Cách làm giảm sưng, bầm tím cho trẻ bị ngã đập đầu phía trước
Trẻ nhỏ dễ bị ngã đập đầu và để lại các tổn thương dễ thấy như các vết bầm tím, sưng u. Cha mẹ cần làm gì để có thể làm giảm sưng đau và mờ các vết bầm tím trên trán cho trẻ. Hãy tham khảo ngay các cách làm bên dưới đây để có thể giúp bé bớt đau và nhanh khỏi hơn nhé.
10 triệu++ trẻ em tại 108 nước đã giỏi tiếng Anh như người bản xứ & phát triển ngôn ngữ vượt bậc qua các app của Monkey
Nội Dung Chính
Xử lý vết xước, chảy máu nhẹ khi trẻ ngã đập đầu về phía trước
Khi bị ngã đập đầu, tùy vào các yếu tố như độ cao nơi trẻ bị ngã, yếu tố vật cản khi bé bị va đập hay bề mặt mà bé bị ngã đập đầu mà mức độ tổn thương mà trẻ gặp phải sẽ khác nhau. Tuy nhiên, đa số các ca trẻ bị ngã đều bị nhẹ, để lại tổn thương không quá nguy hiểm. Trẻ có thể bị các vết xước hay bị chảy máu nhẹ. Cha mẹ cần làm gì trong tình huống này? Các bước xử lý các vết xước cho trẻ ngăn ngừa nhiễm trùng như sau:
Bước 1: Khử trùng
Với các vết xước nhỏ, cha mẹ cần tiến hành khử trùng cho bé để có thể ngăn ngừa nhiễm trùng cho trẻ. Sử dụng khăn sạch thấm nước lau qua vết thương cho trẻ, có thể dùng nhíp gắp các dị vật dính trên da của trẻ (nếu có), sau đó dùng nước muối sinh lý rửa sạch vết thương của trẻ sau đó thấm khô. Có thể sử dụng thuốc sát trùng tại các vết thương của trẻ sau đó để trẻ được nghỉ ngơi, hạn chế tác động vào vết thương, tránh làm nhiễm trùng.
Bước 2: Băng bó
Với vết thương hở, cha mẹ có thể tiến hành băng bó cho trẻ sau khi khử trùng để bảo vệ trẻ tốt hơn. Dùng băng gạc y tế băng nhẹ che lên vết thương, không nên băng quá chặt ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu. Nên băng sao cho mép băng trùm ra phía ngoài vết thương khoảng 2cm là hợp lý. Nhờ có lớp băng bó này mà vết thương của trẻ sẽ tránh được những các tác động bên ngoài như bụi bẩn hay vi khuẩn, hạn chế được các va chạm không đáng có, từ đó giúp nhanh lành hơn. Tuy nhiên cha mẹ cần kiểm tra và thay băng thường xuyên cho trẻ, có thể đặt 1 lớp gạc lên vết thương trước khi băng để hạn chế việc băng gạc dính chặt vào vết thương gây đau cho trẻ.
Bước 3: Cầm máu
Trong một số trường hợp trẻ bị ngã đập đầu phía trước khiến bé bị chảy máu, cha mẹ cần tiến hành thực hành cầm máu cho trẻ bằng cách sử dụng băng gạc ép chặt vào vết thương. Giữ tay lực vừa phải tại vị trí bị chảy máu cho đến khi máu ngừng chảy rồi tiến hành các bước khử trùng và băng bó như thông thường.
Các cách làm giảm sưng, bầm tím cho trẻ khi ngã đập đầu về phía trước
Đa phần các trường hợp trẻ bị ngã đập đầu phía trước thường bị sưng u, nổi cục và có các vết bầm tím do va đập. Da đầu của trẻ khá mềm và có chứa nhiều mạch máu nên khi va đập sẽ khiến các mạch máu bị vỡ phía bên trong, xuất huyết dưới da gây nên hiện tượng bầm tím. Những vết sưng bầm này gây đau và khó chịu cho trẻ nhất là khi chạm vào. Ban đầu chúng thường từ các vết màu đỏ chuyển dần qua tím, sau đó chuyển qua màu vàng tím rồi dần nhạt và biến mất. Cha mẹ có thể tham khảo các cách làm sau đây để có thể giúp trẻ giảm đau và nhanh chóng mờ đi các vết mờ tím.
Chườm đá lạnh
Chườm đá lạnh là một phương pháp giúp làm giảm sưng đau và các vết bầm tím trên cơ thể khá tốt. Nhờ có hơi lạnh mà các dây thần kinh và các tế bào thần kinh sẽ được ức chế hoạt động giúp giảm đau, đồng thời các mạch máu khi gặp lạnh cũng co lại, hạn chế chảy máu dưới da.
