Cách chọn trái cây thờ ngày Tết, những kiêng kỵ khi bày mâm ngũ quả tránh hao tốn tài lộc
Mặc dù bày mâm ngũ quả chủ yếu ở tấm lòng thành của gia chủ tuy nhiên cũng có những kiêng kỵ nhất định bạn cần phải chú ý.
Mâm ngũ quả là một trong những lễ vật không thể thiếu trong ngày Tết để dâng lên ban thờ gia tiên. Tuy mâm ngũ quả được hiểu là 5 loại quả nhưng thực tế, gia chủ có thể cúng nhiều loại hơn, chỉ cần các loại quả mang số lẻ, chẳng hạn 5, 7, 9… loại quả.
Để mâm ngũ quả luôn đẹp mắt, đảm bảo được ý nghĩa cho ngày Tết, gia chủ cần tuyển chọn các loại quả sao cho ngon, đẹp, không bị thối hỏng, tránh làm hao tổn tài lộc.
Dưới đây là cách chọn hoa quả thờ Tết và những kiêng kỵ khi bày mâm ngũ quả, các bạn có thể tham khảo:
1. Cách chọn hoa quả để bày mâm ngũ quả
Mỗi miền Bắc, Trung, Nam vừa có cách cúng mâm ngũ quả khác nhau dựa theo quan niệm về ý nghĩa của mỗi loại quả. Tuy nhiên, cách chọn quả ngon, đẹp, chất lượng để cúng lại giống nhau.
Chuối
Để chọn chuối thờ ngày Tết, cần chọn những nải chuối tiêu già nhưng vẫn còn xanh, quả to đều, có độ cong cũng đều nhau như vậy mới “ôm” hết được những loại hoa quả khác đặt bên trong nó.
Không nên chọn những nải chuối sắp chín hoặc chuẩn bị ngả sang màu vàng. Vì những nải chuối này khi thắp hương, độ nóng của nhang sẽ làm chuối chín nhanh, rụng quả, hỏng cả mâm ngũ quả. Hơn nữa, mâm ngũ quả sẽ có 5 loại quả với 5 màu sắc khác nhau, tượng trưng cho quy luật đất trời theo ngũ hành: Kim (màu trắng), Mộc (màu xanh), Thủy (màu đen), Hỏa (màu đỏ), Thổ (màu vàng). Vì vậy, màu xanh của chuối chính là tượng trưng cho hành Mộc. Nếu thờ chuối màu vàng sẽ không đủ ý nghĩa.
Ngoài ra, tiêu chí chọn chuối xanh thờ Tết người ta chú trọng đến số lượng quả trong một nải chuối và các nải số lẻ luôn được mua với giá cao. Lý giải vì sao nải chuối quả lẻ thường có giá cao ngất nhưng vẫn được chọn mua nhiều ngày Tết, T.S, Chuyên gia phong thủy Nguyễn Ngoan cho biết, chẵn là số âm, lẻ là số dương, số âm không có tốt. Hơn nữa trái chuối là số âm nên ta cần số dương. Chính vì thế nên nải chuối có quả lẻ thường bán đắt hơn nải chuối có quả chẵn.
Bưởi
Dù là với giống bưởi gì thì khi chọn bưởi để thờ cũng nên chọn những quả trông căng bóng, mọng nước, tươi, vẫn còn cuống và lá màu xanh tươi.
Khi chạm tay vào cuống, vẫn thấy cuống chắc chắn, không lung lay. Để ý xem người ta có gắn keo vào cuống không, nếu thấy có mùi keo hoặc dấu vết của keo thì tránh mua.
Quả bưởi ngon là quả có gai nở, cầm nặng tay, mùi thơm nức đặc trưng.
Không chọn những quả có vết bầm dập, những quả này rất nhanh bị thối.
Không chọn những quả lồi lõm hoặc tấm lấm vết ong châm. Những quả này dễ hỏng bên trong hoặc bị đắng.
Cam
Cũng tương tự như bưởi, nên mua những quả cam còn nguyên cuống, da bóng, còn lá càng tốt. Nhìn xung quanh cuống thấy dày và cao, phần rốn lõm xuống là cam ngon.
Với những quả cầm thấy nhẹ tay là quả ít nước, khô. Không nên chọn cam màu vàng tươi, có vết ong châm, đã rụng cuống. Nên chọn quả màu vàng mỡ gà, chiếm ít nhất 1/3 quả, da bóng láng, có đốm mờ, vỏ mỏng. Nói chung, không nên chọn quả đã chín quá.
Táo
Chắc chắn khi mua táo, nhiều người có sở thích chọn những quả có màu đỏ đặc biệt vì nghĩ táo càng đỏ sẽ càng ngon và ngọt. Thế nhưng người bán lại cho biết, khi mua, không nhất định phải chọn quả có màu đỏ.
Những quả táo trông có màu đỏ tươi có khả năng có một số chất gia tốc màu đỏ làm táo có màu đẹp hơn. Còn những quả chín tự nhiên thường có màu vàng đỏ, màu sắc trên quả cũng không đều. Nếu để ý thấy có các đường sọc trên táo có nghĩa là quả đó ngọt, giòn, vỏ mỏng, chúng ta có thể yên tâm mua.
Khi người nông dân hái táo, cuống táo đều có màu xanh nhạt. Sau khi bảo quản lâu ngày, màu sắc của cuống sẽ thay đổi từng chút một, từ xanh nhạt sang xanh đậm hoặc nâu sẫm, nhưng cũng cần phải có một quy trình nhất định. Bảo quản càng lâu thì màu của cuống sẽ càng đậm và tối.
Chúng ta đều biết rằng chỉ có những quả táo tươi mới nhiều nước, mọng nước và ngọt, táo để lâu sẽ không đủ nước, vỏ sẽ dày và mùi vị kém. Vì thế, khi chọn táo, chúng ta nên quan sát màu sắc của cuống quả, nếu có màu xanh nhạt càng tươi, màu càng đậm nghĩa là đã để quá lâu. Nếu chỗ cuống mà có nhiều nước chảy ra là táo đã hỏng.
Khi mua táo chúng ta có thể cầm táo lên để quan sát và xem vị trí lõm dưới đáy của quả táo. Đây còn gọi là rốn quả. Nếu chỗ lõm càng sâu chứng tỏ táo ngon ngọt, ngược lại, rốn táo không sâu sẽ không ngon bằng.
Khi mua táo cùng loại, chúng ta nên lấy những quả táo cùng kích cỡ và cầm trên tay, thấy quả táo nào nặng hơn, cầm chắc tay chứng tỏ nó nhiều nước và ngọt. Đây là những quả táo còn tươi. Còn quả táo cầm lên thy nhẹ tay hơn, chứng tỏ nó đã mất nhiều nước và dinh dưỡng, sẽ kém ngon, cũng không giòn ngọt bằng quả kia.
Lê
Chọn những quả căng, cầm nặng tay mới ngon. Không chọn quả bị xước da hay bị dập, có vết thâm đen. Nên chọn quả cuống vẫn còn màu xanh. Quả nào cuống đen, mốc là lê để lâu.
Đu đủ
Nếu đu đủ mua để ăn ngay thì chọn quả chín nhưng với quả thắp hương chỉ nên chọn quả già, màu hơi ngả vàng, nặng trái, cuống còn tươi. Những quả như thế này khi thờ sẽ chín dần dần, trông vô cùng đẹp mắt.
Nho
Bạn nên chọn nho loại chùm lớn, trái to và mọng nước, cuống còn tươi nguyên và bám chắc vào quả như vậy mới để được lâu.
Thanh long
Chọn trái có vỏ bóng đỏ sậm và mỏng, vỏ còn thật tươi mới, phần nhọn của vỏ vẫn còn chút màu xanh. Những quả vỏ bóng, căng tròn thì sẽ ngọt hơn. Không chọn quả có vỏ đã bắt đầu héo, có nhiều vết thâm đen sẽ nhanh bị mốc hỏng và thối.
Xoài
Chọn quả có da căng bóng, màu vàng sáng, không lấy quả thâm đen, vỏ nhăn, nhũn. Khúc đầu quả chín vàng, còn cứng mới để được lâu. Hai bên má quả xoài căng và dày lên sẽ ngọt hơn.
Mãng cầu
Chọn quả da vàng, láng, gai mềm, khoảng cách giũa các gai rộng.
Trứng gà (lê ki ma)
Chọn quả có màu vàng đẹp nhưng sờ vào vẫn còn rất cứng.
Sung
Nên chọn những chùm còn tươi nguyên, vừa mới hái càng tốt để tránh bị thâm mất thẩm mỹ.
Dưa hấu
– Vỏ dưa: Vỏ căng tròn, láng bóng, các xọc đen phải nổi rõ, dùng ngón tay cái ấn nhẹ vào vỏ thấy cứng là dưa ngon, tốt.
– Cuống dưa: nhỏ, héo khô lại là dưa già. Nếu cuống dưa héo mà do hái non thì cuống thường to, không teo nhiều.
– Núm dưa: tròn đều, hơi lõm xuống.
– Rốn dưa: Xem phần rốn quả dưa lớn hay bé (càng bé càng tốt). Đồng thời xem nó có lõm vào hay không, lõm và càng sâu thì càng ngọt. Nhưng với quả dưa hình cầu, nếu nó lõm sâu thì thường là quả đã chín quá, sẽ bị xốp.
– Phần dưa nằm tiếp đất: Có màu vàng đậm pha trắng là dưa ngọt, nếu có xanh và hơi vàng là quả dưa còn non.
– Vỗ vào quả dưa thấy có tiếng giòn tan là dưa ngọt.
Lựu
Chọn những quả to, vỏ mỏng, các hạt bên trong lồi lên nhìn rất rõ, vỏ màu đỏ cho đẹp mắt, nếu không chọn những quả đỏ pha màu trắng.
Dừa
Chọn quả còn tươi nguyên, nên giữ lại ít râu dừa cho đẹp mắt. Không chọn quả bị hơi lúc hái, có nhiều vết hẳn không đẹp mắt.
2. Những kiêng kỵ khi bày mâm ngũ quả
Cúng những quả chín
Nếu mua quả về ăn liền nên chọn những quả chín tới nhưng hoa quả cúng, đặc biệt là bày mâm ngũ quả, phải để cả tuần trên ban thờ thì không thể chọn quả chín vì như vậy quả sẽ rất nhanh thối hỏng. Chẳng hạn như chuối thường đặt ở dưới cùng để đỡ các quả bên trên, vì chín nó sẽ rụng quả, khiến mâm ngũ quả có thể bị sập xuống điều này thật kiêng kỵ.
Cách tốt nhất gia chủ nên chọn những trái cây già quả nhưng chưa chín. Dưới sức nóng của hương nhang, các quả sẽ chín dần. Qua vài ngày Tết chúng sẽ có màng vàng dần cũng rất đẹp mắt.
Làm ướt hoa quả hoặc bày hoa quả ướt
Do tính cẩn thận, nhiều người mua hoa quả về thường đem rửa lại cho sạch với nước. Tuy nhiên, sau khi rửa xong, hoa quả sẽ bị ướt, nước sẽ đọng ở các khe kẽ, điều này làm chúng nhanh thối hỏng hơn. Chưa kể đến, trong quá trình rửa, có thể cuống hoặc núm của các loại quả có thể bị rụng.
Vì thế, hoa quả mua về, muốn sạch gia chủ nên dùng khăn mềm lau nhẹ hết bụi bẩn là được. Với những quả bưởi có vỏ bị ố vàng, có thể hòa chút nước vôi sạch, thấm vào khăn rồi lau sạch để bưởi không bị đọng nước.
Bày thêm các thực phẩm khác lên mâm ngũ quả
Thông thường, mâm ngũ quả sẽ gồm 5 loại quả với những ý nghĩa mang lại sự may mắn, sum vầy, đủ đầy, hạnh phúc cho gia đình của gia chủ. Tuy nhiên, cũng tùy theo mùa, theo quan niệm mỗi vùng mà trên mâm ngũ quả cũng có sự bày biện khác nhau. Nhiều gia đình bày 5 hoặc 7 hay 9 loại quả… đều được.
Các loại quả ở đây có thể là chuối, bưởi, cam, lê, táo, quýt, phật thủ… ở miền Bắc; còn ở miền Nam sẽ có các loại quả như dừa, mãng cầu, xoài, sung, đu đủ, trứng gà (lê ki ma), lựu…
Nhiều người cũng có thói quen đặt thêm bánh kẹo, bia, thuốc lá chung lên mâm ngũ quả cho đầy đủ và đẹp mắt. Tuy nhiên theo quan niệm của người xưa, điều này coi là phạm úy với bề trên, thánh thần. Do đó, hoa, quả bánh kẹo chỉ nên bày bên canh mâm ngũ quả chứ không được bày cùng.
Bày quả có gai, nặng mùi
Mặc dù mâm ngũ quả là thể hiện thành tâm của gia chủ nhưng cũng cần tránh bày những loại quả có gai nhọn như mít, sầu riêng, dứa… là những loại quả kiêng kỵ đặt trên mâm ngũ quả ngày Tết.
Đâu là những quả có nhiều gai sắc nhọn, lại quá nặng mùi. Trên ban thờ gia tiên là nơi thiêng kiêng không nên bày chúng. Vì vậy, khi chuẩn bị mâm ngũ quả, bạn nên chọn những trái cây có mùi thơm nhẹ nhàng, thanh mát là được.
Bày hoa quả giả
Hoa quả giả cũng như hoa quả thật được bày bán rất nhiều, về cơ bản chúng rất sống động và giống thật. Một số người vì lo quả thật sẽ thối hỏng nên mua những loại hoa quả giả này về bày biện trên ban thờ cho đẹp. Mặc dù quan trọng là tấm lòng thành tâm nhưng gia chủ tuyệt đối không nên đặt hoa quả giả lên thờ cúng.
Theo quan niệm tâm linh của người Việt, việc bày hoa quả giả trên bàn thờ trong những ngày này vừa không tôn trọng thần linh, gia tiên, vừa không có lợi cho phong thủy. Do đó, gia chủ nên chọn những loại hoa quả thật mang ý nghĩa tốt lành, đủ màu sắc để đặt lên mâm ngũ quả.
Ý nghĩa tượng trưng của từng loại trong mâm ngũ quả
– Chuối xanh: Nải chuối có số quả lẻ tượng trưng sự sinh sôi. Hình quả cong vút như bàn tay bao bọc, chở che, sum vầy đông con nhiều cháu đón nhiều phúc lộc.
– Bưởi: To tròn căng mọng thể hiện sự an khang thịnh vượng
– Cam, quýt, quất: Loại quả màu vàng rực tượng trưng cho quyền lực, công danh thành đạt.
– Táo: Màu đỏ của táo tượng trưng cho may mắn, phú quý an khang.
– Đu đủ: Cái tên đã nói lên được mong muốn sự đủ đầy, ấm no của gia chủ
– Phật thủ: Những nếp quả ôm vào nhau như bàn tay phật che chở cho cả gia đình
– Dưa hấu: Hình tròn căng dồi dào năng lượng, tinh thần, sắc đỏ của dưa tượng trưng cho may mắn, sự sinh sôi, nguồn năng lượng vô tận.
– Xoài: Phát âm giống từ “tiêu xài” ý mong muốn tiêu xài thoải mái không lo thiếu thốn
– Thanh Long: Rồng múa phượng bay, phát tài phát lộc
– Lựu: Nhiều hạt, vị ngọt tức của cải lúc nào cũng đầy nhà
– Lê: Ngọt thanh, công việc làm ăn thuận lợi ít gặp biến cố
– Sung: Biểu trưng cho sự sung túc, con đàn cháu đống.
– Đào: Mang lại sức khỏe, giàu có.
– Quả trứng gà: Lộc ban phước trời cho, công thành danh toại.
– Na: Mắt sáng tinh thông minh sáng suốt, con cháu học giỏi.
– Mãng cầu xiêm: “Cầu” tức là cầu chúc cho năm mới vạn sự như ý.
– Dừa: Trái dừa ngọt như đong đầy tình mẹ, gắn kết gia đình con cháu hạnh phúc.
– Dứa (thơm): Thơm tho – Đa phúc thọ, sự may mắn an lành. Lá dứa sum suê tươi tốt ngụ ý công việc phát triển thuận lợi.
* Bài viết chỉ mang tính tham khảo