Cách Làm Bài Văn Nghị Luận Về Hiện Tượng Đời Sống
Advertisement
Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi chúng ta cần bày tỏ quan điểm của mình về một sự việc, một hiện tượng nào đó. Chính những cách đánh giá, suy nghĩ riêng, muốn được bày tỏ để thuyết phục người nghe, người đọc tin lập luận của mình là đúng là dạng văn nghị luận về hiện tượng đời sống. Nắm chắc cách làm dạng văn này sẽ giúp triển khai một bài văn nghị luận với bố cục chặt chẽ và thuyết phục hơn. Cụ thể nội dung này như thế nào, sau đây mời các bạn theo dõi cùng chúng tôi.
Khái niệm nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống
Là cách nghị luận bàn về một sự việc, hiện tượng có ý nghĩa đối với xã hội, đáng khen, đáng chê hay có vấn đề đáng suy nghĩ. Những sự việc, hiện tượng này phải phổ biến, được dư luận chú ý, quan tâm và có tầm ảnh hưởng lớn.
Ví dụ các sự việc hiện tượng và đời sống phổ biến:
- Việc nói tục chửi thề của một bộ phận giới trẻ ở nước ta.
- Vấn đề xả rác bừa bãi nơi công cộng.
- Các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện vì người nghèo.
- Những tấm gương vượt khó để chúng ta học hỏi.
Đặc điểm bài văn nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống
Gồm có 2 đặc điểm chính mà các bạn cần tập trung phân tích là nội dung và hình thức.
Đặc điểm nội dung
- Nêu rõ sự việc có vấn đề cần nghị luận: Cần tập trung giới thiệu và nêu rõ vấn đề chính cần nghị luận và tập trung vào vấn đề này.
- Phân tích đúng – sai : Là cách thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá của mình về vấn đề cần nghị luận. Phải chỉ ra được những việc đúng – sai, lợi – hại, tiêu cực – tích cực trong hiện tượng đó.
- Chỉ ra nguyên nhân: Khi đã phân tích những điểm đúng – sai về hiện tượng hay sự việc đó thì các bạn cần đưa ra các nguyên nhân và lý giải được đó là nguyên nhân chủ quan hay khách quan tác động.
- Bày tỏ thái độ: Bày tỏ về tư tưởng, ý kiến riêng của chính mình về vấn đề đó nhưng phải dựa trên cơ sở khách quan là lý lẽ và dẫn chứng phải thuyết phục được người đọc, người nghe.
Đặc điểm về hình thức
- Bố cục phải mạch lạc: Bài nghị luận phải chia rõ bố cục gồm 3 phần mở bài, thân bài, kết bài và các ý phải sắp xếp theo trình tự hợp lý.
- Luận điểm rõ ràng, luận cứ xác thực: Luận cứ là những dẫn chứng, lý lẽ mà mình đưa ra để chứng minh cho luận điểm đó. Dẫn chứng phải có tính xác thực hay được trích dẫn từ những nguồn tin đáng tin cậy.
- Lập luận hợp lý: Có thể sử dụng nhiều phương pháp lập luận như chứng minh, so sánh, đánh giá… để tạo được hiệu quả cao nhất.
- Lời văn chính xác, sống động: Lời văn phải chính xác, đanh thép, mạnh mẽ nhưng văn nghị luận là phải nói lý, nhưng trong lý cần phải có tình. Có thể diễn đạt một cách khéo léo như sử dụng thêm các biện pháp tu từ, hình ảnh để giúp bài văn thêm sinh động.
Xem thêm >>> Cách làm một bài văn nghị luận về thơ, văn đơn giản
Cách làm bài văn nghị luận về hiện tượng đời sống đơn giản nhất
Để làm một bài văn nghị luận nói chung và bài văn nghị luận về hiện tượng đời sống thì các bạn cần thực hiện theo 4 bước sau:
Bước 1: Tìm hiểu đề
Sau khi đọc xong đề bài thì các bạn cần xác định được các vấn đề sau:
- Đề thuộc loại gì: Là đề thuộc nghị luận đạo lý, nghị luận đời sống xã hội…
- Đề nhắc đến hiện tượng nào: Phân tích và tìm đề bài đang nhắc đến hiện tượng nào.
- Đề yêu cầu làm gì: Như trình bày suy nghĩ, cách nhìn nhận, đánh giá … Nhưng đôi khi nhiều đề bài có những yêu cầu khác như chỉ bàn luận một phần nào đó trong các vấn đề cần nghị luận. Vì vậy các bạn nên chú ý đọc kỹ đề và thực hiện theo đúng yêu cầu mà đề bài đưa ra.
Bước 2: Lập dàn bài
Phần mở bài: giới thiệu về sự việc, hiện tượng cần bàn luận.
Phần thân bài:
- Giải thích mô tả, nêu biểu hiện của hiện tượng.
- Bàn luận về hiện tượng gồm phân tích các mặt như nguyên nhân, tác động và nêu đánh giá, nhận định.
- Bài học nhận thức hành động.
Phần kết bài: Kết luận, khẳng định, phủ định, lời khuyên.
Bước 3: Cách viết bài
- Viết thành từng đoạn.
- Thử mở bài thành nhiều cách như gián tiếp hoặc trực tiếp, từ chung đến riêng hay đi thẳng vào vấn đề chính…
- Tìm phương pháp lập luận phù hợp nhất
Bước 4: Đọc lại bài viết và sửa chữa các lỗi nếu có
- Lỗi chính tả: Là lỗi phổ biến nhất mà các bạn hay mắc phải.
- Lỗi dùng từ: Kiểm tra lại cách dùng từ có phù hợp chưa.
- Lỗi ngữ pháp: Câu cú có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ chưa.
- Lỗi liên kết: Các lỗi liên kết câu, liên kết đoạn trong văn bản đã hợp lý chưa.
Bài tập ví dụ
Đề bài: Lập dàn ý cho đề bài nghị luận hiện tượng đời sống sau: Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn. Nhiều bạn vì mải chơi mà sao nhãng việc học tập và còn phạm những sai lầm khác. Hãy nêu ý kiến của em về vấn đề đó.
— Đáp án —
Mở bài: giới thiệu về hiện tượng “nghiện” trò chơi điện tử của học sinh.
Thân bài:
– Giải thích hiện tượng: Trò chơi điện tử là loại trò chơi có thể chơi được trên máy tính, điện thoại với nhiều thể loại như bắn súng, đua xe, chiến đấu…
– Bàn luận:
- Trò chơi điện tử có giá trị giải trí.
- Biểu hiện, nguyên nhân của việc nghiện trò chơi điện tử.
- Hậu quả của việc nghiện trò chơi điện tử.
– Bài học nhận thức: Sắp xếp thời gian chơi điện tử hợp lý, chừng mực.
Kết bài:
- Nêu quan điểm của bản thân về việc nghiện chơi điện tử
- Rút ra bài học
Advertisement