Sử dụng đá viên sạch bọc vào khăn hoặc miếng sạch sau đó áp lên vị trí bị sưng u trên đầu trong vòng 15 phút. Không nên chườm đá trực tiếp gây bỏng lạnh cho trẻ, chỉ chườm trên những vùng bị sưng, không có vết xước, tránh chườm lên vết thương hở gây nguy cơ bị nhiễm trùng.
Chườm ấm tan bầm
Với những vết bầm xuất hiện sau một thời gian bé bị ngã đập đầu có thể sử dụng phương pháp chườm ấm để giúp làm tan lượng máu bầm nhanh hơn. Phương pháp này không áp dụng ngay sau khi trẻ bị ngã và đang có hiện tượng xuất huyết dưới da bởi chúng gây nên tác dụng ngược, chỉ thực hiện sau khi vết thương đã ngừng xuất huyết.
Nhiệt độ ấm sẽ giúp máu được lưu thông nhanh chóng, từ đó giúp làm tan các vết máu bầm. Có thể sử dụng khăn ấm, túi chườm hay nước ấm để chườm lên vùng da bị bầm tím. Tuy nhiên không nên sử dụng nước quá nóng, chỉ nên dùng nước ở nhiệt độ vừa phải tránh gây bỏng cho trẻ. Lặp lại 2-3 giờ mỗi lần để đạt hiệu quả tốt nhất.
Bôi hỗn hợp nha đam, ngò tây
Nha đam và ngò tây là hai loại thực vật có chứa nhiều chất kháng sinh, chúng giúp ngăn ngừa hiện tượng sưng viêm khá tốt. Vì thế rất nhiều sử dụng nha đam và ngò tây để đắp lên các vết bầm tím hay các vết sưng viêm để giúp vết thương nhanh lành.
Nha đam tươi đem rửa sạch, gọt bỏ và rửa sạch mủ, chỉ lấy phần thịt. Ngò tươi sau khi rửa sạch thì đem xay cùng hỗn hợp nha đam. Đắp hỗn hợp này lên vết thương 3 lần mỗi ngày để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Lăn trứng gà luộc
Đây là phương pháp làm giảm các vết bầm tím được rất nhiều người áp dụng bởi tính tiện lợi và hiệu quả khá tốt của chúng. Khi cơ thể bị các sưng tấy và bầm tím có thể sử dụng trứng gà nóng lăn vào vùng bị thương để giảm đau và tan máu bầm.
Lấy vài quả trứng gà luộc chín lên, đem bóc vỏ và lăn lên vết thương khi trứng đang còn nóng, khi trứng nguội rồi thì thay bằng quả khác. Thực hiện vào lần trong một ngày và áp dụng trong vài ngày để có thể mang để giúp cải thiện các vết bầm hiệu quả.
Bột nghệ và phèn chua giảm thâm
Nghệ tươi có nhiều dưỡng chất mang lại hiệu quả cực tốt cho quá trình làm tan vết bầm và ngăn ngừa để lại sẹo do các vết xước gây ra.
Cách làm mờ các vết bầm tím và mờ sẹo bằng nghệ như sau: Chuẩn bị một ít nghệ tươi đem rửa sạch, gọt bỏ vỏ rồi đem giã nhuyễn. Thêm một ít phèn chua vào rồi trộn đều lên. Dùng bông thấm hỗn hợp này thấm nhẹ lên vết thương mỗi ngày để giảm tình trạng thâm bầm.
Giấm táo
Giấm táo vừa có thể làm gia vị vừa có thể làm thuốc chữa trị các vết thâm bầm của do bị ngã cho trẻ khá hiệu quả. Nhờ đặc tính kháng viêm mà cha mẹ hoàn toàn yên tâm sử dụng giấm táo để bôi lên các vết thâm bầm cho trẻ.
Lấy một ít giấm táo cho ra chén nhỏ, sau đó dùng bông sạch thấm vào rồi xoa lên vết bầm tím, dùng tay mát xa nhẹ nhàng lên vết bầm, thực hiện 2-3 lần mỗi ngày để thấy sự hiệu quả nhanh chóng.
Xem thêm: Cảnh giác khi trẻ bị ngã đập đầu chảy máu mũi
Trẻ có các biểu hiện nào cần đưa đến ngay bệnh viện
Tuy đa phần các chấn thương đầu khi bị ngã của trẻ không đáng lo ngại nhưng cha mẹ cũng cần lưu ý một số dấu hiệu sau đây để có thể bảo vệ trẻ an toàn. Những dấu hiệu này cho thấy trẻ đang trong tình trạng nguy hiểm, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ để lại các di chứng nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Trẻ bị méo hộp sọ, sờ vào có vết lún sâu
Khi phát hiện trẻ sau bị ngã có các biểu hiện như hộp sọ bị méo, có các vết lún hay bị ấn tay vào bị lõm vào trong, cha mẹ tuyệt đối không tự ý chỉnh nắn đầu của trẻ mà đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị.
