Cách làm giò thủ ngon, giòn thơm, ăn không ngán, ai cũng mê
Nội Dung Chính
Cách làm chả thủ ngon: Ướp hỗn hợp tai, mũi, lưỡi
Cho tai, mũi, lưỡi heo vào thố lớn, ướp với chút nước mắm, hạt nêm, đường, bột ngọt, tiêu. Lưu ý, chỉ ướp một lượng gia vị vừa phải để tránh món giò thủ bị mặn, khi xào giò sẽ nêm thêm nếu chưa vừa miệng. Bạn đảo thật kỹ để hỗn hợp thấm đều gia vị và ướp khoảng 20 – 30 phút cho ngấm đều.
Xào giò đúng cách để làm giò thủ ngon
- Bắc chảo lên bếp, chảo nóng cho dầu ăn vào phi với ít hành, tỏi băm để dậy mùi thơm. Trút nấm mèo vào xào nhanh tay với ít muối, tiêu. Sau đó, trút nấm mèo ra đĩa để riêng.
- Thêm dầu ăn và hành tỏi vào phi đến khi dậy mùi thơm, cho hỗn hợp tai, mũi, lưỡi vào xào. Xào trên lửa vừa và đảo đều tay liên tục để không bị cháy. Nêm nếm lần nữa cho hỗn hợp thấm gia vị. Khi hỗn hợp tai, mũi, lưỡi săn lại và tươm mỡ, cho nấm mèo vào đảo nhanh tay, tắt bếp. Không nên xào quá chín vì giò sẽ bị khô, mất đi độ béo cần thiết của món giò thủ.
Gói giò – bước cuối trong cách làm giò thủ ngon
Cách gói giò bằng lá chuối
- Trải dây buộc giò lên một mặt phẳng (bàn hoặc mâm), xếp nhiều lớp lá chuối chồng lên nhau. Đổ hỗn hợp đã xào vào chính giữa rồi gấp hai mép lá lại với nhau, gấp xuống, bẻ gấp thêm lần nữa (gói lại như gói bánh tét), kéo dây cột sơ lại.
- Tiếp theo, bẻ một đầu cây giò lại, cho tựa xuống bàn, ấn từ từ sao cho phần giò xào nén chặt lại và tròn đều, rồi bẻ gốc gấp lại, buộc dây cho chắc, sau đó quay đầu còn lại và làm tương tự như đầu kia sao cho cây giò tròn đều. Cuối cùng, dùng dây buộc đều trên thân cây giò thật chặt. Kẹp cây giò thủ vào giữa 2 thanh gỗ dẹp có bề ngang khoảng 3 – 5cm và dùng dây buộc chặt để ép giò. Lưu ý là bạn nên dùng tô hoặc đĩa sâu lòng để hứng mỡ chảy ra từ cây giò.
Cách làm giò thủ ngon: gói giò bằng khuôn ép
Bạn đổ phần nguyên liệu làm giò thủ đã xào vào khuôn. Bạn nén giò xuống thật chặt, nhớ dùng đĩa sâu lòng hoặc tô hứng phần mỡ chảy ra từ giò. Việc ép giò bằng khuôn sẽ giúp giò chắc tay và có thể bảo quản được lâu. Đợi hỗn hợp nguội, bạn cho cây giò vào ngăn mát tủ lạnh trong khoảng 6 – 8 giờ để thịt đông kết lại với nhau, miếng giò được chắc. Sau đó, tháo cây giò ra khỏi khuôn, cất trong hộp kín hoặc dùng nilông, màng bọc thực phẩm bọc lại để bảo quản.
Trình bày và thưởng thức giò thủ
- Cắt giò thủ thành khoanh có độ dày vừa phải rồi thái thành từng miếng vuông nhỏ như quân cờ hoặc hình tam giác hay thanh dài tùy thích.
- Giò thủ ăn cùng dưa hành hay dưa kiệu, dưa món sẽ rất ngon.
- Giò thủ ăn rất ngon miệng vì được làm từ đầu heo nên rất béo. Do đó, bạn chỉ nên ăn một lượng hạn chế nhằm tránh tăng cân, dư cholesterol gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Bạn có thể quan tâm: Cách làm mứt bí đao thơm mát, ngọt vừa lại ngon miệng.
Mẹo cho cách làm giò thủ ngon
- Nếu không biết gói giò bằng lá chuối hoặc không có sẵn khuôn ép giò, bạn có thể dùng chai nhựa có đường kính phù hợp để gói và ép giò. Để thực hiện, bạn cắt bỏ hai đầu chai, rửa sạch, hong khô. Lồng 2 bịch nilông vào nhau rồi lồng vào lòng chai, đổ thịt đã xào vào, dùng tay ấn cho thịt thật chắc. Đặt đứng chai trên mặt phẳng, dùng vật nặng đè lên chai cho giò chắc hơn nữa. Giò nguội, cất cây giò vào ngăn mát tủ lạnh để thịt đông kết với nhau.
- Thời hạn bảo quản giò thủ cất trong ngăn mát tủ lạnh tối đa là khoảng 5 – 7 ngày. Khi thấy bề ngoài cây giò thủ có nhớt, bạn nên bỏ đi vì lúc đó giò thủ đã thiu.
- Miếng giò thủ ngon phải đạt được các yêu cầu như gia vị nêm vừa phải, miếng giò giòn, thơm và có đủ độ béo. Về màu sắc, giò có màu hơi hồng của phần lưỡi heo xen lẫn sọc trắng của sụn tai và màu nâu đen của nấm mèo nổi bật trên phần mỡ đông màu trắng ngà.
- Đặc trưng hương vị của ẩm thực miền Bắc là không nêm đường vào thức ăn. Do đó, nếu gói giò theo hương vị ẩm thực miền Bắc, bạn không nên nêm đường vào hỗn hợp làm giò.
- Tai heo to thường là heo già, sụn cứng. Do đó, để món giò thủ ngon có độ giòn vừa phải, bạn nên chọn tai heo cỡ vừa.