vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não. Huyết áp tụt thấp làm máu tưới đến não suy giảm, gây chóng mặt, choáng váng, dễ té ngã và rối loạn nhận thức.
Để kiểm soát huyết áp không có gì thay thế được việc dùng thuốc huyết áp đều đặn mỗi ngày nếu đã được chẩn đoán là tăng huyết áp. Đồng thời, biết cách tự theo dõi huyết áp của mình tại nhà cũng là điều vô cùng cần thiết.
2.2. Điều chỉnh rối loạn lipid máu và ổn định đường huyết
Nồng độ mỡ máu cao và bệnh đái tháo đường là các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Tương tự như tăng huyết áp, các bệnh lý này đều là bệnh mạn tính, cần phải tuân thủ điều trị, dùng thuốc suốt đời.
Bên cạnh đó, bản thân người bệnh cũng cần có thái độ kiêng cữ phù hợp, tránh tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu chất béo, mỡ động vật, chất đường bột, bánh ngọt…
2.3. Vận động cơ thể, luyện tập thể thao
Có thói quen luyện tập thể dục thể thao phù hợp, điều độ thường xuyên sẽ giúp giữ cho động mạch đàn hồi tốt, thậm chí ở những người lớn tuổi, giúp đảm bảo lưu lượng máu và huyết áp ở mức bình thường.
Các bác sĩ luôn khuyên mỗi người nên dành ít nhất 30 phút để tập thể dục mỗi ngày, từ đó cũng sẽ giữ cân nặng hợp lý, hoặc giảm cân (đặc biệt là ở vùng bụng) đối với những người thừa cân, béo phì và tăng cường sự dẻo dai cho các cơ bắp.
2.4. Xây dựng lối sống tích cực, lành mạnh
Người bệnh cần uống đủ nước mỗi ngày, chế độ dinh dưỡng cân đối, đa dạng, giàu vitamin và khoáng chất; ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi điều độ, suy nghĩ lạc quan; tránh nóng giận, lo âu, phiền muộn; tránh uống cà phê, bia rượu, nước giải khát có gas; bỏ hút thuốc và tránh xa tiếp xúc với khói thuốc lá.
Chóng mặt là cảm giác khó chịu rất thường gặp. Có dạng chóng mặt chỉ là cơn thoáng qua và khỏi hoàn toàn, có dạng chóng mặt lại kèm theo các tình trạng nặng nề khác, để lại di chứng về sau. Dù cho là nguyên nhân nào, nắm được các thông tin về phòng ngừa chóng mặt và kiên trì áp dụng sẽ giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.