Các vết lún này có thể do trẻ bị ngã đập đầu vỡ hộp sọ, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến não, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Cần di chuyển bé một cách nhẹ nhàng sau đó đưa bé đi cấp cứu càng sớm càng tốt
Trẻ bị chảy máu nhiều
Trong trường hợp bé bị ngã đập đầu va vào các vật sắc nhọn gây nên các vết rách lớn và chảy máu nhiều. Cha mẹ cần tiến hành cầm máu cho trẻ, băng bó tạm thời sau đó đưa trẻ đến bệnh viện để được khâu lại ngăn bé bị mất máu.
Trẻ bị chảy máu mắt, mũi, miệng
Nếu trẻ bị ngã đập đầu phía trước bị chảy máu ra hốc mắt, tai, mũi thì cha mẹ cần gọi cấp cứu đưa bé đến bệnh viện ngay. Đây là dấu hiệu của việc bé bị vỡ sàn sọ trước dẫn tới việc dịch não tủy bị chảy ra phía ngoài. Nếu không được cứu chữa kịp thời có thể gây viêm mủ màng não gây tử vong ở trẻ nhỏ.
Trẻ bị nôn nhiều
Trẻ sau bị ngã có thể bị nôn 1-2 lần do choáng váng hoặc do khóc nhiều. Tuy nhiên nếu trẻ nôn quá nhiều (nôn trên 3 lần) cha mẹ cũng cực kì lưu ý bởi đây là dấu hiệu của chấn thương sọ não. Não bị va đập mạnh khiến tổn thương và gây ra hiện tượng nôn ói liên tục. Cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, tuyệt đối không nên cho trẻ ăn thức ăn dạng sệt hay khó tiêu hóa, chỉ nên cho trẻ uống vài ngụm nước lọc để phòng trường hợp trẻ được chỉ định mổ.
Trẻ bị lơ mơ, mất nhận thức
Một số trẻ sau khi ngã không hề có biểu hiện bất thường, tuy nhiên sau đó một thời gian trẻ lại có các dấu hiệu như lơ mơ, nhận thức kém. Chẳng hạn như trẻ không tương tác với người khác như bình thường, không làm theo được yêu cầu hay không nhận ra người thân trong gia đình của mình. Đây là những biểu hiện của chấn thương não bộ vì thế cha mẹ cần cực kỳ lưu ý.
Trẻ bị ngất xỉu
Nếu trẻ sau ngã bị ngất xỉu, gọi không tỉnh dù chỉ là vài giây cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức. Tụ máu não sẽ gây nên tình trạng ngất xỉu này, nếu không được mổ kịp thời trẻ có nguy cơ tử vong cao.
Trẻ bị đau đầu liên tục
Sau va đập trẻ có thể bị đau đầu nhẹ tuy nhiên tình trạng này thường không kéo dài. Nếu sau 2 giờ sau ngã bé vẫn bị đau đầu, cảm giác đau phía bên trong và tình trạng này kéo dài không dứt cha mẹ cũng cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chụp chiếu để xác định chính xác bé đang gặp vấn đề gì để được xử lý một cách chính xác.
Trẻ ngủ quá nhiều
Nhiều cha mẹ thường để cho con ngủ sau khi bị ngã vì nghĩ rằng trẻ bị mệt. Tuy nhiên trẻ ngủ nhiều sau ngã cũng tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường đặc biệt là khi trẻ bị ngã và giờ trưa hoặc giờ tối. Não bị tổn thương cũng gây nên các cơn buồn ngủ, tuy nhiên chúng có thể khiến trẻ bị lịm đi gây cảm giác trẻ ngủ say nhưng thật ra trẻ đang gặp nguy hiểm.
Cha mẹ nên kiểm tra trẻ thường xuyên 2 tiếng một lần và đặc biệt là trong 2 giờ đầu tiên sau ngã. Nếu trẻ ngủ quá nhiều so với bình thường cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để xác định chính xác trẻ có thật sự đang ổn hay không.
Trẻ bị co giật
Một số trẻ bị các cơn co giật nhẹ sau ngã, co giật trong khoảng thời gian ngắn. Điều này chứng tỏ não bộ của bé bị ảnh hưởng dẫn tới các dây thần kinh không hoạt động ổn định được. Có thể ngăn trẻ tự cắn lưỡi bằng cách cho trẻ cắn vào khăn, quay lại video để các bác sĩ có thể quan sát và phán đoán chính xác tình trạng bệnh của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Trên đây là các cách làm giảm sưng đau, bầm tím do trẻ bị ngã đập đầu phía trước cha mẹ có thể tham khảo. Bảo vệ trẻ an toàn bằng cách thiết lập các hệ thống an toàn trong nhà cửa, dạy con các kỹ năng bảo vệ bản thân để trẻ có thể phát triển một cách khỏe mạnh, an toàn.