CÁCH LÀM BÁNH TÉT BÌNH ĐỊNH NGON – Bình Định Foody
Thời bao cấp, chỉ khi Tết đến, mọi người mới được thưởng thức bánh tét (ở miền Nam) và bánh chưng (ở miền Bắc) nhưng bây giờ, mọi việc đã trở nên đơn giản vô cùng khi bất kỳ lúc nào, thèm hương vị Tết cũng có thể mua, có thể thưởng thức mà không cần phải nhân dịp này, dịp kia. Bánh tét xuất hiện trong mâm cỗ cưới, mâm cúng người thân ngày giỗ kị, hay trong cả những ngày thường không vì bất kỳ lý do gì. Để tìm hiểu về món bánh mê hoặc mọi người, hãy để người Bình Định kể về nó nhé.
Khám Phá Ý Nghĩa Bánh Tét Trong Ngày Tết
Bánh tét (hay nhiều nơi còn gọi là bánh đòn) là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người dân Nam Bộ và một phần khu vực Trung Bộ. Theo nhiều tài liệu, tên gọi “bánh tét” xuất phát từ cách đọc trại theo tính chất vùng miền của từ “bánh Tết”. Khi thuyết minh về cách làm bánh tét, có không ít người cho rằng, “tét” là hành động cắt bánh thành khoanh nhỏ trước khi ăn.
Bánh tét được bọc bên ngoài bởi nhiều lớp lá chuối tượng trưng cho hình ảnh người mẹ ôm lấy con thể hiện mong muốn sum vầy của người Việt trong ngày Tết. Theo quan niệm của ông bà, phần nhân thịt, đậu xanh của bánh tét có ý nghĩa cầu mong sự ấm no, sung túc trong năm tới.
Chuẩn bị nguyên liệu làm Bánh tét Bình Định
– Nếp dẻo
– Thịt ba chỉ
– Đậu xanh
– Lá chuối
– Lạt để buộc
– Muối
– Tiêu hột, bột ngọt, hành củ khô.
Cách làm Bánh tét Bình Định ngon
– Gạo nếp vo sạch, muốn bánh mềm, dẻo thì đem ngâm gạo này trong nước khoảng 7-8 tiếng đồng hồ, sau đó vớt ra xóc thêm chút muối cho bánh tét không bị nhạt nhẽo sau khi luộc.
– Đậu xanh nên mua loại đậu xanh đã tách đôi, ngâm một đêm, sáng ra đãi sạch vỏ rồi xóc thêm chút muối cho đậm vị
– Thịt ba chỉ rửa sạch, để ráo, xắt thành những miếng có chiều dài chừng 10-12cm, chiều ngang cỡ 2- 3cm, sau đó ướp với hành củ khô giã nhỏ, tiêu đập dập, bột ngọt, bột nêm (tùy khẩu vị) và kèm theo một ít hành củ tươi trong khoảng 60 phút.
– Lá chuối rửa sạch nướng sơ trên bếp cho dẻo, không bị rách khi gói hoặc có thể trụng qua nối nước sôi, sau đó tước bỏ sống lá chỉ giữ lại phần lá không còn sống lá nữa.
– Lạt ngâm nước cho mềm và dẻo, tránh bị gẫy khi buộc.
– Lấy một cái mâm cho lá chuối vào mâm theo chiều dọc 2 miếng và chiều ngang 2 miếng sao cho các lá chồng lên nhau. Phía dưới các lá xếp các lạt cách đều nhau. Kế đến múc 1 chén gạo nếp đổ lên lá chuối, dàn mỏng ra các phía theo chiều dài nhưng cũng không được tràn ra mép lá
– Trên lớp gạo, cho khoảng ½ chén đậu xanh cũng dàn ra các phía theo chiều dài bánh nhưng không được tràn ra ngoài nếp
– Tiếp đến đặt miếng thịt ba chỉ theo chiều ngang của lá chuối sao cho định hình được Bánh tét rồi phía trên thịt phủ 1 lớp đậu xanh nữa. Trước khi phủ lớp đậu xanh có thể cho vài củ hành tươi đã ướp cùng thịt ba chỉ lúc nãy vào bên cạnh thịt rồi mới phủ đậu xanh. Trên cùng là lớp gạo nếp nữa sao cho gạo nếp này phủ kín và ôm trọn phần thịt với đậu xanh bên trong.
– Tiếp theo cầm mép lá cuộn chặt tay theo hình tròn, dùng lạt buộc cố định cho bánh thẳng. Bẻ gập một đầu, dựng bánh lên, gấp các mép lá của bên còn lại sao cho gọn gàng để gạo không bung ra ngoài
– Dùng lạt buộc nhiều vòng cho chắc chắn, rồi lật ngược bánh làm tương tự như vậy với bên kia.
– Nấu bánh trong vòng 12 tiếng đồng hồ là bánh chín.
* Bí quyết: Muốn Bánh tét mau mềm có thể ngâm gạo với nước thơm ép thì quá trình nấu chỉ còn 10 tiếng đồng hồ thôi.
Cách ăn Bánh tét Bình Định
Cách ăn rất đơn giản, chỉ cần tháo vài vòng lạt, giữ một dây lạt làm dụng cụ cắt bánh thay cho dao. Một đầu dây lạt cắn chặt vào răng, đầu còn lại quấn quanh thân Bánh tét với độ dày lát bánh tùy thích sau đó riết chặt hai đầu dây lạt là lát bánh đứt rời khỏi cây bánh tét. Cần bóc lớp lá chuối trước khi dùng lạt quấn quanh thân bánh tét để cắt cho lát bánh gọn và dễ cắt.
Nếu muốn ăn giòn thì sau khi cắt thành từng lát bánh, có thể cho vào chảo chiên, dầu sẽ làm lát bánh không chỉ dòn mà còn thơm nữa. Rất tuyệt.
Mẹo Nhỏ Trong Cách Luộc Giúp Bánh Tét Mềm, Dẻo, Xanh Bắt Mắt
Để bánh tét sau khi luộc mềm, dẻo và có màu xanh bắt mắt, bạn có thể áp dụng một số mẹo đơn giản dưới đây:
- Khi nấu được 1.5-2 tiếng, bạn vớt bánh ra ngoài, trở ngược đầu bánh rồi tiếp tục luộc để bánh chín đều.
- Khi nấu được ½ thời gian, bạn vớt bánh ra ngoài rửa qua với nước lạnh, thay nồi nước mới rồi đặt bánh vào tiếp tục luộc.
- Bạn nên chú ý châm nước thường xuyên để nồi nước không bị cạn trong quá trình nấu.
- Sau khi luộc chín, bạn vớt tét ra ngoài, rửa qua với nước lạnh, dùng tay lăn tròn để bánh được đẹp mắt.
Xem thêm: