Cách Làm Tổ Yến: Hướng Dẫn Sơ Chế (Làm Sạch Lông) Hiệu Quả

CÁCH 1 –   SƠ CHẾ, LÀM SẠCH LÔNG TỔ YẾN BẰNG PHƯƠNG PHÁP NGÂM NƯỚC

Đây là phương pháp đang được sử dụng phổ biến bởi người tiêu dùng hiện nay. Nó không quá phức tạp. Bạn chỉ cần kiên trì thực hiện nhiều lần thì thời gian sơ chế sẽ ngày càng được rút ngắn.

Dưới đây là quy trình thực hiện:

Chuẩn Bị

    • Tổ yến thô

    • 1 Nhíp chuyên dụng

    • 1 Rây hoặc Rổ lưới có lỗ nhỏ

    • 1 Muỗng (thìa)

    • 1 Thau nước

(*) Làm sạch các vật dụng trước khi chế biến

Các Bước Thực Hiện

Bước 1 – Làm mềm tổ yến

Ngâm tổ yến trong nước khoảng từ 1 – 2 giờ cho đến khi sợi yến tơi ra. Thời gian ngâm nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào độ dày mỏng và độ già của yến.

ngâm tổ yến còn lông trong nước

Lưu ý:

    • Độ dày mỏng của tổ yến thường không đều (dày và cứng nhất là 2 bên chân yến) nên khi ngâm sẽ có hiện tượng chỗ mềm trước chỗ mềm sau. Do đó, bạn nên kiểm tra thường xuyên và thực hiện sơ chế ngay những phần đã mềm và tơi ra. Tránh để yến bị nhão vì sẽ giảm độ ngon của món ăn.

    • Yến huyết và hồng yến thường có thời gian ngâm lâu hơn so với Bạch yến.

    • Không được sử dụng nước nóng hoặc bất kì một một chất tẩy rửa nào khác, kể cả là rượu và dầu ăn như một số truyền miệng.

Bước 2 – Làm sạch (nhặt) lông có kích thước lớn

Sau khi tổ yến đã tơi ra, bạn rửa lại một lần bằng nước sạch và vớt ra dĩa có màu trắng để thuận tiện hơn cho việc phát hiện lông yến. Dùng nhíp chuyên dụng nhặt các lông có kích thước lớn, dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường.

nhặt lông ra khỏi tổ yến

Bước 3 – Làm sạch (nhặt) lông tơ

Vì lông tơ thường rất nhỏ và khó quan sát nên việc có nhặt sạch được chúng hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm, khả năng tập trung và độ tỉ mỉ của bạn. Bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian trong những lần đầu sơ chế. Nhưng khi đã có kinh nghiệm và quen tay quen mắt thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

nhặt sạch lông tơ ra khỏi tổ yến

Sau khi đã hoàn thành bước 2, bạn tiếp tục thực hiện:

    • Rửa lại bằng nước sạch, sau đó tách tổ yến ra thành từng sợi rồi cho vào rây hoặc rổ lưới. Đặt rây vào thau nước sạch, dùng muỗng khuấy nhẹ, rồi nhấc rây lên xuống và lắc mạnh để lông tơ đi theo nước ra ngoài. Thay nước và làm lại vài lần cho đến khi sạch lông.

    • Đối với những lông tơ cứng đầu (bám dính chặt), bạn có thể sử dụng vòi nước xịt mạnh vào yến để xử lý.

    • Sau khi yến đã sạch bạn bỏ ra lại dĩa trắng. Quan sát kĩ lần cuối và loại bỏ một số ít lông hoặc tạp chất còn dính lại. Lúc này bạn đã có thể bắt đầu chế biến những món ăn mình thích rồi đấy.

Lưu ý:

    • Bạn nên thực hiện sơ chế yến vào ban ngày hoặc trong điều kiện có nhiều ánh sáng. Khi thực hiện gắp bỏ lông bằng nhíp chuyên dụng, bạn có thể tách lông ra khỏi nhíp bằng cách nhúng vào nước sạch (lông thường sẽ dính vào nhíp sau khi được gắp ra khỏi tổ yến).

    • Trong quá trình sơ chế sẽ có một số sợi yến rơi ra khỏi rây vào thau nước. Bạn có thể kiểm tra để tránh lãng phí.

Bước 4 – Bảo quản

Trong trường hợp yến đã sơ chế còn dư (không chế biến hết), bạn có thể bảo quản ở nhiệt độ thấp trong khoảng 1 tuần. Đựng yến đã ráo nước bằng hộp hoặc các vật dụng có nắp đậy, sau đó cất giữ trong ngăn mát của tủ lạnh.

Một Số Ưu Điểm & Nhược Điểm

Ưu điểm: Loại bỏ hầu hết được các tạp chất và lông yến. Thời gian thực hiện ngắn hơn so với cách 2.

Nhược điểm: Hàm lượng dinh dưỡng có trong tổ yến thường sẽ bị hao hụt khi ngâm trong nước. Dù mức độ hao hụt không lớn nhưng đây vẫn là nhược điểm khó khắc phục của phương pháp này.

Ngoài ra như đã nói ở bước 1, vì độ dày mỏng của tổ yến không đều nên bạn sẽ phải tốn nhiều công sức để thường xuyên kiểm tra và thực hiện sơ chế kịp thời.